Chứng khoán

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở chân con 'sóng thần'?

Băng Băng 11/02/2024 07:59

Tích lũy càng dài thì khi tăng trưởng càng mạnh, VN-Index đã dao động quanh mốc duyên nợ 1.100 điểm trong 17 năm và chờ đợi sự bứt phá ngoạn mục như thị trường Mỹ. Theo góc nhìn chuyên gia, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có yếu tố đứng trước một con sóng lớn và dài tính bằng vài năm.

anh-cover-2.jpg
sapo-pc(1).png
17-nam-tich-luy.png

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam khép lại năm Quý Mão với nhiều tín hiệu cho thấy tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường rất tích cực cùng nhiều kỳ vọng mới. VN-Index kết phiên giao dịch cuối năm Âm lịch 2023 tăng 10 điểm lên mức 1.198,5 điểm. Sau đợt điều chỉnh mạnh, chỉ số này giao dịch quanh mốc 1.100 điểm từ tháng 11 đến nay. Đây là vùng giá VN-Index từng đạt trong 3 lần: tháng 1/2021, tháng 1/2018 và xa hơn là tháng 1/2007 - cách đây 17 năm.

Trải qua nhiều thăng trầm, VN-Index dù giảm về vùng 600 hay tăng lên mức 1.52x song vẫn bị “cầm chân” bởi 1.100 điểm. Đáng nói, “cao điểm” 1.100 có vẻ vẫn chưa ‘buông tha” cho VN-Index khi chỉ riêng năm 2023, chỉ số đã có tới 7 lần thủng ngưỡng này. Sự lặp lại nhiều lần thậm chí khiến không ít nhà đầu tư ví von “chứng khoán Việt vẫn chỉ là đứa trẻ không lớn”.

Tuy nhiên, theo chia sẻ gần đây của ông Võ Nguyễn Khoa Tuấn - Giám đốc Nghiệp vụ cấp cao, lĩnh vực chứng khoán Dragon Capital, bản chất ngưỡng 1.100 của VN-Index lần này có sự khác biệt. 1.100 điểm vào năm 2007 là mức đỉnh của thị trường "bong bóng" khi P/E (giá thị trường so với lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) lên đến 50 lần, P/B (giá thị trường so với giá trị sổ sách) cũng lên đến 8,5 lần. Trong khi đó, vùng 1.100 điểm hiện tại là "chân sóng" cho chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường chứng khoán, định giá P/E và P/E hiện tại chỉ ở mức 13 và 1,6 lần.

"Định giá hiện rẻ hơn năm 2007 rất nhiều và cơ hội upside cho thị trường trong 5 năm tới rất tốt", chuyên gia Dragon Capital nhấn mạnh.

ck-vn.jpg
Diễn biến thị trường 24 năm qua và vùng tích lũy dưới 1.1xx điểm

Mốc duyên nợ 17 năm của VN-Index và 1.100 gợi nhớ đến Mỹ - thị trường hàng đầu thế giới với giai đoạn 17 năm đi ngang trước khi bắt đầu một con sóng thần, tăng không ngừng nghỉ 37 lần.

ck-my.jpg
17 năm tích lũy và con “sóng thần” của thị trường chứng khoán Mỹ

Vào năm 1965, lần đầu tiên Dow Jones chinh phục mốc 1.000 điểm trước khi bước vào nhịp điều chỉnh và giằng co quanh vùng 600-1.000 điểm suốt 17 năm sau đó. Đến năm 1982, chỉ số chính thức vượt khỏi vùng tích lũy và tăng trưởng liên tục. Nếu chỉ nhìn trong một lăng kính hẹp, không nhiều nhà đầu tư có thể hình dung ra “cú bật” của chứng khoán Mỹ lớn đến mức nào. Trải qua gần 3 thập kỷ, vào năm 2000, Dow Jones cán mốc 11.750 điểm - tăng 11,7 lần.

