“Hãy kiên trì theo đuổi đam mê và khát vọng của mình, không ngừng cống hiến cho sự tiến bộ của cộng đồng và sự phát triển của Tổ Quốc. Hãy chinh phục khát vọng bằng cả khối óc và trái tim - Tôi làm được và phụ nữ chúng ta làm được”. Đây là câu nói truyền đầy cảm hứng và động lực của Madame Nguyễn Thị Nga tới những nữ doanh nhân thời hiện đại. 

Bà Nguyễn Thị Nga, “bóng hồng” đã dẫn dắt một trong những “đế chế” hùng mạnh nhất Việt Nam với hơn 22.000 lao động, nhiều năm liên tiếp nằm trong danh sách những người phụ nữ có ảnh hưởng tại Việt Nam do Forbes bầu chọn. Dù sở hữu khối tài sản khổng lồ nhưng bà lại là một người khá kín tiếng, các thông tin về Madame Nga không dễ để kiếm tìm như những vị tỷ phú khác. 

Bà Nguyễn Thị Nga sinh ngày 17/08/1955 tại Hà Nội, theo học và tốt nghiệp hệ cử nhân kinh tế tại trường Đại học Kinh tế Quốc Dân. Để trau dồi tri thức, bà tiếp tục theo học nhiều lớp kinh tế tại các quốc gia kinh tế hàng đầu thế giới như Pháp, Đức, Nhật Bản, Úc. Đặc biệt, Madame Nga là người Việt Nam đầu tiên vinh dự được mời học ở George Town (Mỹ) được thành lập bởi quỹ tài trợ của bà Hillary Clinton chuyên dành cho các nhà lãnh đạo Tập đoàn kinh tế.

Đại diện cho thế hệ người phụ nữ dám nghĩ dám làm, với những kiến thức tinh tuý tích luỹ trong những năm trên ghế nhà trường, Madame Nga đã biến quyết tâm thành hành động, biến khát vọng thành hiện thực đưa Tập đoàn BRG vang danh thế giới. Tập đoàn BRG được sáng lập bởi Madame Nguyễn Thị Nga từ năm 1993, khởi tạo với ngành nghề kinh doanh xuất nhập khẩu. 

BRG là từ viết tắt của Bank – Real Estate – Golf, ý nghĩa của nó thể hiện tập đoàn BRG ngay từ đầu đã khát vọng chinh phục 3 lĩnh vực chính là Ngân hàng (Bank), Bất động sản (Real Estate) và Gôn (Golf)

Sau gần 3 thập kỷ xây dựng và phát triển, Tập đoàn BRG hiện đang có hàng chục công ty thành viên và liên kết trên khắp đất nước, là nơi hội tụ của cán bộ nhân viên với trình độ tiến sỹ, thạc sỹ, cử nhân và các chuyên gia nước ngoài ưu tú dày dạn kinh nghiệm quốc tế.  Những mảng mục tiêu của Tập đoàn đều đã chiếm lĩnh vị trí Top đầu Việt Nam.

Bén duyên với mảng kinh doanh golf từ thương vụ nhận bàn giao sân golf King's Island của nhà đầu tư Thái Lan chuyển nhượng lại (tháng 1/2000) sau khi hoạt động không hiệu quả, lại đồng thời gặp khủng hoảng kinh tế, bà Nga đã tạo nên bước ngoặt lớn khi lĩnh vực này hoàn toàn mới mẻ trong toàn bộ cộng đồng kinh doanh Việt Nam thời bấy giờ.

Bà Nga chia sẻ, khi mua lại King's Island, bà hoàn toàn không biết gì về golf, thậm chí chưa từng cầm vào cây gậy golf. Tuy nhiên, trải qua những lần được mời tới sân golf, quan sát thực tế, bà Nga cho rằng: "Đây là một môi trường thể thao rất mới, nhưng sẽ là tiềm năng của Việt Nam, vì nó đã rất thành công và phát triển trên thế giới. Ngoài ra, nước ta có bờ biển rất dài và sẽ là đất nước du lịch, phù hợp với môn thể thao golf".

Thành công của bà hoàng sân golf được khẳng định mạnh mẽ khi nhiều năm liên tiếp được vinh danh là “Người có tầm ảnh hưởng nhất châu Á trong lĩnh vực Gôn – Asia’s Most Powerful People in Golf ” do Tập đoàn Gôn Châu Á Thái Bình Dương trao tặng. Chất lượng của sân golf thuộc hệ sinh thái BRG cũng được quốc tế công nhận. Gần đây nhất, BRG Đà Nẵng Golf Resort được vinh danh trong Top 100 Sân Gôn tốt nhất Thế giới 2022 do tạp chí Golf Digest bình chọn. 

