Nhà đầu tư được khuyến nghị có thể mở lại một phần nhỏ tỷ trọng trading T+ khi chỉ số lùi xuống vùng hỗ trợ đã đề cập, nhưng cần bán quay vòng trung bình giá vốn sau đó hoặc kết hợp tái cơ cấu danh mục cho các vị thế trung hạn còn nắm giữ.
Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 12/8//2021
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/8, VN-Index tiếp tục giảm điểm mặc dù đã có sự hồi phục tương đối tốt vào đầu giờ sáng, chính áp lực lớn đè lên nhóm cổ phiếu VN30 đã khiến cho thị trường “quay xe” chuyển đỏ về cuối phiên. Thanh khoản hôm nay có sự suy giảm nhẹ khi tổng thanh khoản 3 sàn đạt 26.600 tỷ đồng, riêng HoSE đạt 21.600 tỷ đồng.
VN – Index giảm 4,74 điểm (0,35%) xuống 1.353,05 điểm.Toàn sàn có 185 mã tăng (22 mã trần), 43 mã tham chiếu, 183 mã giảm (5 mã sàn).
HNX – Index giảm 0,11 điểm (0,03%) xuống 334,33 điểm. Toàn sàn có 110 mã tăng (13 mã trần), 68 mã tham chiếu, 104 mã giảm (1 sàn).
UPCOM – Index giảm 0,03 điểm (0,03%) xuống 91,98 điểm.Toàn sàn có 147 mã tăng (20 mã trần), 59 mã tham chiếu, 123 mã giảm (5 sàn).
VN-Index mở đầu phiên giao dịch ngày 12/08/2021 giảm nhẹ chưa tới 1 điểm, sau đó lại tăng 2 điểm nhờ lực đẩy từ VN30. VN-Index giao dịch trồi sụt quanh mốc tham chiếu trong hầu hết thời gian phiên sáng. Trước giờ nghỉ trưa, chỉ số này tăng gần 5 điểm. Đầu phiên chiều, VN-Index có lúc tăng hơn 7 điểm. Tuy nhiên, áp lực chốt lời gia tăng khiến chỉ số giảm dần sau đó. Kết phiên, VN-Index giảm 4.74 điểm, lùi về mức 1,353.05 điểm
VN30-Index giảm 10.85 điểm. Trong rổ VN30, sắc đỏ chiếm ưu thế hoàn toàn với 20 mã giảm, 7 mã tăng và 3 mã đứng giá. Các cổ phiếu MWG, STB và FPT là những mã giảm giá mạnh nhất trong rổ với mức giảm trung bình trên 2%. Ở chiều tăng giá, BVH là mã tăng mạnh nhất, theo sau là các mã VPB, KDH và VHM.
Với VN-Index, MSN, HPG và MWG là những mã có tác động tiêu cực nhất khi lấy đi hơn 2 điểm của chỉ số này. Trong khi đó VHM, VPB và DIG là những mã có tác động tích cực nhất.
Ngành bán lẻ có phiên giao dịch khá ảm đạm khi là một trong những ngành giảm điểm mạnh nhất thị trường. Trong đó, MWG lùi 2.86%, FRT và HAX cùng giảm hơn 1%, AST giảm nhẹ 0.1%,…
Ở nhóm ngân hàng, trong khi mối lo ngại về biên độ lãi của các ngân hàng bị thu hẹp có thể ảnh hưởng lên lợi nhuận đang mờ nhạt dần, nỗi lo chính hiện nay cũng như cho giai đoạn tới vẫn nằm ở nguy cơ nợ xấu tăng lên và áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của các nhà băng. Điều này dẫn đến việc các cổ phiếu trong nhóm vẫn đang giao dịch khá thận trọng. Cụ thể, VCB, TCB, BID, MBB và ACB đều lùi nhẹ xuống dưới mức tham chiếu.
Nhóm bất động sản giao dịch khá tích cực. Hai cổ phiếu họ nhà Vingroup là VHM và VIC đều hiện sắc xanh nhẹ. Các mã khác như DXG tăng 2.25%, BCM, KBC và VPI cùng tiến lên 1%. Nổi bật nhất trong nhóm là DIG khi giá cổ phiếu bật tăng mạnh mẽ 6.37%. Đây cũng là mức giá cao nhất trong lịch sử (tính theo dữ liệu điều chỉnh) của cổ phiếu này.
