Hải Phòng vừa bị tố có một số bất cập trong việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển. Trong khi đó, Cảng Hải Phòng gây chú ý khi trường kỳ nợ người lao động trăm tỷ nhưng lại trả 8 lãnh đạo thù lao bạc tỷ. Ngoài ra, quá trình cổ phần hóa của công ty bị yêu cầu kiểm tra lại.
Hải Phòng bị "tố" thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển không đúng quy định
Mới đây, ông Lê Thanh Vân, đại biểu Quốc hội khóa XV đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu một số bất cập trong việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển tại Hải Phòng và TP.HCM.
Theo ông Vân, trước đó, Hiệp hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam đã có văn bản kiến nghị không thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa.
Trích dẫn văn bản của Hiệp hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam, ông Vân cho biết: Hiện nay, Hải Phòng và TP.HCM thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội nổi lên một số vấn đề cần phải xem xét.
Thứ nhất, thu phí không đúng đối tượng, vì hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa không sử dụng hạ tầng của địa phương kết nối với cảng biển.
Thứ hai, không khuyến khích hàng hóa được vận tải bằng đường thủy nội địa để giảm áp lực cho hạ tầng đường bộ, giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông đường bộ kết nối đến các cảng biển.
Thứ ba, không bảo đảm công bằng đối với các doanh nghiệp vận tải thủy, so với các hình thức vận tải khác, làm tăng chi phí logistics vận tải đường thủy nội địa.
Thứ tư, không thực hiện đúng như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26 về giảm khí thải carbon vào môi trường.
Cuối cùng, trái với quy định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Trước những bất cập nêu trên, ông Lê Thanh Vân đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính giao cơ quan tham mưu nghiên cứu, xem xét tính hợp pháp, hợp lý của các văn bản do Hải Phòng và TP.HCM ban hành để xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính yêu cầu kiểm tra lại quá trình cổ phần hóa
Cảng Hải Phòng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán. Điểm đáng chú ý nhất chính là ý kiến ngoại trừ liên quan đến tài sản thuộc cầu cảng số 4, 5 và bãi container Cảng Chùa Vẽ do công ty kiểm toán AASC đưa ra.
Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2021, Cảng Hải Phòng đang ghi nhận tại chỉ tiêu “tài sản cố định hữu hình” trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất đối với các tài sản thuộc cầu cảng số 4, 5 và bãi container Cảng Chùa Vẽ với tổng nguyên giá gần 280 tỷ đồng, giá trị còn lại hơn 149 tỷ đồng. Nguồn vốn hình thành nên các tài sản này được ghi nhận tại chỉ tiêu “vay và nợ thuê tài chính dài hạn” giá trị tương ứng hơn 342 tỷ đồng.
Đây là các tài sản thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp Cảng Hải Phòng giai đoạn 2 do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ. Hiện tại, Công ty đang trình các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án khai thác các tài sản này.
Theo yêu cầu của Bộ Tài chính, Cảng Hải Phòng đã tạm nộp vào ngân sách Nhà nước một số khoản có liên quan đến dự án nên trên, bao gồm: Khấu hao của các tài sản thuộc cầu cảng 4, 5 và bãi container Cảng Chùa Vẽ trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến ngày 31/12/2018 là 44,8 tỷ đồng, chi phí lãi vay ODA Nhật Bản tạm tính là 149,3 tỷ đồng.
Thực hiện theo Nghị quyết của HĐQT, Công ty đã dừng trích khấu hao, dừng ghi nhận chi phí lãi vay kể từ ngày 1/1/2020 đối với các tài sản thuộc cầu cảng số 04, 05 và bãi container Cảng Chùa Vẽ để chờ được phê duyệt phương án quản lý chính thức đối với tài sản này.
Thế nhưng, Công ty cũng chưa ghi nhận và phản ánh khoản chi phí thuê các tài sản nêu trên vào báo cáo tài chính hợp nhất 2021.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng yêu cầu kiểm tra lại quá trình cổ phần hóa của Công ty (trong điều kiện hồ sơ quyết toán giá trị vốn Nhà nước tại thời điểm cổ phần hóa của Công ty chưa được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt). Khi có sự phê duyệt chính thức của Cơ quan quản lý về phương án vay, trả nợ, Công ty sẽ thực hiện các điều chỉnh cần thiết đối với báo cáo tài chính hợp nhất 2021.
Trường kỳ nợ người lao động trăm tỷ đồng, sếp lương bạc tỷ
Cảng Hải Phòng gây chú ý vì có chuỗi nhiều năm liền duy trì chỉ tiêu “Phải trả người lao động” lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2021, “Phải trả người lao động” tại Cảng Hải Phòng lên đến 189 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 169 tỷ đồng của năm 2020. Tại ngày 31/12/2021, công ty có 1.498 nhân sự. Như vậy, trung bình, công ty nợ mỗi nhân viên 12,6 triệu đồng.
Tuy nhiên, Cảng Hải Phòng không thuyết minh rõ khoản phải trả này chính xác là gì. Ngoài ra, Công ty còn có hơn 7,7 tỷ đồng phải trả tiền ăn ca và phụ cấp độc hại cho người lao động.
Trước đó, Cảng Hải Phòng có “nợ” người lao động nhiều tiền trong nhiều năm liên tiếp. Tại thời điểm cuối năm từ 2019-2011, chỉ tiêu phải trả người lao động của công ty lần lượt là 159 tỷ đồng, 160 tỷ đồng, 116 tỷ đồng, 137 tỷ đồng, 172 tỷ đồng, 127 tỷ đồng, 121 tỷ đồng, 141 tỷ đồng và 134 tỷ đồng.
Cho tới nay, ít nhất Cảng Hải Phòng đã có chuỗi 11 năm liên tiếp nợ người lao động lên đến hàng trăm tỷ đồng nhưng công ty lại rộng tay trả thù lao cho dàn lãnh đạo. Trong năm 2021, có tới 8 sếp được trả hơn 1 tỷ đồng.
Cụ thể, người được trả cao nhất là ông Phạm Hồng Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị với 1,9 tỷ đồng (tương đương 158 triệu đồng/tháng). Tổng giám đốc Nguyễn Tường Anh nhận 1,87 tỷ đồng. Đứng sau là Kế toán trưởng Trần Thị Thanh Hải (1,27 tỷ đồng).
Các Phó Tổng giám đốc cũng nhận thù lao bạc tỷ bao gồm ông Chu Minh Hoàng (1,2 tỷ đồng), Hà Vũ Hào (1,19 tỷ đồng), Ngô Trung Hiếu (1,18 tỷ đồng). Trưởng ban Kiểm soát Đào Thị Thu Hà nhận 1 tỷ đồng, Ủy viên Hội đồng quản trị Phạm Hồng Minh nhận 1,1 tỷ đồng.