Sự kiện nổ “bong bóng dotcom” diễn ra cùng thời điểm và khủng hoảng kinh tế thế giới giai đoạn 2007-2008 làm chỉ số chững lại trong một vài năm sau đó. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể coi đây là giai đoạn tích lũy rộng của thị trường Phố Wall. Năm 2012, Dow Jones phá vùng đỉnh cũ và bứt mạnh lên mức lịch sử hơn 37.700 ở thời điểm hiện tại - tăng 37 lần từ vùng tích lũy cách đây 42 năm.

Xét về bối cảnh, “đại sóng” Dow Jones bắt đầu khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dần nới lỏng chính sách tiền tệ vào năm 1982 sau khi tăng lãi suất điều hành lên mức đỉnh khoảng 20% vào năm 1981 để kìm hãm phát. Rõ ràng câu chuyện thay đổi các chính sách tài khóa, tiền tệ trở thành yếu tố chính giúp chứng khoán Mỹ “bay cao” trong hàng thập kỷ qua. Điều đáng nói, con sóng thần này cũng chính là “quả ngọt” sau gần 2 thập kỷ chứng khoán Mỹ tích lũy quanh mốc quan trọng 1.000 điểm.

ng-nc-ngoai(2).png

Trở lại với câu chuyện của TTCK trong nước, Việt Nam đang tham gia sâu rộng vào thị trường thế giới nên cũng dần có sự tương đồng.

Ông/bà có quan điểm gì về sự trùng hợp của hai chỉ số trên? Liệu đây có phải chân sóng thần đối với thị trường chứng khoán Việt Nam?

Ông Nguyễn Đức Nhân - Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Con số 17 thật thú vị, tuy nhiên cần nhìn nhận, Sở giao dịch chứng khoán New York ra đời năm 1863 và đến đầu năm 1900 chỉ số công nghiệp Dow Jones ra đời. Với hơn 100 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Mỹ, rõ ràng Việt Nam còn rất non trẻ nên sự so sánh đó nó tương đối khập khiễng.

Đứng góc độ liệu có sóng thần hay không thì quan điểm tôi lại không dựa vào sự trùng lặp về con số tích lũy mà tôi nhìn nhận kể cả về góc độ biểu đồ kỹ thuật dài hạn và cơ bản thì thị trường Việt Nam đang có yếu tố đứng trước một con sóng lớn và dài tính bằng vài năm.

Trên biểu đồ dài hạn đã xuất hiện tín hiệu hiếm thấy mà trong lịch sử của TTCK Việt Nam mới có 2 lần: lần 1 là năm 2005 sau đó chúng ta có sóng tăng mạnh mẽ đạt đỉnh vào năm 2007. Lần 2 là vào 2020 sau đó một sóng tăng gần 2 năm và đạt đỉnh năm 2022. Đáng chú ý, tại thời điểm cuối tháng 1/2024, chỉ báo dài hạn tin cậy một lần nữa lại xuất hiện và chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng một sóng lớn nữa đang khởi động, thời gian lần này cũng có thể kéo dài 2-3 năm trước khi có những điều chỉnh lớn.

nguyen-duc-nhan(1).png

Ông Vũ Văn Tam - Chuyên viên Kinh doanh Chứng khoán Yuanta

Đồng quan điểm, ông Vũ Văn Tam nhận định “Đây là thời điểm cho một con sóng thần, nó có thể kéo dài thậm chí vài năm cho đến năm 2026 nếu không có những yếu tố bất thường. Có điều trong con sóng lên vẫn có những nhịp điều chỉnh cần thiết cho thị trường”.

vu-van-tam.png

Cũng như Mỹ, thị trường chứng khoán Việt Nam tích lũy sideway trong biên độ hẹp trong một khoảng thời gian thời gian, khi tích lũy càng dài thì khi tăng trưởng càng mạnh.

Ông Ngô Minh Đức - Chủ tịch LCTV Investment

Mỹ luôn duy trì một đồng đôla mạnh, chính sách kinh tế nhất quán và các tập đoàn lớn có quy mô toàn cầu, vì vậy sự phát triển của chỉ số chứng khoán Mỹ trong hơn 30 năm qua có sự góp phần từ các tập đoàn công nghệ và tài chính lớn trên thế giới. Ngay từ những năm 1980, khi nước Mỹ và thế giới bước vào kỷ nguyên của Cuộc cách mạng công nghệ thông tin, thì các chỉ số chứng khoán của Mỹ đã tăng rất mạnh.

