Những nỗ lực tìm cách kiềm chế lạm phát mà không cần tăng lãi suất thường không mang lại kết quả tốt đẹp cho các quốc gia trên thế giới.
Lạm phát đang trở thành vấn đề nóng tại nhiều quốc gia. Các nước này đang tìm cách kiềm chế lạm phát gia tăng mà không cần tăng lãi suất. Tuy nhiên, các ví dụ dưới đây cho thấy những nỗ lực như vậy thường không mang lại kết quả gì tốt đẹp trong quá khứ.
Thổ Nhĩ Kỳ
Nhiều năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ chủ trương giảm lãi suất và chỉ tăng trở lại khi đồng lira lao dốc, gây ra lạm phát. Động thái này thường đi kèm với một số biện pháp khác như hạn chế ngoại hối.
Tuy nhiên, lần này Tổng thống Tayyip Erdogan đã thực hiện một cách chống lạm phát hoàn toàn khác. Ông cho biết sẽ dốc toàn lực để kiềm chế lạm phát bằng cách đề nghị bồi thường cho những người gửi tiết kiệm (bằng đồng lira) bằng ngân sách của chính phủ nếu đồng nội tệ giảm mạnh hơn mức lãi suất tiết kiệm ngân hàng. Biện pháp này có thể rất tốn kém và có nguy cơ ảnh hưởng tới vốn đầu tư nước ngoài.
“Thành thật mà nói, về những gì Thổ Nhĩ Kỳ đang làm, tôi chưa bao giờ thấy điều gì tương tự như vậy trước đây”, chuyên gia kinh tế trưởng Gilles Moec của AXA cho biết.
Argentina
Sự thiếu tin tưởng vào các thể chế kinh tế và đồng peso đã cản trở Argentina trong nhiều thập kỷ qua. Hai trong những biện pháp mà phe cánh tả và hữu trong chính phủ nước này tung ra để kiềm chế lạm phát gia tăng là “đóng băng” nhiều sản phẩm và kiểm soát vốn.
Người dân Argentina thường thích kinh doanh bằng đồng USD, song vì bị hạn chế tiếp cận với đồng bạc xanh nên đã tạo ra khoảng cách lớn giữa tỷ giá ngoại hối ở thị trường chính thức và chợ đen.
Ngân hàng trung ương nước này gần đây tăng lãi suất từ 38% lên 40%. Tuy nhiên, lãi suất thực, có tính đến lạm phát, vẫn thấp hơn nhiều so với mức 0.
Chuyên gia kinh tế Alberto Ramos của Goldman Sachs cho rằng, lạm phát ở Argentina trung bình là 47,2% kể từ tháng 7/2018. Điều này cho thấy những rối loạn đáng kể trong chính sách vĩ mô và sự thất bại của cơ quan tiền tệ trong việc kiểm soát nội tệ.
Venezuela
Chính phủ Venezuela đã thử gần như mọi cách trong hơn hai thập kỷ qua, từ ấn định tỷ giá vào năm 2007 đến ban hành đồng USD giảm giá, một chính sách sau đó nhanh chóng bị đảo ngược do nhu cầu quá lớn.
Quốc gia này vỡ nợ vào năm 2017 và việc in tiền để bù đắp thâm hụt ngân sách gần đây đã ra tình trạng siêu lạm phát, lên tới 65.000% vào năm 2018. IMF dự báo lạm phát năm nay sẽ ở 2.000%.
Tổng thống Nicholas Maduro đã nới lỏng một số biện pháp kiểm soát giá cả vào năm 2019 và dỡ bỏ lệnh cấm giao dịch ngoại tệ. Tỷ giá hối đoái chính thức và không chính thức được ban hành nhưng đồng bolivar giảm 8.000% và tỷ lệ nợ trên GDP của Venezuela tăng lên 500%.
Tháng trước, Reuters đưa tin Chính phủ nước này đang trả tiền cho các nhà cung cấp bằng đồng USD để giúp kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, Ngân hàng Phát triển liên châu Mỹ và các tổ chức tín dụng khác đã cảm báo biện pháp này sẽ khiến những người không thể kiếm được USD ít có khả năng tiếp cận được với hàng hoá cơ bản bao gồm cả thực phẩm.
Brazil
Lạm phát cao vào những năm 1980 trở thành siêu lạm phát vào những năm 1990 khi Brazil vừa quay trở lại chế độ dân chủ. Dưới thời Tổng thống Fernando Collor de Mello, giá cả, tiền lương và 80% tài sản tư nhân bị đóng băng, các giao dịch tài chính bị đánh thuế mạnh tay.
Lạm phát đạt đỉnh gần 3.000% vào năm 1990 và dù giảm xuống 433% vào năm 1991, nó lại lên lại gần 2.000% vào năm 1993. “Kế hoạch thực tế” của chính phủ vào năm 1994 đã đưa mọi thứ vào tầm kiểm soát, thiết lập một loại tiền tệ mới, tăng lãi suất và cắt giảm chi tiêu. Kể từ năm 1997, lạm phát năm nào cũng ở mức một con số, trừ một năm.
Ba Lan
“Lá chắn chống lạm phát 2.0” của Ba Lan bao gồm giảm tạm thời thuế giá trị gia tăng đối với nhiên liệu, thực phẩm và phân bón để đối phó với việc lạm phát có thể lên hai con số lần đầu tiên kể từ năm 2000.
