Chuyên gia Úc đã sống ở Hà Nội hơn 30 năm: ‘Tôi rất may mắn khi tới đúng thời điểm để chứng kiến Việt Nam thành công ngoạn mục’
Khởi đầu với 1 dự án của UNDP, sau hơn 30 năm gắn bó, Raymond Mallon đã chứng kiến quá trình Việt Nam dần mở cửa, "thay da đổi thịt".
Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra tại nhà riêng của ông ở Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội. Bước qua cánh cổng gỗ nhỏ và một mảng tường gạch nung lạ mắt được bao phủ bởi cây leo xanh mướt là một không gian sống mang đậm nét thuần Việt với nền gạch bông, bàn ghế gỗ. Ngôi nhà được trang trí bằng nhiều món đồ cổ như chiếc xe đạp cũ kỹ hay một bức tượng mục đồng chăn trâu thổi sáo, đủ để thấy chủ nhà yêu mến và gắn bó với Việt Nam như thế nào.
Ông cho rằng mình rất may mắn vì được chứng kiến quá trình Việt Nam dần mở cửa, “thay da đổi thịt” và đạt được những bước tiến ngoạn mục trong xóa đói giảm nghèo, nâng cao đáng kể chất lượng cuộc sống của người dân. Đó là trải nghiệm mà không phải nhà nghiên cứu kinh tế nào cũng có được.
Cơ duyên nào khiến ông quyết định tới Việt Nam làm việc và cuối cùng chọn sống ở Việt Nam, gắn bó với Việt Nam đã hơn 30 năm?
Tôi xuất thân từ vùng nông thôn ở nước Úc. Cuộc sống ở đó thực sự đối lập với Việt Nam với dân số thưa thớt và khá tách biệt với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, có lẽ mối quan tâm đến Việt Nam đã xuất hiện từ khi tôi còn là một đứa trẻ, được nghe và xem nhiều tin tức về chiến tranh ở Việt Nam.
Sau này khi vào đại học, tôi tiếp xúc và kết thân với nhiều bạn học đến từ các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, được biết thêm nhiều điều về vùng đất, con người và ẩm thực nơi đây. Tôi cảm thấy thích thú và muốn tới làm việc ở Đông Nam Á.
Năm 1984, tôi có thời gian ngắn làm việc tại Lào. Đến năm 1988, tôi chuyển tới Manila (Philippines) để làm việc cho Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), làm việc với 3 nước Lào, Thái Lan và Việt Nam.
Những năm đầu tiên tôi tới Việt Nam là thời kỳ rất khó khăn về kinh tế. Lạm phát lên tới 500%, tỷ giá hỗn loạn và kinh tế Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của một số nước Đông Âu. Cuộc sống của người Việt vì thế không mấy dễ chịu nhưng tất cả mọi người vẫn rất thân thiện. Australia có môi trường tuyệt vời và cuộc sống dễ chịu, nhưng ở đây tôi cảm nhận được cuộc sống tràn đầy năng lượng.
Trước đó, vì Việt Nam vẫn bị Mỹ cấm vận, các định chế quốc tế như World Bank, ADB, IMF không được phép cấp tín dụng cho Việt Nam. Tuy nhiên họ vẫn nghiên cứu về Việt Nam và tìm cách hợp tác khi cơ hội xuất hiện. Và cơ hội đã tới khi Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) có chương trình tài trợ cho Việt Nam về các vấn đề kinh tế mà World Bank, ADB và IMF sẽ là bên triển khai.
UNDP muốn có một chuyên gia kinh tế tới Việt Nam phụ trách dự án. Tôi được ADB cử tới Việt Nam làm việc trong 2 năm. Công việc đưa tôi tới Việt Nam. Cũng trong thời gian làm việc ở văn phòng UNDP tôi đã gặp vợ mình và “xây tổ ấm” ở Việt Nam. Tuy nhiên, lựa chọn sống tại Việt Nam là kết quả của một niềm say mê trong thời gian dài. Tôi thực sự yêu thích cuộc sống ở đây.
Ông có thể chia sẻ về những công việc mà mình đã trải qua ở Việt Nam?
Tôi làm việc cho văn phòng UNDP, nhưng một trong những dự án lớn nhất mà tôi theo đuổi là Chương trình nâng cao năng lực quản lý kinh tế do Hội đồng bộ trưởng và World Bank kết hợp với ADB, IMF triển khai.
Nhằm thúc đẩy cải cách kinh tế, World Bank đã mời một số nhà lãnh đạo kinh tế hàng đầu trong khu vực tới Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận với các nhà hoạch định chính sách. Có thể kể tới cố lãnh đạo Singapore Lý Quang Diệu hay cựu Bộ trưởng Tài chính Philippines Cesar Virata.
Sau khi kết thúc 2 năm với UNDP, tôi trở thành cố vấn của World Bank về cải cách doanh nghiệp nhà nước, làm việc tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong thời gian đó tôi cũng là cố vấn ở CIEM, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương (khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO) và VCCI. Ngoài ra tôi cũng làm việc với nhiều dự án được Chính phủ Úc và các cơ quan phát triển khác tài trợ cho Việt Nam.
