Nợ xấu 2025 sẽ ‘hạ nhiệt’ hay tiếp tục ‘leo thang’?
Nợ xấu tại Việt Nam đang có diễn biến phức tạp. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia VIS Ratings nhằm làm rõ bức tranh rủi ro tín dụng và triển vọng kiểm soát nợ xấu trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động, tình hình nợ xấu tại Việt Nam đang có những diễn biến phức tạp. Các số liệu gần đây cho thấy, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng gia tăng mặc dù tỷ lệ hình thành nợ xấu suy giảm. Dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, áp lực từ lãi suất, thanh khoản và khả năng trả nợ của doanh nghiệp, cá nhân vẫn đang đặt ra nhiều thách thức đối với hệ thống tài chính.
Nhằm cung cấp cái nhìn toàn diện hơn về thực trạng nợ xấu, nguyên nhân và các giải pháp kiểm soát rủi ro tín dụng, chúng tôi đã có buổi trao đổi với ông Phan Duy Hưng, CFA, MBA – Giám đốc, Chuyên gia phân tích Cấp cao – Khối XHTN & Nghiên cứu VIS Rating – một tổ chức đánh giá tín nhiệm hàng đầu tại Việt Nam. Trong cuộc phỏng vấn này, chuyên gia sẽ chia sẻ quan điểm về xu hướng nợ xấu trong năm 2025 và tác động từ các chính sách đến tỷ lệ nợ xấu.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2024 của 27 ngân hàng niêm yết, tổng số dư nợ xấu (nợ nhóm 3-5) tăng 17% so với đầu năm, nâng tổng số dư nợ xấu toàn ngành lên 227.103 tỷ đồng. Chuyên gia đánh giá như thế nào về xu hướng gia tăng này? Đâu là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng?
VIS Rating: Chúng tôi đánh giá rằng rủi ro tài sản của ngành đã dần ổn định trong năm 2024, khi tỷ lệ hình thành nợ xấu giảm đối với một số ngân hàng quốc doanh và ngân hàng lớn. Tỷ lệ nợ có vấn đề của ngành giảm nhẹ 5 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 2,25% trong năm 2024. Một số ngân hàng lớn đã chủ động thắt chặt việc cấp tín dụng cho các khoản vay tiêu dùng mới (như VPB) và có tỷ lệ nợ xấu các khoản vay mua nhà thấp hơn trong nửa cuối năm 2024 (như TCB). Trong các ngân hàng quốc doanh, tỷ lệ nợ xấu phát sinh mới của CTG đã giảm mạnh trong nửa cuối năm 2024, trong khi BID và VCB đã giảm nợ xấu thông qua việc đẩy mạnh xóa nợ. Ngược lại, chúng tôi nhận thấy rằng chất lượng tài sản của các ngân hàng nhỏ tập trung vào khách hàng cá nhân và SMEs (ví dụ: SGB, ABB, BAB) bị suy giảm, chủ yếu do nợ xấu từ các khoản vay mua nhà.

Trong bối cảnh lãi suất duy trì ở mức thấp hơn so với giai đoạn 2022-2023, liệu khả năng trả nợ của khách hàng có được cải thiện đáng kể? Hay vẫn còn rủi ro về dòng tiền và tình trạng mất cân đối tài chính của các doanh nghiệp?
VIS Rating: Chúng tôi kỳ vọng đẩy mạnh đầu tư công, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ổn định và thặng dư thương mại, cùng những nỗ lực không ngừng của các cơ quan quản lý nhằm giải quyết các vấn đề pháp lý sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong nước và cải thiện dòng tiền hoạt động của doanh nghiệp thuộc các ngành chính mà ngân hàng cho vay như sản xuất, thương mại, xây dựng và bất động sản trong năm 2025. Chúng tôi cũng đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng cá nhân sẽ dần cải thiện khi thu nhập từ kinh doanh, việc làm ổn định và giá trị bất động sản phục hồi trong bối cảnh điều kiện kinh doanh mạnh mẽ.