Ngoài ra, ngài Alan Greenspan, với vai trò Chủ tịch Fed từ 1987-2006, đã góp phần rất quan trọng trong việc duy trì ổn định kinh tế khi điều hành Fed giữ chính sách lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và giảm thất nghiệp.

Đối với TTCK Việt Nam, tuổi đời còn khá non trẻ và sơ khai nên khi so sánh 2 TTCK tôi thấy chưa có sự tương xứng. Hiện nay, Tài chính ngân hàng và Bất động sản là 2 nhóm ngành có vốn hóa lớn, chi phối và tác động mạnh tới chỉ số VN-Index, khác với TTCK Mỹ hiện nay hướng vào công nghệ và dịch vụ. Bởi vậy, chính sách tiền tệ có tác động lớn tới sự tăng giảm của 2 nhóm ngành này, trong 17 năm qua, cứ khi nào SBV thắt chặt tiền tệ và lạm phát tăng lên, thì nhóm bất động sản và ngân hàng đảo chiều giảm mạnh và ngược lại.

Đánh giá về những chuyển biến chính sách trên thị trường chứng khoán trong nước giai đoạn 17 năm sideway của VN-Index, ông Đức cho rằng ít thấy có sự tương đồng với thị trường Mỹ giai đoạn tích lũy trong quá khứ. Có thể chia TTCK trong 24 năm qua làm 4 giai đoạn lớn. Giai đoạn 8 năm đầu tiên là quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước diễn ra mạnh mẽ và sự tham gia đông đảo của lớp nhà đầu tư cá nhân. Giai đoạn sụt giảm mạnh 3 năm (2008-2011) sau đó bởi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và nội tại nền kinh tế VN khi lạm phát lên cao. Giai đoạn phục hồi từ 2014-2021 và giai đoạn 2022 tới nay. Đối với mỗi thời kỳ, dấu ấn trong sự thay đổi chính sách tiền tệ của SBV là rất lớn, trong khi chính sách phát triển cho TTCK chưa nhiều.

tien-vao-dai-song.png

Đưa ra quan điểm về giai đoạn tới, thị trường chứng khoán Việt liệu sẽ xuất hiện những đòn bẩy chính sách hay một câu chuyện lớn đủ để giúp VN-Index bứt phá khỏi vùng tích lũy rộng, thậm chí lặp lại kịch bản của Dow Jones? Theo ông/bà, nâng hạng thị trường có phải là một yếu tố trong đó?

Ông Ngô Minh Đức - Chủ tịch LCTV Investment

Xét về nhiều yếu tố, TTCK vẫn đang tiếp tục phát triển, thể hiện qua sự tham gia đông đảo của nhà đầu tư cá nhân những năm gần đây, khiến lượng giao dịch tăng mạnh. Tuy nhiên, xét về các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, như quản trị, tăng trưởng ngành, doanh thu và lợi thế, chỉ số vẫn chịu sự tác động của các nhóm ngành chính như Ngân hàng, Bất động sản. Đây là những ngành rất nhạy cảm với sự biến động của chính sách tiền tệ của SBV, nên việc tạo ra câu chuyện thần kỳ như chỉ số S&P500 là khó xảy ra.

Tuy nhiên, với một chính sách tiền tệ mở rộng và lợi thế địa chính trị của Việt Nam, thì giai đoạn 2024-2025 chúng ta có thể kỳ vọng sự tăng lên của chỉ số VN-Index ở một mức hợp lý từ 1.350-1.420 điểm.

Khẳng định tầm quan trọng của các yếu tố cơ bản, ông Đức cho biết việc nâng hạng (nếu có) chỉ giải quyết một phần khi các quỹ nước ngoài phân bổ vốn vào thị trường Việt Nam, cái chính là nội lực của doanh nghiệp trong nước và sự ổn định của chính sách vĩ mô.