Công việc rất thú vị vì tôi được làm việc với nhiều chuyên gia kinh tế cả ở Việt Nam và từ khắp nơi trên thế giới. Tôi học được rất nhiều vì trong quá trình theo đuổi nỗ lực cải cách kinh tế Việt Nam, chúng tôi thảo luận kỹ càng về những lợi ích và cả những rủi ro mà các lựa chọn khác nhau sẽ mang lại.
Ngoài việc nhìn nhận các vấn đề kinh tế từ góc độ học thuật như một nhà kinh tế học đơn thuần, tôi may mắn có cơ hội làm việc với những người ở “tiền tuyến” trên “mặt trận cải cách kinh tế”. Họ thực sự muốn thay đổi và quyết tâm tìm mọi cách để sự thay đổi đó diễn ra.
Giờ thì tôi đã nghỉ hưu nhưng thi thoảng vẫn làm công việc cố vấn.
So với những ngày đầu tiên ông tới đây, Việt Nam đã thay đổi như thế nào?
Đã có rất nhiều thay đổi, rất khó để chỉ ra đâu là thay đổi quan trọng nhất. Nhưng sự thay đổi rõ rệt nhất là chất lượng cuộc sống đã cải thiện đáng kể.
Khi tôi tới đây, nền kinh tế Việt Nam đang rất khó khăn, thậm chí còn có cả tình trạng thiếu thực phẩm, lạm phát cao chót vót. Nhưng giờ thì các bạn đã là một nước có thu nhập trung bình, đó là một thành tựu rất lớn. Không có nước nào xóa đói giảm nghèo nhanh như vậy.
Trong vai trò là một chuyên gia kinh tế nghiên cứu về phát triển kinh tế, điều mà tôi muốn luôn là cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Với góc nhìn đó, tôi rất may mắn khi đã tới Việt Nam đúng thời điểm để chứng kiến đất nước của các bạn thành công ngoạn mục.
Khi tôi mới tới Việt Nam, chỉ nguyên chuyện giữ liên lạc với gia đình ở Australia cũng rất khó khăn, bởi chỉ có duy nhất 4 đường dây điện thoại kết nối Việt Nam với thế giới (thông qua Moscow, Nga). Một trong những khoản đầu tư nước ngoài đầu tiên vào Việt Nam là từ Ủy ban Viễn thông Hải ngoại (OTC) của Australia (hiện là Telstra) với việc lắp đặt trạm vệ tinh mặt đất đầu tiên của Việt Nam tại TP. HCM năm 1987.
Đây là một bước đột phá lớn giúp kết nối Việt Nam với thế giới. Trước đó để gọi điện về Australia tôi từng phải xếp hàng chờ tới 3 giờ đồng hồ để có thể sử dụng điện thoại, trả mức phí lên tới 17 USD/phút.
Đột nhiên Việt Nam từ nước có hệ thống viễn thông tệ nhất trở thành tốt nhất ở Đông Nam Á. Sau đó là mạng Internet. Tôi vẫn còn nhớ những năm giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khi Netnam hợp tác với ĐH Quốc gia Australia để trở thành nhà cung cấp dịch vụ Internet đầu tiên ở Việt Nam, giúp người Việt có thể bắt đầu gửi email.
Những điều này không chỉ cho phép mọi người kết nối dễ dàng hơn mà việc làm ăn kinh doanh cũng thuận lợi hơn, người dân được tiếp cận với nhiều thông tin hơn. Rõ ràng là Internet đã giúp Việt Nam rất nhiều, đặc biệt khi mà người Việt rất ham học hỏi. Không chỉ có thể tiếp cận với rất nhiều thông tin, nhiều người Việt trẻ còn tìm thấy các cơ hội học tập ở nước ngoài. Công nghệ thông tin thực sự đã có tác động rất lớn đến quá trình phát triển của Việt Nam.
Điều gì tạo cảm hứng cho ông viết cuốn “Vietnam - A transition tiger” (tạm dịch: Việt Nam – Mãnh hổ chuyển mình)?
Tôi viết "Vietnam: A Transition Tiger?" sau khi sống ở Việt Nam hơn chục năm, sách được xuất bản năm 2003. Cảm hứng lớn nhất là câu chuyện Việt Nam đã giảm nghèo rất thành công mà không phải lúc nào cũng nghe theo tất cả những khuyến nghị của World Bank, ADB và IMF. Tôi cố gắng giải thích tại sao Việt Nam không hoàn toàn đi theo “Đồng thuận Washington” về cải cách nhưng vẫn đạt được những kết quả rất tốt.
Có những chuyên gia tư vấn nước ngoài tới Việt Nam 1-2 năm và cảm thấy khó hiểu về những chính sách của Việt Nam. Tôi nghĩ rằng viết một cuốn sách giải thích câu chuyện này, mang đến góc nhìn của một người nước ngoài về quá trình phát triển kinh tế ở Việt Nam sẽ hữu ích. Cuốn sách chủ yếu được đọc bởi giới hàn lâm và nhiều nhà ngoại giao. Nó không thuộc dạng “best seller” nhưng tôi cảm thấy rất vui khi làm việc này.
