"Chìm nghỉm" với cổ phiếu ngân hàng...

07-05-2022 18:34|Bạch Dương

Trong tuần giao dịch từ 4 - 6/5/2022, nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến tiêu cực với việc không có bất kỳ mã nào tăng giá trong khi duy nhất một mã đứng tham chiếu.

Kết tuần giao dịch từ 4 - 6/5/2022, VN-Index giảm hơn 37 điểm xuống mức 1.329,26 điểm so với phiên cuối tuần trước; HNX-Index giảm 22,37 điểm (-6,11%) xuống 343,46 điểm; UPCoM-Index giảm 2,43 điểm (-2,33%) xuống 101,88 điểm.

Trong tuần, nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến tiêu cực với việc không có bất kỳ mã nào tăng giá trong khi duy nhất một mã đứng tham chiếu.

Cụ thể, STB là mã giảm mạnh nhất trong tuần (-7,9%) với cả 3 phiên giảm (riêng phiên cuối tuần mất 5,2%) đồng thời khiến mã rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. Nếu tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá cổ phiếu này đã mất gần 21%.

PGB và OCB với mức giảm lần lượt là 7,3% và 7,1%. Nhiều cổ phiếu ngân hàng tư nhân có vốn hóa lớn như VPB, MBB, TCB, ACB cũng chỉnh trên 5% trong đó với mức giảm 6,9%, VPB là một trong những mã có ảnh hướng xấu nhất tới VN-Index trong tuần qua.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng quốc doanh dù ít biến động hơn nhưng vẫn kết tuần trong sắc đỏ với mức giảm dao động từ 0,7 - 2,7%.

Duy nhất TPB là mã đứng tham chiếu trong tuần qua nhờ phiên leo trần ngày 5/5.

Do nghỉ lễ, tuần qua chỉ có ba phiên giao dịch, vì vậy thanh khoản chung giảm đáng kể so với các tuần trước đó. Cụ thể, tuần qua có tổng cộng gần 257 triệu cổ phiếu ngân hàng được giao dịch (trung bình 85 triệu cổ phiếu/phiên), tương đương với giá trị giao dịch ở mức 7.678 tỷ đồng (trung bình 2.500 tỷ đồng/phiên).

Mặc dù với diễn biến giá không mấy khả quan song STB vẫn đứng đầu toàn ngành về khối lượng giao dịch với hơn 44,7 triệu đơn vị khớp lệnh qua đó vượt qua VPB (với hơn 36,2 triệu đơn vị).

Ở diễn biến khác, khối ngoại tuần qua đã mua ròng hơn 93 tỷ đồng VCB, gần 65 tỷ đồng CTG và 60 tỷ đồng TPB,... trong khi giá trị bán ròng gần như không đáng kể.

Trong áp lực bán tháo từ đầu tháng 4/2022, phần lớn cổ phiếu trên thị trường đều lao dốc. VN-Index giảm 15% và nhiều mã giảm 15 - 20%, một số 30 - 40%. Dù vậy, diễn biến này cũng mang đến cơ hội cho nhà đầu tư để lựa chọn và tìm kiếm các cổ phiếu của ngân hàng, doanh nghiệp tốt với mức giá rẻ hơn, hợp lý hơn cho mục tiêu trung và dài hạn.

Nhóm ngân hàng luôn là một trong những lựa chọn được công ty chứng khoán, bộ phận phân tích khuyến nghị tới nhà đầu tư. Với vai trò trụ cột của nền kinh tế, dẫn dắt cung cấp vốn cho các lĩnh vực khác hồi phục, sự phát triển của ngân hàng gắn liền với tăng trưởng của quốc gia.

Giữa đại dịch COVID, ngân hàng là một trong số ít ngành giữ được đà tăng bởi nhiều chiến lược khác nhau dù vẫn song song hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và đối mặt với nguy cơ nợ xấu tăng.

Trên thị trường chứng khoán, nhóm ngân hàng cũng là số ít ngành có mức giảm thấp so với mặt bằng chung và có thể hồi phục khi tâm lý thị trường ổn định. Theo đó, những cổ phiếu triển vọng sẽ có cơ hội hồi phục cao khi tâm lý thị trường ổn định.

Kỳ vọng tăng trưởng vượt trội so với mặt bằng chung

Trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng quý II/2022, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng ngành ngân hàng đang có mức định giá hấp dẫn so với mức tăng trưởng về lợi nhuận, cùng nhiều chất xúc tác có thể diễn ra sẽ giúp các cổ phiếu ngành ngân hàng tăng trưởng vượt trội hơn so với mặt bằng chung của VN-Index.

Công ty chứng khoán kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của ngành ngân hàng trong năm 2022 là 36,4% nhờ kinh tế phục hồi sau dịch và mức nền lợi nhuận thấp hơn trong năm 2021 trong đó việc tập trung bán lẻ sẽ tiếp tục là mũi nhọn trong năm 2022 của nhiều ngân hàng do quy mô cho vay trên khách hàng thấp giúp các ngân hàng giảm thiểu rủi ro tập trung và NIM cao hơn so với các khách hàng lớn.

NIM năm 2022 dự báo tăng trưởng 0,1 điểm % nhờ sự phục hồi của nền kinh tế giúp tăng trưởng tín dụng cao, đặc biệt tập trung vào nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ và cá nhân với NIM cao đồng thời lãi suất cho vay sẽ phục hồi sau thời gian hỗ trợ. Cơ cấu CASA tăng trong năm 2022 cũng giúp giảm chi phí vốn và nhiều ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ lãi suất, đặc biệt là các ngân hàng quốc doanh, nhằm giúp nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ.

Về chất lượng tài sản, chuyên gia cho rằng dư nợ tái cơ cấu sẽ không quá ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng do tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng tạo ra ở mức cao giúp các ngân hàng đủ khả năng trích lập thêm mà không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng.

Hơn nữa, các khoản nợ tái cơ cấu dự kiến sẽ không tăng nhiều nhờ sự mở cửa lại của nền kinh tế. Một số ngân hàng cũng đã trích lập từ 30% - 100% cho các khoản nợ tái cơ cấu hiện tại và dự kiến sẽ trích lập theo thông tư 3 trong thời gian tới.

Trong năm 2022, tỷ lệ CAR Basel II các ngân hàng dự báo tiếp tục được giữ ở mức cao và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giữ ở mức an toàn.BSC kỳ vọng điều này sẽ được giữ vững trong tương lai với các kế hoạch tăng vốn, từ đó giúp tăng trưởng quy mô và lợi nhuận của các ngân hàng.

Về tăng trưởng tín dụng, chuyên gia cho rằng mục tiêu tăng trưởng trong năm 2022 ở mức 14% là hoàn toàn khả thi và có thể ở mức từ 14 - 16%. Quý I/2022, nhiều ngân hàng đã cho vay hết hạn mức tín dụng được cấp đầu năm và kỳ vọng sẽ được cấp thêm room trong quý II năm nay.

Bên cạnh đó, BSC cho rằng, nhờ những chính sách mới của chính phủ, dòng vốn tín dụng sẽ được trải rộng ra các ngành nghề sản xuất kinh doanh từ đó giúp tăng trưởng thị trường bền vững trong tương lai.

Một cổ phiếu VN30 âm thầm vượt đỉnh năm trong tuần VN-Index giảm điểm

VN-Index giảm 4 phiên liên tục, về lại 1.262 điểm

Bài thuộc chủ đề Ngân hàng
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chim-nghim-voi-co-phieu-ngan-hang-134520.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    "Chìm nghỉm" với cổ phiếu ngân hàng...
    POWERED BY ONECMS & INTECH