Nhận thấy tiềm năng lớn về du lịch và nghỉ dưỡng của du khách trong và ngoài nước, nữ tướng thương trường Nguyễn Thị Nga lấn sân sang lĩnh vực bán lẻ và khách sạn. BRG đã mua một nửa số cổ phần, trở thành cổ đông chiến lược tại CTCP Intimex, đơn vị sở hữu một chuỗi siêu thị lớn và quản lý hàng triệu m2 đất thương mại, xưởng, siêu thị và văn phòng trên cả nước.

Đồng thời, Tập đoàn BRG hợp tác bình đẳng và đôi bên cùng có lợi với những thương hiệu quản lý hàng đầu như Marriott, Hilton, Intercontinental và Four Seasons để phát triển và vận hành hệ thống khách sạn tiêu chuẩn quốc tế 5* và cao hơn trên khắp đất nước. Chủ tịch BRG đã đứng ra thực hiện những thương vụ thâu tóm triệu đô các khách sạn hạng sang chuyên dành cho tầng lớp thượng lưu: mua khách sạn 5 sao Hilton Opera (2012); rót vốn Hilton Hanoi Westlake (2015); chi 31,5 triệu USD mua lại khách sạn Sedona Suites Hanoi (nay là Diamond Westlake Suit) từ Tập đoàn Keppel Land Ltđ của Singapore vào năm 2016. 

Ngoài các khách sạn khu vực phía Bắc, bà Nguyễn Thị Nga còn thâu tóm các khách sạn lớn nhỏ từ miền Trung đến miền Nam như Khách sạn Mondial Hotel Huế và khách sạn Asian Hotel.

“Tập đoàn BRG có thể xây nên hàng nghìn căn hộ, nhưng có những khách hàng cả đời chỉ mua được một căn hộ. Vì vậy, chúng ta sẽ đầu tư xây dựng như xây nhà của chính mình, với tâm huyết và tình yêu từ trái tim để các căn hộ có chất lượng tốt nhất, nhằm mang những giá trị tuyệt vời nhất đến cho khách hàng, góp phần nâng tầm tiêu chuẩn sống của người Việt và khẳng định thương hiệu BRG trong lĩnh vực Bất động sản”.

BRG sở hữu nhiều bất động sản đắt giá: Khu căn hộ Oriental Palace ở Hồ Tây, Oriental Garden ở Lê Văn Lương, Oriental Pearl ở Hai Bà Trưng, Oriental Tower ở Tây Sơn, Khu căn hộ Oriental WestLake tại 174 Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội , BRG Grand Plaza ở 16 Láng Hạ,…

 Cuối năm 2017, Tập đoàn BRG cùng đối tác Sumitomo tuyên bố liên danh phát triển siêu dự án thành phố thông minh rộng hơn 2.000 ha trên trục đường Nhật Tân - Nội Bài. Với tổng mức đầu tư 4 tỷ USD, đây là một trong những dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Hà Nội.

Năm 2020, sự xuất hiện của thương hiệu BRGLand đã mang đến thị trường những dự án đẳng cấp : BRG Legend, BRG Diamon Residence.

Quỹ đất phình to, danh hiệu mà BRG nhận được cũng ngày một nhiều. BRG giữ vững vị trí Top 10 chủ đầu tư hàng đầu Việt Nam tại giải thưởng BCI Awards - một trong những giải thưởng ngành Xây dựng - Bất động sản hàng đầu châu Á. Năm vừa qua, BRG vinh danh là “Nhà Phát Triển Bất Động Sản Tốt Nhất Việt Nam năm 2022” trong bộ giải thưởng Global Economics Awards của Tạp chí Global Economics cùng nhiều hạng mục thuộc hệ thống giải thưởng Real Estate Asia Awards 2022 của Tạp chí bất động sản Châu Á Real Estate Asia.

Không quá lời khi nói rằng đứng sau hào quang của Seabank là bóng dáng nữ doanh nhân 5x - Madame Nga. Trước khi đến với SeABank, bà từng giữ nhiều vị trí chủ chốt tại các ngân hàng trong những giai đoạn khó khăn nhất. 

Bà đặt viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp hoạt động trong ngành tài chính khi tham gia góp vốn vào ngân hàng Châu Á Thái Bình Dương năm 1993 và chính thức tham gia điều hành với một vị trí trong HĐQT vào 1998.

Năm 2000, bà Nga đã chuyển sang Techcombank trong bối cảnh ngân hàng này đang “khát” vốn. Bà đã góp vốn đầu tư và lần lượt nắm các vị trí quan trọng, như Uỷ viên HĐQT Phó Chủ tịch, Chủ tịch HĐQT. Bà đã kêu gọi được sự tham gia của ngân hàng HSBC vào cuối năm 2005, với 10% cổ phần và sau này tăng lên 20%.

