Doanh nhân, siêu mẫu Vũ Thu Phương: Tôi có hôm nay nhờ 95% nỗ lực và 5% may mắn
12 giờ trưa – khung giờ mà có lẽ không ít người đang ngơi nghỉ, chúng tôi nhận được những lời chia sẻ tâm huyết từ doanh nhân, siêu mẫu Vũ Thu Phương khi tranh thủ được thời gian giữa loạt lịch quay sáng đêm. Chúng tôi hiểu hơn, điều làm nên Vũ Thu Phương hôm nay chính là bởi sự trách nhiệm đến cùng với mọi thứ.
Quen mắt với hình ảnh một siêu mẫu đắt show hàng đầu của làng mẫu Việt, hay một người thị phạm gạo cội trong các show truyền hình, nhưng không phải ai cũng biết, Vũ Thu Phương sinh ra ngay cạnh nhà máy Dệt Nam Định – nơi nuôi dưỡng trong cô cảm giác thân thuộc với từng thớ lụa từ thơ bé. Nếu như thuở ban đầu, thời trang là con đường giúp cô nổi tiếng, thì càng về sau, thời trang đã khơi dậy trong nữ doanh nhân ước mơ sáng tạo và bảo tồn làng nghề hơn 700 năm tuổi của quê hương.
Vừa qua, cái tên Vũ Thu Phương một lần nữa xuất hiện trong dàn giám khảo cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2023. Ai cũng biết các cuộc thi nhan sắc ở Việt Nam gần đây gặp rất nhiều ồn ào, người ta nói Việt Nam đang “bội thực” Hoa hậu, “lạm phát” Hoa hậu. Thay vì an toàn, tại sao chị vẫn ngồi vào chiếc ghế đó trong thời điểm nhạy cảm?
Đúng là việc các cuộc thi sắc đẹp phát triển quá nhanh, thiếu kiểm soát, thiếu chế tài, phát triển về số lượng chứ chưa chú trọng chất lượng, gây ra "lạm phát” Hoa hậu - nhàm chán, nhạt nhòa và mất cân bằng về thẩm mỹ nghe nhìn trong công chúng.
Nhưng sau hai thập kỷ hoạt động trong lĩnh vực sắc đẹp, hơn ai hết, Phương hiểu giá trị cốt lõi của hai từ Hoa hậu và cũng từng có giấc mơ đưa nhan sắc Việt thăng hạng trên trường quốc tế. Bởi thế, khi mà mọi thứ đang lao quá nhanh và mất dần đi những giá trị thực, Phương chọn không từ bỏ mà tiếp tục "đãi cát tìm vàng" để tìm ra những nhan sắc đẹp thực sự từ trong ra ngoài, với mong muốn bảo vệ những giá trị nhân văn, vì cộng đồng và xã hội tại cuộc thi bản thân đánh giá là uy tín, chuyên nghiệp, đẳng cấp và khốc liệt nhất – Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam.
Gác lại những ồn ào tiêu cực, nếu nhìn một cách công tâm và xuyên suốt lịch sử các cuộc thi sắc đẹp Việt Nam, một cuộc thi đúng nghĩa luôn là cơ hội quý giá để các bạn trẻ học hỏi, trau dồi, tìm ra phiên bản tốt nhất, đẹp nhất và hoàn thiện nhất về cả sắc vóc bên ngoài lẫn tư duy và hành động.
Việc các cô gái nỗ lực hoàn thiện bản thân và thực sự hành động vì cộng đồng, xã hội nhiều hơn sẽ tạo ra những nhân tố hội tụ đủ đẹp, giỏi và tự tin cho thế hệ kế thừa của tương lai Việt Nam. Các cuộc thi nở rộ cũng giúp các thí sinh được cọ xát và tích lũy kinh nghiệm, giúp nhan sắc Việt thực sự được thăng hạng trên bản đồ nhan sắc thế giới với sắc vóc, tài năng và khí chất.
Lý do nào khiến những năm gần đây, chị lại lựa chọn xây dựng hình ảnh một giám khảo, huấn luyện viên, mentor trong các cuộc thi thay vì toả sáng trên các sàn diễn, sân khấu?
