Trong bối cảnh khó khăn kinh tế chung, Việt Nam vẫn là 1 trong 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng về chi tiêu cho an toàn thông tin nhanh nhất trong khu vực ASEAN, bên cạnh Philippines và Indonesia.
6 tháng đầu năm, doanh thu ATTT Việt Nam tăng 14,3%
Theo Báo cáo thị trường an toàn thông tin (ATTT) Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 do Công ty An ninh mạng Viettel (Viettel Cyber Security - VCS) thực hiện, trong năm 2023, mức chi tiêu cho ATTT của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APAC) bao gồm phần cứng, phần mềm và dịch vụ ở mức 36 tỷ USD, dự kiến chi tiêu chiếm khoảng 19% so với toàn cầu (189,9 tỷ USD). Trong đó, mức chi tiêu ngân hàng chiếm 16%, viễn thông chiếm 12% và khối Chính phủ, bộ, ngành chiếm 11%. Đây là những nhóm ngành có mức chi tiêu cho ATTT lớn nhất.
Trong khu vực Đông Nam Á, các quốc gia dẫn đầu về chi tiêu cho ATTT là Singapore, Malaysia, Indonesia (chiếm gần 75% thị trường). Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất dành cho chi tiêu ATTT, bên cạnh Philippines và Indonesia.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu lĩnh vực ATTT của Việt Nam ở mức 2.154 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp ATTT ở mức 161,43 tỷ đồng, tỷ lệ doanh thu sản phẩm nội địa so với nước ngoài đạt 45%.
Xu hướng gia tăng đầu tư trong lĩnh vực ATTT cũng cho thấy, các tổ chức, doanh nghiệp ở Việt Nam đang ngày càng quan tâm hơn đến các biện pháp bảo vệ tài sản số, dữ liệu số, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ .
Nhóm ngân hàng tăng mạnh chi tiêu ATTT so với cùng kỳ năm trước
Báo cáo thị trường ATTT Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 của VCS cũng chỉ ra, về quy mô thị trường ATTT, bên cạnh những dịch vụ được chi tiêu nhiều như: dịch vụ tư vấn, dịch vụ kiểm tra, đánh giá ATTT, dịch vụ giám sát và điều hành ATTT…, thị trường cũng xuất hiện thêm những nhu cầu cho các dịch vụ ATTT mới như: dịch vụ tư vấn và đánh giá tuân thủ theo tiêu chuẩn; dịch vụ tư vấn, đánh giá ATTT theo cấp độ; dịch vụ quản trị rủi ro CNTT.
Ngoài ra, nhóm năng lượng, ngân hàng - tài chính - chứng khoán, doanh nghiệp lớn đang là những nhóm ngành có mức chi tiêu cao nhất cho ATTT. Cụ thể so với năm 2022, nhóm năng lượng, doanh nghiệp lớn, BFSI có mức tăng trưởng về chi tiêu vượt bậc lần lượt là 51%, 370% và 2107%.
Với ngành tài chính - ngân hàng - chứng khoán, dù tổng chi tiêu của nhóm ngành tăng mạnh nhưng chủ yếu nằm ở ngân hàng, đặc biệt là các khoản đầu tư cho dịch vụ. Điều này diễn ra trong bối cành hầu hết các ngân hàng có lộ trình chi tiêu cho các dịch vụ đánh giá theo tiêu chuẩn như ISO 27001, PCI DSS...
Báo cáo của VCS nhấn mạnh, dự đoán chi tiêu cho dịch vụ của nhóm ngành tài chính - ngân hàng - chứng khoán tiếp tục gia tăng trong 6 tháng cuối năm.
IoT, cloud sẽ gia tăng rủi ro về ATTT trong 6 tháng cuối năm
Báo cáo của VCS cũng đưa ra những dự báo cho 6 tháng cuối năm 2023, bao gồm xu hướng công nghệ ảnh hưởng đến hoạt động phát triển sản phẩm, dịch vụ; chính sách pháp luật ảnh hưởng đến thị trường ATTT và dự báo chi tiêu ATTT.
Một vài xu hướng công nghệ ảnh hưởng đến hoạt động phát triển sản phẩm, dịch vụ có thể kể đến như: Internet vạn vật (IoT) tạo ra những rủi ro mới về ATTT; gia tăng tấn công vào các hạ tầng điện toán đám mây (cloud); đánh giá theo tiêu chuẩn; tấn công vào các chuỗi cung ứng; bảo vệ dữ liệu ngày càng được chú trọng: giải pháp về lộ lọt dữ liệu từ nội bộ (Insider Threat)
Về dự báo chi tiêu ATTT trong nửa cuối của năm, cả nhóm ngành năng lượng (ngành điện) và nhóm cơ quan Bộ, ngành, tỉnh đều sẽ có mức chi tiêu tăng. Như với cơ quan Nhà nước do phải hoàn thiện việc rà soát, đôn đốc ATTT theo cấp độ trước ngày 30/12/2023. Nhất là trong bối cảnh hiện nay đang có 37% cơ quan chưa hoàn thiện hồ sơ đề xuất cấp độ. Dự kiến sẽ có sự gia tăng mua sắm và mức chi tiêu từ các cơ quan, tổ chức nhóm Bộ, ngành, tỉnh, đặc biệt các giải pháp nằm đảm bảo các chỉ thị và quy định về đảm bảo ATTT theo cấp độ.
Đối với các chính sách pháp luật ảnh hưởng đến thị trường ATTT 6 tháng cuối năm, các dự thảo luật mới trong 6 tháng cuối năm tập trung các hoạt động đảm bảo ATTT trong ngành viễn thông, ngành ngân hàng, đặc biệt là các cổng thanh toán và tổ chức tín dụng, nhấn mạnh yêu cầu về các giải pháp bảo mật dữ liệu.
Đọc Báo cáo thị trường ATTT Việt Nam 6 tháng đầu năm tại: https://blog.viettelcybersecurity.com/bao-cao-thi-truong-an-toan-thong-tin-viet-nam-6-thang-dau-nam-2023/
Lệ Thanh
Cận cảnh siêu chip NVIDIA tại nhà máy AI đầu tiên của FPT tại Việt Nam
19/39 ứng dụng ngân hàng, ví điện tử Việt Nam tồn tại rủi ro bảo mật đáng lo ngại