Đằng sau 800 tỷ đồng nợ trái phiếu quá hạn của Thái Tuấn: Công ty định giá có sai?

01-06-2023 13:36|Hồ Nga

Thái Tuấn nợ nần chồng chất, trái phiếu quá hạn chưa trả đang là nỗi lo của nhiều trái chủ và chiếm sự quan tâm của dư luận thời gian qua.

Đằng sau nỗi đau nợ trái phiếu Thái Tuấn: Trách nhiệm có thuộc về công ty định giá tài sản?

Như tin đã đưa trước đó, Thái Tuấn có 2 lô trái phiếu tổng giá trị 800 tỷ đồng đều đã quá hạn. Cuộc họp đầu tháng 4/2023 với các trái chủ của lô trái phiếu 300 tỷ đồng đã đưa ra quyết định Thái Tuấn sẽ cùng BIDV giảm nửa giá tài sản thế chấp là bất động sản số 7, 8, 9 Trang Tử nhằm sớm giải quyết tài chính trả tiền cho trái chủ. Cuộc họp còn lại với trái chủ lô 500 tỷ đồng được hứa hẹn tổ chức trong tháng 5 khiến giới quan tâm hóng tin.

Thời điểm cuối tháng 5 đã hết, người quan tâm tới Thái Tuấn và người quan tâm vẫn chờ thông tin từ cuộc họp với trái chủ của lô trái phiếu thứ 2 trị giá 500 tỷ đồng cùng kết quả xử lý tài sản lô trái phiếu thứ nhất 300 tỷ đồng.

Thái Tuấn - từ một thương hiệu thời trang đình đám đến nỗi đau trái chủ

Nếu không có những thông tin về nợ trái phiếu, thì trong mắt người tiêu dùng, Thái Tuấn vẫn là thương hiệu thời trang đình đám do doanh nhân người Hoa, ông Thái Tuấn Chí, thành lập và phát triển. Những bộ vest, những bộ áo dài là những sản phẩm chủ lực của Thái Tuấn nhiều năm nay.

Thế nhưng, thông tin Thái Tuấn đổi chủ, nợ nần chồng chất, trái phiếu quá hạn không thu xếp được tài chính mới là những thông tin vây quanh Thái Tuấn hiện nay.

Đằng sau nỗi đau nợ trái phiếu của Thái Tuấn: Trách nhiệm có thuộc về công ty định giá tài sản?

Ngày 12/4/2023: Nghị quyết chủ sở hữu thông qua việc chấp thuận cho Thái Tuấn điều chỉnh giá bán tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất số 7, 8, 9 Trang Tử từ 135 tỷ đồng xuống 75 tỷ đồng. Chấp thuận để đại lý quản lý tài sản đảm bảo (là Ngân hàng BIDV) kéo dài thời gian xử lý tài sản đảm bảo đến hết ngày 30/4/2023. Chấp thuận cho Thái Tuấn kéo dài thời hạn thanh toán gốc và lãi trái phiếu sau khi thanh toán 75 tỷ đồng từ việc bán các tài sản đảm bảo. Đồng thời Thái Tuấn thông báo thống nhất dự kiến tổ chức Hội nghị trái chủ lô trái phiếu 500 tỷ đồng trong tháng 5/2023.

Tuy vậy, đến nay đã hết tháng 5, và Thái Tuấn chưa có động thái cập nhật thông tin. Nhà đầu tư, người quan tâm vẫn “hóng” kết quả giải quyết của thương hiệu thời trang này.

Câu chuyện về định giá tài sản

Lô trái phiếu TTDCH2122001 có tổng giá trị 300 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo gồm 20 triệu cổ phần của Tập đoàn Thái Tuấn; nhà và quyền sử dụng đất tại số 7, 8, 9 Trang Tử, phường 14, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh; 2,6ha đất lô CND-D4 đường số 1, KCN Đức Hòa III – Anh Hồng, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An (được định giá 210 tỷ đồng) – định giá bởi CTCP Giám định và Thẩm định tài sản Việt Nam.

