Thế giới

Bitcoin phá đỉnh, vàng tỏa sáng, USD tăng phi mã: 3 tài sản lên ngôi trong năm 2024 đầy biến động

Hoàng Yến 28/12/2024 08:00

Dù bản chất khác nhau, vàng, Bitcoin và đồng USD lại trở nên nổi bật, liên tục phá vỡ các đỉnh cao mới trong năm 2024.

cover-pc.png
sapo-pc.png

Byron Hayes từng được biết đến trên các diễn đàn tài chính với biệt danh "Financial Failure" (tạm dịch: Thất bại tài chính) sau khi chịu thua lỗ lớn từ cổ phiếu meme, tiền số và vàng. Tuy nhiên, vận may đã bất ngờ mỉm cười với anh khi năm 2024 chỉ còn lại hai tháng cuối.

Đầu tháng 11, ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, tạo ra một bước ngoặt lớn trên thị trường tài chính. Danh mục đầu tư tiền số của Hayes, hiện có giá trị 6 con số, đã tăng hơn 30% chỉ trong vài tuần. Giá trị số vàng mà anh nắm giữ cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 28% so với đầu năm.

Danh mục đầu tư từng bị chê cười của anh – gồm Bitcoin, vàng và một số cổ phiếu meme với tỷ trọng phân bổ đều nhau – đã đạt mức lợi suất 62% trong 11 tháng đầu năm 2024. Kết quả này vượt xa mức tăng của danh mục "60/40" huyền thoại (60% cổ phiếu, 40% trái phiếu), vốn được coi là biểu tượng của sự cân bằng đầu tư, theo số liệu từ Leuthold Group.

Câu chuyện của Hayes phản ánh rõ nét bối cảnh năm 2024, một năm đầy biến động. Xung đột địa chính trị kéo dài, áp lực lạm phát trên toàn cầu và sự bất định trong chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn đã khiến các nhà đầu tư tìm đến những "hầm trú ẩn" an toàn là vàng và đồng USD. Còn đối với mức đỉnh 100.000 USD mà Bitcoin vừa phá vỡ, việc ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng - một trong những chiến thắng bầu cử quan trọng nhất của năm 2024 - là chất xúc tác lớn nhất.

tit-1.png

Ngày 5/12, thị trường tiền số đã chinh phục được cột mốc mà cách đây vài năm ít ai có thể tưởng tượng ra: giá Bitcoin phá ngưỡng 100.000 USD.

Đồng tiền số lớn nhất thế giới lập kỷ lục mới đúng 1 tháng sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và đã tăng tổng cộng 138% kể từ đầu năm. Thị trường tiền số ngày nay có giá trị vốn hóa gần 4.000 tỷ USD – lớn hơn cả thị trường chứng khoán Anh.

Nhìn vào lịch sử biến động như tàu lượn siêu tốc của Bitcoin, không ai có thể đảm bảo giá sẽ mãi neo ở mức này. Lập đỉnh gần 20.000 USD vào năm 2017 sau khi thu hút sự chú ý rộng rãi và hợp đồng tương lai đầu tiên được niêm yết, phải mất 4 năm sau tức 2021, Bitcoin mới hồi phục và tăng giá gấp 3 lần, lên gần 69.000 USD nhờ sự ra đời của các quỹ ETF Bitcoin. Thế nhưng đồng tiền số này lại tiếp tục rơi 78%, xuống còn 16.000 USD vì cú sập của sàn FTX vào cuối năm 2022.

bieu-do-bitcoin.png

Lần này, các nhà đầu tư tiền số có nhiều lý do chắc chắn hơn để ăn mừng. Donald Trump vừa đề cử Paul Atkins, một luật sư nổi tiếng là thân thiện với tiền điện tử, vào vị trí Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Mỹ. Không chỉ có vậy, nội các sắp tới của ông Trump cũng bao gồm nhiều tỷ phú đến từ Thung lũng Silicon – những người tin rằng các rào cản pháp lý đang kìm chân ngành tiền số. Ví dụ như nhà đầu tư mạo hiểm David Sacks ở ghế nóng phụ trách “AI và tiền số”. Thậm chí ông Trump còn đang hướng tới ý tưởng thành lập “kho dự trữ Bitcoin” quốc gia.

