Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị đầu tư đối với một số mã cổ phiếu cho phiên giao dịch ngày 27/1/2022 như NT2, PLX, TCB...
CTCK BIDV (BSC): Khuyến nghị chốt lãi cổ phiếu PLX tại ngưỡng 62
Cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã có tín hiệu hồi phục trong phiên hôm nay. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng giao dịch trung bình 20 phiên, cho thấy cổ phiếu vẫn đang hấp dẫn dòng tiền đầu tư.
Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đang ủng hộ nhịp vận động tích cực. Đường giá cổ phiếu vẫn đang đã vượt lên ngưỡng MA20 và MA50, báo hiệu xu hướng tăng giá đã hình thành.
Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 57.0, chốt lãi tại ngưỡng 62.0 và cắt lỗ nếu cổ phiếu giảm xuống dưới ngưỡng 54.0.
CTCK Bảo Việt (BVSC): Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu NT2 với giá mục tiêu 27.500 đồng/CP
CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2 – sàn HOSE) là doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, thường xuyên trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ cao và có tiềm năng tăng tỷ lệ cổ tức trong tương lai.
Những thông tin kém tích cực như giảm giá cố định hay nhu cầu tiêu thụ điện sụt giảm mạnh cũng đã qua đi và còn thông tin tích cực để chờ đợi phía trước như khoản thanh toán 400 tỷ đồng liên quan đến tỷ giá hay nhu cầu tiêu thụ điện phục hồi.
Cùng với đó, mức định giá DCF của NT2 là 27.500 đồng/CP (cao hơn 22% so với mức đóng cửa ngày 24/01/2022), do đó chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu NT2 với mức giá mục tiêu là 27.500 đồng/CP.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần lưu ý NT2 vẫn còn đâu đó những áp lực khi giá khí đầu vào ở mức cao dẫn tới gặp nhiều khó khăn khi tham gia thị trường phát điện cạnh tranh.
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Tăng trưởng tín dụng 2022 của TCB được kỳ vọng tích cực
Trong năm 2021, Ngân hàng TMCP Kỹ thương (TCB – sàn HOSE) ghi nhận thu nhập thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt ở mức 37.076 tỷ đồng (tăng 37,1% so với năm trước) và 23.238 tỷ đồng (tăng trưởng 47,1%).
Tỷ lệ ROA tăng lên 3,7% từ 3,1% của năm 2020, phản ánh sự phân bổ tài sản hiệu quả của TCB.
NIM của TCB tiếp tục xu hướng tăng, đạt mức 5,6% trong quý IV/2021 từ mức 4,9% cùng kì năm ngoái. Đóng góp chính đến từ việc cải thiện chi phí vốn nhờ (1) điều kiện thanh khoản thuận lợi và (2) nỗ lực đa dạng hóa nguồn huy động, đặc biệt là huy động từ quốc tế với chi phí vốn rẻ hơn (TCB đã thực hiện khoản vay vốn nước ngoài 5 năm trị giá 800 triệu USD); và (3) CASA tăng trưởng mạnh mẽ. Tỷ lệ CASA đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử, đạt 50.5% từ mức 46.1% của năm 2020 nhờ đóng góp mạnh mẽ của mảng CASA bán lẻ.
NFI tăng tốt ở tất cả các mảng. NFI của TCB ghi nhận mức tăng tương đương với NII, đạt mức 42% so với năm trước với đóng góp quan trọng của phí IB (tăng trưởng 33%). Ngoài ra, hoạt động bảo hiểm được đẩy mạnh với phí bảo hiểm tăng 88%.
Chất lượng tài sản tích cực trong điều kiện thách thức bởi dịch bệnh Covid-19. Tỷ lệ NPL chỉ nhích nhẹ lên mức 0.7% từ mức 0.5% của năm 2020 và ở mức thấp so với toàn ngành. Mức tăng đến chủ yếu từ nhóm SME, tăng lên mức 0.7% trong quý III và quý IV do những hoạt động giãn cách xã hội. LLCR giảm xuống mức 163% trong quý IV từ 184% của quIII.
Dư nợ tái cấu trúc giảm mạnh xuống mức 1,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 0.5% tổng dư nợ cho vay và đã được trích lập hoàn toàn.
Kế hoạch từ ban lãnh đạo: Ban lãnh đạo cho rằng các điều kiện vĩ mô và chính sách tiền tệ diễn biến thuận lợi trong năm nay giúp tăng trưởng tín dụng 2022 được kỳ vọng tích cực.
Ban lãnh đạo cho rằng, áp lực lên NIM sẽ lớn hơn trong năm 2022 đến từ kỳ vọng về cạnh tranh lãi suất cho vay giữa các ngân hàng để đạt đủ hạn mức tín dụng từ SBV, qua đó cũng kéo theo lãi suất huy động tăng.
Với tỷ lệ CAR ở mức cao - 15%, ban lãnh đạo không mặn mà với vấn đề room ngoại tại thời điểm hiện tại.