Loạt số liệu mới cho thấy, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục “hụt hơi” trong tháng 11, do thị trường bất động sản sụt giảm nghiêm trọng và chuỗi cung ứng vẫn đứt đoạn.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) vừa công bố các chỉ số tăng trưởng kinh tế Trung Quốc tháng 11.
Theo đó, tăng trưởng đầu tư vào tài sản cố định giảm 5,2%. Đầu tư bất động sản tăng ở mức 6% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng chậm hơn so với mức 7,2% trong 10 tháng qua, khi các quy định tài chính về cho vay bất động sản vẫn nghiêm ngặt và doanh số bán nhà giảm mạnh.
Sản lượng công nghiệp tăng ở mức 3,8% so với năm ngoái, cao hơn mức 3,5% trong tháng 10 và mức dự đoán 3,7% của các nhà kinh tế. Tuy nhiên, tăng trưởng doanh số bán lẻ suy yếu ở mức 3,9%, giảm mạnh so với mức dự đoán tăng 4,7%. Doanh số trong các lĩnh vực như nhà hàng và dịch vụ ăn uống giảm 2,7% khi mọi người ở nhà nhiều hơn trong bối cảnh các đợt bùng phát virus trở lại.
Những con số này cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang thực sự "ngấm đòn" bởi sự suy giảm trên thị trường bất động sản. Nó cũng đặt những thách thức lớn mà chính phủ Trung Quốc sẽ phải đối mặt trong việc ổn định nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Mặc dù mới đây Bắc Kinh đã phát tín hiệu nới lỏng kiểm soát trên thị trường bất động sản và dự kiến "bơm" thêm tiền cho lĩnh vực này, nhưng các quan chức nước này vẫn khẳng định lập trường "nhà không phải để đầu cơ".
Đầu tư cơ sở hạ tầng, một mắt xích khác dẫn đến sự phục hồi chậm chạp của nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay, cũng suy yếu khi tăng ở mức 0,5%. Theo Bloomberg, các chính quyền địa phương nước này đang nỗ lực tăng cường vay thêm tiền và khởi động các dự án mới trong khi đó Bắc Kinh đã cho phép các nhà chức trách bán trái phiếu năm mới kể từ ngày 1/1/2022 để đẩy mạnh chi tiêu.
Một chỉ tiêu quan trọng khác là chỉ tiêu tiêu dùng của nước này đang suy yếu dù doanh số trong các dịp lễ mua sắm Ngày Độc thân vừa qua vẫn tăng mạnh.
Theo Bloomberg, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do doanh số mua sắm này vẫn không đủ để bù đắp sự thiếu hụt doanh số từ nhà hàng và dịch vụ ăn uống cũng như hàng hóa thực phẩm do tác động của dịch COVID-19.
Ông Bruce Pang - Trưởng bộ phận Nghiên cứu Chiến lược và Vĩ mô tại China Renaissance chia sẻ với báo giới rằng, "Những sóng gió và bất ổn đang che mờ tốc độ phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc". Ông hy vọng Bắc Kinh sẽ tăng cường hỗ trợ tăng trưởng trong những tháng tới.
Kinh tế suy giảm đang thúc đẩy Bắc Kinh chuyển hướng trọng tâm sang tăng trưởng ổn định với việc ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ và chi tiêu tài khóa nhiều hơn trong năm 2022. Các chính quyền địa phương cũng được lệnh vừa tăng tốc chi tiêu vừa tiếp tục kiểm soát dư nợ.