Không chỉ ở Mỹ, trên khắp thế giới, thái độ đối với tiền số đã cởi mở hơn rất nhiều. Chính phủ Bhutan và El Salvador đã mua vào một lượng lớn Bitcoin, thực sự coi đây là tài sản dự trữ. Nhiều nước bắt đầu xây dựng khung pháp lý để quản lý tiền số, điển hình là Liên minh châu Âu vào đầu năm 2023 đã thông qua Quy định về thị trường tài sản tiền điện tử (MiCA).

Cơn hưng phấn lần này khác xa so với các đợt tăng giá trong quá khứ. Nhìn lại năm 2017 và 2021, điều khiến thị trường bùng nổ là viễn cảnh tiền số được sử dụng rộng rãi. Satoshi Nakamoto, nhân vật bí ẩn được cho là “cha đẻ của Bitcoin”, viết trong Sách Trắng rằng đây sẽ là một phương tiện thanh toán cho phép ai cũng có thể hoàn toàn tự do về mặt tài chính vì không còn phải phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng cũ kỹ, thậm chí là không bị bất kỳ ai kiểm soát.

tien-so.png

Trong khi đó, lực đẩy giúp Bitcoin tăng giá lần này lại là các nhà đầu tư định chế lớn, dẫn đến phản ứng của thị trường cũng thay đổi. Thay vì mộng tưởng lật đổ tiền giấy, giờ đây tiền số hướng đến vị thế một tài sản mà các NHTW, giới doanh nghiệp và cả các Chính phủ đặc biệt quan tâm.

Các quỹ đầu cơ là nhóm hoạt động tích cực nhất trong con sóng lần này. Khảo sát của PWC và Alternative Investment Management Association cho thấy 47% quỹ đầu cơ truyền thống hiện có đầu tư vào tài sản số, tăng mạnh so với tỷ lệ 21% của năm 2021. Bên cạnh đó là một số công ty niêm yết từ Tesla đến MicroStrategy liên tục mua vào Bitcoin.

Bởi vì nguồn cung Bitcoin là hạn chế (thuật toán giới hạn ở mức 21 triệu đồng, dự kiến sẽ đạt được vào năm 2140), lực cầu tăng mạnh chính xác là thứ sẽ đẩy giá Bitcoin liên tục lập đỉnh.

Sự tham gia của nhiều nhà đầu tư định chế khiến Bitcoin tiến đến gần hơn với các thị trường tài sản rủi ro khác. Thị trường cũng nhạy cảm với những động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bởi nhu cầu về tiền số cũng gắn chặt với khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Và không giống như những kẻ cuồng tín ban đầu hô vang khẩu hiệu HODL (Hold On for Dear Life - mua và nắm giữ mãi mãi), nhóm nhà đầu tư mới sẽ cắt lỗ, chốt lãi giống như các tài sản khác. Tuy nhiên, theo như nhận định của Josiah Hernandez, nhà sáng lập Satoshi Capital Advisors, “dù trong mắt nhà đầu tư, Bitcoin ngày càng giống với các tài sản khác, có một điều không đổi so với thuở sơ khai: Bitcoin là vàng kỹ thuật số”.

tit-2.png

Tương tự Bitcoin, vàng cũng đã có một năm 2024 “tỏa sáng lấp lánh”. Dù đã hạ nhiệt trong vài tuần gần đây, kim loại quý này vẫn tăng tổng cộng gần 30%. Hồi tháng 10, vàng lập đỉnh cao nhất mọi thời đại khi lần đầu tiên trong lịch sử phá ngưỡng 2.700 USD/ounce.

asset-4.png

Chịu ảnh hưởng của giá thế giới cùng với nguồn cung trong nước hạn chế và tâm lý đầu cơ, thị trường Việt Nam cũng ghi nhận những biến động mạnh và lập đỉnh cao nhất từ trước đến nay. Trong những tháng đầu năm, giá vàng trong nước còn tăng mạnh hơn cả thế giới, khi vàng SJC lập đỉnh hơn 92 triệu đồng/lượng, chênh với giá thế giới tới gần 20 triệu đồng/lượng.