Ông Nguyễn Đức Nhân - Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Ở góc nhìn khác, ông Nhân đánh giá Nâng hạng là yếu tố rất lớn để giúp VN-Index bứt phá khỏi vùng tích lũy rộng. Theo thống kê trên thế giới, một thị trường bất kỳ, trước khi nâng hạng và đạt được mục tiêu, chỉ số đều tăng ít nhất 40%.

Hệ thống KRX go live dự kiến quý II và sự ra đời của Trung tâm thanh toán bù trừ, thị trường được kỳ vọng lập kỷ lục mới về thanh khoản cũng như giá trị. Chúng ta có thể được chứng kiến chuỗi giao dịch sôi động với thanh khoản 3 tỷ USD/phiên. Bên cạnh đó, khi có được 2 sự kiện này, việc nâng hạng thị trường trong năm 2025 là hiện hữu.

Về yếu tố vĩ mô, Fed khả năng sẽ tập trung hạ lãi suất từ quý II/2024 khi mà lạm phát ở quốc gia này hạ nhiệt, điều đó sẽ làm cho việc điều hành chính sách tiền tệ của chính phủ Việt Nam linh hoạt hơn. Từ đó, các gói kích thích kinh tế được tung ra hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Ông Vũ Văn Tam - Chuyên viên Kinh doanh Chứng khoán Yuanta

Chuyên gia FSC đồng tình với câu chuyện giúp thị trường chứng khoán việt nam tăng mạnh là kịch bản Việt Nam gia nhập thị trường mới nổi cùng những chính sách của nhà nước thúc đẩy kinh tế phát triển, ổn định tỷ giá.

Với quan điểm thị trường chứng khoán có thể xuất hiện một con sóng dài, bứt phá khỏi vùng tích lũy hiện tại, theo ông/bà, nhà đầu tư cần chuẩn bị tâm thế, hành trang ra sao để nhập cuộc?

Ông Ngô Minh Đức - Chủ tịch LCTV Investment

Trong giao dịch chứng khoán, yếu tố thời điểm rất quan trọng, bạn cần có kiến thức về vĩ mô như lạm phát, lãi suất, và chính sách tiền tệ mở rộng hay thắt chặt của SBV để xác định thời điểm tham gia. Đồng thời, dù trong con sóng ngắn hay dài, thì vẫn cần phải có kinh nghiệm để quản trị danh mục đầu tư của mình. Giao dịch chứng khoán là một quá trình lâu dài, bền bỉ và kiên nhẫn, “ngài Thị trường” luôn công bằng và nghiêm khắc. Nếu tham gia giao dịch với sự cẩn trọng, cần mẫn và nghiêm túc nghiên cứu, thì cơ hội là rất lớn, ngược lại, giao dịch với tâm lý chộp giật, kiến thức hời hợt thì ngài thị trường sẽ lấy đi tiền của bạn vào một ngày không xa.

ngo-minh-duc(1).png

Với quan điểm thị trường chứng khoán Việt Nam đứng trước một con sóng lớn và rất dài, trang bị và trau dồi kiến thức tài chính chứng khoán là lời khuyên các chuyên gia đều mọi nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Đức Nhân - Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Song, ông Nhân đặc biệt lưu ý thêm cá nhân tham gia thị trường không nên sử dụng đòn bẩy cao và hãy quản trị rủi ro thật tốt. Bài học các năm trước đã chỉ ra rất nhiều nhà đầu tư cháy tài khoản trong một sóng tăng giá khi mà thị trường điều chỉnh, hiện tượng call margin đã khiến họ mất hết sự tích lũy trước đó.

Về chiến lược giao dịch, nhà đầu tư nên chọn các doanh nghiệp đầu ngành với tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, có lợi thế về ngành nghề, được hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam và hưởng lợi từ các biến động trên thế giới.

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thi-truong-chung-khoan-viet-nam-dang-o-chan-con-song-than-218138.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở chân con 'sóng thần'?
POWERED BY ONECMS & INTECH