Bộ trưởng Y tế hồi đáp đề nghị 'thông tuyến' BHYT với người từ 70 tuổi trở lên
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan vừa có hồi đáp về đề xuất có chính sách để người từ 70 tuổi trở lên được phép thông tuyến khi khám chữa bệnh BHYT, không cần giấy chuyển viện của cơ sở y tế tại địa phương.
Kiến nghị được cử tri Đồng Nai gửi đến trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15. Đa số người dân từ 70 tuổi trở lên trên thường mắc nhiều bệnh mạn tính, cơ sở y tế địa phương không có đủ cơ sở vật chất để điều trị nên hầu hết người dân thường khám ở tuyến trên.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, trường hợp người có thẻ BHYT tự đi khám chữa bệnh (thường gọi là trái tuyến) được Quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng thấp hơn so với khám, chữa bệnh đúng quy định.
Trừ các trường hợp đặc biệt, thông thường, nếu người dân tự đi khám ngoại trú tại bệnh viện cấp chuyên sâu (không phải là bệnh viện tuyến huyện trước đây) sẽ không được thanh toán BHYT; nếu nằm điều trị nội trú được hưởng 40% của mức hưởng ghi trên thẻ. Trong khi nếu khám đúng quy định, bệnh nhân được thanh toán 100% phạm vi hưởng.

Chi phí điều trị cho người cao tuổi thường cao gấp gần 10 lần người trẻ
Bộ Y tế khi phân tích nguyên nhân người có BHYT vẫn phải chi tới 45% tiền túi cho dịch vụ y tế cho rằng lý do "đặc biệt quan trọng" là chất lượng dịch vụ tại y tế cơ sở vẫn còn hạn chế, nên người bệnh bỏ qua, vượt lên tuyến trên và tiếp tục chịu chi phí cao hơn.
Chi phí này có khi lên tới hàng chục triệu đồng để chi trả các dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu, chưa kể chi phí điều trị nội trú hay thuốc, vật tư y tế ngoài danh mục chi trả của BHYT.
Bộ Y tế thống kê dù chỉ chiếm 16% dân số nhưng nhóm người cao tuổi sử dụng trên 50% chi phí điều trị mỗi năm. Chi phí chữa bệnh cho người cao tuổi thường cao gấp gần 10 lần người trẻ.
Hồi đáp đề xuất của cử tri, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, việc quy định khám chữa bệnh theo từng tuyến khác nhau (hiện nay là cấp khám chữa bệnh) nhằm bảo đảm khám và điều trị đúng theo tình trạng bệnh (không phụ thuộc vào tuổi tác) phù hợp với cấp chuyên môn kỹ thuật. Điều này cũng giúp giảm quá tải ở tuyến trên, khi tình trạng bệnh nặng thì mới phải chuyển tuyến trên điều trị cho phù hợp.
Ngoài ra, đối tượng là người trên 70 tuổi và mắc bệnh mạn tính đã được xem xét và quy định tại Thông tư số 01/2025 của Bộ Y tế về hướng dẫn thực hiện BHYT, trong đó, quy định một số bệnh nặng, mạn tính mà người dân nếu mắc có thể lên thẳng cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn (cơ bản, chuyên sâu) mà không cần thủ tục chuyển viện, được hưởng 100% quyền lợi BHYT.
Cụ thể, Bộ Y tế đã quy định 62 bệnh, nhóm bệnh được khám chữa bệnh tại cơ sở cấp chuyên sâu; 167 bệnh, nhóm bệnh được khám chữa bệnh tại cơ sở cấp cơ bản; 141 bệnh, nhóm bệnh được chuyển cơ sở khám chữa bệnh trong thời hạn 1 năm kể từ ngày ký phiếu chuyển (thay cho việc giấy chuyển tuyến hết giá trị sử dụng khi kết thúc năm dương lịch).
Đề xuất giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 75 xuống 70 tuổi
Cũng liên quan đến chăm sóc người cao tuổi, cử tri kiến nghị xem xét quy định hạ độ tuổi đối với người được hưởng trợ cấp người cao tuổi từ 75 tuổi xuống 70 tuổi, vì người 70 tuổi đã suy giảm sức khỏe.
Bộ trưởng Y tế cho hay từ 1/7, người cao tuổi từ đủ 70 đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo đã được đưa vào diện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. "Đây là bước tiến quan trọng, từng bước đáp ứng kiến nghị của cử tri về việc mở rộng chính sách hỗ trợ cho nhóm người từ 70 tuổi trở lên", bà Lan nhìn nhận.
Tuy nhiên, đề xuất giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 75 xuống 70 tuổi cho tất cả người cao tuổi, không chỉ giới hạn ở nhóm thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo, theo Bộ trưởng Lan "vẫn cần được cân nhắc kỹ lưỡng". Việc này cần được xem xét trong tổng thể các chính sách an sinh xã hội và bảo vệ người cao tuổi, đồng thời phải có nghiên cứu đánh giá tác động về KT-XH để bảo đảm tính khả thi và bền vững của hệ thống trợ cấp xã hội trong thời gian tới.
Tốc độ già hóa dân số ở nước ta vào nhóm nhanh nhất thế giới. Dự báo đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ xấp xỉ 18 triệu người. Đến nay, 95% người cao tuổi đã được cấp thẻ BHYT.
Dù tuổi thọ tăng cao (lên 74,7 tuổi năm 2024) nhưng người Việt mất tới 10 năm sống trong bệnh tật (tuổi khoẻ mạnh chỉ đến khoảng 65 tuổi). Trung bình mỗi người cao tuổi Việt Nam mang trong mình 3-4 bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính.
>> Quy định mới: BHYT thanh toán thế nào khi người bệnh tự mua thuốc, thiết bị y tế?
Quy định mới: BHYT thanh toán thế nào khi người bệnh tự mua thuốc, thiết bị y tế?
Các nhóm đối tượng tham gia BHYT từ 1/7/2025: Ai được Nhà nước đóng, ai phải tự lo?