Điều này khiến NHNN phải tổ chức đấu thầu vàng miếng lần đầu tiên sau 11 năm, sau đó là chuyển sang bán vàng cho 4 ngân hàng Thương mại Nhà nước và SJC để bình ổn thị trường, giúp giá hạ nhiệt trong thời gian giữa năm 2024. Đến quý III, khi thị trường vàng thế giới tăng nhiệt trở lại, giá vàng trong nước cũng phục hồi mạnh, đặc biệt giá vàng nhẫn lập kỷ lục gần 90 triệu đồng. Tuy nhiên nhờ các biện pháp của NHNN mà mức chênh lệch với giá thế giới đã giảm đáng kể.

Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett từng ví vàng là loại tài sản luôn đi kèm với nỗi sợ hãi cùng với niềm tin rằng nỗi sợ hãi đó sẽ nhanh chóng lây lan. Đó chính xác là những gì đang diễn ra. Cơn sốt vàng trên toàn thế giới được thổi bùng lên bởi chiến tranh và xung đột ở những điểm nóng như Trung Đông và Ukraine, lạm phát, sự bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu hay nỗi lo về cán cân tài khóa và nguy cơ suy thoái của nhiều nền kinh tế lớn.

Mối quan tâm tới vàng lớn đến nỗi những miếng vàng xuất hiện cả trên kệ hàng trong đại siêu thị Costco của Mỹ hay chuỗi cửa hàng tiện lợi CU của Hàn Quốc, hấp dẫn những người tiêu dùng lo lắng trước lạm phát hay nguy cơ chiến tranh.

Đặt cạnh một đồng tiền cùng một lúc phải đối mặt với 2 rủi ro là giảm sức mua và giảm giá so với các tiền tệ khác, vàng là một tài sản ổn định hơn nhiều khi có nguồn cung khá ổn định, luôn bảo vệ chủ sở hữu trước lạm phát hay các biến cố khác. Theo số liệu của Campden Wealth, nhu cầu vàng ở châu Á là rất lớn: người tiêu dùng Trung Quốc và Ấn Độ - 2 quốc gia đóng góp hơn 20% GDP toàn cầu - chiếm hơn một nửa lượng vàng được tiêu thụ trên toàn thế giới.

asset-2.png

Điều này khá dễ hiểu. Ở Trung Quốc, khủng hoảng bất động sản thôi thúc người dân tìm kiếm một loại tài sản khác để đầu tư. Trong nửa đầu năm nay, số lượng vàng thỏi và đồng xu vàng được người dân Trung Quốc mua vào đã tăng 44% so với cùng kỳ năm trước. Còn ở Ấn Độ, khi thu nhập của người dân tăng lên, họ cũng mua vàng nhiều hơn.

Bên cạnh các nhà đầu tư nhỏ lẻ có một nhóm người mua rất đáng chú ý: các NHTW. Tỷ trọng của vàng trong dự trữ của các NHTW đã giảm từ gần 40% ở thời điểm năm 1970 xuống chỉ còn 6% vào năm 2008. Đến năm ngoái, con số đã tăng lên 11% - cao nhất trong hơn 20 năm. Số liệu của UBS cho thấy lượng vàng các NHTW mua vào hiện đang ở mức cao nhất kể từ những năm 1960. Hai năm gần đây con số là hơn 1.000 tấn mỗi năm.

