Xuất khẩu nông sản đột phá ngoạn mục

15-12-2021 09:56|Le Thi Thu Thao

Sau giai đoạn suy giảm liên tiếp, ngành nông sản gặt hái "bội thu". Tính đến đầu tháng 12/2021, giá trị xuất khẩu chạm sát mốc mục tiêu 44 tỷ USD.

Sau một giai đoạn suy giảm liên tiếp, thậm chí có ngành hàng tăng trưởng âm do nhiều tỉnh, thành phải thực hiện giãn cách xã hội, ngành nông nghiệp đang bứt phá ngoạn mục. Trong 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt gần 43,48 tỷ USD - vượt mục tiêu đặt ra cho cả năm 2021 tới gần 1,5 tỷ USD (kế hoạch là 42 tỷ USD).

Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, mang tính “bội thu”, trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh nông sản xuất khẩu chịu nhiều tác động tiêu cực từ diễn biến phức tạp của dịch Covid - 19 trên phạm vi toàn cầu. Xuất khẩu nông sản cũng được dự báo sẽ thắng lớn trong năm nay.

Tăng trưởng nhanh hơn dự kiến

Những tháng cuối năm, xuất khẩu nông sản đã tăng trưởng ngoạn mục. 

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T cho biết, đến thời điểm này doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động sản xuất bình thường.

Theo ông Tùng, sau khi sản lượng xuất khẩu bị giảm mạnh trong thời gian giãn cách xã hội, hơn 2 tháng chuyển sang trạng thái “thích ứng linh hoạt, an toàn”, các đơn hàng Vina T&T tăng tới tấp, khoảng 30 - 40%. Các đối tác cũng liên tục đặt hàng phục vụ cho dịp lễ Giáng sinh, thậm chí không ít đơn vị đặt trước cho cả quý 1 năm sau.

Ông Tùng cho biết, đến thời điểm này, doanh nghiệp tự tin đạt được doanh số cao hơn năm ngoái. Thậm chí, nếu tình hình kẹt cảng ở Mỹ và thiếu container được giải quyết sớm, doanh nghiệp sẽ có doanh thu cao nhất trong mấy năm gần đây.

Năm nay, dù có lúc hoạt động xuất khẩu bị chững lại do khó khăn trong việc vận chuyển, song nhiều loại nông sản của Việt Nam lại đạt được giá cao, góp phần kéo giá trị của ngành tăng vọt. Đơn cử, giá tiêu thế giới ở ngưỡng cao nhất trong vòng 3 năm giúp xuất khẩu tiêu của Việt Nam dù giảm về khối lượng nhưng tăng tới 44% về giá trị; hay giá cao su, gạo cũng tăng lần lượt tới 40% và hơn 7%.

Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (thành phố Cần Thơ) Phạm Thái Bình cho biết, doanh thu quý III-2021 của công ty giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái do tác động của dịch Covid - 19. Tuy nhiên, những tháng cuối năm đã ghi nhận sự phục hồi ở hầu hết các thị trường lớn nên dự kiến năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của đơn vị ước đạt hơn 30 triệu USD, tăng cao so với năm 2020. 

Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập, tốc độ phục hồi của các doanh nghiệp ngành gỗ nhanh hơn dự kiến. Đến giữa quý IV-2021, nhiều doanh nghiệp đã khôi phục so với thời điểm trước khi có dịch nên 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt mức 13,2 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. 

Ảnh hưởng tiêu cực nhất trước tác động của dịch Covid - 19 là ngành thuỷ sản. Trong thời gian cao điểm giãn cách xã hội, ngành thuỷ sản từ đà tăng trưởng hai con số lập tức giảm sâu tới 23 - 31% trong tháng 8 và tháng 9. Tuy nhiên, kết thúc 11 tháng đầu năm, xuất khẩu thuỷ sản vẫn đạt 8 tỷ USD, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm 2020 và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Theo Bộ NN&PTNT, 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước đạt 43,48 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước (riêng tháng 11 đạt hơn 4,1 tỷ USD). Nhóm nông sản xuất khẩu chính đạt 19,3 tỷ USD, tăng 13,7%; trong đó cao su, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, lúa gạo, sắn và sản phẩm từ sắn… đều tăng trưởng từ 7,3% đến 54%. Xuất khẩu lâm sản cũng vượt mục tiêu đặt ra, đạt 14,3 tỷ USD. Đặc biệt, giá xuất khẩu bình quân nhiều mặt hàng đều ghi nhận tăng cao, trong đó giá hồ tiêu tăng cao nhất là 54,4%, giá cao su tăng 25,8%, giá cà phê tăng 10,7%…

xuat-khau-nong-san(1).png
Xuất khẩu nông sản Việt Nam tăng nhanh hơn dự kiến. Ảnh minh hoạ

Tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng

Do dịch Covid - 19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, nên xuất khẩu nông sản cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt là khâu vận chuyển, lưu thông.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T (thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Đình Tùng đề xuất, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận các đơn hàng quốc tế ở phân khúc thị trường có giá trị cao; làm cầu nối giúp doanh nghiệp liên kết với nông dân, xây dựng các chuỗi sản xuất khép kín, tạo nguồn nguyên liệu ổn định. Tự thân các doanh nghiệp sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể xâm nhập một số phân khúc thị trường cao cấp...

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, cùng với việc chủ động tìm hiểu, tháo gỡ vướng mắc của từng thị trường xuất khẩu, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp xây dựng phương án sản xuất, điều tiết các kênh phân phối… Cùng với đó, tiếp tục khai thác, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia...  

Cũng theo ông Tiến, kết quả này là sự thừa hưởng từ hướng đi đúng đắn của ngành nông nghiệp trong thời gian qua khi xây dựng được vùng nguyên liệu đảm bảo tiêu chí cho các thị trường xuất khẩu. Theo Thứ trưởng Tiến, năm nay khi thị trường Trung Quốc gặp khó, các DN xuất khẩu của Việt Nam cũng tìm hướng đi mới, tận dụng được lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để chinh phục thị trường Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc…Đến nay, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang Mỹ đạt trên 12 tỷ USD; thị trường Trung Quốc đạt gần 8,4 tỷ USD; Nhật Bản gần 3 tỷ USD và Hàn Quốc đạt khoảng 1,9 tỷ USD…

Bộ NN&PTNT cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nông sản bằng việc tăng cường các giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hoàn thiện các đơn hàng đã ký; đồng thời phối hợp với Bộ Công Thương, các địa phương và các đơn vị liên quan trong việc nắm bắt nhu cầu của các đối tác; đẩy nhanh quá trình xúc tiến đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu.

“Dự kiến từ nay đến cuối năm và sang tháng 1/2022, xuất khẩu nông sản sẽ tiếp tục tăng trưởng do nhu cầu các thị trường chính đều tăng. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, nhiều quốc gia sẽ tăng cường nhập nông sản, thực phẩm để chủ động đối mặt với những diễn biến xấu”, Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT).

Nếu Mỹ áp thuế lên hàng Việt, chứng sĩ và người tiêu dùng trong nước sẽ ra sao?

Giá tăng hơn 90%, lần đầu tiên cà phê Việt vượt mốc xuất khẩu 5 tỷ USD

Bài thuộc chủ đề Dịch vụ, Bán lẻ
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/xuat-khau-nong-san-dot-pha-ngoan-muc-130460.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Xuất khẩu nông sản đột phá ngoạn mục
    POWERED BY ONECMS & INTECH