Bầu cử Tổng thống Mỹ: Giải mã hệ thống bầu cử phức tạp nhất thế giới và những điều chưa từng có tiền lệ của năm 2024
Luật pháp Mỹ quy định cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra 4 năm một lần vào năm chẵn, sự kiện diễn ra vào ngày thứ Ba sau thứ Hai đầu tiên của tháng 11. Theo lịch, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay sẽ diễn ra vào ngày 5/11.
Theo Hiến pháp Mỹ, ứng viên đủ tư cách tranh cử Tổng thống phải đáp ứng các điều kiện: là công dân Mỹ khi sinh ra (hoặc nếu sinh ra ở nước ngoài thì ít nhất phải có bố hoặc mẹ là công dân Mỹ), từ 35 tuổi trở lên, và đã cư trú tại Mỹ ít nhất 14 năm. Các tiêu chuẩn này cũng áp dụng cho vị trí Phó Tổng thống.
Hoa Kỳ hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới vẫn duy trì hệ thống đại cử tri (Electoral College) trong bầu cử Tổng thống. Theo đó, người dân không trực tiếp bầu chọn Tổng thống mà thông qua một nhóm đại diện trong hệ thống bầu cử.
Về thời gian tại vị, người nắm giữ chức Tổng thống Mỹ chỉ được phép giữ chức tối đa 2 nhiệm kỳ. Người đã làm Tổng thống 2 nhiệm kỳ sẽ không được làm Phó Tổng thống.
Bầu cử Tổng thống Mỹ không chỉ là sự kiện chính trị nội bộ của Hoa Kỳ mà còn ảnh hưởng lớn đến các vấn đề quốc tế. Quy trình bầu cử kéo dài qua nhiều giai đoạn và bao gồm các quy tắc phức tạp để chọn ra nhà lãnh đạo cao nhất của quốc gia.
Giai đoạn này là bước đầu tiên trong quy trình bầu cử và bắt đầu từ đầu năm trước khi diễn ra cuộc bầu cử chính thức. Các ứng viên Tổng thống từ các đảng lớn, như Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa, phải tham gia vào các cuộc bầu cử sơ bộ (primary elections) và hội nghị bầu cử (caucuses) ở từng bang để giành được sự ủng hộ từ cử tri của đảng mình.
Bầu cử sơ bộ là hình thức phổ biến nhất, diễn ra tương tự một cuộc bầu cử thông thường. Cử tri đảng viên hoặc cử tri độc lập (tùy quy định của từng bang) sẽ trực tiếp bỏ phiếu kín cho ứng viên họ ủng hộ.
Trong khi đó, hội nghị bầu cử thường được tổ chức tại các bang nhỏ. Thay vì bỏ phiếu đơn thuần, các cử tri sẽ tụ họp tại điểm bầu cử, thảo luận công khai về ưu, nhược điểm của từng ứng viên trước khi biểu quyết. Hình thức này tạo cơ hội để cử tri tương tác trực tiếp và đưa ra quyết định sau khi cân nhắc kỹ lưỡng.
Kết quả từ hai hình thức bầu chọn này sẽ quyết định số lượng đại biểu mà mỗi ứng viên nhận được từ các bang. Những đại biểu này sau đó sẽ tham dự đại hội toàn quốc của đảng để bỏ phiếu chọn ra ứng viên chính thức tranh cử chức Tổng thống Mỹ.
Vào mùa hè năm bầu cử, hai đảng chính trị lớn nhất của Mỹ - Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa - tổ chức Đại hội Đảng Toàn quốc, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Tại đây, các đại biểu được bầu chọn từ 50 tiểu bang sẽ bỏ phiếu chính thức để xác định ứng viên Tổng thống đại diện cho đảng mình. Ngoài việc bỏ phiếu, Đại hội còn là dịp để các ứng viên thuyết phục đại biểu qua các bài phát biểu và công bố chính sách của mình, cũng như để mỗi đảng trình bày tầm nhìn và tạo động lực cho chiến dịch tranh cử.
Một trong những điểm nhấn của Đại hội là việc công bố ứng viên Phó Tổng thống. Người này sẽ đồng hành với ứng viên Tổng thống trong suốt chiến dịch và có thể đảm nhận vị trí Tổng thống nếu người đương nhiệm không thể tiếp tục nhiệm kỳ.
Đảng Cộng hòa đã chính thức đề cử ông Donald Trump sau cuộc bỏ phiếu điểm danh tại Đại hội toàn quốc của đảng. Đây là lần thứ 3 kể từ năm 2016, cựu Tổng thống Trump được đề cử vào vị trí này. Ông chính thức nhận đề cử trong bài phát biểu vào tối 18/7, chọn Thượng nghị sĩ bang Ohio J.D. Vance làm phó tướng.
Trong khi đó, ông Joe Biden trở thành người đại diện của đảng Dân chủ.
Sau Đại hội, chiến dịch tranh cử toàn quốc chính thức bước vào giai đoạn sôi động với hàng loạt sự kiện, phỏng vấn và quảng cáo truyền thông trên khắp nước Mỹ. Giai đoạn này nổi bật với hai hoạt động chính:
Các cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình: Do Ủy ban Tranh luận Tổng thống tổ chức, đây là cơ hội để cử tri đánh giá trực tiếp năng lực của các ứng viên thông qua những cuộc đối đầu về các vấn đề then chốt như kinh tế, an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại.
Chiến lược vận động tại các bang dao động (Swing States): Các ứng viên tập trung nguồn lực vào những bang có tỷ lệ ủng hộ hai đảng ngang ngửa như Florida, Pennsylvania và Ohio. Đây được coi là những địa bàn chiến lược, có thể quyết định thành bại của cả chiến dịch tranh cử.
