Thế giới

Tỷ phú bất động sản không để lại một xu cho con cái với câu nói để đời

Tử Huy (Theo Baidu) 19/07/2025 - 09:53

TRUNG QUỐC - Từng bị coi thường vì làm nghề lau chùi nhà vệ sinh thuê, Dư Bành Niên từng bước xây dựng đế chế bất động sản tỷ đô và trở thành một trong những nhà từ thiện nổi bật nhất châu Á.

Tại tầng 49 của một khách sạn sang trọng giữa lòng thành phố sầm uất Thâm Quyến, một cụ ông với gương mặt rạng rỡ, ánh mắt hiền hậu niềm nở tiếp đón những vị khách quý đến từ quê nhà. Ít ai ngờ, người đàn ông giản dị ấy từng cọ toilet mưu sinh, ngủ vỉa hè trong giá lạnh, để rồi vươn lên thành tượng đài bất động sản và trở thành người Trung Quốc đầu tiên hiến trọn gia sản cho cộng đồng.

Từ bát cháo miễn phí đến chiếc vé vào đời

Dư Bành Niên sinh năm 1922 tại huyện Liên Nguyên, tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), trong một gia đình nghèo làm nghề nhuộm vải. Bốn năm trước khi ông ra đời, một trận đại hồng thủy đã cuốn trôi nhà cửa và các anh chị của ông.

Cha mẹ ông may mắn sống sót nhờ được dân làng cứu giúp. Biến cố ấy không chỉ trở thành ký ức trong gia đình mà còn là bài học làm người đầu tiên ông được thấm nhuần: nếu một ngày thành đạt, phải báo đáp ân nhân và giúp đỡ người khốn khó.

Hình 1.png
Từng bị coi thường vì nghề lau chùi nhà vệ sinh thuê, Dư Bành Niên kiên trì vươn lên, gây dựng đế chế bất động sản tỷ đô và trở thành một trong những nhà từ thiện tiêu biểu nhất của Trung Quốc cũng như châu Á. Ảnh: Baidu

Sau thời gian học thương nghiệp tại thành phố Trường Sa và bôn ba làm ăn cùng cha, ông phải rời Trung Quốc đại lục năm 1958, phiêu bạt đến Hồng Kông (Trung Quốc) với hai bàn tay trắng. Không người thân, không vốn liếng, không biết tiếng Quảng Đông, ông xin ăn cháo miễn phí tại nhà thờ, đêm ngủ vỉa hè, nhiều lần bị đánh và bắt nạt.

Tuy nhiên, cơ hội đã đến từ một việc tưởng như thấp hèn nhất: ông xin được việc cọ rửa toilet tại một khách sạn. Ngày nào ông cũng đến sớm, làm việc gấp đôi người khác, chà đến từng viên gạch nhỏ sao cho bóng loáng.

“Chỉ người làm được việc nhỏ mới có thể làm đại sự”, ông nói. Chính nhờ tinh thần ấy mà cánh cửa cuộc đời dần mở ra.

Khát vọng đổi đời và chiến lược đi ngược dòng

Từ việc cọ toilet, ông chuyển sang quét đường, phụ hồ, làm in ấn rồi học làm báo. Với chút kinh nghiệm và sự nhanh nhạy, ông được một đại gia bất động sản Đài Loan (Trung Quốc) mời về làm việc trong thập niên 1960, thời điểm thị trường địa ốc nơi đây bắt đầu bùng nổ. Không bỏ lỡ thời cơ, ông chấp nhận mức chia lợi nhuận 50-50 và lập công ty riêng.

Chỉ vài năm sau, ông đã có khoản vốn đầu tiên để quay lại Hồng Kông đầu tư. Dư Bành Niên nổi tiếng với những thương vụ ngược dòng, dám mua những bất động sản bị coi là “xui xẻo”, rớt giá vì mê tín.

Một trong số đó là căn biệt thự nơi huyền thoại võ thuật châu Á Lý Tiểu Long qua đời. Không ai dám mua nhưng ông bỏ ra 99 vạn đô la Hồng Kông (khoảng 3,2 tỷ đồng) để mua lại, sửa sang và cho thuê. Chỉ sau 7 năm, ông bán lại với giá gấp gần 100 lần. Không dừng lại ở đó, ông còn mua lại nhiều căn biệt thự khác từng thuộc sở hữu của các nhân vật có tiếng, rồi biến chúng thành tài sản sinh lời.

