Thị trường đã có sự hồi phục khá tốt về điểm số, nhưng thanh khoản vẫn cách khá xa so với giai đoạn thị trường thăng hoa hồi tháng 5 - 6.
Xác nhận “ngày bùng nổ theo đà”
Thị trường chứng khoán đã bật tăng trở lại khi thông tin về kết quả kinh doanh quý II/2021 dần được các doanh nghiệp công bố, trong đó có nhiều doanh nghiệp báo lãi tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2020 và tình hình dịch bệnh Covid-19 có chuyển biến tích cực, giúp tâm lý nhà đầu tư lạc quan hơn.
Trong phần dữ liệu tổng hợp về diễn biến thị trường chứng khoán trong các đợt bùng phát dịch bệnh, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) tổng kết, ở đợt bùng phát dịch thứ nhất, nhịp giảm điểm kéo dài từ ngày 30/1/2020 đến 31/3/2020 (2 tháng), chỉ số VN-Index mất giảm 33%; ở đợt bùng phát dịch thứ hai, nhịp giảm kéo dài từ ngày 24/7/2020 – 31/7/2020 (1 tuần), VN-Index rớt 9%; ở đợt thứ ba, nhịp giảm kéo dài từ ngày 19/1/2021 – 29/1/2021 (10 ngày), VN-Index rớt 16% và đợt thứ tư này, VN-Index có lúc đã mất gần 14% so đỉnh 1.424 điểm.
Trong các đợt bùng phát dịch lần trước, cứ sau mỗi nhịp điều chỉnh như vậy, chỉ số VN-Index lại tạo đà cho một nhịp tăng mạnh mẽ. Đáy của thị trường có thể ở quanh đâu đây, nhưng liệu nhịp tăng mới có mạnh mẽ hơn để VN-Index thiết lập kỷ lục mới như nhiều chuyên gia nhận định về thị trường giai đoạn nửa cuối năm? Có lẽ nhà đầu tư cũng kỳ vọng, nhưng không vội.
Nghiên cứu của IBD về tất cả chu kỳ thị trường tăng giá từ năm 1880 đến nay đã phát hiện, không có xu hướng tăng bền vững nào mà không bắt đầu bằng ngày bùng nổ theo đà và các môi giới trên thị trường cho rằng, VN-Index đã chính thức xác nhận có “ngày bùng nổ theo đà” là 30/7/2021.
Bản chất của “ngày bùng nổ theo đà” là ngày giao dịch có sự bùng nổ, lan tỏa cho toàn thị trường, kích hoạt cho một thị trường tăng giá mới.
“Ngày bùng nổ theo đà” giúp chúng ta xác nhận việc thị trường tạo đáy mới, xu hướng giảm đã bị phá vỡ và sự tham gia của dòng tiền lớn sau giai đoạn đứng ngoài thị trường quá lâu.
Thực tế đợt sụt giảm tháng 7, VN-Index có sự điều chỉnh mạnh mẽ khi có mức giảm 13,96%, P/E của thị trường rơi từ 19,3 lần về 16,7 lần, nhiều cổ phiếu về vùng giá hấp dẫn, kích thích dòng tiền vào lại cùng với sự tham gia của dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài với khối lượng mua ròng đạt gần 4.000 tỷ đồng.
Đồng thời, đây cũng là thời điểm đánh giá lại về tình hình các doanh nghiệp sau đợt bùng phát Covid-19 lần thứ 4, nhiều doanh nghiệp đã thích nghi với dịch bệnh và đã có những sự chuẩn bị tốt, hoặc doanh nghiệp ở những ngành nghề ít chịu ảnh hưởng hay được hưởng lợi từ dịch bệnh sẽ vẫn duy trì được lợi nhuận ổn định.
Giá cổ phiếu của những doanh nghiệp này hồi phục tác động chính vào chỉ số chứng khoán, giúp chỉ số phục hồi mạnh mẽ.
Dòng tiền đã khác
Dù vậy, có một điểm mà nhà đầu tư cần lưu ý về đợt tăng điểm này. Thứ nhất là “ngày bùng nổ theo đà” xuất hiện khá muộn. Trong ba lần xuất hiện trước đây, tính từ tháng 4/2020, “ngày bùng nổ theo đà” thường xuất hiện từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 5 tính từ phiên rũ bỏ mạnh và tạo đáy, cho thấy dòng tiền tham gia vào thị trường rất mạnh mẽ và quyết liệt.
