Doanh nghiệp

Bầu Đức: Từ đỉnh cao đến vực sâu và cú 'tất tay' ở tuổi xế chiều, quyết tâm tìm lại ánh hào quang

Huy Cường 13/01/2025 06:25

Từng ngã đau vì nông nghiệp, liệu bầu Đức có thể 'hồi sinh' Hoàng Anh Gia Lai và hiện thực hóa giấc mơ vươn tầm châu Á?

add-a-heading-1920-x-590-px-3-.gif

Từ cậu bé nghèo vùng quê Bình Định, ông Đoàn Nguyên Đức đã trải qua những đỉnh cao rực rỡ xen lẫn những cú ngã đau đớn trên thương trường. Trong hành trình đó, ông gây dựng nên một Hoàng Anh Gia Lai từng dẫn đầu thị trường bất động sản và giờ đây đang chuyển mình mạnh mẽ với khát vọng trở thành "gã khổng lồ" nông nghiệp vươn tầm châu Á.

title-1(1).png

Bầu Đức, tên thật là Đoàn Nguyên Đức, sinh năm 1962 tại xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ngay từ nhỏ, ông đã bộc lộ "tư chất kinh doanh" khi nhận chăn bò cho cả làng để kiếm thêm thu nhập.

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông chuyển vào TP. HCM thi đại học với giấc mơ thoát nghèo. Tuy nhiên, dù ôn thi đến bốn lần, ông vẫn không vượt qua kỳ thi khắc nghiệt. Không đầu hàng số phận, ông quyết định đi làm thuê để tích lũy vốn và bén duyên với ngành kinh doanh gỗ – bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của ông.

Năm 1990, Đoàn Nguyên Đức bắt đầu hành trình khởi nghiệp bằng việc tự mình điều hành một xưởng mộc nhỏ chuyên đóng đồ cho học sinh tại quê nhà. Ba năm sau, ông thành lập doanh nghiệp tư nhân Hoàng Anh Pleiku. Chỉ sau hai năm, Hoàng Anh Pleiku đã xuất khẩu gỗ sang Mỹ, Anh, Đức, trở thành một trong hai vựa gỗ lớn nhất Gia Lai, đưa bầu Đức lên đỉnh cao ngành gỗ thời bấy giờ.

bau-duc-10-(1).png

Đến năm 2006, doanh nghiệp của ông được chuyển đổi mô hình thành CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và năm 2008, HAGL niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) với mã cổ phiếu HAG.

Khi HAGL lên sàn, bầu Đức trở thành người giàu nhất Việt Nam, vượt qua ông Phạm Nhật Vượng lúc bấy giờ với tổng tài sản được ước tính khoảng 11.000 tỷ đồng. Tờ Wall Street Journal từng vinh danh ông Đoàn Nguyên Đức là một trong 30 doanh nhân có ảnh hưởng nhất Đông Nam Á.

Trải qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, HAGL hiện là công ty hoạt động chuyên về nông nghiệp với tầm nhìn trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.

title-2(2).png

HAGL từng là tập đoàn bất động sản lớn trước khi quyết định chuyển hướng sang nông nghiệp. Tuy nhiên, vì khát khao tiên phong và không cưỡng được sức hút của cây cao su, ông dốc lòng đầu tư vào lĩnh vực này.

Năm 2010, HAGL thành lập Công ty Nông nghiệp HAGL Agrico (HNG) với vốn ban đầu 485 tỷ đồng, định hướng trở thành công ty phụ trách toàn bộ mảng nông nghiệp, gồm cao su, cọ dầu, bắp, mía đường và chăn nuôi bò. Nhờ được HAGL hậu thuẫn, ngay từ những ngày đầu thành lập, HAGL Agrico tăng trưởng mạnh mẽ và liên tục mở rộng quy mô.

Tới năm 2012, doanh nghiệp đã dồn lực đầu tư mạnh vào nông nghiệp, thậm chí bỏ ra hàng tỷ USD để đầu tư vào ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia.

Bầu Đức thừa nhận đó là thời hoàng kim của công ty, thu hút đầu tư từ nhiều tập đoàn nước ngoài, nổi bật là quỹ Temasek (thuộc Bộ Tài chính Singapore) với khoản đầu tư 200 triệu USD để tập đoàn trồng cây cao su. Lúc bấy giờ, cao su mang về siêu lợi nhuận với giá vốn chỉ 1.400 USD/tấn nhưng giá bán lên tới 5.200 USD/tấn.

Tuy nhiên, "người tính không bằng trời tính", khi tập đoàn khai thác cao su thì giá chỉ còn 1.100 USD/tấn. Mơ lớn nhưng vỡ mộng, năm 2016, tập đoàn mất thanh khoản, không đủ tiền trả lãi và lương cho nhân viên. Từ một công ty ở đỉnh cao, Hoàng Anh Gia Lai rơi xuống vực thẳm.

Trước năm 2016, HAGL thường xuyên báo lãi hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2016, tập đoàn báo lỗ 2.182 tỷ đồng. Để tái cơ cấu, ông Đoàn Nguyên Đức buộc phải bán hàng loạt tài sản từ bệnh viện, khách sạn đến các dự án bất động sản và cổ phần tại công ty con.

