Theo kết quả đánh giá, xếp hạng về chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh – DTI năm 2022 vừa được Bộ TT&TT công bố, Quảng Ninh đã vươn lên đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng ở khối địa phương.
Theo đó, với điểm số DTI đạt 0,7024 (tăng 0,2052 điểm so với năm 2021), Quảng Ninh đã vươn lên đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng chuyển đổi số năm 2022 ở nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 4 bậc so với năm 2021.
Đây là minh chứng rõ nét nhất cho việc triển khai thực hiện nghị quyết về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 từ tỉnh đến cơ sở, trong tất cả các ngành, lĩnh vực.
Được cấu trúc theo 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, DTI 2022 vẫn cơ bản được triển khai như 2 năm đầu (2020, 2021) bắt đầu thực hiện đánh giá.
Nhìn vào điểm số và thứ hạng của Quảng Ninh ở 3 trụ cột thấy tỉnh có sự nỗ lực, tiến bộ vượt bậc trong thực hiện chuyển đổi số theo định hướng của Chính phủ và những sáng tạo, cách làm riêng của Quảng Ninh.
Ở trụ cột chính quyền số, Quảng Ninh đạt 0,7804, tăng 0,1428 điểm so với năm 2021, tăng 0,2511 điểm so với năm 2020, vươn lên xếp hạng 4, tăng 1 bậc so với năm 2021.
Ở trụ cột kinh tế số, tỉnh đạt 0,7187 điểm, tăng 0,2209 điểm so với năm 2021, tăng 0,4159 điểm so với năm 2020, vươn lên xếp hạng 9, tăng 5 bậc so với năm trước đó.
Ở trụ cột xã hội số, tỉnh đạt 0,6864 điểm, tăng 0,2084 điểm so với năm 2021, tăng 0,2909 điểm so với năm 2020, xếp hạng 2 toàn quốc, tăng 1 bậc so với năm 2021.
Chuyển đổi số toàn diện trên cả 3 trụ cột đạt nhiều kết quả tích cực
Ở trụ cột chính quyền số, Quảng Ninh có gần 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của được tích hợp, cung cấp trên cổng dịch vụ công quốc gia. 99% hồ sơ thủ tục hành chính của bộ, ngành, địa phương được đồng bộ đầy đủ trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Ở trụ cột kinh tế số, đến nay Quảng Ninh là một trong số ít địa phương có 100% doanh nghiệp sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử. Tỉnh cũng có gần 99% hộ kinh doanh cá thể đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh được phổ cập chữ ký số.
Hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển với trên 70% sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên đã lên các sàn thương mại điện tử. Cấp gần 600 bộ mã truy xuất sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn và gần 100 tài khoản vận hành cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Ở trụ cột xã hội số, tỉnh đã triển khai rộng rãi việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại. Chấp nhận các hình thức thanh toán trực tuyến trong tất cả các loại hình dịch vụ công thiết yếu, như điện, nước, học phí, viện phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính.
Toàn tỉnh hiện có hơn 400 máy ATM, gần 2.400 máy POS với hơn 2.100 điểm chấp nhận thanh toán thẻ tại hầu hết các cơ sở bán lẻ, chuỗi phân phối, khách sạn, đang tiếp tục mở rộng ra các cơ sở y tế, trung tâm phục vụ hành chính công, trường học.
Có 2,8 triệu tài khoản cá nhân, trong đó có trên 2 triệu tài khoản đang hoạt động, có chức năng thanh toán không dùng tiền mặt và có phát sinh giao dịch.
Về chỉ số hạ tầng số, hiện tỷ lệ dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của tỉnh đạt khoảng 30%, cao hơn tỷ lệ trung bình của cả nước (20%).
Quảng Ninh là một trong số ít địa phương hoàn thành kết nối cổng dịch vụ công của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia và 6 hệ thống giải quyết thủ tục hành chính khác của các bộ, ngành.
Ngoài ra, tỉnh cũng hoàn thành kết nối hệ thống chính quyền điện tử tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và kết nối chính thức với trên 10 hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng thuộc các lĩnh vực trọng điểm, như doanh nghiệp, tài nguyên môi trường, xây dựng, tư pháp, bảo hiểm, bưu chính viễn thông.
Không làm chủ được công nghệ, báo chí chắc chắn sẽ tụt hậu
Không chỉ nhóm Big 4, nhiều ngân hàng tư nhân cán mốc hơn 10 triệu khách hàng