Liên tiếp trong 5 phiên gần đây (6/4 - 12/4), NHNN đã cho hệ thống vay mới tổng cộng gần 29.600 tỷ đồng qua kênh OMO.
Cùng với xu hướng tăng nhanh của lãi suất liên ngân hàng, từ phiên giao dịch 6/4 đã bắt đầu chứng kiến hoạt động vay mới trên kênh cầm cố giấy tờ (OMO) của NHNN, sau 12 phiên “đóng băng”.
Theo đó, liên tiếp trong 5 phiên gần đây (6/4 - 12/4), NHNN đã cho hệ thống vay mới tổng cộng gần 29.600 tỷ đồng qua kênh OMO, với lãi suất 5%.
Trong đó, ngoài kỳ hạn 28 ngày, NHNN cũng triển khai thêm OMO 7 ngày để hỗ trợ trợ thanh khoản hệ thống. Đồng thời, Nhà điều hành cũng tiếp tục dừng phát hành tín phiếu hút thanh khoản.
Những diễn biến mới nhất trên thị trường liên ngân hàng cho thấy thanh khoản hệ thống đã không còn quá dồi dào.
Trước đó, thanh khoản hệ thống ghi nhận nhiều dấu hiệu dư thừa và lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm sâu trong nửa cuối tháng 3.
Hồi đầu tháng 3, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, thanh khoản của hệ thống đã dồi dào trở lại, vượt khoảng 50.000 tỷ đồng so với yêu cầu bắt buộc.
Cũng theo NHNN, trong quý 1/2023, cơ quan này đã mua 4 tỷ USD đồng nghĩa bơm tiền đồng ra, giúp hệ thống dồi dào thanh khoản. Cùng với đó, tiền gửi tại hệ thống ngân hàng sau Tết tăng khá cao trở lại.
Dù bật tăng mạnh trong những phiên gần đây, song giới phân tích nhận định suất liên ngân hàng sẽ khó có khả năng về lại mức cao như giai đoạn tháng 11/2022, khi NHNN đã phát đi tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ.
Thực tế, lãi suất liên ngân hàng chỉ tăng mạnh tại các kỳ hạn dưới 1 tháng. Đường cong lãi suất liên ngân hàng gần như phẳng phản ánh thị trường đánh giá những thiếu hụt thanh khoản chỉ mang tính chất tạm thời.
Bên cạnh đó, lượng trúng thầu OMO trong những phiên gần đây đều thấp hơn nhiều so với lượng chào thầu của NHNN, cho thấy nhu cầu vay hỗ trợ thanh khoản vẫn thấp hơn khá nhiều so với hạn mức mà Nhà điều hành đưa ra.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Chuyển giao ngân hàng 0 đồng 'chưa từng có tiền lệ'
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: NHNN không cấm cho vay bất động sản