Bên cạnh những kỳ vọng về lợi nhuận, một số chuyên gia cho rằng, triển vọng kinh doanh của các ngân hàng năm 2022 sẽ có sự phân hóa rõ rệt do mức độ cạnh tranh trong ngành dự báo tăng lên.
Từ nền kinh tế đang trên đà vực dậy…
Theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã đặt ra các nhiệm vụ cho năm 2022, trong đó phấn đấu mức tăng trưởng GDP đạt mức 6 - 6,5%.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022 sẽ đạt mức 6,5%. ADB nhận định hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng với việc tận dụng hiệu quả các hiệp định thương tự do.
Những kỳ vọng phục hồi của nền kinh tế, độ phủ vắc-xin ngày càng lớn, xuất khẩu tăng trưởng tích cực, Ngân hàng Nhà nước sắp cấp room tín dụng, gói cấp bù lãi suất 40.000 tỷ đồng cùng Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội sắp được triển khai… đang là những thông tin tích cực cho sự tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng năm 2022.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội sẽ tác động đến cả phía cung và phía cầu, góp phần khôi phục và thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sản xuất và tiêu dùng, hỗ trợ cho sự tăng trưởng của ngành ngân hàng năm 2022.
“Tất nhiên, vẫn còn những rủi ro tiềm ẩn như lạm phát quay lại, sự phục hồi của một số ngành vẫn chậm…, song nhìn chung, triển vọng tăng trưởng kinh tế năm nay sáng sủa hơn năm trước. Ngân hàng là một trong các ngành được kỳ vọng tăng trưởng tốt nhất năm nay. Ngoài tín dụng phục hồi, thì tăng trưởng của ngành còn đến từ thu nhập ngoài lãi, kiểm soát chi phí”, bà Lưu Thị Thảo, Phó tổng giám đốc VPBank nhận định.
Dù chưa đưa ra kế hoạch tăng trưởng cụ thể cho năm 2022, song lãnh đạo VPBank cho hay, Ngân hàng đã đưa ra kịch bản tăng trưởng cao và kịch bản tăng trưởng hợp lý. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trung bình 5 năm tới của Ngân hàng có thể lên đến 30-35%.
Tương tự, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB tin tưởng, Việt Nam sẽ là một trong những nước có mức độ phục hồi cao nhất khu vực, với GDP ước tính đạt 6,0-6,5% nhờ nền tảng kinh tế vững chắc và các chính sách kinh tế vĩ mô điều tiết phù hợp. .
Cùng lạc quan về lợi nhuận ngân hàng năm 2022, song một số chuyên gia phân tích cho rằng, triển vọng kinh doanh của các ngân hàng năm nay sẽ có sự phân hóa rõ rệt do mức độ cạnh tranh trong ngành dự báo tăng lên. Những ngân hàng có lợi thế về room tín dụng, có hệ số an toàn vốn (CAR) cao, độ bao phủ nợ xấu lớn, có mô hình hoạt động năng động, hệ sinh thái số rộng lớn… sẽ giữ được tốc độ tăng trưởng cao. Trong khi đó, những ngân hàng có nợ xấu lớn, mô hình kinh doanh chậm thay đổi… sẽ đứng trước nguy cơ thụt lùi.
… Đến những mục tiêu đầy tham vọng
Trước những kỳ vọng phục hồi của nền kinh tế, các ngân hàng đều đặt ra những chỉ tiêu lớn trong năm 2022.
Theo đó, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, năm 2022, Ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 8%; huy động vốn tăng trưởng phù hợp với tăng trưởng tín dụng; tín dụng dự kiến tăng 12%; nợ xấu duy trì dưới 1,5%; thị phần thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại trên 16%.
Vietcombank đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng trong nhóm Big4 được chủ động trong việc quyết định quy mô tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, nhà băng này cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng này được giữ lại lợi nhuận, trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, đồng thời có lộ trình phù hợp tăng giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 35%.
Trong khi đó, theo Tổng giám đốc MSB Nguyễn Hoàng Linh, Ngân hàng đặt mục tiêu năm 2022 đạt lợi nhuận trước thuế 6.800 tỷ đồng, tăng 31,5%; tăng trưởng tín dụng trên 20%, tùy vào sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước; quy mô tài sản đạt 230.000 tỷ đồng.
Chiến lược tập trung chuyển đổi số, số hóa ngân hàng hiện hữu tiếp tục được MSB đẩy mạnh, với mục tiêu vào nhóm các ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trên tổng tiền gửi cao nhất hệ thống.
Theo ông Lê Hải, Tổng Giám đốc ABBank, dựa trên những kết quả có tính bước ngoặt của năm 2021 (gần 2.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế), ngân hàng kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2022. Việc hoàn tất tăng vốn điều lệ lên gần 10.000 tỷ đồng sẽ là cơ sở để ABBank xây dựng các chiến lược kinh doanh thách thức hơn.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế được kỳ vọng tăng 156%, ước đạt 3.079 tỷ đồng; doanh thu thuần trước rủi ro dự kiến tăng 142%, đạt 6.800 tỷ đồng; tổng tài sản tăng lên 138.250 tỷ đồng; tăng trưởng tín dụng 17%; dư nợ 92.250 tỷ đồng; huy động vốn 94.081 tỷ đồng; tỷ lệ CASA là 20%.
Đối với Ngân hàng Bản Việt, Tổng giám đốc Ngô Quang Trung cho biết, tính đến 31/12/2021, tổng tài sản của Ngân hàng đạt gần 76.600 tỷ đồng, tăng 25%; tổng huy động vốn đạt hơn 70.000 tỷ đồng, tăng 20%; dư nợ tín dụng đạt hơn 46.000 tỷ đồng, tăng 16%.
Lợi nhuận trước thuế năm 2021 hoàn thành vượt 7% kế hoạch, đạt 311 tỷ đồng, chủ yếu nhờ sự tăng trưởng về quy mô tài sản và tăng trưởng quy mô tín dụng, thu nhập từ xử lý nợ và quản lý chặt chẽ chi phí hoạt động. Trên cơ sở này, năm 2022, Bản Việt dự kiến tổng tài sản tăng hơn 20%, lợi nhuận tăng hơn 40% so với năm 2021.
Để người mặc áo có túi vào kho tiền, ngân hàng bị thanh tra nhắc nhở
Nhập cuộc đường đua cổ tức hàng nghìn tỷ đồng, cổ phiếu ngân hàng vững đà dẫn sóng thị trường