"Lúc bấy giờ nhiều người nói ông Đức không biết quản trị, không biết quản lý. Mình là kẻ thua, chỉ biết cúi đầu, lặng lẽ không nói gì", ông trải lòng về biến cố. Tuy nhiên, ông Đức cho rằng trong kinh doanh, còn tồn tại là còn thắng – thua, rủi ro luôn hiện hữu.

Trước tình cảnh khó khăn, năm 2018, ông Đoàn Nguyên Đức gọi điện mời ông Trần Bá Dương (Chủ tịch Thaco) mua cổ phiếu nhưng không nhận được sự quan tâm. Sau đó, ông Đức vẫn gửi một bức thư tay kể về những khó khăn khi làm nông nghiệp và cho biết chỉ có "đầu kéo tầm cỡ như Thaco" mới đủ sức vực dậy HAGL, thậm chí có thể gầy dựng một đế chế nông nghiệp "vô tiền khoáng hậu" cho Việt Nam.

Vì bức thư này, ông Dương đồng ý qua Lào và Campuchia tham quan các nông trường bạt ngàn và tìm hiểu cách HAGL làm nông nghiệp. Một thời gian sau, hai bên chính thức ký hợp đồng mua bán trái phiếu chuyển đổi để Thaco và nhóm cổ đông liên quan sở hữu 35% HAGL Agrico.

Đầu năm 2021, Thaco chính thức tiếp quản HAGL Agrico từ tay ông Đoàn Nguyên Đức sau đợt phát hành riêng lẻ. Bầu Đức thu về khoản tiền lớn để trả nợ ngân hàng, nợ nhóm Thaco, đối tác... và còn dư để bổ sung vốn lưu động. Hoàng Anh Gia Lai giảm tỷ lệ tại HAGL Agrico xuống dưới 27% và không còn quyền chi phối còn Thaco nắm giữ 63,08% và trở thành công ty mẹ.

title-3(1).png

Không còn là cổ đông lớn nhất HAGL Agrico, bầu Đức tập trung nhiều hơn cho HAGL. "Ngã ở đâu đứng lên ở đó", ông từng khẳng định, HAGL sẽ chỉ làm nông nghiệp. Nếu nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm mới cũng cũng chỉ trong hệ sinh thái nông nghiệp và sẽ làm rất thận trọng.

Trong giai đoạn tái cơ cấu, năm 2019, HAGL vẫn ghi nhận lỗ 2.025 tỷ đồng và năm 2020 lỗ kỷ lục 2.383 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính năm 2020, khoản lỗ lũy kế của HAGL ở mức 6.301 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu bị ăn mòn, chỉ còn hơn 10.000 tỷ đồng so với mức đỉnh 16.000 tỷ đồng năm 2015. Đồng thời tập đoàn cũng ôm khối nợ vay khoảng 18.000 tỷ đồng vào cuối năm 2020.

Hành trình hồi sinh của Hoàng Anh Gia Lai bắt đầu từ năm 2021 khi doanh nghiệp có lãi trở lại với 127 tỷ đồng, sau đó liên tục báo lãi lớn các năm tiếp theo. Năm 2022 lãi 1.124 tỷ đồng, năm 2023 lãi 1.781 tỷ đồng và 9 tháng đầu năm 2024 tiếp tục lãi 851 tỷ đồng.

Từ mức lỗ lũy kế 6.300 tỷ đồng, tới nay, HAGL chỉ còn lỗ hơn 600 tỷ đồng và nhiều khả năng sẽ tiến tới xóa lỗ trong thời gian tới. Theo bầu Đức, trong giai đoạn này, cây chuối đã cứu Hoàng Anh Gia Lai thoát khỏi khó khăn và khủng hoảng. Từ con số không, đến nay, tập đoàn đã đầu tư 7.000ha chuối, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về diện tích và chiếm thị phần lớn ở Hàn Quốc, Nhật Bản… Bên cạnh chuối, Hoàng Anh Gia Lai còn trồng thêm sầu riêng với hàng nghìn hecta. Đây được coi là loại cây ‘siêu lợi nhuận’ và là sản phẩm chủ lực của HAGL.

"Có lúc tôi không dám mơ đến ngày này", bầu Đức chia sẻ, nhắc lại những khó khăn trong quá khứ khi tài chính eo hẹp và các ngân hàng thận trọng. Hiện tại, chiến lược trọng tâm của HAGL là triển khai mô hình "2 cây, 1 con", bao gồm trồng chuối, sầu riêng và nuôi heo ăn chuối.

title-4-2-.png

Đồng thời với việc kinh doanh khởi sắc hơn, HAGL cũng tích cực thanh toán các khoản nợ với mục tiêu đưa nợ về con số 0. Trong những ngày cuối năm 2024 vừa qua, HAGL Agrico đã thanh toán hơn 1.000 tỷ đồng cho HAGL để công ty trả gốc của lô trái phiếu phát hành vào cuối năm 2016.