Lô trái phiếu TTDCH2122002 trị giá 500 tỷ đồng của Thái Tuấn là trái phiếu có tài sản đảm bảo gồm bảo lãnh thanh toán toàn bộ hoặc một phần lãi, gốc đến hạn bằng tài sản của doanh nghiệp phát hành hoặc tài sản của bên thứ 3 theo quy định và 16,05 triệu cổ phần của Tập đoàn Thái Tuấn với tổng giá trị định giá hơn 809,7 tỷ đồng – tương ứng định giá mỗi cổ phần 50.450 đồng theo chứng thư thẩm định giá của CTCP Giám định và thẩm định tài sản Việt Nam ngày 27/4/2021.

Thời điểm tháng 4/2021 cổ phần Thái Tuấn được định giá 50.450 đồng. Lúc đó Thái Tuấn có vốn điều lệ 380 tỷ đồng theo công bố thông tin của HNX. Như vậy bản thân Thái Tuấn được định giá khoảng 1.900 tỷ đồng, và gần 95% vốn điều lệ của Thái Tuấn đã đưa đi thế chấp cho 2 lô trái phiếu trên. Phần lớn giá trị đảm bảo cho các lô trái phiếu trên trông chờ vào giá trị cổ phần Thái Tuấn.

Đầu tháng 4/2023 khi tổ chức Hội nghị trái chủ, tài sản đảm bảo số 7,8,9 Trang Tử được chấp thuận bán giảm giá từ 135 tỷ đồng xuống 75 tỷ đồng. Vì đâu nên nỗi một tài sản bất động sản được chấp thuận điều chỉnh bán giảm một nửa? Liệu chất lượng của công tác định giá có phải là nguyên nhân?.

Đằng sau nỗi đau nợ trái phiếu Thái Tuấn: Trách nhiệm có thuộc về công ty định giá tài sản?

Đằng sau câu chuyện định giá, còn có câu chuyện của tài sản đảm bảo

Một câu chuyện cũng đang khiến nhiều diễn đàn đang nổi lên bàn luận là, sao chỉ thông báo bán tài sản 7,8,9 Trang Tử, thế những cổ phiếu Thái Tuấn đang được thế chấp nằm ở đâu? Tổng hơn 36 triệu cổ phần Thái Tuấn được thế chấp cho cả 2 lô trái phiếu trên. Hay đã được giải chấp trước đó?

Câu chuyện trên diễn đàn lại được những thành viên khác liên kết sang việc chủ mới của Thái Tuấn, và một câu chuyện mới mở ra – câu chuyện về quản lý tài sản đảm bảo.

Đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 27 (tháng 8/2021) của Thái Tuấn ghi nhận công ty có vốn điều lệ 1.680 tỷ đồng, do ông Trần Hoài Nam là người đại diện theo pháp luật. Ông Trần Hoài Nam cũng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty.

Ông Trần Hoài Nam và vợ, bà Huỳnh Thị Bảo Xuyên có nhiều giao dịch đảm bảo tại các ngân hàng. Đáng chú ý nhất là từ 4/5/2022 đến 8/6/2022 ông Trần Hoài Nam và vợ là bà Huỳnh Thị Bảo Xuyên đã mang tổng cộng 153,68 triệu cổ phần Thái Tuấn đi thế chấp. Các ngân hàng nhận thế chấp là Sacombank (85,68 triệu cổ phần); là BIDV sở giao dịch 2 (20 triệu cổ phần); và Chứng khoán Dầu khí PSI (48 triệu cổ phần).

Tính ra, trong vòng 1 tháng ông Trần Hoài Nam mang tổng cộng 153,68 triệu cổ phần Thái Tuấn (tương ứng 91,5% vốn điều lệ của Thái Tuấn) đi thế chấp tại các ngân hàng và công ty chứng khoán.

Câu chuyện không nằm ở chỗ số cổ phần này được định giá bao nhiêu vì không có thông tin, mà được giới quan tâm “soi” đến là công tác quản lý tài sản đảm bảo. Nhiều câu hỏi vẫn "treo" trên các diễn đàn:

Một câu hỏi đặt ra: 153,68 triệu cổ phần Thái Tuấn (91,5% vốn điều lệ) được ông Trần Hoài Nam mang đi thế chấp. Vậy hơn 36 triệu cổ phần (tương ứng 95% vốn điều lệ thế chấp trước đó cho 2 lô trái phiếu), liệu có sự “chồng chéo”? Điều này vẫn cần thời gian để các nhà đầu tư kiểm chứng thông tin từ các bên liên quan.