Sau khi rời Techcombank, bà Nga vẫn tiếp tục nghiệp ngân hàng khi tham gia đầu tư vào SeABank, một ngân hàng thương mại rất nhỏ ở Hải Phòng với vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 5 tỷ đồng.

Với kinh nghiệm nhiều năm và nắm giữ cương vị cao nhất của một ngân hàng, việc bà Nga gia nhập SeABank được xem là một sự kiện đáng chú ý. Thành công của nhà băng này với một giai đoạn tăng trưởng đột biến được nhiều người cho rằng chính là nhờ sự xuất hiện của bà Nguyễn Thị Nga trên vai trò lãnh đạo. 

Hai năm sau khi bà Nga về SeABank, ngân hàng này có cổ đông nước ngoài đầu tiên là đối tác chiến lược Socíeté Générale với 15% vốn sở hữu. Dưới sự lèo lái của bà Nga tổng tài sản của SeaBank tăng gấp 14 lần chỉ trong vòng 2 năm từ 10.200 tỷ đồng năm 2006 lên 140.487 tỷ đồng vào năm 2008. Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của ngân hàng SeABank vượt mốc 231.432 tỷ đồng, vốn điều lệ đạt gần 20.403 tỷ đồng, tổng số điểm giao dịch lên đến 180 điểm tại 31 tỉnh thành trên toàn quốc. Lợi nhuận sau thuế đạt 4.052 tỷ, gấp 41 lần so với thời điểm bà Nga vào ghế SeABank. Sự tăng trưởng trưởng thần tốc là minh chứng rõ nhất cho thấy bà Nga là người cực kì tài giỏi và có tầm nhìn chiến lược. Rõ ràng, SeABank đã có sự lột xác hoàn toàn về quy mô, lợi nhuận dưới thời Madame Nguyễn Thị Nga.

Tại lễ công bố giải thưởng “Ngân hàng của năm 2022” do Tạp chí The Banker tổ chức, SeABank được vinh danh Ngân hàng tốt nhất Việt Nam 2022, đây cũng là đại diện duy nhất của Việt Nam.

Một trong những sự kiện đánh dấu bước tiến lớn của SeABank, củng cố và khẳng định thương hiệu của ngân hàng trên thị trường chứng khoán là chính thức niêm yết trên HOSE với mã chứng khoán SSB. Tính đến tháng 10/2021, thị giá cổ phiếu của SSB đã tăng mạnh lên 37.200 đồng/cp, đã đưa giá trị vốn hóa của ngân hàng chạm mốc gần 55.000 tỷ đồng, so với ngày đầu mới lên sàn đã gấp đôi giá trị trở thành mã có vốn hóa thị trường lớn nhất trong số các cổ phiếu đủ điều kiện nhưng không thuộc chỉ số VN30.

Một năm, thăng hơn 100 bậc bảng xếp hạng tỷ phú sàn chứng khoán

Trên thị trường chứng khoán, cuối năm 2021, giá trị tài sản của bà Nga là gần 1.200 tỷ đồng và xếp thứ 123 trong BXH những người giàu nhất sàn chứng khoán. Sang năm 2022, nữ tỷ phú đã mua vào số lượng lớn cổ phiếu SSB. Từ hơn 26,2 triệu cổ phiếu vào cuối năm 2021, bà Nga đã nâng sở hữu của mình lên hơn 72,1 triệu cổ phiếu SSB, tương ứng với tỷ lệ 3,53% vốn. Bà Nguyễn Thị Nga cũng là người đại diện cho Công ty TNHH Phát triển và Đầu tư Phú Mỹ sở hữu gần 86,6 triệu cổ phiếu SSB. Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Nga cũng đang đại diện sở hữu hơn 20 triệu cổ phiếu TSJ và gần 80 triệu cổ phiếu VEA.

Chốt phiên giao dịch ngày 30/12/2022, thị giá SSB đạt 32.900 đồng/cp, TSJ đạt 44.300 đồng/cp và VEA đạt 40.800 đồng/cp. Theo đó, tổng giá trị khối tài sản của nữ tỷ phú đạt 5.614 tỷ đồng và là người giàu thứ 16 sàn chứng khoán Việt Nam. Như vậy chỉ trong vòng một năm, tài sản của Madame Nga đã tăng hơn 4.400 tỷ đồng, giúp bà thăng hơn 100 bậc trong bảng xếp hạng tỷ phú sàn chứng khoán.

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/madame-nguyen-thi-nga-nu-doanh-nhan-khang-dinh-thuong-hieu-viet-tren-ban-do-the-gioi-172354.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Madame Nguyễn Thị Nga - Nữ doanh nhân khẳng định thương hiệu Việt trên bản đồ thế giới
    POWERED BY ONECMS & INTECH