Vì Phương luôn tự hào là phụ nữ Việt và ấp ủ nhiều hoài bão, khát khao với nhan sắc Việt suốt bấy nhiêu năm làm nghề. Phương hiểu về thị trường, thời cơ, thời cuộc và cạm bẫy nên mong muốn đóng góp phần nào đó góc nhìn và sự nghiêm khắc, khó tính để cùng tìm ngọc sáng cho thế hệ tiếp nối.
Từng ấy năm trong nghề, chị thấy đâu là sự khác biệt trong cuộc sống của một người phụ nữ làm nghệ thuật và một người phụ nữ làm trong lĩnh vực khác?
Phụ nữ làm nghệ thuật là những người rất nhạy cảm và nghe theo cảm xúc của trái tim mình nhiều hơn. Đa phần nhịp sinh học cũng khác thường hơn, họ rạng rỡ, nhiều năng lượng và tươi đẹp hơn về tối và dưới ánh sáng.
Đang hoạt động kinh doanh với vai trò chủ một thương hiệu thời trang, mục tiêu kinh doanh mà chị theo đuổi là gì?
Phương sinh ra ở ngay cạnh nhà máy Dệt Nam Định. Từ bé, Phương đã yêu vải vóc, tơ lụa, thời trang, thích làm đẹp cho phụ nữ để tôn vinh họ trong mọi khoảnh khắc cuộc sống. PhoenixV ra đời vì Phương luôn khát khao mang thương hiệu thời trang Việt ra thế giới với lòng tự hào vô cùng về các giá trị sáng tạo và thủ công của người Việt.
Phương muốn được bảo tồn và phát triển các làng nghề thủ công tại Nam Định, trước mắt là sử dụng, kết nối mua bán lụa Cổ Chất để tạo công ăn việc làm và phát triển tơ lụa phượng hoàng tại làng nghề hơn 700 năm tuổi của quê hương. Sau đó, Phương mong muốn góp sức quảng bá và viết tiếp những trang sử hào hùng của ngành dệt may Nam Định và sẽ cụ thể hóa bằng nhiều kế hoạch trong các năm tới.
Vừa đi qua Covid-19, tiếp tục sang 2023 là một năm khủng hoảng kinh tế, điều hành một doanh nghiệp phải chăng cũng rất khó khăn? Chị đã làm gì để đứng vững?
Vâng, Covid-19 chính xác đã dập Phương và các doanh nghiệp tơi bời. Phương phải đóng một cửa hàng flagship của PhoenixV và Ann Quán tại Việt Nam để bảo vệ các cửa hàng ở quốc tế.
Phương thấy rõ tâm lý lo sợ về dịch bệnh, chiến tranh, bất ổn chính trị, lạm phát tăng cao khiến kinh tế ảnh hưởng nhiều, nên đã tính toán hoạt động kinh doanh co lại và thận trọng hơn trong từng bước đi.
Với mảng kinh doanh ẩm thực, Phương đã xây dựng lại được Ann Quán mới với nhiều bước tính xa hơn cho mọi diễn biến xấu, và may mắn là đã mau chóng đón khách tấp nập trở lại.
Riêng với thời trang, nói thật Phương vẫn đau đầu và phải cân nhắc rất nhiều thứ vì thực tế ngành công nghiệp thời trang thế giới đang gặp khó khăn, cần nhiều thay đổi nhanh và tích cực để vượt khó. Chậm lại hơn với thời trang, tìm về các giá trị bền vững, xây sản phẩm tốt, chất lượng, bảo vệ môi trường và bền vững với thời gian sẽ là mục đích theo đuổi của Phương và PhoenixV trong giai đoạn hiện tại.
Chị có một người chồng doanh nhân bên cạnh, đó có phải là người chỉ đường và hỗ trợ chị nhiều trong công việc bây giờ?
Anh xã là một người bạn đồng hành, một cố vấn chiến lược tài giỏi của Phương. Phương thường xuyên bàn bạc kỹ lưỡng với chồng trước những quyết định lớn.
Nhiều người vẫn hoài nghi và so sánh về năng lực của người phụ nữ với đàn ông trên thương trường. Chị thấy sao?
