Thách thức giảm lãi suất cho vay trong năm 2022

14-01-2022 09:50|Hoàng Yến

Bước sang năm 2022, khi nền kinh tế phục hồi trở lại, cầu vay vốn gia tăng, việc đồng thuận để tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay không phải là điều dễ dàng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), bà Nguyễn Thị Hồng mới đây cho rằng, trong xây dựng chương trình phục hồi nền kinh tế lần này, Chính phủ cân nhắc để đưa ra giải pháp, phấn đấu để hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm thêm 0,5 - 1 điểm % lãi suất cho vay trong hai năm 2022 - 2023. 

Theo NHNN, ngay sau khi dịch COVID-19 bùng phát, NHNN đã tập trung giảm nhanh ba lần lãi suất điều hành cũng như chỉ đạo các TCTD và điều tiết tiền tệ để giảm mặt bằng lãi suất. Theo đó, lãi suất cho vay đã giảm 1 điểm % trong năm 2020 và 0,8 điểm % trong năm 2021.

Với việc mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm đáng kể trong hai năm qua, đặc biệt từ giữa tháng 7/2021 việc giảm lãi suất đã thực chất hơn, có thể nói mong muốn giảm thêm lãi suất cho vay của NHNN là rất đáng hoan nghênh, nhất là đặt trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, thông qua gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm của ngân hàng thương mại dành cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, với số tiền lên đến 40.000 tỉ đồng trong hai năm 2022 - 2023, có thể thấy mỗi năm sẽ có khoảng 1 triệu tỉ đồng dư nợ tín dụng được hỗ trợ, chiếm khoảng 10% tổng dư nợ tín dụng hiện nay. Nhưng phần dư nợ hiện hữu còn lại lên đến 90%, chưa nói đến các khoản vay mới sẽ tiếp tục phát sinh, việc giảm thêm lãi suất cho vay đối với các khoản dư nợ này để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi nhanh hơn cũng rất cần thiết.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, NHNN không thể bắt buộc các TCTD phải giảm lợi nhuận để giảm chi phí lãi vay. Một số TCTD có cổ đông là cá nhân, tổ chức nước ngoài. Chính vì vậy, trong quá trình điều hành, cơ quan này đã linh hoạt sử dụng các công cụ đồng thời động viên và kêu gọi các ngân hàng và nhận được sự đồng thuận cao.

Mặc dù vậy, bước sang năm 2022, khi nền kinh tế phục hồi trở lại, cầu vay vốn gia tăng, việc đồng thuận để tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay không phải là điều dễ dàng.

Ngoài ra, trên thế giới, ngân hàng trung ương của nhiều nước đang dần trung hòa chính sách tiền tệ. Theo đó, một số dự báo cho rằng, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chung, lãi suất có thể dần tăng trở lại trong năm 2022, nhất là đặt trong bối cảnh lạm phát cao có thể sớm quay trở lại.

Hơn nữa, hoạt động huy động vốn ngân hàng trong hai năm vừa qua phải đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn từ các kênh đầu tư như chứng khoán và bất động sản, khiến lãi suất tiền gửi có thể chịu áp lực tăng dần từ năm 2022, nên mục tiêu giảm thêm lãi suất cho vay sẽ gặp thêm nhiều thách thức.

Một yếu tố khác cũng có thể cản trở động lực giảm thêm lãi suất cho vay của các ngân hàng là nguy cơ nợ xấu tiếp tục gia tăng, đặc biệt là từ các khoản vay đã tái cơ cấu thời gian qua, trong khi chính sách tái cơ cấu nợ chỉ kéo dài đến tháng 6/2022. Từ trước đến nay, nợ xấu và các tài sản không sinh lời lớn luôn là một trong những yếu tố ảnh hưởng lên chính sách lãi suất cho vay của các ngân hàng.

Tín dụng toàn nền kinh tế tăng 12,5%: Nỗ lực điều hành của NHNN giữa thách thức kinh tế

Sau khi chuyển giao về tay Vietcombank, CBBank tăng lãi suất tiết kiệm lên gần 6%

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thach-thuc-giam-lai-suat-cho-vay-trong-nam-2022-131130.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thách thức giảm lãi suất cho vay trong năm 2022
    POWERED BY ONECMS & INTECH