Lịch sử "mua là thắng" có lặp lại ?

26-07-2021 10:29|Như Nguyễn (Tổng hợp)

Điểm bắt đầu đợt tăng trưởng chưa từng có trên thị trường chứng khoán Việt Nam vừa qua lại chính là lúc thực hiện giãn các xã hội lần thứ nhất. Điều này đã khiến các nhà đầu tư chứng khoán gần như thờ ơ với diễn biến của dịch bệnh, thậm chí coi việc giãn cách là “điềm lành”.

Hơn một năm "mua là thắng"

Suốt hơn một năm qua, trong khi phần lớn thế giới cảm nhận một năm tồi tệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì những nhà đầu tư tài chính nói chung và chứng khoán nói riêng lại đang mơ màng trong giấc mộng hoàn hảo chưa từng có.

Thực tế, khi virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc) và cả thành phố bị phong tỏa, thế giới vẫn chỉ đánh giá đây là một rủi ro cục bộ. Bằng chứng là chỉ có chứng khoán Trung Quốc là giảm điểm, các thị trường khác vẫn tăng điểm. Tại Việt Nam, cho đến trước Tết Nguyên đán 2020, Vn-Index tăng gần 3,2%.

Tuy nhiên, đại dịch bùng phát đã làm đóng băng tất cả các hoạt động xã hội, phần lớn hoạt động kinh tế, nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam chìm trong yên lặng vì lệnh phong toả. Điều này đã khiến các chỉ số chứng khoán sụp đổ với tốc độ kinh hoàng, như S&P500 sụt giảm gần 34% trong hơn một tháng, Vn-Index cũng lao dốc và chính thức chạm đáy 650 điểm vào cuối tháng 3/2020.

Rõ ràng, Covid-19 cùng các lệnh phong toả đã đem lại vận xui cho giới đầu tư vì không ai kịp phản ứng cũng như không ai lường trước được một nguyên nhân chưa từng có lại tác động đến thị trường chứng khoán mạnh như vậy. Chắc hẳn, thời điểm này có rất nhiều người phải chịu cảnh "cháy túi".

Thế nhưng, trong bối cảnh chưa từng có này lại dẫn đến một điều chưa từng có khác, chính là "cơ hội vàng" cho các nhà đầu tư mới "chân ướt chân ráo" bước vào thị trường chứng khoán, hay còn được gọi là nhóm nhà đầu tư F0.

Tính đến tháng 6/2021, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có hơn 3,3 triệu tài khoản, chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân từ đủ các ngành nghề như nhân viên văn phòng, chủ quán, cơ sở kinh doanh đang nghỉ dịch đến cả những tiểu thương, tài xế taxi, xe công nghệ…

Những người tìm đến thị trường chứng khoán có thể do mệt mỏi vì bị giam hãm trong nhà quá lâu, hoặc muốn “gỡ” lại thu nhập trong thời gian nghỉ dịch, hay đơn giản là nhiều tiền quá không biết dùng vào việc gì!?

Chính dòng tiền từ những nhóm nhà đầu tư này đã khiến thị trường hồi phục như “vũ bão”. Vn-Index tính đến đầu tháng 7/2021 đã ghi nhận mức tăng trưởng hơn 115% kể từ đáy tháng 3/2020, hầu hết các cổ phiếu đều tăng giá. Nói cách khác, mọi nhà đầu tư mua vào từ tháng 3/2020 trở đi đều có lãi, thậm chí chiến lược "mua và quên" sinh lời lớn nhất.

Việc lịch sử có lặp lại hay không là một câu chuyện cần sự kiểm chứng. Nhưng cần phải nhắc lại là thị trường chứng khoán lúc này không còn giống cách đây hơn một năm, nên khó có thể lặp lại một cách tương đồng.

Có thể kể đến như việc, tại thời điểm cuối tháng 3/2020, “sóng giãn cách” khởi động sau khi thị trường đã phải trải qua 3 tháng “đau thương” trước đó, giá trị cổ phiếu bốc hơi vài chục phần trăm. Trong khi thị trường hiện tại đã trải qua một chu kỳ tăng trưởng cực mạnh nhưng nhịp điều chỉnh từ đầu tháng 7 cũng chưa phải là quá nhiều.

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/lich-su-mua-la-thang-co-lap-lai-118670.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Lịch sử "mua là thắng" có lặp lại ?
    POWERED BY ONECMS & INTECH