Câu hỏi thứ 2 là: Nếu trường hợp hơn 36 triệu cổ phần nói trên đã được giải chấp trước khi Thái Tuấn tăng vốn và ông Trần Hoài Nam mang cổ phần mới đi thế chấp, thì đã có tài sản thế chấp thay thế?

Những câu hỏi trên các diễn đàn tất nhiên vẫn chỉ là câu hỏi chưa có lời giải.

Đằng sau nỗi đau trái chủ: Liệu công ty thẩm định giá có chịu trách nhiệm?

Bản công bố thông tin phát hành trái phiếu của Thái Tuấn ghi nhận CTCP Giám định và Thẩm định tài sản Việt Nam (VAAE) là đơn vị thẩm định giá tài sản.

Hiện ở Việt Nam có khoảng 400 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thẩm định giá, thẩm định tài sản. VAAE được thành lập tháng 8/2005 và là doanh nghiệp được hoạt động trong các nhóm: Dịch vụ thẩm định giá tài sản, dịch vụ tư vấn đấu thầu, dịch vụ tư vấn xác định giá đất, dịch vụ giám định tài sản. VAAE có vốn điều lệ 4 tỷ đồng, do ông Trần Lê Mạnh Hùng làm Tổng Giám đốc, ông Đặng Trọng Nghĩa là Giám đốc điều hành, ông Nguyễn Xuân Tiên là Chủ tịch HĐQT. Chủ tịch HĐQT của VAAE còn khá trẻ, sinh năm 1994, còn Tổng Giám đốc Mạnh Hùng sinh năm 1993.

Về nhân sự, VAAE có 17 thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề, 06 thẩm định viên về giá cộng tác viên.

Thực tế cho thấy đã rất nhiều sự việc xảy ra cho thấy công tác thẩm định giá nói chung đang khiến nhiều bên lo ngại, rất nhiều những thông tin rao bán tài sản đảm bảo kéo dài từ năm này qua năm khác không chốt được do giá quá xa vời thực tế. Nhiều chuyên gia cho rằng chế tài còn quá nhẹ nên nhiều sự vụ đáng tiếc vẫn xảy ra.

Nghị định số 109/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn quy định:

- Phạt tiền từ 180 đến 220 triệu đồng đối với hành vi thông đồng với chủ tài sản, khách hàng thẩm định giá, người có liên quan khi thực hiện thẩm định giá làm sai lệch kết quả thẩm định giá.

- Phạt tiền từ 220 đến 260 triệu đồng đối với hành vi làm sai lệch hồ sơ tài sản thẩm định giá hoặc sai lệch thông tin liên quan đến tài sản thẩm định giá dẫn đến thẩm định giá cao hoặc thấp hơn 10% đối với tài sản là bất động sản, thiết bị, phương tiện vận tải; 15% đối với tài sản là vật tư, hàng hóa so với kết quả thẩm định giá cuối cùng của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp doanh nghiệp thẩm định giá và cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng cùng một cách tiếp cận thẩm định giá.

- Hình phạt bổ sung sẽ là đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh thẩm định giá cao nhất đến 60 ngày.

Rộ tin đồn giá bán tại Con Cưng đắt hơn tại các siêu thị mẹ và bé khác, thực hư ra sao?

Chuỗi Con Cưng ngập nợ nghìn tỷ: Góc nhìn từ việc SSI tư vấn phát hành trái phiếu

Rót 90 triệu USD vào "Chúa Chổm" Con Cưng, quỹ Quadria kinh doanh thế nào?

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dang-sau-noi-dau-no-trai-phieu-cua-thai-tuan-trach-nhiem-co-thuoc-ve-cong-ty-dinh-gia-tai-san-185768.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Đằng sau 800 tỷ đồng nợ trái phiếu quá hạn của Thái Tuấn: Công ty định giá có sai?
POWERED BY ONECMS & INTECH