Trong phiên giao dịch cuối tuần 15/4, Chứng khoán SHS nghiêng về kịch bản VN-Index có thể sẽ hồi phục trở lại để thu hẹp dần khoảng cách với ngưỡng kháng cự kỹ thuật quanh 1.490 điểm (MA20-50).
Tổng quan thị trường chứng khoán ngày 14/4
Sau những phút khởi sắc buổi sáng, áp lực bán đã tăng lên đáng kể trong phiên chiều 14/4/2022 khiến VN-Index và các chỉ số chìm trong sắc đỏ.
Hàng loạt cổ phiếu thuốc nhóm bất động sản, xây dựng, ngân hàng, chứng khoán bị bán mạnh trong phiên chiều nay trong đó TCB đóng cửa giảm 1,5% xuống 47.300 đồng, mức thấp nhất trong gần 1 năm qua.
Ở nhóm Bluechips, nhiều cổ phiếu như BVH, HPG, MSN, VIC, VNM, BHN, VJC, POW,… cũng đồng loạt giảm càng khiến thị trường thêm phần ảm đạm.
Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu liên quan tới hàng hóa như thép, phân bón, dầu khí, than nhìn chung vẫn thu hút dòng tiền và tăng khá tốt trong đó một số cổ phiếu như DCM, DGC thậm chí đóng cửa tăng trần.
Các cổ phiếu bán lẻ cũng có phiên giao dịch khởi sắc khi PNJ, MWG, FRT, DGW, PET đều đóng cửa trong sắc xanh tăng điểm. Cổ phiếu "họ Viettel" VTP, VGI, CTR, VTK cũng tăng mạnh, hầu hết đều tăng trên 5%.
Kết phiên giao dịch, VN-Index giảm 5,08 điểm (-0,34%) xuống 1.472,12 điểm; toàn sàn có 185 mã tăng, 271 mã giảm và 45 mã đứng giá. HNX-Index giảm 3,76 điểm (-0,88%) xuống 423,69 điểm; toàn sàn có 118 mã tăng, 102 mã giảm và 54 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,11 điểm (0,1%) lên 113,41 điểm.
Thanh khoản thị trường tiếp tục giảm với tổng giá trị khớp lệnh đạt 19.203 tỷ đồng - giảm 15% so với phiên trước trong đó giá trị khớp lệnh riêng sàn HOSE giảm 12% xuống còn 17.238 tỷ đồng.
Về giao dịch khối ngoại, họ bán ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị gần 240 tỷ đồng, lực bán tập trung chủ yếu vào HPG, VND, VHM, VNM.
Nhận định thị trường chứng khoán ngày 15/4
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Rung lắc ngưỡng hỗ trợ 1.470 điểm
Hiện tại, tâm lý thị trường vẫn yếu khi chỉ số đã không thể bật lên khỏi ngưỡng hỗ trợ 1.470 điểm. Trong 1 - 2 phiên tới kể từ 15/4, thị trường có thể vẫn sẽ loanh quanh ở ngưỡng này.
CTCK Mirae Asset: Tiêu cực trong ngắn hạn
Mặc dù đóng cửa ở mức thấp nhất trong ngày 14/4, nhưng khối lượng bán có phần suy giảm đã giúp cho điểm số đánh giá kỹ thuật ngắn hạn của VN-Index được cải thiện từ mức -5 điểm lên mức -4 điểm và vẫn duy trì trạng thái đánh giá ngắn hạn là tiêu cực.
CTCK Tân Việt (TVSI): Dao động trong vùng sideway lớn
Phiên giảm điểm 14/4 ở mức khá nhẹ và chưa tạo ra điểm nhấn để TVSI thay đổi quan điểm về xu hướng hồi phục ngắn hạn của thị trường. Xu hướng trung hạn hiện vẫn dao động trong vùng sideway lớn (1.42x - 1.53x của VN-Index) và mức độ phân hóa trong nội tại thị trường ngày một cao hơn.
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Hồi phục trở lại
Những lo ngại về tình hình vĩ mô và địa chính trị thế giới đã làm cho tâm lý nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại vẫn chưa thực tốt dẫn đến sự dè dặt trong các quyết định giải ngân ở vùng giá này. Sẽ cần sự cải thiện trong tâm lý đầu tư dẫn đến việc dòng tiền đổ mạnh hơn vào thị trường để giúp chỉ số VN-Index sớm lấy lại các ngưỡng kháng cự trước mắt.
Trong phiên giao dịch cuối tuần 15/4, SHS nghiêng về kịch bản VN-Index có thể sẽ hồi phục trở lại để thu hẹp dần khoảng cách với ngưỡng kháng cự kỹ thuật quanh 1.490 điểm (MA20-50).
CTCK MB (MBS): Chịu áp lực rung lắc
Ngày 15/4 tới, lượng hàng từ phiên giảm gần 27 điểm sẽ về tài khoản, nhiều khả năng thị trường sẽ còn chịu áp lực rung lắc trong phiên sáng. Về kỹ thuật, phiên 14/4 thị trường tăng tốt trong phiên sáng nhưng không vượt được ngưỡng kỹ thuật MA100. Lúc này, cụm MA100 và MA50 là vùng cản mạnh đối với chỉ số VN-Index, tương ứng 1.485 - 1.491 điểm, trong khi ngưỡng hỗ trợ ở 1.448 - 1.455 điểm.