Trong suốt sự nghiệp, ông mở rộng đầu tư sang nhiều lĩnh vực: khách sạn, du lịch, y tế, truyền thông... với tài sản ước tính lên đến hơn 100 tỷ NDT (khoảng 364 nghìn tỷ đồng).

Tỷ phú ‘khắt khe với mình, hào phóng với đời’

Trái ngược với hình ảnh đại gia xa hoa, Dư Bành Niên ăn chay trường, mặc đồ cũ, sửa đi sửa lại nhiều lần, lối sống rất tiết kiệm; nhưng với người nghèo, ông lại hết mực hào phóng.

Hình 2.png
Sau khi thành công lập nghiệp, Dư Bành Niên trở về quê báo đáp ân tình xưa bằng cách tài trợ xây trường học, triển khai xe buýt miễn phí và hỗ trợ tài chính cho người nghèo. Ảnh: Baidu

Sau gần 3 thập kỷ bặt vô âm tín, ông trở về quê, chọn cách báo đáp ân tình xưa: tài trợ xây trường học (trường Lập San), hệ thống xe buýt miễn phí, phát tiền cho người nghèo. Riêng tại Hồ Nam, số tiền ông quyên góp trong giai đoạn 1980-1995 đã vượt 47 triệu NDT (khoảng 171 tỷ đồng).

Đến năm 2003, sau khi phẫu thuật chữa đục thủy tinh thể cho bản thân, ông khởi xướng chiến dịch “Ánh sáng yêu thương”, mổ mắt miễn phí cho người nghèo trên khắp Trung Quốc. Hơn 200.000 người đã được ông giúp khôi phục thị lực.

Câu nói để đời của ông không vang lên trong phòng họp hay sàn chứng khoán mà trong một buổi tiệc từ thiện năm 2010: “Một người qua đời mà còn nắm giữ khối tài sản khổng lồ là điều đáng hổ thẹn. Tôi không muốn nhắm mắt trong sự hổ thẹn đó”.

Trong buổi tiệc hôm ấy, Dư Bành Niên gây chấn động khi tuyên bố sẽ hiến tặng toàn bộ khối tài sản 93 tỷ đô la Hồng Kông (khoảng 309 nghìn tỷ đồng) cho xã hội thông qua một quỹ ủy thác. Ông lý giải: “Nếu con cái giỏi hơn tôi, chúng chẳng cần đến số tiền này. Còn nếu kém hơn, để lại chỉ là làm hại chúng”.

Ông chọn an nghỉ tại Thâm Quyến - nơi sự nghiệp ông khởi sắc và cũng là nơi ông cho xây dựng Khách sạn Dư Bành Niên, công trình được mệnh danh là “khách sạn từ thiện đầu tiên trên thế giới”.

Năm 2015, Dư Bành Niên trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 93. Ông không để lại một xu để lại cho con cháu nhưng hàng trăm nghìn người trên khắp Trung Quốc, từ nông dân nghèo đến bệnh nhân mù lòa, đã lặng lẽ đến tiễn đưa ông.

Cho đến hôm nay, trường ông xây vẫn sáng đèn, xe buýt vẫn chạy, khẩu hiệu “Khôi phục ánh sáng không mất tiền, mau đến tìm Dư Bành Niên” vẫn còn in trên xe y tế lưu động. Người dân Trung Quốc gọi ông là “tỷ phú nhân ái”.

>> Tỷ phú 'đi giày vải’ qua đời, khối di sản 123.000 tỷ bất ngờ bị các con tranh giành

Tỷ phú 'đi giày vải’ qua đời, khối di sản 123.000 tỷ bất ngờ bị các con tranh giành

Tỷ phú Bill Gates tiết lộ nghề nghiệp mà AI không thể thay thế trong 100 năm tới

Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tỷ phú bất động sản không để lại một xu cho con cái với câu nói để đời
    POWERED BY ONECMS & INTECH