Mở cửa phiên giao dịch ngày 2/12, nhóm cổ phiếu lớn tiếp tục có sự phân hóa mạnh nên các chỉ số đều có biến động hẹp trong đó các cổ phiếu như CTG, NVL, VCB, VIC, MSN, PLX,... tăng giá và góp phần kéo hai chỉ số VN-Index và HNX-Index lên trên mốc tham chiếu.
Nhóm Large Cap, nhất là những mã vốn hóa tỷ đô đang là lực đỡ cho chỉ số VN-Index đầu phiên.
Nhóm ngân hàng tiếp tục tăng giá ngay khi mở cửa, bao gồm cả 3 trên 4 ngân hàng có vốn nhà nước là VCB, CTG, MBB. BID mở cửa giảm nhẹ, nhưng sau đó quay lại ngay tham chiếu. Ngược lại, 2 cổ phiếu lớn trên HOSE là VPB và STB mở cửa ở tham chiếu nhưng sau đó lại giảm nhẹ.
BĐS nhà ở lẫn khu công nghiệp cũng là 1 nhóm lớn khác trên HOSE có diễn biến đầu phiên tích cực, với số lượng mã tăng giá nhiều hơn hẳn số giảm giá. Trên nhóm này có những mã tăng đáng chú ý như HTN, KBC, DIG, KHG,… một số tên tuôi nóng trong thời gian qua cũng tăng giá nhẹ như DXG, NBB, KDH…
Ngược lại, có khá nhiều nhóm lớn trên HOSE lại có khởi đầu khá tệ, trong đó nổi nhất là nhóm chứng khoán. Gần như toàn bộ cổ phiếu nhóm này giảm giá ngay từ sớm, dù mức giảm giá chỉ loanh quanh 1%. Nhóm chứng khoán rõ ràng rất nhạy cảm với mọi biến động của thị trường, cho dù gần đây thanh khoản vẫn rất cao, đảm bảo cho các công ty thu nhiều phí giao dịch lẫn phí dịch vụ.
Diễn biến 2 chỉ số chính trên HNX và UpCOM cũng chịu ảnh hưởng tích cực từ VN-Index. Cả 2 chỉ số này đều tăng nhẹ, thậm chí HNX-Index còn tăng trước cả khi HOSE khớp lệnh mở cửa.
Trên sàn HNX, dù không có mấy Large Cap như HOSE nhưng cũng có nhiều mã tăng giá đỡ chỉ số, như BAB, IDC, THD, VCS, VNR… nhất là CEO, cổ phiếu này đã tăng lại gần 10% sau khi rớt hơn 15% trong 2 phiên trước đó.
Diễn biến nhóm Large Cap trên UpCOM cân bằng hơn so với 2 sàn niêm yết, có nhiều mã tăng (trong đó nổi bật là GE2, KLB, VGT) đan xen với giảm (có MML, VEF). Tuy nhiên lưu ý, dường như chỉ số chính sàn này đang có rủi ro muốn rơi nhanh và sớm hơn 2 chỉ số kia.
Nhóm dầu khí nhà PVN phân hóa sau ATO dù giá dầu Brent future đã lui về dưới 70 USD/thùng. Trong số những cổ phiếu lớn giảm giá đầu phiên, có GAS, PVD, PVS… nhưng có không ít tên tuổi khác đã tăng trở lại ngay sau ATO vài phút như OIL, BSR, PVB, PVC,… POW tăng tới 4%, cặp đôi (có tin liên quan lẫn nhau) PXS và PTL tăng từ 3 - 5% cũng là những mã đáng chú ý ở nhóm này.
Lúc 9h35, CTG tăng 1,8%, NVL tăng 1,1%, VCB tăng 1,6%, VIC tăng 0,6%, MSN tăng 0,7%...
Tuy nhiên, áp lực trên thị trường vẫn còn khá lớn trong đó, các mã như GVR, MWG, ACB, PVS... đều chìm trong sắc đỏ. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán biến động có phần không tốt trong đó VND giảm 0,8%, VCI giảm 0,3%, CTS giảm 1,6%, BSI giảm 1,4%...
Tại thời điểm này, VN-Index hiện tăng 5,18 điểm (0,35%) lên 1.490,37 điểm; HNX-Index tăng 2,37 điểm (0,52%) lên 458,18 điểm; UpCOM-Index giảm 0,06 điểm (-0,06%) xuống 114,52 điểm.
Trước đó, thị trường chứng khoán biến động giằng co rung lắc trong phiên 1/12. VN-Index chỉ có thể giữ được sắc xanh nhờ lực đẩy của nhóm cổ phiếu ngân hàng vào cuối phiên giao dịch. Thanh khoản thị trường phiên sáng nay giảm so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 30.094 tỷ đồng - giảm 23,4% trong đó giá trị khớp lệnh riêng sàn HOSE giảm 24,3% xuống còn 24.788 tỷ đồng.
Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng trên 1.000 tỷ đồng ở sàn HOSE.
Theo Chứng khoán BIDV (BSC), trong ngắn hạn thị trường cần tiếp tục tích lũy trước khi có thể quay trở lại và phá vỡ vùng kháng cự 1.500 điểm.
Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, thị trường khả năng sẽ tiếp đà phục hồi trong các phiên sắp tới và dòng tiền sẽ tìm cơ hội ở nhóm VN30 với các cổ phiếu chưa tăng trong thời gian vừa qua..
Một số thông tin quốc tế đáng chú ý:
Chốt phiên 1/12, Dow Jones giảm 461,68 điểm xuống 34.022,04 điểm, S&P 500 giảm 53,96 điểm xuống 4.513,04 điểm, Nasdaq giảm 283,64 điểm xuống 15.254,05 điểm.
Các thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương hầu hết tăng trong phiên 1/12. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản tăng 1,15%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 tăng 0,41%, phục hồi sau nhiều phiên giảm liên tiếp, Topix tăng 0,44%. Thị trường Trung Quốc trái chiều với Shanghai Composite tăng 0,36%, Shenzhen Component giảm 0,01%. Hang Seng của Hong Kong tăng 0,78%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 2,14% sau khi mất hơn 2% phiên trước đó. ASX 200 của Australia giảm 0,28%. Kinh tế Australia suy giảm 1,9% trong quý III, theo số liệu công bố hôm nay, vẫn tích cực hơn so với dự báo suy giảm 2,7%.
Chốt phiên 1/12, giá dầu Brent tương lai giảm 36 cent xuống 68,87 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai giảm 61 cent xuống 65,57 USD/thùng, trong phiên có lúc giảm tới 4%. Giá dầu tăng đầu phiên 1/12 nhưng chuyển dần sang sắc đỏ khi các quan chức Mỹ xác nhận Omicron – được cho là lây nhiễm mạnh hơn các biến chủng trước – đã xuất hiện tại Mỹ.