Cổ phiếu thép bùng nổ, HPG áp sát mốc 30.000 đồng
Thời gian tới, khi thị trường tiêu thụ ổn định, giá thép xây dựng trong nước có thể được điều chỉnh tăng mạnh; nhóm cổ phiếu thép có thể xuất hiện sóng tăng mới.
Thị trường chứng khoán kết phiên giao dịch ngày 6/9 ghi nhận mức tăng 10,5 điểm của VN-Index; chỉ số đóng cửa cao nhất ngày, đạt 1.245,5 điểm. Tương tự, HNX-Index tăng 3,08 điểm và UPCoM-Index kịp hồi lên tham chiếu.
Sắc xanh bao phủ hầu hết các nhóm ngành trong đó thép là điểm đến đáng chú ý.
Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát tăng 4,3% lên mức 29.000 đồng/cp và góp cho VN-Index 1,8 điểm. Đây đã là phiên tăng thứ 6 liên tiếp và là phiên tăng thứ 7/8 phiên gần nhất của cổ phiếu đầu ngành thép (+13,1%) kể từ khi điều chỉnh về sát hỗ trợ đường MA100 trong phiên 22/8.
Hiện cổ phiếu HPG đang neo tại vùng giá cao nhất kể từ giữa tháng 5/2022 với lực kéo lớn từ các dòng tiền cá mập. Với việc vượt thành công kháng cự quanh 28.000 đồng/cp, HPG đã phát tín hiệu tích cực ngắn hạn. Nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng trong những nhịp điều chỉnh những phiên tới.
Hôm nay, gần 52,6 triệu cổ phiếu HPG đã được các nhóm đầu tư sang tay (cao gấp đôi mức trung bình 20 phiên); các giao dịch mua chủ động chiếm áp đảo với 60% so với mức 33% ở chiều ngược lại.
Diễn biến nhóm cổ phiếu thép phiên 6/9/2023 |
Cùng với HPG, nhóm thép phiên này cũng được mua mạnh; các cổ phiếu HSG, NKG, VGS cùng được kéo lên mức giá trần trong khi TLH tăng 6,4%, TVN tăng 5,6%, POM tăng 4,4%,...
Cả HPG và NKG đều nằm trong Top bán ròng của khối ngoại phiên này với khối lượng lần lượt 1,16 và 1,75 triệu đơn vị. Trong khi đó, HSG được mua gần 400.000 cp.
Hiện tại, giá các mặt hàng thép nguyên liệu đang có xu hướng quay trở lại được kỳ vọng sẽ hỗ trợ đà phục hồi của giá thép trong thời gian tới.
“Nguyên nhân dẫn đến việc giá quặng sắt tăng cao là do thị trường ngày càng giảm dự đoán rằng chính phủ Trung Quốc sẽ sớm đưa ra mức giới hạn sản lượng thép trên toàn quốc. Tuy nhiên, các yếu tố thúc đẩy giá nguyên liệu này là sản lượng kim loại nóng cao bất thường và lượng tồn kho thấp tại thời điểm nhu cầu theo mùa chậm lại”, Pei Hao, nhà phân tích của công ty môi giới quốc tế FIS cho biết.
Tại Việt Nam, giá thép đã liên tục điều chỉnh giảm từ đầu năm 2023 và về đáy 3 năm (sau gần 20 lần giảm liên tiếp từ tháng 4), giữ quanh mức 14 triệu đồng/tấn.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, giá thép liên tục giảm là do nhu cầu tiêu thụ trong nước vẫn còn thấp. Các nhà máy thép có quy mô lớn cũng phải điều chỉnh giảm sản lượng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng theo VSA, tỷ giá hiện đang tăng cũng đã tác động đến giá nguyên liệu sắt thép nhập khẩu tăng theo. Do đó, thời gian tới khi thị trường tiêu thụ ổn định, giá thép xây dựng trong nước có thể được điều chỉnh tăng tương ứng.
Nhận định chứng khoán 11/12: VN-Index giằng co tại vùng kháng cự
VN-Index ‘dậm chân’ quanh mốc 1.270 điểm, một cổ phiếu VN30 ngược dòng áp sát đỉnh lịch sử