Trong cuộc bầu cử năm nay, chỉ diễn ra duy nhất một cuộc tranh luận trực tiếp giữa ông Trump và ông Biden. Sau đó một loạt sự kiện đã diễn ra, tạo nhiều bước ngoặt quan trọng. Trong một buổi vận động tranh cử, ông Trump đã bị ám sát hụt. Hình ảnh cựu Tổng thống Mỹ bị chảy máu ở tai vì viên đạn sượt qua nhưng vẫn giơ nắm đấm mạnh mẽ, đằng sau là lá cờ Mỹ tung bay đã gây ấn tượng rất mạnh, cùng với màn thể hiện "trên cơ" trong cuộc tranh luận với ông Biden đã giúp ông lấy được sự ủng hộ của cử tri.
Không lâu sau đó, ông Biden gây sốc khi tuyên bố rời khỏi cuộc đua, đặt hi vọng của đảng Dân chủ vào Phó Tổng thống Kamala Harris. Bà Harris trở thành người phụ nữ gốc Á và da màu đầu tiên chạy đua vào Nhà Trắng ở nước Mỹ - một quốc gia đã từng có Tổng thống da màu nhưng chưa có người phụ nữ nào từng làm Tổng thống trong hơn hai thế kỷ. Reuters nhận định đây là "canh bạc chưa từng có của đảng Dân chủ".
Dẫu vậy, bà Harris đã có màn thể hiện khá xuất sắc, lật ngược thế cờ và bám đuổi sát nút ông Trump. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy kết quả rất sít sao, khiến cuộc bầu cử năm nay trở nên khó đoán hơn bao giờ hết.
Cuộc tổng tuyển cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào ngày thứ Ba đầu tiên sau ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 11 trong năm bầu cử. Tuy nhiên, khác với nhiều quốc gia khác, người dân Mỹ không trực tiếp bầu chọn Tổng thống mà phải thông qua một hệ thống đặc biệt: Đại cử tri đoàn.
Hệ thống này gồm 538 phiếu đại cử tri trên toàn quốc, với mỗi bang được phân bổ một số phiếu đại cử tri nhất định dựa trên tổng số ghế của bang đó trong Quốc hội (bao gồm cả Thượng viện và Hạ viện).
Một điểm đặc biệt của hệ thống này là hầu hết các bang (ngoại trừ Maine và Nebraska) đều áp dụng nguyên tắc "được ăn cả" (Winner-Takes-All), ứng viên giành được nhiều phiếu phổ thông nhất tại một bang sẽ nhận toàn bộ số phiếu đại cử tri của bang đó. Để đắc cử, ứng viên cần giành được ít nhất 270/538 phiếu đại cử tri.
Điều này có thể dẫn đến tình huống một ứng viên có thể thắng về tổng số phiếu phổ thông trên toàn quốc nhưng vẫn thua cuộc vì không đạt đủ 270 phiếu đại cử tri cần thiết. Như trường hợp của bà Hillary Clinton năm 2016. Bà giành được nhiều hơn đối thủ Donald Trump khoảng 3 triệu phiếu phổ thông nhưng vẫn bại trận vì thua phiếu đại cử tri.
Sau khi cử tri toàn quốc hoàn tất bỏ phiếu, tiến trình bầu cử Tổng thống Mỹ bước vào giai đoạn quan trọng với vai trò của các đại cử tri. Vào tháng 12, đại cử tri đoàn của từng bang sẽ tổ chức họp để bỏ phiếu chính thức bầu Tổng thống và Phó Tổng thống. Theo thông lệ, các đại cử tri sẽ bỏ phiếu phản ánh đúng nguyện vọng của cử tri phổ thông trong bang mình.
Tuy nhiên, đã từng xảy ra hiện tượng "đại cử tri bất trung" (faithless electors) - khi một số đại cử tri không tuân theo kết quả bầu cử phổ thông của bang. Tuy nhiên, hầu hết các bang đã có luật hạn chế tình trạng này.
Ngày 6/1 năm sau đó, Quốc hội Mỹ tổ chức phiên họp đặc biệt trực tiếp kiểm phiếu đại cử tri. Ứng viên giành được ít nhất 270 phiếu đại cử tri sẽ trở thành Tổng thống mới.
Trong trường hợp không có ứng viên nào đạt được 270 phiếu, Hiến pháp quy định Hạ viện sẽ bầu chọn Tổng thống từ 3 ứng viên có số phiếu cao nhất, trong khi Thượng viện sẽ chọn Phó Tổng thống từ 2 ứng viên dẫn đầu.
Vào ngày 20/1, Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ đắc cử sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức tại Điện Capitol ở Washington, D.C., với sự tham gia của nhiều quan chức Chính phủ và công dân trên cả nước, chính thức tiếp quản cương vị lãnh đạo quốc gia, đánh dấu nhiệm kỳ Tổng thống mới.
Kết quả các cuộc thăm dò mới nhất vẫn cho thấy cuộc bầu cử năm 2024 là hết sức khó đoán khi tỷ lệ ủng hộ của 2 ứng viên chênh lệch rất ít, đặc biệt là tại các bang chiến trường. Dù ông Trump hay bà Harris chiến thắng, cả hai kịch bản đều đánh dấu những điều đặc biệt: bà Harris sẽ là nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, trong khi ông Trump sẽ là Tổng thống đầu tiên từng bị luận tội tới 2 lần, từng bị kết án 34 tội danh hình sự.