Chính phủ gần đây đã đặt ra mục tiêu giải ngân đầu tư công đầy tham vọng ở mức 790 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với năm ngoái, ưu tiên cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng dài hạn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước. Dòng vốn FDI giải ngân ổn định, tăng 9,4% so với năm 2024 trong khi thặng dư thương mại sẽ thúc đẩy tăng trưởng các ngành sản xuất, thương mại trong bối cảnh Việt Nam hưởng lợi từ chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, cải thiện nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Ngoài ra, chúng tôi đánh giá rằng những hướng dẫn chi tiết của chính phủ nhằm giải quyết các vấn đề pháp lý sẽ giúp khởi động lại các dự án bất động sản và dần cải thiện tâm lý của người mua nhà cũng như doanh số bán nhà mới, đặc biệt là ở thị trường phía Nam. Tuy nhiên, không như phân khúc nhà ở dân cư có nhu cầu mạnh mẽ, chúng tôi đánh giá phân khúc nghỉ dưỡng sẽ hồi phục chậm hơn xu hướng của ngành, do tình trạng dư cung hiện tại và tâm lý người mua nhà vẫn còn thận trọng.
Hoạt động xử lý nợ xấu thông qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) hiện nay có thực sự hiệu quả không? Những hạn chế nào đang cản trở quá trình xử lý nợ xấu thông qua VAMC?
VIS Rating: Trong 10 năm qua, việc bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) để đổi lấy trái phiếu đặc biệt của VAMC đã dần trở thành phương thức phổ biến, giúp các ngân hàng có thêm thời gian để đáp ứng các tỷ lệ an toàn theo quy định. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng, điều này không cải thiện trực tiếp chất lượng tài sản khi các ngân hàng vẫn phải theo dõi và thu hồi nợ xấu. Trái phiếu VAMC có thể được cầm tại SBV và được loại ra khi tính tỷ lệ nợ xấu, đồng thời cho phép ngân hàng có lộ trình trích lập dự phòng. Quy mô trái phiếu VAMC đạt đỉnh tại 180 nghìn tỷ đồng vào năm 2017 và đã giảm một nửa còn 98 nghìn tỷ đồng vào năm 2023. Trong năm 2024, có 5 ngân hàng tư nhân đã bán gần 11 nghìn tỷ đồng nợ xấu mới cho VAMC, tăng 57% so với năm ngoái.
Nhằm củng cố khả năng mua bán nợ xấu của VAMC, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lên kế hoạch tăng vốn gấp đôi cho công ty từ 5 nghìn lên 10 nghìn tỷ đồng cho đến năm 2025. Ngoài ra, NHNN đã ban hành Thông tư 03/2024/TT-NHNN, sửa đổi một số điều trong Thông tư 19/2013/TT-NHNN về việc giao dịch và quản lý nợ xấu bởi công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam nhằm tăng cường khuôn khổ pháp lý. Chúng tôi cho rằng, các giải pháp này sẽ cần thêm thời gian để mang lại hiệu quả.

Đồng thời, các vấn đề trong rủi ro quản trị là quan trọng với các ngân hàng để giải quyết các khoản vay có vấn đề. Sự kiện SCB (2022) chỉ ra các mối quan hệ chặt chẽ giữa ngân hàng và các tập đoàn lớn, chủ yếu là bất động sản và xây dựng, các mối quan hệ này thường vượt tỷ lệ quy định về sở hữu và cấp tín dụng, làm giảm khả năng quản trị rủi ro và tăng tài sản có vấn đề.
Chúng tôi kỳ vọng Luật các Tổ chức tín dụng 2024 sẽ góp phần giảm mức độ tập trung sở hữu và cho vay với các doanh nghiệp lớn và cổ đông lớn nhờ các tỷ lệ quy định chặt hơn. Các biện pháp mới này sẽ thúc đẩy các ngân hàng tăng cường quản trị rủi ro nội bộ và hoạt động cho vay và cải thiện chất lượng tài sản.
