'Bê bối máu bẩn' khiến cả thế giới kinh hoàng: Truyền máu nhiễm HIV khiến 3.000 người thiệt mạng, Chính phủ Anh vừa có động thái mới
Bộ trưởng Bộ Văn phòng Nội các (Anh) Nick Thomas-Symonds cho biết: "Không có khoản bồi thường nào có thể giải quyết hoàn toàn nỗi đau khổ do vụ bê bối này gây ra, nhưng tôi hy vọng điều này cho thấy chúng tôi đang làm mọi cách có thể để bồi thường cho những người bị nhiễm bệnh và bị ảnh hưởng".
Mới đây, ngày 12/12, Chính phủ Anh đã thông báo sẽ tiến hành bồi thường cho nạn nhân của vụ "bê bối máu bẩn" trong những ngày tới. Trong số hàng nghìn nạn nhân của vụ bê bối, đây là những người đầu tiên chấp nhận bồi thường thiệt hại.
Cụ thể, theo thông báo, 10 nạn nhân đầu tiên sẽ nhận được khoản bồi thường với tổng trị giá hơn 13 triệu bảng Anh (hơn 16 triệu USD). Những nạn nhân này đã đưa ra yêu cầu được bồi thường và chấp nhận mức bồi thường mà Chính phủ đưa ra.
Ngoài ra, 25 nạn nhân khác cũng đã được mời đưa ra yêu cầu được bồi thường và họ cũng sẽ nhận được bồi thường thiệt hại, Reuters đưa tin. Được biết, Chính phủ Anh đã phân bổ 11,8 tỷ bảng Anh (gần 15 tỷ USD) trong Ngân sách quốc gia để chi trả các khoản bồi thường và khoản tiền này sẽ không phải chịu thuế.
Bộ trưởng Bộ Văn phòng Nội các Nick Thomas-Symonds cho biết: "Không có khoản bồi thường nào có thể giải quyết hoàn toàn nỗi đau khổ do vụ bê bối này gây ra, nhưng tôi hy vọng điều này cho thấy chúng tôi đang làm mọi cách có thể để bồi thường cho những người bị nhiễm bệnh và bị ảnh hưởng".
Vụ việc "máu bẩn" này từng khiến cả thế giới rúng động. Cụ thể, trong những năm 1970 và 1980, Cơ quan Dịch vụ y tế Anh (NHS) đã cho bệnh nhân mắc bệnh máu khó đông và các rối loạn máu khác truyền sản phẩm máu mang tên Factor VIII, một phương pháp chuyên chữa trị căn bệnh này.
Được biết, sản phẩm này được tạo ra bằng cách trộn huyết tương từ hàng nghìn người hiến tặng. Tuy nhiên, việc sản xuất Factor VIII cần lượng máu lớn, nước Anh đã bị thiếu hụt nên quyết định nhập khẩu máu từ Mỹ.
Đáng tiếc, phần lớn lượng máu đã được lấy từ nhóm người có nguy cơ cao như tù nhân hoặc người từng sử dụng ma túy và không được sàng lọc thường xuyên để phát hiện bệnh viêm gan C. Phải đến năm 1991, quy trình này mới bắt đầu được thực hiện.
Cuối cùng, kể từ 1970 đến đầu những năm 1990, ước tính có khoảng 30.000 người Anh được truyền máu và các sản phẩm từ "máu bẩn" đã nhiễm viêm gan C hoặc HIV. Hơn 3.000 người thiệt mạng và hàng nghìn người khác phải sống chung với biến chứng sức khỏe.
Tuy nhiên, phải đến năm 2017, gần 50 năm sau khi bê bối diễn ra, cựu Thủ tướng Theresa May mới công bố mở cuộc điều tra. Giới chức đã phải lấy 5.000 lời khai, xem xét 100.000 bộ tài liệu và khoảng 374 người đã đưa ra bằng chứng liên quan đến vụ việc.
Cuối cùng, ngày 21/5 năm đó, kết luận cho thấy vụ "bê bối máu bẩn" không phải tai nạn. Báo cáo dài hơn 2.500 trang đã liệt kê "danh sách sai phạm" từ phía NHS.