Giám đốc Economica Lê Duy Bình: Có 3 động lực lớn cho tăng trưởng GDP quý cuối năm
Theo ông Lê Duy Bình - trong bối cảnh của năm nay và Quý IV năm 2023, các động lực tăng trưởng chính được kỳ vọng sẽ là đầu tư công, tiêu dùng trong nước và sự phục hồi của đầu tư tư nhân.
Tổng cục Thống kê vừa cho biết, GDP quý III/2023 ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước.Điều này thể hiện xu hướng tích cực của tăng trưởng kinh tế khi liên tục đi lên qua từng quý. Cụ thể, quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%, quý III tăng 5,33%.
Ông đánh giá như thế nào về tốc độ tăng trưởng trong 3 quý đầu năm?
Tốc độ tăng trưởng 3 quý đầu năm như vậy thấp hơn so với mục tiêu đề ra và kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân.
Điểm tích cực là tốc độ tăng trưởng tăng dần đều qua các quý với tốc độ phục hồi rõ nét hơn trong Quý III. Điều này cho thấy nền kinh tế đang nỗ lực vượt khó để quay trở lại tốc độ tăng trưởng cao như trước đây.
Tốc độ tăng trưởng này tuy thấp hơn mục tiêu và kỳ vọng, nhưng cũng là tốc độ tăng trưởng khá khi so sánh với các nền kinh tế khá trong khu vực ASEAN và trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng này đã diễn ra trong bối cảnh các chỉ số cân đối lớn của nền kinh tế vẫn được duy trì, lạm phát được kiểm soát, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm ở mức thấp.
Đâu là nguyên nhân dẫn tới mức độ tăng trưởng này thưa ông?
Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn và do vậy hoạt động xuất nhập khẩu đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng trưởng chậm lại trong ba quý vừa qua một phần là do các nền kinh tế lớn vốn là các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực của Việt Nam phục hồi chậm chạp, thậm chí vẫn còn đang vật lộn để thoát ra tình trạng tăng trưởng âm.
Do vậy, các hoạt động sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo bị ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh đó, các ngành phục vụ du lịch phục vụ khách quốc tế đến từ các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng do những khó khăn của các nền kinh tế này đã khiến cho lượng khách du lịch quốc tế tới Việt Nam chưa thể quay lại mức như trước đại dịch. Rõ ràng, chi tiêu của thị trường nước ngoài đối với hàng hóa, dịch vụ sản xuất và cung ứng bởi Việt Nam do vậy bị suy giảm, và từ đó ảnh hưởng tới tổng cầu, và tốc độ tăng trưởng GDP.
Đối với cầu trong nước, sự trầm lắng của thị trường bất động sản khiến cho các chi tiêu vào các sản phẩm bất động sản (BĐS), dịch vụ nhà ở giảm mạnh. Tình trạng đóng băng của thị trường BĐS đã khiến một phần quan trọng trong chi tiêu của người dân đã không được hiện thực hóa trong những tháng đầu năm và do vậy không có đóng góp đáng kể cho tổng cầu. Đầu tư tư nhân, chi tiêu của doanh nghiệp cũng giảm tốc do sự suy giảm về các cơ hội kinh doanh từ thị trường xuất khẩu hay thị trường BĐS.
Đây là những nguyên nhân chính ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng GDP trong những tháng đầu năm, khiến tốc độ tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng và mục tiêu.
Về tăng trưởng cho các tháng cuối năm, theo ông, đâu sẽ là động lực? Trong số đó, động lực chính sẽ là gì?
Trong quý III, tốc độ tăng trưởng đã phục hồi rõ nét hơn nhờ một số động lực quan trọng vẫn tiếp tục được duy trì.
Trước tiên đó là sự phát triển ổn định của ngành nông, lâm nghiệp và thủ sản. Đây là bệ đỡ quan trọng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, tiêu dùng trong nước vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng đáng khích lệ với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2023 tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước.
Chi tiêu chính phủ tiếp tục được đẩy mạnh với các dự án đầu tư công được tăng tốc giải ngân. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nền kinh tế vẫn được duy trì. Đầu tư của tư nhân và doanh nghiệp trong nước tiếp tục được phục hồi với 116 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 9 tháng đầu năm. Cán cân xuất khẩu dịch vụ sẽ tiếp tục được cải thiện với sự phục hồi của ngành logistics và sự gia tăng trở lại của lượng khách quốc tế.
Hoạt động xuất khẩu được kỳ vọng sẽ được cải thiện vào những tháng cuối năm do nhu cầu mua sắm vào dịp Giáng sinh, và lượng hàng tồn kho tại các nền kinh tế lớn đã giảm đến mức các nhà nhập khẩu bắt đầu phải tính đến việc gia tăng đặt hàng trở lại.
Tuy nhiên, trong bối cảnh của năm nay và Quý IV năm 2023, các động lực tăng trưởng chính được kỳ vọng sẽ là đầu tư công, tiêu dùng trong nước và sự phục hồi của đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư trực tiếp nước ngoài và của khu vực tư nhân trong nước. Những động lực khác như xuất khẩu được kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại vào năm 2024.
Trong các tháng cuối năm, đâu là những khó khăn và thuận lợi cho nền kinh tế, thưa ông?
