Tại Talkshow Chọn danh mục kỳ 9 diễn ra chiều 23/6/2022, ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng, thị trường hiện vẫn ở mức định giá hấp dẫn.
Theo phân tích, chỉ số P/E toàn thị trường ngày 22/6 khoảng 13 lần, ngày 23/6/2022 có lẽ cao hơn. Tuy nhiên, P/E trung bình 5 năm gần đây khoảng 16,5 lần, còn 10 năm gần đây ở mức 15 lần nên P/E mức này là thấp. Trong khi đó, nhìn về triển vọng kinh tế Việt Nam, các tổ chức đưa ra dự báo tăng trưởng GDP năm nay ở mức 6%; dự báo tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp tăng 15% và trong quý I tổng lợi nhuận niêm yết tăng 30%.
Nếu năm 2022, dự báo tăng trưởng doanh nghiệp là 15% thì P/E forward khoảng 11,7 lần. So với các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia PE forward khoảng 15 -16 lần, thì hệ số PE forward của Việt Nam là 11,7 lần - mức thấp và khá hấp dẫn.
Về lo ngại thị trường có thể quay về mốc 950 điểm như những dự báo trước đó, ông Hiển cho rằng, VN-Index sẽ có một số mốc hỗ trợ bên dưới như chỉ số giảm qua mốc 1.150 điểm, mốc hỗ trợ gần nhất là 1.130 điểm, dưới nữa là 1.080 điểm. Còn kịch bản VN-Index về mốc 950 điểm theo chuyên gia là khó xảy ra.
“Tất nhiên là chuyện gì cũng có thể xảy ra nhưng nếu ở bên ngoài và trong nước chứng kiến biến động hay tin tức đặc biệt xấu thì có thể về vùng đó”, ông Hiển nói.
Khi được hỏi liệu những nhóm trụ cột như ngân hàng, thép, bất động sản, chứng khoán đã giảm phá đáy, chỉ số P/E, P/B đã hấp dẫn hay chưa, ông Hiển chia sẻ: "Về cổ phiếu chứng khoán, hoạt động các công ty gắn liền với thị trường nên mối tương quan của giá công ty chứng khoán với thị trường rất lớn. Vì thế, nó là cổ phiếu mang tính chất chu kỳ có mối tương đồng rất mạnh với thị trường.
Với các cổ phiếu chứng khoán, nhìn quãng đường từ năm 2005 đến giờ, thị trường vẫn đang trong giai đoạn đi lên dù có điều chỉnh, công ty chứng khoán là các đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ thị trường nên nhìn chung công ty chứng khoán cũng sẽ phát triển cùng thị trường".
Với nhóm ngân hàng, theo ông Hiển, sau giai đoạn giảm điểm, nhóm này đang có mức định giá khá thấp và hấp dẫn. Chỉ số P/E của nhiều mã đã giảm về quanh mức thấp hơn năm 2020, quanh 1,2 - 1,3 so với giá trị, trong khi ngành ngân hàng vẫn tốt, tăng trưởng lợi nhuận quý I là 30%.
"Tăng trưởng tín dụng mặc dù ngân hàng nhà nước kiểm soát chặt chẽ để kiềm chế lạm phát nhưng nhiều ngân hàng vẫn có thể nới thêm room tín dụng. ROE của các ngân hàng cũng rất tốt, đều trên 20%. Với P/E và ROE như vậy, nhóm này đang trở về mức hấp dẫn để đầu tư", ông Hiển nói thêm.
Về nhóm ngành thép, ông Hiển cho rằng, thời gian vừa rồi cũng được hưởng lợi khá nhiều từ việc giá hàng hóa tăng cao do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, giá dầu tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như chiến lược Zero Covid của Trung Quốc. Trong thời gian tới cần đánh đánh giá yếu tố đó có còn hay không, giá hàng hóa đã đạt đỉnh hay chưa để lượng hóa cổ phiếu của ngành này còn hấp dẫn không.
Ông Hiển cũng dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp thép cuối năm nay sẽ khó để bứt phá cũng như khả quan như 6 tháng đầu năm, nhưng có những doanh nghiệp về mức định giá thấp trong lịch sử như HPG, P/E chỉ ở 4 lần - mức rất thấp trong lịch sử, hiếm khi nhìn thấy của HPG.
"Hiện tại thị trường có mức độ phân hóa lớn, trong một nhóm ngành có cổ phiếu tăng trưởng tốt nhưng cũng có cổ phiếu không tăng mà còn giảm giá vậy nên nhà đầu tư cần lưu ý đến khâu chọn lựa cổ phiếu. Nếu chỉ đánh giá về nhóm ngành mà quên mất doanh nghiệp riêng lẻ, nhà đầu tư rất có thể sẽ chọn lựa sai cổ phiếu, mặc dù cả ngành được hưởng lợi", ông Hiển nhấn mạnh.
VN-Index giảm 4 phiên liên tục, về lại 1.262 điểm
Nhận định chứng khoán 13/12: Cơ hội xuất hiện khi VN-Index về 1.260 điểm