Xung đột ở Ukraine và việc Nga bị đóng băng hàng loạt tài sản là bước ngoặt lớn dẫn đến sự thay đổi này, khiến các nước nhận ra đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, giảm sự phụ thuộc vào USD là điều hết sức cần thiết. Bởi nếu một quốc gia bị cấm vận, trái phiếu Mỹ và các tài sản khác được niêm yết bằng các đồng tiền phương Tây như USD và euro sẽ trở nên vô dụng, dù từ xưa đến nay vẫn được coi là tài sản an toàn.

vang-2.png

Kể từ đầu năm 2022, các cơ quan tiền tệ của Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ đã mua vào lần lượt 316, 198 và 95 tấn vàng, theo số liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới. Thay vì đầu tư vào các quỹ ETF, phần lớn các NHTW quay sang tích trữ vàng vật chất và đảm bảo chúng nằm trong tầm với.

Làn sóng tăng cường tích trữ vàng không chỉ bao gồm NHTW của các nước đang có xung đột với phương Tây. Singapore đã mua 75 tấn kể từ đầu năm 2022. NHTW Ba Lan mua thêm 167 tấn trong cùng kỳ, theo đuổi chiến lược tăng tỷ trọng của vàng trong dự trữ ngoại hối lên 20%.

Một khảo sát mới đây của Invesco Asset Management thực hiện trên 51 NHTW cho thấy không có NHTW nào dự định giảm tỷ trọng phân bổ cho vàng trong 3 năm tới, trong khi 37% có kế hoạch tăng thêm. 56% lãnh đạo NHTW tin rằng vàng cung cấp một “lá chắn” bảo vệ đất nước của họ trong trường hợp dự trữ của NHTW bị “vũ khí hóa”, và 70% coi đây là biện pháp phòng vệ trước lạm phát.

Nhu cầu từ các NHTW - bộ phận đầu tư vào vàng vì lý do an toàn thay vì tìm kiếm lợi nhuận - cũng là nguyên nhân khiến mối quan hệ giữa vàng và lãi suất bị phá vỡ. Thông thường, giá vàng sẽ giảm khi lợi suất trái phiếu Chính phủ tăng cao vì đây là tài sản an toàn nhưng vẫn mang lại chút ít lợi nhuận sau khi trừ đi lạm phát. Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2021 đến nay, điều đó không còn đúng nữa. Giá vàng vẫn tăng vọt từ mức khoảng 1.000 USD lên đỉnh 2.700 USD như vừa qua ngay cả khi lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng mạnh từ -1% lên 1,8%.

tit-3.png

Năm 2024, thế giới chứng kiến một điều bất thường: cả vàng và USD – vốn thường biến động ngược chiều – đều tăng giá mạnh. Sự kết hợp của các yếu tố rủi ro thúc đẩy dòng vốn chảy vào cả hai. Trong khi vàng được xem là nơi trú ẩn an toàn, USD cũng hưởng lợi nhờ vai trò đồng tiền dự trữ toàn cầu.

Chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh tăng 6,3% kể từ đầu năm đến nay, hướng tới năm tăng mạnh nhất kể từ 2015. Năm vừa qua, một loạt cặp tỷ giá đã thủng đáy lịch sử: đồng yên Nhật rơi xuống mức thấp nhất 34 năm so với USD, euro nhiều lần tiến sát mốc ngang giá USD, trong khi những đe dọa thuế quan của Tổng thống đắc cử Donald Trump khiến một loạt đồng tiền mới nổi lao dốc.

asset-5.png

Tại Việt Nam, tỷ giá USD/VND trong năm 2024 đã tăng khoảng 4-5% so với đầu năm. Sự tăng giá của USD trên thị trường quốc tế cùng với dòng vốn ngoại rút khỏi thị trường trong nước là nguyên nhân chính dẫn đến áp lực tỷ giá. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu sản xuất bằng USD tăng cao càng làm gia tăng sức ép lên cán cân thanh toán.

NHNN đã thực hiện nhiều biện pháp linh hoạt nhằm ổn định tỷ giá như bán ngoại tệ từ quỹ dự trữ ngoại hối để đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời lãi suất điều hành được duy trì ổn định.

Ngoài ra, NHNN còn tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý nhằm kiểm soát dòng vốn và giảm thiểu tác động tiêu cực từ biến động tỷ giá. Việc duy trì linh hoạt trong chính sách tiền tệ đã giúp Việt Nam vượt qua những thách thức lớn từ bên ngoài, đồng thời bảo vệ ổn định kinh tế vĩ mô.