Cụ thể, lô trái phiếu HAGLBOND16.26, giá trị 6.596 tỷ đồng, lãi suất 9,7%/năm, dự kiến đáo hạn ngày 30/12/2026, do BIDV nắm giữ. Trong công bố ngày 26/12, HAGL cho biết đã thanh toán 206 tỷ đồng tiền gốc. Đến ngày 30/12, công ty tiếp tục trả thêm 824 tỷ đồng, nâng tổng số tiền đã thanh toán lên 1.030 tỷ đồng.

Phần dư nợ gốc còn lại là 766 tỷ đồng chưa thanh toán do chưa thanh lý được tài sản không sinh lời và dự kiến sẽ được xử lý vào quý II/2025.

Ông Đoàn Nguyên Đức từng khẳng định: "HAGL là doanh nghiệp tích cực trả nợ nhất sàn chứng khoán". Thực tế cho thấy, nếu như năm 2015, HAGL ôm khối nợ vay lên tới hơn 27.000 tỷ đồng thì tới cuối quý III/2024, HAGL chỉ còn nợ khoảng 7.300 tỷ đồng. Thậm chí, con số này chỉ còn 6.300 tỷ đồng sau khi HAGL vừa trả 1.000 tỷ đồng trái phiếu vừa qua. Đây là mức nợ vay khiêm tốn so với một công ty có tổng tài sản trị giá 22.400 tỷ đồng.

title-5(1).png

HAGL đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành công ty nông nghiệp hàng đầu Việt Nam với quy mô 30.000ha, vươn tầm thành nhà cung ứng sản phẩm nông nghiệp ra toàn khu vực châu Á. Giai đoạn 2024-2030, HAGL sẽ vận hành theo mô hình “Nông nghiệp tuần hoàn”.

Để thực hiện thành công chiến lược kinh doanh, HAGL sẽ đổi mới bộ máy quản trị, quản lý và điều hành công ty. HĐQT sẽ tập trung vào công tác hoạch định chiến lược trung và dài hạn, định hướng và cung cấp thông tin cho Ban Điều hành tổ chức thực hiện.

bau-duc-13-.png

Trong buổi gặp mặt cổ đông mới đây, bầu Đức cho biết sau 2 năm, diện tích sầu riêng đã tăng gấp đôi từ 1.000ha vào năm 2022 lên 2.000ha hiện nay, trải dài từ Việt Nam sang Lào. Đối với chuối, diện tích trồng cũng tăng 40% so với năm 2022, đạt 7.000ha. Đặc biệt, sầu riêng đang được HAGL tập trung phát triển mạnh mẽ. Công ty dự kiến sẽ thu hoạch 600ha sầu riêng vào năm 2025. Toàn bộ vườn sầu riêng được canh tác theo tiêu chuẩn Global GAP với sự tư vấn từ các chuyên gia Thái Lan.

Bầu Đức nhận định: "Trung Quốc cần ít nhất 7-10 năm nữa để tự cung cấp sầu riêng nếu thuê đất trồng ở nước ngoài. Vì vậy, đây là cơ hội vàng cho doanh nghiệp trong 5 năm tới".

Năm 2025, HAGL dự kiến tăng diện tích sầu riêng lên 3.000ha và chuối lên 10.000ha. Đến năm 2030, công ty đặt mục tiêu nâng diện tích trồng chuối, sầu riêng và các loại cây có giá trị kinh tế khác lên 30.000ha.

Song song với phát triển trồng trọt, HAGL sẽ tiếp tục mở rộng quỹ đất sạch, ưu tiên đầu tư cải thiện hạ tầng, nhà máy đóng gói, bao bì… theo hướng ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đồng thời góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông nghiệp.

bau-duc-3-(1).png

Bên cạnh sầu riêng và chuối, HAGL cũng đẩy mạnh hoạt động chăn nuôi heo. Công ty đã tái đàn 15.000 con heo nái và đặt mục tiêu nâng tổng đàn (bao gồm nái và thịt) lên 500.000 con vào năm 2025. Dù mảng chăn nuôi từng chịu nhiều biến động về giá cả, nhưng nhờ chiến lược khép kín và quản lý bài bản, hiệu quả kinh doanh của công ty đã dần được cải thiện.

Sau những năm tháng lao đao vì khoản nợ khổng lồ, Hoàng Anh Gia Lai đã bắt đầu "hồi sinh" mạnh mẽ với kết quả kinh doanh tích cực tiến tới xóa nợ, xóa lỗ lũy kế. Với chiến lược "2 cây, 1 con", bầu Đức đang từng bước hiện thực hóa giấc mơ đưa HAGL trở thành "gã khổng lồ" nông nghiệp mang tầm vóc châu Á. Ở tuổi xế chiều, vị doanh nhân không chọn nghỉ ngơi với khối tài sản nghìn tỷ, mà quyết định chiến đấu đến cùng để tìm lại ánh hào quang.

quotes-cuoi-1-(1).png
111-1-.png

Theo Kiến thức đầu tư
Kiến thức Đầu tư
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Bầu Đức: Từ đỉnh cao đến vực sâu và cú 'tất tay' ở tuổi xế chiều, quyết tâm tìm lại ánh hào quang
    POWERED BY ONECMS & INTECH