Phương nghĩ đàn ông hay phụ nữ đều có điểm mạnh, điểm yếu riêng. Nhìn chung Phương vẫn thấy phụ nữ cẩn trọng, tỉ mỉ, mềm mại, uyển chuyển hơn, còn đàn ông lại luôn là những người có cái nhìn chiến lược, vĩ mô, chuyên môn tốt.
Nhưng đúng là là phụ nữ dễ bị phân tán sự tập trung trong sự nghiệp hơn khi họ có gia đình hay có con cái. Cá nhân Phương đã thay đổi rất nhiều kế hoạch trong công việc để chăm sóc, nuôi dạy các con tốt nhất. Từ khi có con, Phương luôn ưu tiên chất lượng sống của con và gia đình, công việc, sự nghiệp cá nhân chỉ còn đứng thứ hai mà thôi.
Sau 12 năm, khi các con đã đủ khôn lớn, cứng cáp, Phương mới dành nhiều thời gian hơn cho việc phát triển các công việc kinh doanh và tham gia nhiều dự án nghệ thuật hơn trong showbiz.
Vừa làm một siêu mẫu có tiếng vừa làm kinh doanh hẳn vô cùng tất bật, việc cân bằng cuộc sống của chị đang diễn ra thế nào với khối lượng công việc này?
Phương luôn cố gắng cân bằng mọi công việc và cảm xúc trong cuộc sống. Nếu không có lịch đi quay hoặc không về muộn thì một ngày của Phương sẽ bắt đầu từ 6 giờ sáng để dậy cho con ăn sáng rồi đi học. Sau đó, ghé nhà hàng ăn sáng và chăm sóc, tổ chức công việc. Chiều ghé công ty thời trang làm việc, 3 giờ chiều đi đón con rồi về làm việc tiếp, tối 7 giờ ăn tối với con, 9 giờ 30 cho con đi ngủ rồi vẽ hoặc xem phim, đọc sách, cũng giống mọi người. Nếu có lịch quay thì mọi thứ đảo lộn hơn chút nhưng Phương vẫn luôn cố gắng sắp xếp thời gian cho các con.
Chị có nghĩ sẽ có điểm dừng nào đó trong sự nghiệp của người phụ nữ?
Đàn ông hay phụ nữ thì đều nên có điểm dừng cho sự nghiệp kinh doanh để cuộc sống được cân bằng. Sự nghiệp gia đình sẽ mãi là sự nghiệp suốt đời không bao giờ dừng được, bởi vai trò của người vợ, người mẹ, người bà luôn có sự ảnh hưởng quan trọng trong gia đình. Phương nghĩ sự nghiệp nào mình cũng nên tính toán kỹ và tiến lùi đúng lúc để bảo vệ được thành quả lâu dài, bền vững, chắc chắn.
Khán giả thường nhìn thấy một hình tượng Vũ Thu Phương mạnh mẽ, cá tính và sẵn sàng chiến đấu. Nhưng một phụ nữ thì cũng có những lúc yếu đuối chứ? Chị đã đối diện thế nào với những khoảnh khắc ấy trong cuộc đời?
Cuộc sống vất vả, khó khăn, thiếu thốn thời thơ bé đã tạo nên Phương hôm nay luôn cố gắng, nỗ lực chinh phục vấn đề tạo nên tính cách mạnh mẽ và nghị lực.
Nhưng đúng như bạn nói, Phương cũng trải qua rất nhiều giây phút yếu đuối, mệt mỏi, cạn kiệt năng lượng và thậm chí là mất phương hướng trong cuộc đời.
Đa phần, Phương thường tìm đến thiền định và tụng kinh, niệm Phật để tâm hồn thư thả, an yên, bình tâm suy nghĩ và tìm cách vượt qua vấn đề. Có đôi khi Phương lại chọn cách tăng áp lực công việc để không có thời gian suy nghĩ, yếu đuối hay sợ hãi.
Chị nghĩ thành quả của ngày hôm nay đến từ bao nhiêu phần là nỗ lực của bản thân và bao nhiêu phần là may mắn?
Phương nghĩ 95% là nỗ lực, 5% là may mắn.
Không ít người sẽ nhìn vào thành công của chị để phấn đấu và kỳ vọng vào bản thân. Nếu chia sẻ với họ, chị sẽ nói về những gì mình đã “được” hay những gì mình đã “mất” trên con đường này?
