Xe

CSGT sẽ 'nổ' thông báo vi phạm sau 2 giờ, cánh tài xế mừng hay lo?

Hoàng Hiệp 15/07/2025 - 08:58

Cục CSGT tuyên bố sẽ tăng cường xử phạt qua camera và thông báo đến chủ phương tiện chỉ sau 2 giờ vi phạm. Tài xế ủng hộ áp dụng công nghệ để tăng sự minh bạch, nhưng lo ngại lỗi kỹ thuật, thiếu kênh phản hồi.

Mới đây, Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình - Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) thông tin về việc lực lượng CSGT sẽ hạn chế sử dụng con người trên đường, đồng thời các vi phạm sẽ được gửi nhanh nhất đến người phạm trong tối đa không quá 2 giờ thay vì nhiều ngày như trước. Phát biểu này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân, đặc biệt là những tài xế ô tô.

CSGT phat vuot den do.jpeg
Người dân sẽ nhận được thông báo chỉ sau 1-2 giờ vi phạm. Ảnh minh hoạ: Đình Hiếu

Trên các diễn đàn lớn về ô tô như Otofun, OFFB, HLX hay các hội nhóm tài xế công nghệ, taxi, vận tải đường dài, rất nhiều ý kiến đa chiều được đưa ra, đa số tỏ ra đồng tình với việc "phạt ấm" này của phía CSGT.

Anh Nguyễn Văn Khánh (37 tuổi, lái xe container tuyến Bắc - Nam) chia sẻ: “Tôi ủng hộ việc xử lý vi phạm qua camera và gửi thông tin nhanh chóng, miễn sao hình ảnh rõ ràng, đầy đủ và có căn cứ minh bạch. Làm nhanh thì tốt, vì biết sai ở đâu còn rút kinh nghiệm ngay, không phải bị ‘gài’ hay đợi cả tháng sau mới biết bị phạt.”

Tương tự, anh Phạm Hải Huy (tài xế công nghệ ở Hà Nội) cũng tỏ ra đồng tình: “Tôi thấy CSGT không phải ra đường quá nhiều, hạn chế tiếp xúc là tốt bởi camera ghi lại khách quan hơn, giảm tiêu cực. Còn nếu biết được lỗi của mình chỉ sau 1-2 giờ đồng hồ thì tuyệt vời. Vấn đề là người dân phải được xem lại video vi phạm của mình hoặc có app để kiểm tra lỗi mình mắc là gì để tâm phục khẩu phục".

Anh Nguyễn Trung Kiên – chủ một doanh nghiệp vận tải tại Hà Nội, cho rằng việc gửi thông báo phạt sớm giúp công tác quản lý và điều hành phương tiện của doanh nghiệp trở nên thuận lợi hơn. Nhờ phát hiện vi phạm gần như tức thời, ban điều hành có thể kịp thời nhắc nhở tài xế và quy trách nhiệm rõ ràng, tránh để tái diễn hoặc đùn đẩy trách nhiệm.

“Công nghệ thay con người là cần thiết, đây là xu thế không thể đảo ngược. Quan trọng là hệ thống đồng bộ, dữ liệu minh bạch, phản hồi nhanh. Nhưng nếu mỗi địa phương một cách xử lý, không liên thông, thì dễ xảy ra nhầm lẫn, gây phiền hà cho tài xế và chủ xe", anh Kiên chia sẻ với VietNamNet.

Tuy nhiên, một số ý kiến lại thể hiện sự băn khoăn, lo lắng đối với các trường hợp trục trặc kỹ thuật hay đường truyền, dẫn tới sai sót trong thông báo.

“Với trường hợp CSGT trực tiếp phát hiện, có thể còn có sự trao đổi và bỏ qua một cách hợp tình hợp lý. Nhưng nếu chỉ dựa hoàn toàn vào phạt nguội và thông báo vi phạm, thì liệu tài xế có được đối chiếu, khiếu nại ngay không? Vì có thể sẽ có những trường hợp camera mờ, biển số trùng, lỗi hệ thống xảy ra hay đơn giản trong trường hợp bất khả kháng theo điều tiết của CSGT.

Tôi cho rằng, có thông tin nhanh thì tốt, nhưng việc xử lý thông tin phản hồi của người dân cũng cần nhanh tương ứng", anh Lê Hoàng Giang - một nhân viên văn phòng ở TPHCM bày tỏ quan điểm.

w camera phat nguoi giao thong 2 2 25238.jpeg
Những camera thông minh sẽ làm thay nhiệm vụ của CSGT, đồng thời xử lý và truyền dữ liệu đến người vi phạm trong thời gian rất nhanh. Ảnh: Thạch Thảo

Theo các chuyên gia, bên cạnh việc đẩy nhanh dữ liệu vi phạm, cơ quan chức năng cần hoàn thiện hệ thống dữ liệu, quy trình phản hồi, cũng như đảm bảo kênh tra cứu chính xác, nhanh chóng để tránh gây hiểu lầm hoặc quá tải sau xử lý.

Nói cách khác, nhanh thôi là chưa đủ. Cái cần hơn là nhanh nhưng phải đúng, minh bạch và có trách nhiệm. Khi đó, việc “phạt trong 2 giờ” mới thực sự là công cụ hữu hiệu trong việc điều chỉnh hành vi giao thông, thay vì chỉ là một bước số hóa mang tính hình thức.

Có thể thấy, phát biểu mới đây của người đứng đầu ngành CSGT thể hiện quyết tâm chuyển mạnh sang hình thức xử lý vi phạm qua thiết bị kỹ thuật – một hướng đi đã được nhiều nước phát triển áp dụng từ lâu.

Việc giảm sự hiện diện của CSGT trên đường kỳ vọng sẽ kéo theo giảm tiếp xúc trực tiếp – vốn là “điểm nhạy cảm” dẫn đến tiêu cực trong xử lý vi phạm giao thông. Đồng thời, cách làm này còn tạo ra áp lực cải cách cho cả hệ thống, từ hạ tầng kỹ thuật đến quy trình xử phạt, nộp phạt... buộc phải minh bạch, nhất quán và đặt quyền lợi người dân làm trung tâm.

>> Khi CSGT ít hiện diện trên đường, công nghệ gì sẽ thay thế con người?

Đeo tai nghe khi lái xe: Người mất bạc triệu, kẻ lại... được phép, CSGT lý giải quy định

Tranh cãi việc đỗ xe chưa đè lên miệng cống thoát nước vẫn bị CSGT xử phạt

Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    CSGT sẽ 'nổ' thông báo vi phạm sau 2 giờ, cánh tài xế mừng hay lo?
    POWERED BY ONECMS & INTECH