Theo dự báo của nhiều chuyên gia, cả yếu tố vĩ mô và vi mô sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản giai đoạn 2022 - 2023 phục hồi tốt hơn.
Triển vọng ngành bất động sản năm 2022 được đặt trong một kịch bản tươi sáng hơn do thị trường đang nhận được nhiều xung lực.
Đơn cử, trong tổng quy mô gói hỗ trợ kích thích nền kinh tế hai năm 2022 - 2023 (445.760 tỷ đồng giá trị thực chi) theo đề xuất của nhóm nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các chuyên gia, có tới 150.000 tỷ đồng được đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra, Chính phủ và Quốc hội cũng đang họp bàn để thống nhất có một gói khoảng 60.000 – 65.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở.
Đánh giá của giới chuyên môn, đây đều là những cú huých rất lớn đối với thị trường trong thời gian tới, do đó sẽ tác động trực tiếp đến giá bất động sản.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, năm 2021, dù chịu tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19 nhưng thị trường vẫn được đánh giá là một kênh đầu tư hấp dẫn. Giá bất động sản hầu như không giảm, ngược lại bất động sản nhà ở còn tăng từ 5 - 9%, tùy địa bàn. Nguyên nhân chủ yếu do các phân khúc bất động sản trong hai năm vừa qua tương đối khan hiếm, trong khi cầu không giảm...
Mặt khác, nguồn vốn đổ vào bất động sản trong năm 2021 cơ bản vẫn tích cực. Trong đó, nguồn vốn tín dụng bất động sản tính đến hết quý III/2021 tăng khoảng 6% so với cuối năm 2020 và cả năm tăng khoảng 7 – 8%, thấp hơn so với bình quân toàn ngành nhưng vẫn là mức rất tích cực.
Tổng dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 2 triệu tỷ đồng. Trong 11 tháng năm 2021, tổng vốn FDI đăng ký mới vào bất động sản đạt gần 2 tỷ USD (chiếm khoảng 11%). Ngoài ra, tính đến hết tháng 11, các doanh nghiệp đã phát hành khoảng 436.000 tỷ đồng, trong đó, doanh nghiệp bất động sản đứng thứ nhất khi chiếm tới 45% tỷ trọng phát hành.
Hiện, dòng vốn vào bất động sản vẫn đang trên đà tăng lên. Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư công, việc triển khai hàng loạt dự án hạ quy mô sẽ tạo động lực giúp thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Về xu hướng giá, TS. Cấn Văn Lực nhận định, giá bất động sản sẽ chững lại một thời gian sau giai đoạn tăng tương đối nhanh. Giá nhà tại Hà Nội năm vừa qua đâu đó đã tăng 5 - 7% và TP.HCM tăng khoảng 7 - 9%. Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam có nhiều sức hút và nhu cầu bất động sản vẫn còn khá lớn, nhất là bất động sản công nghiệp, bất động sản nhà ở. Kể cả du lịch nghỉ dưỡng, dù hiện tại đang gặp khó khăn nhưng về lâu dài đây vẫn là một phân khúc tiềm năng.
Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, cả yếu tố vĩ mô và vi mô sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản giai đoạn 2022 - 2023 phục hồi tốt hơn. Trong khi đó, nguồn cung đang khan hiếm và lực cầu có xu hướng tăng. Tất cả những yếu tố này sẽ tác động đến giá bất động sản.
Cụ thể, kinh tế của Việt Nam dự báo sẽ phục hồi ở mức độ tích cực, tăng trưởng ở mức 6 – 6,5% hoặc cao hơn là 6,5 - 7% nếu triển khai tốt chương trình phục hồi. Sức cầu theo đó sẽ bật mạnh trở lại.
Chiến lược phát triển nhà ở cũng đang được Bộ Xây dựng hoàn thiện và chuẩn bị trình Chính phủ để ban hành trong thời gian tới. Đặc biệt, đầu tư cơ sở hạ tầng đang được đẩy mạnh.
Ngoài ra, môi trường pháp lý cũng đang được hoàn thiện và tháo gỡ, trong đó có Nghị định 148 về đất đai, Nghị định 69 về cải tạo chung cư cũ và sắp tới Quốc hội sẽ thảo luận việc có một luật sửa 10 luật. Luật Đất đai dự kiến cũng được sửa trong năm tới,...
Đồng quan điểm, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE cho rằng, trong thời gian tới, xu hướng tăng giá sẽ tiếp tục diễn ra đối với thị trường căn hộ bán tại Hà Nội và TP.HCM.
Cụ thể, giá căn hộ sẽ tăng khoảng 3 – 7% tùy từng phân khúc trong năm 2022. Riêng phân khúc cao cấp và hạng sang, mức giá có thể tăng trưởng khoảng 5 – 7%. Còn phân khúc bình dân và trung cấp, mức giá có thể tăng khoảng 3 – 5%.