Tài chính Ngân hàng

Bộ Công an đề xuất kiểm soát giá mua, bán vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước nói gì?

Hạnh Nguyên 13/07/2025 - 19:57

Bộ Công an cho rằng cần nghiên cứu, xem xét bổ sung quy định về cơ chế quản lý, biện pháp quản lý giá mua, bán vàng miếng. Ngoài ra, cần bổ sung quy định về biên độ chênh lệch tối đa giữa giá mua và giá bán vàng miếng.

Dự thảo Nghị định 24 quy định Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện can thiệp bình ổn thị trường vàng nhưng không đề cập cụ thể về cơ chế quản lý, biện pháp quản lý giá mua, giá bán vàng miếng (đặc biệt cần tính toán trường hợp có một thương hiệu mạnh chiếm thị phần lớn chủ chốt như SJC).

Trong góp ý cho dự thảo sửa đổi Nghị định 24, Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định về cơ chế quản lý và biện pháp kiểm soát giá mua - bán vàng miếng để tạo hành lang pháp lý can thiệp, tránh tạo ra độc quyền và lợi ích nhóm cho các đơn vị kinh doanh vàng miếng tự niêm yết giá.

Cụ thể, các đơn vị kinh doanh cần ban hành quy trình rõ ràng và có khả năng giải trình về cách thiết lập, điều chỉnh giá, thay đổi giá trong ngày; lưu trữ các chứng từ, tài liệu liên quan đến việc tạo giá và thay đổi giá (bao gồm dữ liệu thông tin điện tử).

W-vang mieng.jpg
Bộ Công an cho rằng cần có biện pháp quản lý giá mua, bán vàng miếng. Ảnh: Phạm Hải

Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế can thiệp của cơ quan quản lý vào thị trường vàng khi cần thiết (cơ chế can thiệp vào giá mua, bán; cơ chế can thiệp vào cung, cầu thị trường vàng miếng...).

Ngoài ra, cần bổ sung quy định về biên độ chênh lệch tối đa giữa giá mua và giá bán vàng miếng.

Về vấn đề này, NHNN cho hay, theo Luật Giá 2012 (sửa đổi 2023), vàng không phải mặt hàng thiết yếu, không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Giá mua - bán vàng do các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại niêm yết trên cơ sở cung - cầu thị trường và theo quy định pháp luật.

Cơ chế can thiệp bình ổn thị trường vàng được thực hiện theo quy định tại Nghị định 50/2014/NĐ-CP về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước.

Theo đó, khoản 1 Điều 16 quy định về phạm vi sử dụng Quỹ bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng để can thiệp thị trường ngoại tệ và vàng trong nước.

Trong khi khoản 1 Điều 18 quy định: “Căn cứ mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia và tình hình biến động tỷ giá và giá vàng trên thị trường trong nước, NHNN xây dựng cơ chế can thiệp thị trường trong nước trong từng thời kỳ”.

Còn khoản 1 Điều 19 quy định: “Căn cứ cơ cấu, tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư của Quỹ bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng, nhu cầu vàng để can thiệp thị trường trong từng thời kỳ, khối lượng vàng đã sử dụng can thiệp, yêu cầu an ninh quốc gia, Thống đốc NHNN quyết định việc mua, bán vàng trên thị trường quốc tế phục vụ can thiệp thị trường vàng trong nước”.

Như vậy, Nghị định 50/2014/NĐ-CP đã quy định cơ chế NHNN can thiệp vào thị trường vàng trong nước khi cần thiết.

>>Bộ Công an đề xuất thanh tra thị trường vàng

Bộ Công an đề nghị bắt buộc ghi số sê-ri vàng miếng vào chứng từ giao dịch vàng

‘Thế giới chuộng vàng trang sức, chỉ có Việt Nam mới đổ xô mua vàng miếng’

Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bộ Công an đề xuất kiểm soát giá mua, bán vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước nói gì?
    POWERED BY ONECMS & INTECH