Tình thế xoay chuyển, Trung Quốc bất ngờ thành khách hàng số 1 mua tôm cá Việt
Trong bối cảnh biến động thuế quan tại Mỹ, Trung Quốc lại chi hơn 1 tỷ USD trong 6 tháng vừa qua và chính thức vượt qua Mỹ để trở thành khách hàng lớn nhất mua tôm cá Việt Nam.
Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh
Cục Hải quan cho biết, trong tháng 6/2025, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt hơn 906 triệu USD, tăng 8% so với tháng 6/2024. Lũy kế nửa đầu năm nay, xuất khẩu nhóm mặt hàng thế mạnh này của nước ta đạt 5,11 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2024.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, xuất khẩu thủy sản sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Brazil trong tháng 6 và nửa đầu năm 2025 ghi nhận mức tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Brazil tăng mạnh nhất với 111,8% trong tháng 6/2025 và 77,1% trong 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, với kim ngạch đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 47,9% so với cùng kỳ năm trước, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam.
Thực tế, từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã tăng mua nhiều mặt hàng thủy sản của nước ta. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng đột biến.
Đơn cử, trong tháng 1 năm nay, quốc gia tỷ dân này đã chi ra 70 triệu USD (khoảng 1.800 tỷ đồng) để mua tôm hùm Việt Nam, gấp 9 lần so với cùng kỳ năm 2024. Xuất khẩu cua sang Trung Quốc trong tháng 1 cũng tăng gấp 18 lần, lên tới 18,5 triệu USD.
Quý I/2025, Trung Quốc (bao gồm cả Hong Kong) đã chi hơn 23 triệu USD để nhập khẩu sản phẩm nhuyễn thể có vỏ của Việt Nam, tăng gần 2.000% so với cùng kỳ năm 2024. Con số này vượt xa các thị trường quan trọng khác như EU với 18 triệu USD và Mỹ với hơn 6 triệu USD.
Đáng chú ý, nếu quý I/2024, thị trường Trung Quốc chỉ chiếm 4% kim ngạch xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ của Việt Nam thì sang năm nay đã chiếm tới 37%.
Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt gần 898 triệu USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), mức tăng trưởng tích cực này được thúc đẩy chủ yếu bởi xu hướng dồn đơn hàng trong tháng 5/2025 - giai đoạn các doanh nghiệp hai nước gấp rút hoàn tất giao dịch trước thời điểm Mỹ bắt đầu áp dụng thuế đối ứng từ ngày 9/7, mốc áp thuế mà Mỹ công bố từ tháng 4.
Tuy nhiên, sự tăng tốc ngắn hạn này cũng phản ánh rõ nét bức tranh thương mại đang ngày càng bất ổn, đầy rủi ro dưới tác động của chính sách thuế quan mới từ chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Nhưng tháng 6 vừa qua, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ chỉ thu về 132 triệu USD, giảm 17,7% so với tháng cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, với kim ngạch 898 triệu USD trong nửa đầu năm nay, Mỹ từ thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất đã tụt xuống vị trí thứ hai (chiếm 17,56% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành thủy sản), xếp sau Trung Quốc (chiếm 19,64%).
Doanh nghiệp nhắm tới thị trường Trung Quốc
VASEP nhìn nhận, đây là hệ quả tất yếu của chính sách thuế quan thiếu ổn định từ Mỹ. Những thay đổi chóng mặt ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lập kế hoạch sản xuất - kinh doanh, ký kết hợp đồng và giao hàng của các doanh nghiệp cả ở Mỹ lẫn các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam.
Việc áp - hoãn - thay đổi thuế liên tục cũng khiến các nhà nhập khẩu Mỹ rơi vào trạng thái “ngồi trên đống lửa” vì không thể xác định được chi phí nhập hàng. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu Việt Nam lại gặp khó trong việc điều chỉnh giá, thời điểm giao hàng và lên kế hoạch đơn hàng dài hạn.
Với ngành hàng chịu ảnh hưởng lớn bởi mùa vụ và chi phí logistics như thủy sản, tình trạng bất ổn thương mại càng làm tăng rủi ro tài chính và kéo theo những hệ lụy dây chuyền từ vùng nuôi, chế biến đến vận tải và thanh toán.

Ngược lại, Trung Quốc ngày càng siết tiêu chuẩn chất lượng, nhưng với chính sách thương mại ổn định hơn đã giúp doanh nghiệp dễ lên kế hoạch sản xuất, ký hợp đồng dài hạn, VASEP nhận định.
Chia sẻ thêm về tình hình kinh doanh, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho biết lợi nhuận hợp nhất 6 tháng đầu năm đạt khoảng 170 tỷ đồng. Thực tế, mức lợi nhuận có thể cao hơn vì các lô hàng xuất khẩu sang Mỹ trong thời gian qua phải trích dự phòng gần 8% doanh số theo quy định của kiểm toán vì lý do pháp lý liên quan đến các vụ kiện chống bán phá giá và trợ cấp (AD, CVD) tại thị trường này.
Theo đó, mối quan tâm hàng đầu hiện nay của công ty là diễn biến thuế AD tại kỳ xem xét hành chính thứ 19 (POR19) của Bộ Thương mại Mỹ (DOC). Vào ngày 7/6, DOC đã công bố mức thuế AD sơ bộ của kỳ POR 19, trong đó, mức thuế doanh nghiệp bị đơn bắt buộc là Stapimex trên 35% và Thực phẩm Sao Ta bị “chia sẻ” cùng mức thuế trên.
Để ổn định sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp này đang đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, tập trung vào một số thị trường có tiềm năng lớn như Canada, Úc và Hàn Quốc... Đồng thời, Sao Ta đang thăm dò thị trường Trung Quốc, trước mắt đã có một số hợp đồng ban đầu với hệ thống nhà hàng Nhật Bản tại thị trường này.
Để giảm thiểu thâm hụt tại thị trường Mỹ, chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp cần đa dạng thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN và các nước tham gia CPTPP - nơi có nhu cầu cao và ít rào cản thuế quan hơn.
Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn, tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để hưởng ưu đãi thuế quan.
>> Lần đầu tiên, một quốc gia vượt Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam