Bài học kinh doanh

AI đang ‘cướp’ việc? Chuyên gia ‘mách nước’: Đừng sợ, hãy học cách làm chủ nó

Kim Khánh 21/02/2025 09:03

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển với tốc độ chóng mặt, mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho thị trường lao động.

cover-pc.png

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển với tốc độ chóng mặt, mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho thị trường lao động. Khi AI ngày càng đảm nhận nhiều công việc trước đây do con người thực hiện, câu hỏi liệu AI có “cướp” việc làm hay chỉ đơn thuần thay đổi cách con người làm việc trở thành một chủ đề được tranh luận sôi nổi.

asset-2(1).png

Loạt câu hỏi khác cũng đang được quan tâm, như: Tác động của AI tới thị trường lao động ra sao? ngành nghề nào chịu ảnh hưởng nhiều nhất? con người làm gì để thích nghi với sự phát triển ngày càng mạnh của AI?

Chúng tôi có buổi trao đổi ngắn với ông Phạm Trung Thành, Viện trưởng Viện Chuyển đổi sáng tạo và Số hoá - là đơn vị đào tạo và tư vấn về các dự án số hoá tại Việt Nam - về các vấn đề này.

asset-4.png

Theo ông, AI đang thay đổi thị trường lao động như thế nào?

AI đang tự động hóa nhiều công việc lặp lại, giúp tăng năng suất nhưng cũng đặt ra thách thức lớn về tái đào tạo lao động. Các ngành như tài chính, chăm sóc khách hàng và sản xuất đang dần thay đổi theo hướng sử dụng AI để hỗ trợ hoặc thay thế một số vị trí truyền thống.

Vậy, những ngành nghề nào chịu ảnh hưởng mạnh nhất từ AI, thưa ông?

Những ngành có nhiều công việc mang tính quy trình đang chịu ảnh hưởng mạnh, đặc biệt là tài chính – ngân hàng. AI có thể thay thế con người trong phân tích dữ liệu và thực hiện các giao dịch tự động.

Chăm sóc khách hàng cũng là một lĩnh vực chịu tác động lớn khi chatbot và tổng đài AI đang dần thay thế nhân viên CSKH.

Trong lĩnh vực sản xuất – hậu cần, robot tự động hóa đang xuất hiện ngày càng nhiều trong các nhà máy, còn AI giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, ngành báo chí và sáng tạo nội dung cũng không nằm ngoài xu hướng khi AI có thể viết tin tức, tạo nội dung hình ảnh và video.

Thậm chí, một số công việc có nguy cơ bị thay thế hoàn toàn trong tương lai gần bao gồm nhân viên tổng đài và CSKH, nhân viên nhập liệu, nhân viên kế toán cơ bản, biên dịch viên với các ngôn ngữ phổ biến, và cả tài xế khi công nghệ xe tự hành phát triển.

Đó là một nguy cơ rất lớn, song, theo ông, AI có thực sự cướp đi công việc của con người hay chỉ đang thay đổi cách con người làm việc?

Thực tế, AI không hẳn là đang “cướp” đi việc làm, mà chỉ đang thay đổi bản chất công việc. Công nghệ này giúp tự động hóa những tác vụ lặp lại, nhưng con người vẫn giữ vai trò quản lý, giám sát và sáng tạo.

Như vậy, có thể hiểu nôm na là AI không ‘cướp’ hết việc, mà sẽ tạo ra công việc mới để ‘bù đắp’? Nếu có, thì đó là những công việc gì?

Thực tiễn cho thấy, AI đang tạo ra nhiều công việc mới để bù đắp cho số lao động bị ảnh hưởng, trong đó có các vị trí như chuyên gia AI và dữ liệu (AI Trainer, Data Scientist, ML Engineer), chuyên gia đạo đức AI (AI Ethics Specialist), kỹ sư vận hành robot và AI (MLOps, AI Operations), người thiết kế và tối ưu hóa lời nhắc (Prompt Engineer) và nhà sáng tạo nội dung kết hợp AI để hỗ trợ sản xuất nội dung sáng tạo.

asset-1.png
asset-6.png

Sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa đang định hình lại thị trường lao động, buộc con người phải thích nghi với những yêu cầu mới. Nhiều công việc truyền thống dần được AI thay thế, nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội cho những vai trò đòi hỏi tư duy sáng tạo, kỹ năng phân tích và khả năng quản lý công nghệ. Để không bị bỏ lại phía sau, người lao động cần trang bị những kỹ năng phù hợp.

Trước thực trạng đó, theo ông, người lao động cần làm gì để thích nghi với sự phát triển của AI?

Để thích nghi với sự phát triển của AI, người lao động cần học các kỹ năng mới, bao gồm kỹ năng số, lập trình cơ bản và tư duy phân tích. Thay vì xem AI là mối đe dọa, họ nên tận dụng nó như một công cụ hỗ trợ công việc. Bên cạnh đó, con người cần tập trung phát triển khả năng sáng tạo ở những lĩnh vực mà AI chưa thể thay thế.

Liệu các doanh nghiệp có thực sự cần con người khi AI có thể tự động hóa nhiều quy trình?

Mặc dù AI có thể tự động hóa nhiều quy trình, doanh nghiệp vẫn cần con người, nhưng ở những vai trò cao hơn như quản lý AI, ra quyết định và sáng tạo. AI chỉ là một công cụ hỗ trợ, không phải là sự thay thế hoàn toàn cho con người.

Theo ông, những kỹ năng nào sẽ trở nên quan trọng hơn trong thời đại AI?

Trong thời đại AI, những kỹ năng quan trọng nhất sẽ là kỹ năng phân tích và ra quyết định dựa trên dữ liệu, tư duy sáng tạo vì AI chưa thể suy nghĩ đột phá như con người. Con người cần ‘học’ khả năng làm việc với AI, tức là biết cách vận hành, kiểm soát AI, thay vì lo sợ nó.

Vậy, làm thế nào để doanh nghiệp cân bằng giữa việc ứng dụng AI và bảo vệ cơ hội việc làm cho con người?

Cách tốt nhất để cân bằng giữa việc ứng dụng AI và bảo vệ cơ hội việc làm là tái đào tạo lực lượng lao động, giúp họ có kỹ năng mới phù hợp với công việc trong môi trường AI. Các doanh nghiệp nên áp dụng AI theo hướng hỗ trợ con người, thay vì chỉ tập trung vào cắt giảm nhân sự để tối ưu chi phí.

Trước viễn cảnh AI đã, và đang ‘cướp’ đi khá nhiều công việc, Chính phủ và doanh nghiệp có thể làm gì để giúp người lao động không bị đào thải bởi AI?

Đào tạo là lời giải cho câu hỏi này. Chính phủ có thể đầu tư vào giáo dục và đào tạo lại nhân lực để giúp họ thích nghi với sự thay đổi của công nghệ. Trong khi đó, doanh nghiệp cần tạo ra một môi trường làm việc mà AI và con người có thể phối hợp, hỗ trợ cho nhau, thay vì cạnh tranh trực tiếp.

asset-2.png
asset-5.png

Dù mang lại nhiều lợi ích, AI cũng đặt ra thách thức lớn khi dần thay thế con người trong nhiều ngành nghề, làm dấy lên lo ngại về tình trạng thất nghiệp và gia tăng bất bình đẳng xã hội. Một số ý kiến cho rằng cần đánh thuế AI để bù đắp cho những mất mát này, tạo nguồn quỹ tái đào tạo lao động và hỗ trợ những người bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, việc đánh thuế AI cũng có thể làm chậm quá trình đổi mới, khiến doanh nghiệp ngần ngại đầu tư vào công nghệ và giảm khả năng cạnh tranh. Quan trọng hơn, việc kiểm soát AI không chỉ dừng ở vấn đề tài chính, mà còn liên quan đến cách con người thích nghi và phát triển kỹ năng mới để làm chủ công nghệ. Liệu việc áp thuế AI có thực sự là giải pháp hợp lý hay cần một hướng tiếp cận khác, trong đó tập trung vào đào tạo và điều chỉnh chính sách để giúp lực lượng lao động sẵn sàng cho thời đại công nghệ!

AI làm được nhiều thế, vậy, có nên đánh thuế AI để bù đắp cho sự mất việc của con người hay không?

Việc đánh thuế AI có thể làm chậm tiến trình đổi mới và cản trở sự phát triển của công nghệ. Thay vì đánh thuế, Chính phủ nên tập trung vào việc hỗ trợ tái đào tạo lao động để giúp họ có cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp.

Theo ông, AI có làm gia tăng bất bình đẳng xã hội giữa những người có kỹ năng công nghệ và những người không có không?

AI có thể làm gia tăng bất bình đẳng xã hội giữa những người có kỹ năng công nghệ và những người không có. Những ai không có kỹ năng số sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm kiếm việc làm. Nếu AI thay thế quá nhiều công việc, nguy cơ lớn nhất là bất bình đẳng xã hội sẽ gia tăng khi những người không có kỹ năng số bị tụt hậu.

Bên cạnh đó, việc thiếu kiểm soát AI có thể dẫn đến những quyết định không minh bạch, gây rủi ro lớn cho doanh nghiệp và xã hội. Một vấn đề khác, là mất đi yếu tố con người trong các ngành như nghệ thuật và dịch vụ khách hàng, nơi mà cảm xúc và sự sáng tạo đóng vai trò quan trọng.

Vì thế, việc trang bị kiến thức công nghệ cho tất cả mọi người là cực kỳ quan trọng, vừa để giảm thiểu sự chênh lệch này, vừa có thể trở thành một ‘cấp độ’ cao hơn, là quản lý AI.

Liệu chúng ta có đang đi đến một viễn cảnh nơi mà AI kiểm soát nền kinh tế hơn là con người không, thưa ông?

AI sẽ có vai trò lớn trong nền kinh tế, nhưng con người vẫn là yếu tố giám sát quan trọng. Điều cần thiết là thiết lập các khung pháp lý để đảm bảo AI hoạt động theo hướng có lợi cho xã hội, thay vì để nó kiểm soát hoàn toàn nền kinh tế.

artificial_intelligence_chipset_on_circuit_board_2-converted-.png

Nếu ông có thể đưa ra một lời khuyên cho những người đang lo lắng về việc AI thay thế họ, ông sẽ nói gì?

“Đừng sợ AI, hãy học cách làm chủ nó”.

Những ai đang lo lắng về việc bị AI thay thế không nên sợ hãi, mà hãy học cách làm chủ công nghệ này. Những người biết tận dụng AI sẽ có lợi thế lớn trong công việc, trong khi những ai từ chối thích nghi có thể bị bỏ lại phía sau.

Điều quan trọng nhất là không ngừng học hỏi và phát triển kỹ năng mới để phù hợp với sự thay đổi của thị trường lao động.

asset-3.png
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ai-dang-cuop-viec-chuyen-gia-mach-nuoc-dung-so-hay-hoc-cach-lam-chu-no-277718.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    AI đang ‘cướp’ việc? Chuyên gia ‘mách nước’: Đừng sợ, hãy học cách làm chủ nó
    POWERED BY ONECMS & INTECH