Tính chung 11 tháng đầu năm, tiền gửi dân cư chỉ tăng gần 135.100 tỷ đồng so với cuối năm 2020, tương đương 2,63%.
Theo số liệu mới công bố của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 11/2021, tiền gửi dân cư (không tính tổ chức, doanh nghiệp) tại các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt gần 5,277 triệu tỷ đồng, giảm hơn 23.400 tỷ so với mức ghi nhận cuối tháng 10.
Ngược lại, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại ngân hàng tăng hơn 153.200 tỷ trong tháng 11 sau khi giảm gần 7.900 tỷ vào tháng 10.
Trước đó, trong tháng 10, tiền gửi của người dân ghi nhận tăng hơn 8.500 tỷ đồng sau khi liên tiếp sụt giảm trong tháng 8 và tháng 9. Tính chung 11 tháng đầu năm, tiền gửi dân cư chỉ tăng gần 135.100 tỷ đồng so với cuối năm 2020, tương đương 2,63%. Đây là mức tăng trưởng 11 tháng thấp nhất kể từ khi số liệu này được Ngân hàng Nhà nước công bố.
Tại nhóm tiền gửi của các tổ chức kinh tê, lũy kế 11 tháng đầu năm, tiền gửi tăng hơn 525.600 tỷ đồng, tương đương 10,78%.
Theo các chuyên gia, tiền gửi dân cư sụt giảm mạnh có thể do dịch bệnh COVID-19 bùng phát kéo theo thu nhập của nhiều người bị ảnh hưởng. Đồng thời, nhiều tỉnh thành phố thực hiện phương án giãn cách xã hội nên người dân không thể đến ngân hàng để gửi tiết kiệm.
Ngoài ra, sức hút từ các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản và tiền điện tử cũng là nguyên nhân khiến người dân không còn mặn mà gửi tiền khi lãi suất tiết kiệm vào cuối năm 2021 đã xuống thấp kỷ lục.
Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tính chung năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán, lớn gấp rưỡi tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm từ 2017 đến 2020 cộng lại (tổng 4 năm đạt 1,04 triệu tài khoản).