VN-Index xuất hiện mẫu hình Shooting Star và tiếp tục có phiên điều chỉnh thứ hai liên tiếp. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch của chỉ số này đang duy trì trên mức trung bình 20 phiên nên rủi ro giảm sâu không lớn.
Giao dịch khối ngoại phiên giao dịch ngày 12/8/2021
Khối ngoại hôm nay bán ròng phiên thứ 3 liên tiếp với giá trị 144 tỷ đồng trên toàn thị trường, tập trung bán VNM và VRE.
Trên HoSE, khối ngoại hôm nay đã bán ròng gần 2 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị hơn hơn 143 tỷ đồng. VNM và VRE hôm nay ghi nhận giao dịch nhà đầu tư nước ngoài không tích cực khi bị bán ròng nhiều nhất với giá trị đều đạt 55 tỷ đồng. Xếp tiếp theo lần lượt là SSI (51 tỷ đồng), PC1 (41 tỷ đồng), VIC (40 tỷ đồng), NLG (37 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, PLX hôm nay vẫn là điểm sáng khi được khối ngoại duy trì mua ròng nhiều nhất phiên với giá trị là 55 tỷ đồng.
Khối tự doanh tiếp tục có 1 phiên giao dịch bán ròng gần 100 tỷ đồng. Tập chung bán ròng một số mã VPB, FPT, BID. Mua ròng các mã VNM, SSI, STB.
Trong phiên giao dịch ngày 12/08/2021, VN-Index xuất hiện mẫu hình Shooting Star. Đây là phiên thứ hai liên tiếp chỉ số tạo cây nến có thân nhỏ và bóng trên dài (long upper shadow). Điều này chứng tỏ bên bán tiếp tục chiếm ưu thế ở vùng giá cao khiến chỉ số quay đầu giảm điểm trở lại.
Khối lượng giao dịch vẫn duy trì trên mức trung bình 20 phiên cho thấy nhà đầu tư giao dịch khá sôi động. Tuy nhiên, chỉ báo Stochastic Oscillator đã không duy trì được đà tăng tích cực sau khi tiến vào vùng quá mua (overbought). Nếu chỉ báo này cho tín hiệu bán tại đây thì rủi ro sẽ tăng lên.
Trong trường hợp trạng thái điều chỉnh tiếp tục xuất hiện thì hỗ trợ gần nhất của chỉ số trong thời gian tới sẽ là đường SMA 50 ngày. Nếu VN-Index giữ vững được hỗ trợ này thì tình hình sẽ có thể tích cực trở lại.
Về kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến đỏ dạng ‘Shooting star’ thứ 2 với giá đóng cửa nằm dưới đường MA5 ngày, kèm thanh khoản ở mức cao là tín hiệu khá tiêu cực. Điều này cho thấy bên bán đang tạm thời chiếm ưu thế.
Do đó chúng tôi cho rằng, trong kịch bản tiêu cực VN-Index có thể kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.345-1.350 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1.335-1.340 điểm.
Trong kịch bản tích cực, vùng kháng cự gần của VN-Index dự báo ở mức 1.355-1.360 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1.365-1.370 điểm.
Việc khối lượng giao dịch có phần gia tăng mạnh hơn tại các nhịp giảm trong phiên cho thấy, áp lực phân phối chưa dừng lại và rủi ro điều chỉnh tiếp tục hiện hữu.
Điểm tích cực là chỉ số đã về sát vùng hỗ trợ 1.34x điểm, mang lại cơ hội sớm xuất hiện nhịp hồi phục trở lại, tuy nhiên tín hiệu này hiện mới chỉ mang hàm ý T+.
Nhà đầu tư được khuyến nghị có thể mở lại một phần nhỏ tỷ trọng trading T+ khi chỉ số lùi xuống vùng hỗ trợ đã đề cập, nhưng cần bán quay vòng trung bình giá vốn sau đó hoặc kết hợp tái cơ cấu danh mục cho các vị thế trung hạn còn nắm giữ.
Một số mã nhà đầu tư có thể chú ý tới : VGT, TCB.
Bài viết thể hiện nghiên cứu và quan điểm riêng của nhóm tác giả, 24H Money không chịu trách nhiệm về những thiệt hại mà nhà đầu tư gặp phải khi sử dụng những thông tin trên trong hoạt động đầu tư. Để được tư vấn, khuyến nghị thêm về thị trường từ Team IPM, độc giả có thể tham gia vào room tư vấn: tại đây