Khối ngoại chỉ chờ "hở" room của những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao và sở hữu khả năng sinh lời tốt như TCB, MBB, VIB, TPB,... liền lập tức mua vào ồ ạt.
Room chật...
Được ví là cổ phiếu vua, nhóm ngân hàng không chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước mà còn có sức hút với cả khối ngoại. Điều này thể hiện rất rõ qua tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại) tại các ngân hàng Việt hiện nay. Theo đó, tỷ lệ sở hữu nước ngoài của nhiều ngân hàng đã chạm hoặc gần chạm ngưỡng tối đa 30%.
Số liệu từ trung tâm lưu ký chứng khoán cho thấy, hiện có khoảng 16 ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 15%. Trong đó, 7 ngân hàng đã kín hoặc gần kín tỷ lệ sở hữu vốn ngoại là: ACB, MB (MBB), MSB, VIB, OCB, Techcombank (TCB) và TPBank (TPB). Điểm chung của những ngân hàng trên đều là có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao và sở hữu khả năng sinh lời hàng đầu hệ thống.
Một số ngân hàng hiện cũng chủ động duy trì tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp hơn mức tối đa theo quy định để tạo dư địa huy động vốn như VIB (20,5%), OCB (22%), Techcombank (22,47%), MB (23,23%).
Với những cổ phiếu trong nhóm này, chỉ cần "hở'' room liền lập tức có nhà đầu tư nước ngoài mua vào ồ ạt. Đơn cử như trường hợp VPBank (VPB), ngay sau khi nới room ngoại từ 15% lên 17,5% vào ngày 4/3, khối ngoại đã ồ ạt mua ròng hơn 23 triệu cổ phiếu, đẩy mã này tăng mạnh.
Khối ngoại đông...
Trong báo cáo đánh giá về ngành ngân hàng Việt Nam, Ngân hàng đầu tư toàn cầu Credit Suisse nhận định, giá cổ phiếu ngân hàng hiện còn rất rẻ so với khu vực xét về hiệu quả kinh doanh. Gần đây, các quỹ ngoại liên tục tăng sở hữu tại các ngân hàng Việt.
Cụ thể, ngày 1/3, Dragon Capital mua vào tổng cộng 916.800 cổ phiếu MBB, thông qua các quỹ thành viên, nâng tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng từ 4,99% lên 5%.
Không lâu sau đó, nhóm cổ đông nước ngoài này thông báo nâng tỷ lệ sở hữu tại Sacombank lên trên 5%, trở lại ghế cổ đông lớn sau gần 11 năm vắng bóng. Trước đó, Dragon Capital đã bán toàn bộ 61 triệu cổ phiếu, tương đương 6,66% vốn điều lệ Sacombank vào tháng 8/2011.
Được biết, hiện nhà đầu tư nước ngoài sở hữu hơn 360 triệu cổ phiếu STB, tương đương 19,12% cổ phần ngân hàng. Sacombank đã chốt room ngoại ở mức tối đa 30%.
Không chỉ với cổ phiếu MBB, STB, các quỹ của Dragon Capital đã trở thành nhóm cổ đông lớn duy nhất của VPBank từ tháng 5/2021 sau khi nâng sở hữu vượt 5%.
Một quỹ khác thuộc Dragon Capital là Dragon Financial Holdings Limited (DFHL) hiện đang là cổ đông lớn tại ACB, với 149,56 triệu cổ phiếu sở hữu, tương đương tỷ lệ 6,92%.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, ngày 18/3 vừa qua, SMBC đã chính thức có văn bản thông báo về việc chấm dứt thỏa thuận liên minh chiến lược với Eximbank, nhưng hiện vẫn sở hữu hơn 15% vốn cổ phần của nhà băng này. Dù chấm dứt liên minh với Eximbank, SMBC vẫn tiếp tục chiến lược phát triển tại Việt Nam, không chỉ thông qua các chi nhánh hiện tại mà còn thông qua việc hợp tác với VPBank SMBC Finance (FE Credit).
Mới đây, VPBank đã chính thức nới room ngoại từ 15% lên 17,5% để chuẩn bị phát hành cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Đối tác chiến lược được giới tài chính đồn đoán là SMBC khi ngân hàng Nhật Bản này đã mua 49% vốn của FE Credit (công ty con của VPBank).
Mở room đón khối ngoại?
Trong bối cảnh "chật room" ngoại tại các ngân hàng Việt, nhiều nhà băng đã đề xuất nới room ngoại để thu hút thêm dòng vốn nước ngoài. "Ông lớn" Vietcombank mới đây đã đề xuất tăng room ngoại lên 35%, giúp ngân hàng đáp ứng tốt hơn các quy định về an toàn vốn và có thêm nguồn lực mở rộng tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, tài chính - ngân hàng là lĩnh vực khá nhạy cảm, chỉ cần một tác động nhỏ cũng có thể dẫn tới thay đổi rất lớn. Vì vậy, việc nghiên cứu nới room ngoại cần rất thận trọng.
Theo ông Thịnh, việc mở room ở mức độ bao nhiêu, liều lượng giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài như thế nào cho hợp lý là cả một vấn đề phải suy xét cụ thể.
Nếu nới nhiều hoặc quá nhanh thì có thể dẫn tới nhiều rủi ro, tổn thương cho thị trường tài chính và bản thân các ngân hàng khi bị chi phối, phụ thuộc quá nhiều vào các nhà đầu tư nước ngoài. Ngược lại, việc nới quá ít, quá chậm cũng có thể ảnh hưởng ít nhiều tới tiến trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, nâng cao hiệu quả quản trị cũng bị kìm chế…
Không chỉ riêng Việt Nam, mà ở bất kỳ quốc gia nào cũng vậy, đảm bảo an toàn và ổn định hệ thống tài chính - ngân hàng là điều vô cùng quan trọng và được đặc biệt lưu tâm. Tại một số quốc gia, nhà đầu tư nước ngoài có thể không quá khó khi tham gia vào với các ngân hàng tầm trung, quy mô nhỏ, nhưng với các ngân hàng có thị phần lớn, có tầm ảnh hưởng tới kinh tế quốc dân thì không phải chuyện đơn giản.
Theo đó, cần nghiên cứu để đưa ra một mức giới hạn tỷ lệ sở hữu phù hợp cần thiết và phải có lộ trình, phụ thuộc vào thời gian cam kết của Việt Nam với quốc tế, khả năng cải thiện năng lực giám sát, minh bạch hoá thông tin… Khi nền kinh tế dần trở nên mạnh mẽ hơn, có thể độc lập tự chủ hơn thì hoàn toàn có thể cân nhắc tạo điều kiện cho các nhà đầu tư ngoại tham gia vào các lĩnh vực trong nền kinh tế, ngoại trừ an ninh quốc phòng.
Lợi nhuận ngành ngân hàng dự báo tăng trưởng 14,9% vào năm 2025
Nhà mạng 31 năm tuổi chính thức ra mắt sản phẩm 'Loa' thông báo nhận tiền chuyển khoản