Vậy cho đến hiện tại liệu có thể nói là Việt Nam đã chuyển mình thành công?
Câu trả lời chắc chắn là “có” nếu xét trên phương diện giảm nghèo. Việt Nam đã làm rất tốt trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Các bạn đã chuyển mình từ một nền kinh tế khép kín nhất Đông Nam Á trở thành nền kinh tế có độ mở cao nhất, thu hút lượng vốn FDI lớn nhất nhì khu vực và tỷ lệ đóng góp của thương mại vào GDP cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở Đông Nam Á ngoại trừ Singapore.
Tất nhiên bên cạnh đó vẫn còn những thách thức. Trong giai đoạn trước, tăng trưởng GDP, tăng trưởng thu nhập là mục tiêu hàng đầu, nhưng giờ đây khi đã là nước thu nhập trung bình, các bạn cần quan tâm nhiều hơn đến môi trường. Hiện tại, tăng trưởng GDP 5%, 6% hay 7% đều tốt. Thay vì theo đuổi mức tăng trưởng GDP 10% bằng mọi giá, có những thứ khác quan trọng hơn như năng lượng tái tạo, môi trường hay hệ thống giao thông công cộng.
Cải thiện môi trường sống không chỉ mang lại những lợi ích về sức khỏe mà còn có vai trò rất quan trọng đối với lộ trình phát triển kinh tế dài hạn. Bởi một môi trường sống tốt mới có thể thu hút và giữ chân người tài. Khi thu nhập tăng lên thì bạn càng quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề này.
Nhưng điểm đặc biệt của Việt Nam nằm ở cam kết của các nhà lãnh đạo. Để cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân thì điều quan trọng là phải rất tập trung vào các mục tiêu chính sách. Nhiều quốc gia sẽ tuyên bố mục tiêu nhưng các nhà lãnh đạo có thể bị xao nhãng và chú ý nhiều hơn đến bản thân, gia đình họ. Tuy nhiên Việt Nam đảm bảo cân bằng tốt hơn rất nhiều và thực sự nghiêm túc theo đuổi những mục tiêu đề ra. Vì thế tôi tin rằng Việt Nam sẽ thành công.
Điều gì để lại cho ông những kỷ niệm, ấn tượng đặc biệt nhất khi nói đến văn hóa, ẩm thực và cuộc sống thường ngày ở Việt Nam?
Cuộc sống ở Việt Nam rất khác biệt so với ở Australia, vì thế tôi đã có rất nhiều trải nghiệm mới lạ. Tất nhiên tôi phải học khá nhiều điều, nhưng chưa bao giờ cảm thấy đó là khó khăn. Thậm chí tôi đã khá ngạc nhiên khi mình hòa nhập tốt hơn so với dự tính.
Tất nhiên, khi tôi mới đến Việt Nam, vẫn có những hạn chế trong giao tiếp giữa người Việt Nam và người nước ngoài. Hơn nữa tôi còn làm việc với các quan chức cấp cao, những người rất thận trọng về việc họ giao tiếp, tương tác với ai. Thời đó đi từ tỉnh này sang tỉnh khác cũng phải có giấy phép. Đối với một người rất thích đi du lịch như tôi thì điều đó có nghĩa là không thể tự ý đi đến nơi này nơi kia. Tất cả đều phải lên kế hoạch trước. Nhưng đó không phải là vấn đề quá lớn. Ẩm thực, văn hóa, người dân Việt Nam đều rất tuyệt.
So với người Australia, tôi cảm thấy người dân Việt Nam có thái độ cởi mở với thế giới hơn nhiều. Tôi rất ngạc nhiên khi nền kinh tế Việt Nam còn đóng cửa với thế giới bên ngoài, nhiều người vẫn rất quan tâm đến tình hình thế giới, các quốc gia khác đang làm gì…
Đối với người Việt, Tết Nguyên đán là dịp rất đặc biệt. Sau nhiều năm “ăn Tết” ở Việt Nam, ông cảm thấy như thế nào?
Tôi rất thích dịp Tết. Trước Tết mọi người đều “căng thẳng”, ai cũng muốn dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ và điều đó có thể gây ra chút áp lực (cười). Tuy nhiên, 2 cô con gái của tôi lúc nào cũng yêu dịp Tết, khi cả gia đình quây quần gói bánh chưng, ngồi bên bếp lửa hàng giờ đồng hồ. Bọn trẻ luôn ghi nhớ những khoảnh khắc đó, đối với chúng Tết có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều so với lễ Giáng sinh.
Đặc biệt, vào dịp Tết tôi rất thích đạp xe dạo quanh Hà Nội và tới thăm mọi người. Từ mùng 1 Tết đường phố Hà Nội vắng vẻ và yên bình hơn, khiến tôi nhớ đến những ngày đầu tiên tới đây, cũng không có quá nhiều xe cộ và không ồn ào bằng bây giờ.
>> CEO Mirae Asset: 'Cơn gió ngược' từ Fed có thể kéo khối ngoại trở lại Việt Nam năm 2024