Để người lao động đủ sống, không chỉ tăng vài phần trăm lương tối thiểu
Để lương tối thiểu thực sự trở thành “tấm đệm an sinh”, để người lao động sống được bằng lương tối thiểu thì chính sách không thể dừng lại ở việc tăng vài phần trăm mỗi năm.
Chưa đảm bảo mức sống tối thiểu
Một buổi chiều muộn, sau khi kết thúc ca bán hàng tại công ty sữa, chị Hoa ở phường Trung Mỹ Tây (TPHCM) về nhà với vẻ mệt mỏi, không thể giấu được nỗi lo thường trực với cuộc sống cơm áo, gạo tiền ở thành phố đắt đỏ này.
Vợ chồng chị Hoa đều có việc làm, tổng thu nhập gộp lại mỗi tháng khoảng 13-14 triệu đồng. Thu nhập này cao hơn mức lương tối thiểu vùng đang áp dụng tại TPHCM (gần 5 triệu đồng/người/tháng), nghe qua tưởng đủ sống nhưng sau khi trừ tiền thuê nhà, ăn uống, điện nước và tiền học cho 2 con, khoản còn lại gần như không đáng kể.
Mỗi lần nghe tin giá điện, xăng tăng, chị Hoa chỉ biết thở dài. Bởi với mọi khoản chi tiêu, chị phải cân đo đong đếm, chắt bóp từng đồng để trang trải.
Những ngày hè này, vợ chồng chị Hoa còn canh cánh nỗi lo chuẩn bị sách vở, đồng phục cho năm học mới của các con. Chồng chị phải tranh thủ chạy Grab, giao hàng (shipper) buổi tối để có thêm thu nhập.

Câu chuyện của chị Hoa không phải trường hợp cá biệt. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, còn biết bao lao động khác cũng đang sống trong cảnh "thu không đủ chi". Họ làm thêm giờ, hy sinh sức khỏe và thời gian bên gia đình, cố bám trụ ở thành phố.
Theo kết quả một cuộc khảo sát với 3.000 công nhân tại 10 tỉnh, thành phố do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thực hiện trong tháng 3 và 4 vừa qua, có 12,5% người lao động phải vay mượn hàng tháng, 26,3% chi tiêu kham khổ, 7,9% không đủ sống. Chỉ 55,5% cho biết bữa ăn chính có đủ thịt, cá. Thu nhập thấp ảnh hưởng đến sức khỏe, năng suất lao động của họ cũng như quyết định lập gia đình, sinh con, đầu tư cho giáo dục.
Thực tế cho thấy trong 2 năm qua, mức lương tối thiểu chỉ được điều chỉnh 1 lần với tỷ lệ 6%. Trong khi đó, giá điện đã tăng tới 4 lần, kéo theo chi phí sản xuất và giá các mặt hàng thiết yếu leo thang. Kết quả là thu nhập của người lao động đang ngày càng bị “bỏ xa” so với tốc độ tăng chi phí sinh hoạt.
Không ít người lao động bám trụ lại thành phố dần mất đi cơ hội tích lũy, đầu tư cho con cái học hành hay cải thiện nơi ăn, chốn ở.
Lương tối thiểu phải được tính đúng, đủ theo mức sống
Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng dao động từ 3,45 triệu đồng/tháng (vùng IV) đến 4,96 triệu đồng/tháng (vùng I), tương ứng mức lương theo giờ từ 16.600-23.800 đồng. Dù Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất trình Chính phủ phương án tăng lương tối thiểu thêm 7,2% vào đầu năm 2026, nhưng với mặt bằng quá thấp như hiện nay, nếu mỗi năm chỉ tăng 5-7% thì lương tối thiểu vẫn sẽ mãi “đuối sức” trước tốc độ leo thang của chi phí sinh hoạt.
Để tháo gỡ “nút thắt” này, điều tiên quyết là phải xác định lại đúng bản chất của lương tối thiểu. Đó phải là mức đảm bảo được cuộc sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ tại từng khu vực. Việc điều chỉnh lương tối thiểu không thể làm theo cách “cào bằng” hay cảm tính mà cần dựa trên cơ sở khảo sát thực tế, tính đúng, tính đủ các khoản chi phí thiết yếu như tiền thuê nhà, điện, nước, học phí, y tế, đi lại...
Chính sách tăng lương tối thiểu chỉ có ý nghĩa khi đi kèm với các biện pháp kiểm soát giá cả. Bởi nếu thu nhập tăng nhưng giá xăng, điện, thực phẩm… cũng leo thang, hoặc thậm chí “vượt mặt” mức tăng lương thì người lao động vẫn không thể cải thiện đời sống. Việc giữ vững giá trị thực của đồng lương cần được xem là nhiệm vụ song hành với điều chỉnh chính sách tiền lương.
Đồng thời, để tăng lương tối thiểu một cách bền vững, phải gắn với việc cải thiện năng suất lao động. Do vậy, doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, đồng thời hỗ trợ người lao động nâng cao tay nghề, thích ứng với quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Khi năng suất tăng, thu nhập có thể cải thiện thực chất, lương tối thiểu khi đó mới có ý nghĩa đảm bảo cuộc sống theo hướng bền vững.
Ngoài ra, về mặt chính sách, Nhà nước cần có các giải pháp giảm áp lực chi phí cho người lao động thông qua việc phát triển nhà ở xã hội, nhà trọ giá rẻ cho công nhân; mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ công thiết yếu như y tế, giáo dục, trường học gần khu công nghiệp. Đây là những “đòn bẩy” quan trọng giúp người lao động ổn định cuộc sống, tạo điều kiện gắn bó lâu dài với doanh nghiệp và thị trường lao động.
Tóm lại, để lương tối thiểu thực sự trở thành “tấm đệm an sinh” cho người lao động, chính sách không thể dừng lại ở việc tăng vài phần trăm mỗi năm. Việc này cần một cách tiếp cận tổng thể, từ xác định lại mức sống tối thiểu sát với thực tiễn từng vùng, kiểm soát giá cả, nâng cao năng suất lao động đến mở rộng hệ thống an sinh xã hội. Đây không chỉ là vấn đề tiền lương mà còn là bài toán phát triển bền vững, đảm bảo công bằng và ổn định thị trường lao động trong dài hạn.