Sau thời gian ngắn triển khai, việc thực hiện giải pháp “3 tại chỗ” hiện đã bộc lộ nhiều bất cập.
“Giải pháp “3 tại chỗ” có 2 mặt trái. Thứ nhất là người lao động không chịu được, khi không được về nhà trong thời gian dài, tạo ra áp lực tâm lý rất lớn. Thứ hai là doanh nghiệp cũng phải gồng gánh các khoản chi khổng lồ, điều này cũng không ổn”, Chủ tịch VCCI nói.
Bên cạnh giải pháp “3 tại chỗ”, Chính phủ còn có thêm giải pháp tăng cường tiêm chủng, để đạt miễn dịch xã hội. Tuy nhiên, theo ông Lộc, giải pháp này được coi là phương án “cứu cánh” cho nền kinh tế nhưng với tốc độ hiện nay, sẽ phải mất rất nhiều tháng nữa mới đạt được tỷ lệ trên 70% dân số được tiêm chủng.
Trước những khó khăn nêu trên, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị giải pháp. Thứ nhất, Chính phủ xây dựng ban hành cẩm nang các biện pháp an toàn và kiểm soát sự lây nhiễm Covid-19 trong doanh nghiệp.
Thứ hai, Chính phủ cần tăng tính tự chủ cho doanh nghiệp. Trong đó, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn được chung tay để kiểm soát tình hình dịch bệnh, giảm áp lực cho đội ngũ y tế tại các bệnh viện.
Theo Chủ tịch VCCI, hiện nay các doanh nghiệp có đội ngũ bác sĩ, y tá trong nhà máy hoặc liên kết với các phòng khám, bệnh viện có uy tín, do đó muốn huy động nguồn lực này để giúp đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine, xét nghiệm tại chỗ cho công nhân để nhà máy có thể mở cửa vận hành lại từng phần.
Chủ tịch VCCI cho rằng, Chính phủ nên xem xét tổ chức đào tạo cho nhân viên y tế của nhà máy để họ có thể hỗ trợ triển khai việc tiêm chủng vaccine cho người lao động của nhà máy. Đồng thời, việc xét nghiệm nhanh tại chỗ cũng không kém phần quan trọng, cùng với việc tăng tốc tiêm vaccine thì đây sẽ là chìa khóa cho việc mở cửa hoạt động trở lại.