Sức mạnh của đồng USD đến từ 2 yếu tố nội tại: sức mạnh của kinh tế Mỹ và chính sách của Fed. Nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng trưởng 8% trong giai đoạn 2019 - 2023, cao hơn đáng kể so với mức chưa đến 2% của Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản trong cùng kỳ. Mỹ là nền kinh tế lớn duy nhất được IMF nâng dự báo tăng trưởng cho năm 2025, nhờ sức tiêu dùng mạnh mẽ và một thị trường việc làm ổn định.

Suốt từ sau Thế chiến thứ hai tới nay, Mỹ vẫn là cường quốc số 1 thế giới với sức mạnh và sự ổn định vượt trội. Quy mô nền kinh tế Mỹ lớn bằng 3 nước xếp sau là Trung Quốc, Đức và Nhật Bản cộng lại, hơn nữa còn được hậu thuẫn bởi thị trường vốn lớn nhất và thanh khoản cao nhất thế giới.

Thứ hai, dù đã bắt đầu cắt giảm lãi suất từ giữa năm, hiện Fed vẫn đang duy trì mức lãi suất ở khoảng 4,25% - 4,5%, cao so với phần còn lại của thế giới. Để so sánh, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hiện duy trì lãi suất ở mức 4%, trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn duy trì chính sách lãi suất âm (-0,1%) sau nhiều năm. Tại các nền kinh tế mới nổi, mức lãi suất trung bình thường dao động từ 2% đến 3%. Chính sách lãi suất cao này tiếp tục làm tăng sức hấp dẫn của đồng USD, dẫn đến kết quả là dòng vốn quốc tế tiếp tục đổ vào Mỹ, tiếp tục đẩy giá USD.

Có lẽ 2024 là năm mà cụm từ “phi USD hóa” được nhắc tới nhiều nhất trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt sau những động thái rầm rộ của nhóm BRICS. Tuy nhiên, viễn cảnh USD bị truất ngôi vương vẫn còn rất xa vời. Kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine, tỷ trọng sử dụng đồng USD trong các giao dịch quốc tế lại tăng từ 38,9% lên 47,8%, theo số liệu của SWIFT - mạng lưới thanh toán quốc tế cung cấp dịch vụ cho hơn 10.000 tổ chức tại 210 quốc gia.

dolla-pc.png

Sau tất cả, USD vẫn là lựa chọn hợp lý nhất cho một đồng tiền dự trữ toàn cầu và cả hầm trú ẩn an toàn khi biến cố xảy ra. Năm 2008, ngay cả khi nước Mỹ là nguồn cơn gây ra khủng hoảng tài chính toàn cầu, đồng bạc xanh vẫn tăng giá hơn 26% so với rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt của thế giới.

Năm 2024, sự đồng pha giữa bitcoin, vàng và USD phản ánh rõ nét tâm lý phòng ngừa rủi ro của nhà đầu tư trong bối cảnh kinh tế và địa chính trị đầy biến động. Bước sang năm 2025, kinh tế và chính trị toàn cầu chắc chắn sẽ còn nhiều điều thú vị. Các nhà đầu tư và giới quan sát đang chờ đợi những diễn biến mới để dự đoán tương lai của những tài sản này. Liệu vàng sẽ tiếp tục lập đỉnh, USD sẽ duy trì sức mạnh, Bitcoin sẽ vượt qua các rào cản để trở thành một tài sản chính thống hay không? Chỉ có thời gian mới trả lời được, nhưng có một điều rất rõ ràng: các tài sản an toàn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong thế giới tài chính.

asset-6.png

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bitcoin-pha-dinh-vang-toa-sang-usd-tang-phi-ma-3-tai-san-len-ngoi-trong-nam-2024-day-bien-dong-268431.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Bitcoin phá đỉnh, vàng tỏa sáng, USD tăng phi mã: 3 tài sản lên ngôi trong năm 2024 đầy biến động
    POWERED BY ONECMS & INTECH