Chứng khoán BSC cho rằng, với diễn biến khó lường phiên 18/1 và phiên đáo hạn phái sinh tới đây, VN-Index có thể sẽ kiểm tra lại đường MA100 quanh vùng 1.420 điểm.
Tổng quan phiên 18/1:
Áp lực bán mạnh xuất hiện vào cuối phiên đã đẩy hàng loạt cổ phiếu như VND, VCI, GEX, TCH, HQC,... xuống mức giá sàn. Thị trường tiếp tục ghi nhận hơn 170 mã giảm hết biên độ trong phiên 18/1/2022.
Dẫn đầu phe giảm tại nhóm trụ hôm nay là các cổ phiếu ngân hàng. VCB, BID kéo chỉ số gần 4 điểm.
Bên cạnh đó các mã NVL, VRE, VNM, GAS, SAB,… tăng về cuối phiên làm giảm áp lực lên chỉ số. Ngược lại, VHM và GVR tạo không ít áp lực.
Vốn lớn mang sắc xanh nhưng thị trường không thể tích cực trước đà bán khủng khiếp ở các cổ phiếu vừa và nhỏ. Số mã giảm sàn hôm nay không hề thua kém phiên 17/1 với 176 mã. Bất động sản, xây dựng và chứng khoán là lực lượng giảm sàn chủ chốt.
Sàn HNX có diễn biến tiêu cực hơn thảy, các cổ phiếu nóng hầu như đều nằm trên sàn này. THD, CEO, L14,… giảm sàn trở thành tác nhân chính khiến HNX-Index giảm tới hơn 24 điểm (5,4%) xuống còn 421,21 điểm. Các mã ngân hàng trên sàn này chủ yếu mang sắc đỏ do đó đà giảm lại càng rộng hơn so với HOSE.
Kết phiên giao dịch, VN-Index giảm 13,9 điểm (-0,96%) xuống 1.438,94 điểm; toàn sàn có 135 mã tăng, 339 mã giảm (90 mã giảm sàn) và 35 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 24,13 điểm (-5,42%) xuống 421,21 điểm; toàn sàn có 48 mã tăng, 197 mã giảm (59 mã giảm sàn) và 35 mã đứng giá.
UpCOM-Index giảm 1,89 điểm (-1,73%) xuống 107,47 điểm. Số mã giảm sàn ở sàn UpCOM là khiêm tốn nhất với 27 mã.
Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 24.642 tỷ đồng - giảm 29% trong đó giá trị khớp lệnh riêng sàn HOSE giảm 28% và đạt 21.055 tỷ đồng.
Khối ngoại đẩy mạnh mua ròng gần 900 tỷ đồng ở sàn HOSE với lực mua nằm ở STB, VNM, BID, VCB.
Nhận định phiên 19/1:
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): VN-Index có thể sẽ bước sang giai đoạn giằng co?
VN-Index có thể sẽ bước sang giai đoạn giằng co với biên độ trong khoảng 1.400 - 1.450 điểm và nếu bứt phá lên trên ngưỡng 1.450 điểm thì có thể kỳ vọng vào một nhịp hồi phục.
CTCK Đông Á (DAS): Có thể xuất hiện nhịp hồi kỹ thuật
Thị trường vẫn tiếp tục giảm điểm nhưng lực bán mạnh chủ yếu ở các mã cổ phiếu đầu cơ trong khi đó nhóm cổ phiếu VN30 và cổ phiếu ngân hàng đã có sự giao dịch cân bằng, khối lượng giao dịch thấp do nhà đầu tư giảm bán khi giá đã chiết khấu sâu.
Trong các phiên tới, VN-Index có thể xuất hiện nhịp hồi kỹ thuật sau khi bị giảm nhanh về vùng 1,420 điểm, nhưng nhà đầu tư nên thận trọng tránh bắt đáy cổ phiếu đầu cơ vì những lý do dòng tiền thu hẹp mùa cuối năm.
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC): Kiểm tra lại đường MA100
Với diễn biến khó lường của phiên hôm 18/1 và phiên đáo hạn phái sinh HĐTL VN30 tháng 1 diễn ra trong ngày 20/1, VN-Index sẽ có phiên kiểm tra lại đường MA100 - tương đương với vùng 1.420 và tạo đáy ngắn hạn ở đây trước khi có những phiên tích luỹ để quay trở lại xu hướng tăng trung hạn được thiết lập trong suốt thời gian qua.
CTCK Tân Việt (TVSI): VN-Index bước vào xu hướng giảm điểm
Theo khung đồ thị tuần, đà tăng trung hạn của thị trường đã bị ảnh hưởng và mất đi, tuy nhiên đà tăng dài hạn vẫn đang được đảm bảo. Nếu tính theo điểm bắt đầu tạo lại kênh tăng giá vào cuối tháng 9 đến vùng đỉnh hiện tại thì các mốc hỗ trợ mạnh kế tiếp sẽ là vùng 1.400 – 1.426 điểm tương ứng mức thoái lui fibo 50 và 61,8.
Các chỉ báo động lượng tiếp tục cho tín hiệu suy yếu cho thấy thị trường cần thiết lập một vùng cân bằng mới và đã có tín hiệu hình thành trong phiên hôm 18/01. VN-Index đã tạm thời không còn xu hướng tăng trung hạn và nếu đóng tuần thấp hơn mốc 1,450 điểm thì xu hướng tăng trung hạn chính thức kết thúc.
TVSI đánh giá rằng VN-Index đã tạm thời mất đà tăng trong trung hạn. Trong ngắn hạn, VN-Index đã bước vào xu hướng giảm điểm.