Các chuyên gia của KBSV cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ thay đổi quan điểm về chính sách tiền tệ, tập trung vào việc duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp.
Theo báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô nửa cuối năm 2021 của CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), ước tính vào khoảng 175.000 tỷ đồng sẽ chảy vào thanh khoản hệ thống đầu quý III thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn USD được tiến hành vào đầu năm, giúp thanh khoản hệ thống quay trở lại trạng thái dồi dào.
Các chuyên gia của KBSV cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ thay đổi quan điểm về chính sách tiền tệ, tập trung vào việc duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp. Trong 3 kịch bản NHNN đưa ra cho tăng trưởng tín dụng 2021, kịch bản tiêu cực nhất là dịch bệnh kéo dài đến hết năm, tăng trưởng tín dụng có khả năng sẽ chỉ đạt trong khoảng 7-8%.
Như vậy, việc cầu tín dụng suy yếu cùng với rủi ro lạm phát ở mức thấp sẽ giúp mặt bằng lãi suất huy động và cho vay khó tăng mạnh. Tuy nhiên, việc siết tỷ lệ huy động ngắn cho vay trung và dài hạn có hiệu lực vào tháng 10 sẽ đẩy mạnh mức độ cạnh tranh về tiền gửi khiến lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài có thể nhích nhẹ 0,1 - 0,25%.
Tỷ giá biến động trong biên độ hẹp
KBSV kỳ vọng tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định trong 6 tháng cuối năm do cung cầu ngoại tệ được dự báo tiếp tục ở trạng thái cân bằng và ổn định.
Báo cáo cho biết các động thái gần đây của NHNN như hạ mạnh giá mua USD, chuyển từ mua ngoại tệ giao sang mua kỳ hạn 6 tháng, cho thấy NHNN sẽ hạn chế nghiệp vụ mua vào USD so với giai đoạn trước. Dù vậy, nguồn cung USD sẽ tiếp tục duy trì dồi dào nhờ dòng vốn FDI và kiều hối.
Đề cập đến rủi ro, bộ phận phân tích KBSV cho biết tỷ giá tăng có thể xuất hiện nếu FED công bố về việc thu hẹp chương trình mua vào tài sản hàng tháng, phát đi các tín hiệu về việc đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất dưới áp lực lạm phát. Như vậy, đồng USD nhiều khả năng sẽ tăng trở lại và gây áp lực khiến VND mất giá.
Song, nhóm chuyên gia không đánh giá cao rủi ro này khi nhận định lạm phát tại Mỹ chỉ mang tính thời điểm và sẽ sớm hạ nhiệt trong thời gian tới.