Thông tin kinh tế tài chính đầu phiên 18/11: Chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ 2 liên tiếp; tỷ giá USD hồi phục; giá vàng hôm nay giảm khi đồng USD tăng trở lại; giá dầu thế giới giảm hơn 3%;..
Chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ 2 liên tiếp
Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm vào ngày thứ Năm (17/11) và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng, khi các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) báo hiệu chiến dịch nâng lãi suất còn lâu mới kết thúc.
Kết phiên, Dow Jones giảm nhẹ 7,51 điểm xuống 33.546,32 điểm; S&P 500 mất 0,31% còn 3.946,56 điểm; Nasdaq Composite giảm 0,35% xuống 11.144,96 điểm.
Tỷ giá USD hồi phục
Đầu phiên 18/11 (theo giờ Việt Nam), trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,64%, đạt mốc 106,92.
Suy thoái kinh tế dai dẳng và lo ngại về lãi suất tăng cao đã làm rung chuyển thị trường châu Âu. Đồng Euro giảm 0,61% xuống mốc 1,0329 USD và đồng yên Nhật suy yếu 0,74% so với đồng bạc xanh, giảm xuống mốc 140,57.
Bên cạnh đó, đồng bảng Anh cũng rớt xuống mốc 1,1779 USD - giảm 1,08% sau khi chính phủ mới của Anh đưa ra kế hoạch ngân sách mới trị giá 55 tỷ bảng Anh (64,93 tỷ USD) bao gồm tăng thuế và cắt giảm chi tiêu.
Giá vàng hôm nay giảm khi đồng USD tăng trở lại
Giá vàng giảm vào ngày thứ Năm (17/11) khi đồng USD tăng trở lại trong khi những nhận định gần đây từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) báo hiệu việc tiếp tục thắt chặt chính sách để kìm hãm lạm phát.
Kết phiên giao dịch, hợp đồng vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.759,40 USD/oz; hợp đồng vàng tương lai giảm 0,7% còn 1.762,80 USD/oz.
Michael Hewson, Trưởng bộ phận phân tích thị trường tại CMC Markets, nhận định: “Vàng dường như đã hết đà khi đồng USD suy yếu gần đây bắt đầu tìm lại phục hồi”. Ông Hewson cũng nói thêm rằng vàng có thể giảm xuống 1.730 USD/oz trước khi tăng trở lại.
Giá dầu thế giới giảm hơn 3%
Giá dầu giảm trước nhu cầu đóng băng bởi số ca nhiễm Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và lo ngại Mỹ nâng lãi suất mạnh hơn.
Kết phiên, hợp đồng dầu Brent giảm 2,81 USD (tương đương 3%) xuống 90,05 USD/thùng; hợp đồng dầu WTI mất 3,54 USD còn 82,05 USD/thùng.
Dennis Kissler, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch tại BOK Financial, nhận định: “Đây là tác động từ 3 phía. Chúng tôi nhận thấy số ca nhiễm COVID-19 gia tăng ở Trung Quốc, lãi suất tiếp tục tăng cao ở Mỹ và giờ đây chúng tôi đang chứng kiến sự yếu kèm về mặt kỹ thuật trên thị trường”.
Châu Âu cảnh báo rủi ro trong hệ thống tài chính
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cảnh báo sự kết hợp độc hại giữa suy thoái, lạm phát tăng cao, chi phí vay đắt đỏ và thanh khoản thấp hơn đang đe dọa gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường tài chính ở khu vực đồng sử dụng đồng euro (eurozone) gồm 19 nước thành viên.
Báo cáo của ECB nhận định, xác suất suy thoái của eurozone và Anh vào năm 2023 đã tăng lên mức 80%. Hôm 16/11, Anh cho biết lạm phát hàng năm trong tháng 10 của nước này tăng 11,1%, cao nhất trong 41 năm.
Theo ECB, khả năng xảy ra suy thoái kinh tế ở eurozone ngày càng tăng đồng thời giá năng lượng tăng vọt và lạm phát cao do cuộc chiến của Nga ở Ukraine cũng làm tăng rủi ro thua lỗ của các ngân hàng trong khu vực.
Ưu tiên nguồn lực giám sát 24/7 các hệ thống thông tin dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
Thông tin kinh tế tài chính ngày 28/2: Phố Wall xanh trở lại, tỷ giá USD quay đầu