JPMorgan tính toán các biện pháp gần đây và “lá chắn 1.0” sẽ giúp lạm phát giảm 3 điểm % vào giữa năm nay. Trong khi đó, thủ tướng Ba Lan ước tính “lá chắn 1.0 và 2.0” sẽ tiêu tốn tới 30 tỷ zloty (7,53 tỷ USD), tương đương gần 1% GDP.
Tuy nhiên, theo chuyên gia José Cerveira của JPMorgan, duy trì chỉ số giá tiêu dùng thấp sẽ mang lại kết quả bại trận nếu áp lực giá cả vẫn tồn tại.
Congo và Zimbabwe
Giá cả ở Cộng hoà Dân chủ Congo tăng 6,3 tỷ % trong nửa đầu những năm 1990 do thâm hụt ngân sách vì in tiền tràn lan. Sự thận trọng trong chính sách tiền tệ và tài khoá cùng với việc thả nổi tỷ giá ngoại hối đã giúp siêu lạm phát được kiểm soát vào năm 2001.
Còn Zimbabwe in quá nhiều tiền, bao gồm cả tờ tiền 100.000 tỷ đôla Zimbabwe, đến nỗi tỷ lệ lạm phát chạm mốc 500 tỷ % trong năm 2008, khiến nội tệ của nước này gần như vô giá trị. Chính phủ nước này sau đó áp trần giá khiến người bán hàng không thể kiếm lời, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lớn.
Vào cuối năm 2008, người Zimbabwe sử dụng USD để giao dịch và vào năm 2009, một hệ thống đa tiền tệ, bao gồm cả đồng rand của Nam Phi, được ban hành. Đồng đôla Zimbabwe mới được giới thiệu vào năm 2019, song chính phủ nước này buộc phải quay lại hệ thống đa tiền tệ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020, đẩy lạm phát lên 349%.
Pháp
Siêu lạm phát trong Cuộc cách mạng Pháp ghi nhận mức tăng giá hàng tháng lên đỉnh điểm là 143%. Luật về mức tối đa chung sau đó được ban hành vào năm 1793, bao gồm việc giới hạn giá cả và án tử hình đối với tội nâng giá cơ hội.
Các nhà sử học nói rằng đó gần như là một thất bại vì các thương nhân bị buộc bán hàng với giá thấp hơn giá vốn và họ chuyển sang thị trường chợ đen hoặc giữ hàng cho riêng mình, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung trầm trọng.
Mexico
Giá dầu giảm và Mỹ tăng lãi suất đã cản trợ sự bùng nổ kinh tế của Mexico trong giai đoạn 1980 – 1981 và khiến tỷ giá đồng đôla Mỹ và peso tăng mạnh, dòng vốn tháo chạy và dự trữ ngoại hối cạn kiệt khiến nội tệ lao dốc 260% vào năm 1982. Tiền gửi ngân hàng bằng USD được chuyển đổi thành peso và chính phủ tuyên bố hoãn trả nợ. Vào cuối năm, toàn bộ hoạt động thương mại bị áp quy định, các biện pháp kiểm soát vốn hoàn toàn được thông qua và giới nhà băng được quốc hữu hoá.
Lạm phát hàng năm lên gần 100% trong giai đoạn 1982 – 1983 do GDP bình quân đầu người thực tế giảm. Chỉ số này giữ ở mức cao sau đó và từng lên đỉnh 150% vào năm 1987.
Trong cuộc khủng hoảng peso năm 1994, sự kiện từng gây ảnh hưởng lan sang các nền kinh tế mới nổi khác, chính phủ buộc phải thả nổi nội tệ, khiến peso giảm mạnh về giá trị. Ngành ngân hàng của Mexico theo đó sụp đổ và nước này cần gói cứu trợ quốc tế trị giá 50 tỷ USD để tránh vỡ nợ.
Sau đó, Mexico rơi vào một cuộc suy thoái trầm trọng và siêu lạm phát, nhưng đến năm 2002, Mexico được các tổ chức xếp hạng tín dụng đánh giá ở hạng “đầu tư”.
Những năm 1970
Nhiều quốc gia chuyển sang áp dụng biện pháp kiểm soát vốn sau khi hệ thống tỷ giá ngoại hối cố định của Bretton Woods sụp đổ vào năm 1971 và cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 khiến lạm phát trên toàn thế giới gia tăng.
Sau khi rút khỏi Bretton Woods, Mỹ đóng băng giá cả và tiền lương trong 90 ngày lần đầu tiên kể từ Thế chiến thứ 2. Nó được coi là một chính sách thành công về chính trị nhưng lại là sự thất bại về kinh tế do dẫn đến tình trạng lạm phát kèm suy thoái và bất ổn tiền tệ.USD mất 1/3 giá trị trong suốt những năm 1970.
Pháp cũng áp dụng biện pháp kiểm soát vốn và Anh cũng vậy khi lạm phát lên gần 25%. Chính sách không được ưa chuộng này đã châm ngòi cho các cuộc đình công trong giới lao động, điển hình là chiến dịch “Mùa đông bất mãn” năm 1978 – 1979.
Lạm phát thoái lui vào đầu những năm 1980 sau khi các chính phủ tăng lãi suất và giá dầu giảm.