Ngân hàng Nhà nước vừa có đề xuất Luật hóa quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm bằng cách trao quyền cho các TCTD thu giữ tài sản đảm bảo trong trường hợp khách hàng vay không thanh toán được nợ (với điều kiện hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về quyền này). Theo VIS Rating, chính sách này có giúp giảm tỷ lệ nợ xấu và rủi ro tín dụng hay không? Ngoài ra, có những thách thức pháp lý hoặc rủi ro nào mà các TCTD và khách hàng có thể gặp phải khi triển khai quy định này?
VIS Rating: Chúng tôi kỳ vọng luật hóa Nghị quyết 42 nếu được thông qua, mang lại tác động tích cực cho hồ sơ tín nhiệm của các ngân hàng, nhờ việc cải thiện chất lượng tài sản và khả năng sinh lời, đặc biệt là cho các ngân hàng tập trung vào bán lẻ. Các sửa đổi này cũng phản ánh những nỗ lực của chính phủ nhằm tháo gỡ những vướng mắc của các tổ chức tín dụng trong việc xử lý nợ xấu.
Cụ thể, việc cho phép quyền thu giữ tài sản đảm bảo sẽ góp phần làm giảm nợ có vấn đề của các ngân hàng, nhờ việc tăng thiện chí trả nợ của người đi vay và đẩy nhanh quá trình thu hồi nợ xấu. Lợi nhuận của các ngân hàng tập trung vào bán lẻ cũng sẽ cải thiện nhờ giảm được chi phí vận hành để theo dõi các khoản nợ xấu có giá trị nhỏ, phân tán về mặt địa lý, cũng như giúp cho các ngân hàng này tăng thu nhập từ thu hồi nợ xấu. Ngoài ra, việc cải thiện giao dịch thứ cấp trên thị trường bất động sản cũng sẽ giúp tăng nguồn thu từ bán tài sản đảm bảo, do phần lớn tài sản đảm bảo là bất động sản.
Chúng tôi đánh giá Nghị quyết 42 hết hiệu lực (2017-2023) và không được đưa vào trong Luật các Tổ chức tín dụng 2024 đã tạo ra thách thức cho công tác quản lý và thu hồi nợ của các ngân hàng, làm gia tăng nợ xấu và chi phí dự phòng. Giải pháp đòi nợ thông qua kiện ra tòa án vẫn còn chậm, các tòa tiếp nhận chưa đến 30% số vụ việc, với thời gian kéo dài tới 5-7 năm. Thiện chí trả nợ của người đi vay cũng giảm và một nửa nợ xấu trong nửa đầu năm 2024 phải được xử lý thông qua dự phòng rủi ro. Trong khi đó, trong thời gian Nghị quyết 42 có hiệu lực (2017-2023), trung bình nợ xấu được xử lý mỗi tháng tăng mạnh 65% và tỷ lệ khách hàng tự trả nợ đạt 36% trên tổng nợ xấu, cao hơn mức 23% trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.
VIS Rating dự báo tỷ lệ nợ có vấn đề toàn ngành có thể giảm xuống 2,2% từ mức 2,3% của năm 2024. Tuy nhiên, với áp lực từ thị trường bất động sản và một số lĩnh vực sản xuất còn khó khăn, chuyên gia nhận định gì về diễn biến nợ xấu trong các quý tiếp theo?
VIS Rating: Như đã phân tích ở bên trên, chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ hình thành nợ có vấn đề sẽ giảm dần khi khả năng trả nợ của khách hàng cải thiện trong bối cảnh môi trường kinh doanh tốt hơn. Đẩy mạnh đầu tư công, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ổn định và thặng dư thương mại, cùng những nỗ lực không ngừng của các cơ quan quản lý nhằm giải quyết các vấn đề pháp lý sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong nước và cải thiện dòng tiền hoạt động của doanh nghiệp trong năm 2025. Khả năng trả nợ của khách hàng cá nhân cũng sẽ dần cải thiện khi thu nhập từ kinh doanh và việc làm ổn định và giá trị bất động sản phục hồi.

Chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ nợ có vấn đề toàn ngành sẽ giảm xuống 2,2% trong năm 2025 từ mức 2,3% của năm 2024, được dẫn dắt bởi các ngân hàng quốc doanh và một vài ngân hàng lớn có hoạt động cho vay thận trọng và ít cho vay các nhà phát triển bất động sản gặp khó khăn. Một vài ngân hàng nhỏ và vừa vẫn sẽ đối mặt với các vấn đề liên quan khoản vay mua nhà gắn với các dự án mang tính đầu cơ.
Trong năm 2025, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng ở mức 16% và khuyến khích các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay các dự án thân thiện với môi trường, nhà ở xã hội. Liệu điều này có giúp giảm tỷ lệ nợ xấu hay sẽ tạo thêm áp lực cho hệ thống ngân hàng, đặc biệt với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân?
VIS Rating: Chúng tôi kỳ vọng hoạt động kinh doanh và dòng tiền hoạt động tốt hơn cho các doanh nghiệp trong ngành sản xuất, thương mại, xây dựng và bất động sản sau những nỗ lực của chính phủ nhằm giải quyết các nút thắt của ngành. Bên cạnh đó, các ngân hàng được khuyến khích đẩy mạnh cho vay các dự án xanh và nhà ở xã hội theo chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia và các mục tiêu an sinh xã hội.
Chúng tôi đánh giá tác động của việc tăng nhanh tín dụng xanh lên chất lượng tài sản ngân hàng là chưa đáng kể, do quy mô tín dụng xanh chỉ chiếm khoảng 4,7% tổng tín dụng tính đến 9 tháng 2024. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá rủi ro quản trị và thanh khoản vẫn là các rủi ro chính của các ngân hàng trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn cho năm 2025.
Việc mở rộng tín dụng nhanh chóng vào các lĩnh vực có rủi ro cao, chẳng hạn như bất động sản và xây dựng, cũng như rủi ro quản trị như chúng tôi đã đề cập ở trên, tiếp tục là mối quan tâm chính đối với chất lượng tài sản của các ngân hàng. Trong ba năm qua (2022 đến 9 tháng 2024), quy mô cho vay các lĩnh vực có rủi ro này ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 18%, vượt xa mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành là 13-14%.
Như chúng ta đã biết từ các sự kiện trước đây, rủi ro quản trị phát sinh khi các cá nhân nắm giữ vị trí quan trọng trong ngân hàng và trong các tập đoàn – ví dụ như cổ đông hoặc thành viên Hội đồng quản trị, từ đó có thể chi phối hoạt động ngân hàng để phục vụ mục đích cá nhân. Những mối liên kết chặt chẽ này gây ra rủi ro hoạt động và khiến ngân hàng dễ bị tổn thương hơn khi các tập đoàn lớn gặp vấn đề, tác động tới tâm lý thị trường và tạo nên các đợt rút tiền gửi hàng loạt của khách hàng.
Một thách thức khác nằm ở chênh lệch về cơ cấu kỳ hạn trong hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng thương mại chủ yếu huy động tiền gửi ngắn hạn, trong khi nhu cầu vay dài hạn của doanh nghiệp lại rất lớn, đặc biệt là khi hoạt động giải ngân đầu tư công gia tăng tạo ra nhiều hoạt động kinh doanh cho các doanh nghiệp nội địa. Vấn đề thanh khoản trong hệ thống ngân hàng đã trở thành mối lo ngại ngày càng tăng, đặc biệt là đối với các ngân hàng nhỏ. Chúng tôi cho rằng cạnh tranh huy động tiền gửi sẽ gia tăng khi tăng trưởng tín dụng nóng lên. Các ngân hàng nhỏ phụ thuộc nhiều vào các khoản huy động trên thị trường liên ngân hàng ngắn hạn (hay còn gọi là thị trường 2) và có bộ đệm tài sản thanh khoản kém sẽ dễ tổn thương vì chi phí vốn cao hơn và thiếu hụt thanh khoản.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Nội dung: Hà Anh
Thiết kế: Bảo Lân