Trên con đường tạo nên bản thân mình, Phương luôn thấy mình được nhiều hơn mất. Được làm chủ vận mệnh của mình, được sống hết mình với đam mê, nhiệt huyết, được yêu thương, chia sẻ, được lắng nghe, giúp đỡ. Được vui, buồn, hờn, giận với đủ đầy những cung bậc cảm xúc, được vấp ngã, được đứng dậy... Nói chung Phương cảm thấy mình được rất nhiều.
Có lẽ là Phương không mất gì cả, bởi khi hiểu những khó khăn đã đi qua đều là sự nỗ lực, là cái giá cần phải trả cho những giá trị đẹp, lớn lao hơn mình đang sở hữu thì thấy tất cả đều là “được”.
Chị có thường lập kế hoạch cho cuộc đời mình không? Chị tính toán chặng đường đi sắp tới của mình như thế nào?
Phương lập kế hoạch khá rõ nét về cuộc đời mình để có thể từ từ chinh phục các đam mê, sở thích của bản thân. Phương thường có bảng tham chiếu thời gian, mục đích và việc cần làm để có tư duy tổng quan lẫn chi tiết về mọi thứ rồi sau đó dựa vào tình hình thời thế mà uyển chuyển hành động cụ thể, chi tiết.
Cuối năm nay, Phương tập trung thiết kế xây dựng cửa hàng flagship mới của PhoenixV tại 72 Ngô Đức Kế. Song song đó, Phương đang xây dựng đề án về gìn giữ và phát triển tơ lụa, dệt may Nam Định. Hành trình gìn giữ tinh hoa làng nghề truyền thống sẽ còn rất dài và nhiều vấn đề nhưng đó là một khát khao lớn Phương muốn chinh phục.
Về ẩm thực thì Phương đang quan sát thị trường để phát triển chuỗi cho thương hiệu Ann Express. Phương mong muốn có thể mang bữa cơm sạch, ngon, chuẩn vị Bắc truyền thống đến nhiều khách hàng hơn nữa. Phương muốn quảng bá và tôn vinh ẩm thực Việt.
Với nghệ thuật, Phương sẽ còn song hành với hành trình đi tìm giá trị thật, chia sẻ và đóng góp cho thế hệ kế thừa và thích ứng với truyền thông, công nghệ thời đại mới để tiếp tục được sống với đam mê.
Phương sẽ luôn lồng ghép tính toán và sắp xếp mọi thứ đan xen, tổ chức việc nào đi trước, việc nào đi sau để cùng lúc chạy được nhiều dự án.
Nếu gửi một lời khuyên đến những phụ nữ trẻ đang khao khát xây dựng sự nghiệp, chị sẽ khuyên họ điều gì thiết thực nhất?
Hãy suy nghĩ lớn hơn, rộng ra nhưng lại sâu và chi tiết về việc bạn muốn mình là ai trong tương lai. Hãy vẽ lên bức tranh rõ nét, đẹp nhất, thành công nhất trong 10 năm, 5 năm, 3 năm, 2 năm, 1 năm, 6 tháng, 3 tháng, 1 tháng để hiểu ngày mai cần làm gì và cụ thể các việc cần làm để đạt được nó. Hãy khát khao và nỗ lực đến tận cùng, tìm cách thực hiện được. Chỉ cần kiên trì, không từ bỏ, Phương tin chắc bạn sẽ thành công hơn qua mỗi ngày.
Có nhiều vai trò như vậy, chị thích được gọi là doanh nhân hay siêu mẫu hơn?
Phương thích được gọi là doanh nhân, siêu mẫu Vũ Thu Phương, Phương luôn tư duy như một doanh nhân và xuất hiện như một siêu mẫu, cả hai giá trị mới tạo thành Vũ Thu Phương.
Nếu một ngày không kinh doanh cũng không hoạt động nghệ thuật nữa, chị sẽ làm gì?
Phương sẽ chơi với con, ăn món mình thích, ngủ nhiều nhất có thể, đọc sách, xem phim (sau những ngày lao động cường độ cao và ép cân).
Cảm ơn chị đã chia sẻ!