Khó khăn lớn nhất là sự phục hồi chậm chạp của các nền kinh tế lớn vốn là thị trường chủ lực cho các hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu từ Việt Nam. Đứng trước sự bất định của thị trường, nhiều doanh nghiệp đã trì hoãn quyết định đầu tư hay mở rộng sản xuất kinh doanh.
Nhưng chúng ta có thể kỳ vọng vào việc đầu tư công sẽ được giải ngân với một con số kỷ lục từ trước tới nay.
Bên cạnh đó, niềm tin của người tiêu dùng vẫn được duy trì và nhờ đó, tiêu dùng cá nhân và của các hộ gia đình sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm. Sự ổn định về kinh tế vĩ mô và triển vọng tích cực của nền kinh tế trong trung hạn sẽ củng cố thêm niềm tin của các nhà đầu tư và từ đó khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài gia tăng đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn cho các dự án.
Với vấn đề kiềm chế lạm phát, theo ông, đâu sẽ là những khó khăn cho chúng ta trong việc kiềm chế lạm phát?
Thứ nhất, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào như xăng, dầu, phân bón, lương thực trên thị trường thế giới đang chịu áp lực lớn về giá cả. Nếu như giá các mặt hàng này tăng mạnh sẽ tạo áp lực lớn đối với chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát của Việt Nam.
Bên cạnh đó, mục tiêu về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như các khó khăn của doanh nghiệp, người dân cũng tạo ra áp lực phải giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Các nhà điều hành chính sách tiền tệ buộc phải khéo léo, thận trọng lèo lái trước những áp lực phải giảm lãi suất với các mục tiêu về kiềm chế lạm phát nhằm tạo sự ổn định và nền tảng cho sự phát triển trong trung và dài hạn.
Ngoài ra, việc các Ngân hàng Trung ương của các nước như Mỹ (FED), Châu Âu (ECB) vẫn duy trì mức lãi suất cao cũng tạo ra áp lực đối với tiền đồng Việt Nam. Điều này cũng làm khó thêm trong nỗ lực giữ tỷ giá ổn định, đồng thời từng bước giảm lãi suất cho vay của nền kinh tế và kiềm chế lạm phát.
Việc kiềm chế lạm phát do vậy phải đồng thời đảm bảo được nhiều cân đối lớn khác, đảm bảo cân đối, hài hoà được nhiều lợi ích khác trong trong nền kinh tế. Đó cũng là một khó khăn trong nỗ lực kiềm chế lạm phát trong bối cảnh của nền kinh tế hiện nay.
Đầu tư công vẫn là vấn đề nan giải, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Vai trò của đầu tư công đối với tăng trưởng kinh tế trong năm nay là rất lớn. Tuy nhiên, để giải ngân được toàn bộ nguồn vốn đã được phân bổ cho năm nay đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các cơ quan bộ, ngành, các địa phương, các chủ đầu tư, nhà thầu. Đây cũng là cơ hội để chúng ta nhận diện được những hạn chế trong quy định pháp luật cần được tháo gỡ để đẩy mạnh hơn nữa nguồn vốn đầu tư công.
Ngoài ra, những khó khăn liên quan tới công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, đảm bảo đủ vật liệu cũng cần được tháo gỡ để việc giải ngân vốn đầu tư công được hiệu quả hơn.
Ngoài việc tập trung giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay, cũng cần tính toán tới việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công để kích thích nguồn vốn đầu tư tư nhân cùng tham gia vào xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho nền kinh tế.
Về lâu dài, nguồn vốn đầu tư công chỉ nên được dành cho các mục tiêu, công trình trọng điểm, hay những công trình thiết yếu cho nền kinh tế song không hấp dẫn đối với nguồn vốn đầu tư tư nhân. Tổng vốn đầu tư công cũng cần được giám sát để tránh ảnh hưởng tới nợ công, đảm bảo nợ công sẽ luôn nằm trong ngưỡng an toàn. Thay vào đó, đầu tư tư nhân sẽ được phát huy và khuyến khích.
Giải quyết những khó khăn, vướng mắc đang gây khó khăn cho giải ngân vốn đầu tư công là điều không dễ dàng, nhưng bên cạnh đó cần tính toán tới việc sử dụng vốn đầu tư công để kích thích đầu tư tư nhân, hoặc lôi kéo đầu tư tư nhân, hoặc tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển song hành cùng vốn đầu tư công, hoặc thậm chí tìm cách nhường chỗ cho đầu tư tư nhân. Đó cũng là một bài toán nan giải không kém và cần sớm tìm được lời giải thay vì chờ đợi một thời gian dài nữa.
Ông dự đoán thế nào về GDP năm nay, liệu chúng ta có đạt mục tiêu như đã đề ra?
Với tốc độ tăng trưởng đạt được sau 3 quý vừa qua, nếu muốn đạt tăng trưởng 6% cả năm, nền kinh tế phải có mức tăng trên 10,6% trong Quý IV, tức là gần gấp đôi so với mức tăng trưởng của quý III. Còn nếu muốn đạt mức tăng trưởng 6,5% cho cả năm, tốc độ tăng trưởng trong Quý IV sẽ phải là 12%.
Đây là một thách thức rất lớn trong bối cảnh nền kinh tế khu vực và toàn cầu vẫn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn nội tại như phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu, thị trường trong nước tuy liên tục tăng trưởng trong những năm gần đây nhưng quy mô vẫn nhỏ bé. Do vậy, chúng ta cũng cần thực tế về mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm này.
Trân trọng cảm ơn ông!