Tuy nhiên, lần này, ngày bùng nổ lại xuất hiện vào ngày thứ 9 của phiên thị trường tạo đáy, cho thấy dòng tiền vào thị trường đã khác trước, lực có vẻ yếu đi bởi những lo ngại về tình hình Covid-19 vẫn còn phức tạp.
Ở tín hiệu này, có thể thấy, cơ hội trên thị trường sẽ ít lại, không còn đại trà như trước, khi chỉ số đã ở vùng khá cao so với trước đây.
Thứ hai là có sự thay đổi ở nhóm “tạo đáy trước thị trường”. Trong những lần thị trường giảm mạnh trước đây, bank - chứng - thép là những nhóm cổ phiếu có dòng tiền vào rất khoẻ, tạo đáy và bứt phá ngay khi thị trường tạo đáy, nhưng ở lần này thì không hẳn như vậy.
Tất nhiên, để có một “ngày bùng nổ theo đà” thì không thể thiếu nhóm tài chính, vì nhóm này chiếm tỷ trọng lớn trong vốn hóa toàn thị trường, nhưng nếu nhà đầu tư chịu quan sát sẽ thấy, dòng tiền đang tập trung vào nhóm bất động sản nhiều hơn, khi nhóm này đã tăng mạnh trước khi VN-Index tạo đáy.
Thứ ba, “ngày bùng nổ theo đà” trùng với ngày các quỹ đầu tư chỉ số (ETF) tái cơ cấu danh mục sau khi VN30 đã thay đổi một số mã, trong đó có nhiều mã ngân hàng. Chính vì vậy, sự cơ cấu này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến chỉ số, khi nhiều tổ chức thường sẽ thận trọng trước động thái cơ cấu của ETF.
Với những lý do như vậy, các môi giới giàu kinh nghiệm của SSI đánh giá, “ngày bùng nổ theo đà” của VN-Index lần này sẽ không dẫn đến viễn cảnh tăng “ầm ầm” như các đợt trước, mà sẽ là những đợt tăng/giảm xuất hiện thường xuyên hơn (tất nhiên, xu hướng chung vẫn là tăng).
Cùng với đó, dòng tiền sẽ chọn lựa cổ phiếu khắt khe hơn, dựa trên những yếu tố cơ bản của doanh nghiệp nhiều hơn, do vậy, nhà đầu tư khó có thể “mua đâu thắng đấy” như giai đoạn trước.
Bởi vậy, các nhà đầu tư được khuyến nghị giải ngân từ từ, có kế hoạch, việc chia tỷ lệ giải ngân vừa giúp nhà đầu tư sở hữu được cổ phiếu, vừa kiểm soát rủi ro. Nhà đầu tư cũng nên cân nhắc thay đổi nhóm cổ phiếu chiến lược, việc tiếp cận với nhóm ngành khác sẽ tạo được cảm hứng và những chọn lựa mới cho nhà đầu tư.
Về các nhóm ngành được quan tâm, Công ty Chứng khoán VNDirect đưa ra một thông tin khá thú vị: Tuần cuối tháng 7, tự doanh công ty chứng khoán mua ròng cả tuần đạt gần 600 tỷ đồng, trong đó cổ phiếu bất động sản được khối tự doanh mua ròng nhiều nhất qua kênh khớp lệnh.
Trong khi đó, SSI Research duy trì quan điểm trung lập đối với ngành ngân hàng và ưa thích ngành chứng khoán (do cho rằng thanh khoản thị trường vẫn khả quan so với cùng kỳ 2020) và các ngành liên quan đến xuất khẩu (gỗ, thủy sản, dệt may), bởi các ngành này có thể hưởng lợi từ sức cầu tăng mạnh trên thế giới trong nửa cuối năm khi các nền kinh tế lớn hồi phục sau đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, một số nhóm cổ phiếu có triển vọng trung và dài hạn được SSI khuyến nghị như nhóm logistics - cảng biển (do giá cước vận tải tăng), nhóm phân bón (mặt hàng thiết yếu được sản xuất trong dịch, giá ure đang ở đỉnh), nhóm thép nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu (do giá tôn mạ trên thị trường châu Âu đang tăng trưởng rất tốt), nhóm nhu yếu phẩm (có nhu cầu tăng cao trong giai đoạn bùng phát dịch), nhóm công nghệ (chuyển đổi số tăng trưởng bền vững) và nhóm dầu khí (nếu giá dầu thô trên thị trường thế giới duy trì trên mốc 70 USD/thùng trong thời gian dài).