Sau nâng hạng FTSE, Việt Nam cần làm gì để giữ vững vị thế và hướng đến MSCI?
Sau khi kỳ vọng được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi dần trở thành hiện thực, Việt Nam đứng trước thách thức mới: Làm sao giữ vững vị thế đạt được và tiến bước trên hành trình chinh phục MSCI.
Chia sẻ tại Hội thảo "Nâng cao nhận thức nhà đầu tư hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán", sáng 17/7, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), thông tin, thời gian gần đây, các tín hiệu tích cực từ nhà đầu tư nước ngoài đang củng cố thêm kỳ vọng nâng hạng cho thị trường Việt Nam. Trong nửa đầu tháng 7, khối ngoại đã mua ròng hơn 13.000 tỷ đồng, cho thấy niềm tin đang dần quay trở lại.
“Điều đáng nói hơn là họ đánh giá rất tích cực về những cải cách mà Chính phủ và các cơ quan quản lý thị trường đang thực hiện”, ông Hải cho biết. Một ví dụ điển hình là cơ chế giao dịch không cần ký quỹ (Non–Prefunding – NPF) đã tạo đột phá, giúp tăng đáng kể thanh khoản từ phía nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện tại, hơn 50% lệnh mua từ khối ngoại là NPF, với hàng trăm nghìn giao dịch đã được thực hiện. Điều đáng mừng là tỷ lệ thất bại gần như không đáng kể và đều được xử lý ổn thỏa, thể hiện sự vận hành ổn định của hệ thống và cơ chế bảo đảm rủi ro.
![]() |
Ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch UBCKNN. (Nguồn: Nhadautu) |
>>>Thị trường chứng khoán 6 tháng đầu năm ổn định, minh bạch, đón gần 1 triệu tài khoản mới
Ba trụ cột chiến lược để giữ hạng và vươn tới MSCI
Dù kỳ vọng được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi đang đến rất gần, ông Bùi Hoàng Hải cho rằng: “Nâng hạng không phải là đích đến. Thị trường Việt Nam cần tiếp tục cải cách, để giữ được vị thế mới một cách bền vững và đạt đến mục tiêu xa hơn – lọt vào danh sách nâng hạng của MSCI.”
Theo ông Hải, có ba nhóm công việc trọng tâm cần triển khai để đạt được “mục tiêu kép”:
Từ NPF đến CCP - Cần kiến trúc dài hạn. Cơ chế NPF chỉ là giải pháp ngắn hạn. Để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và nâng cao năng lực vận hành thị trường, Việt Nam cần triển khai mô hình Trung tâm thanh toán bù trừ (Central Counterparty Clearing House – CCP). Đây là bước chuyển hóa nền tảng giúp thị trường vận hành an toàn, hiệu quả hơn.
“Chúng tôi đang phối hợp với Trung tâm Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) xây dựng lộ trình CCP, dự kiến mất từ 1 đến 1,5 năm để triển khai chính thức”, ông Hải chia sẻ.
Phát triển sản phẩm – Tăng sức hút đầu tư nước ngoài. “Nâng hạng rồi thì phải có gì để nhà đầu tư ngoại đầu tư vào”, ông Hải nói thẳng. Theo đó, việc tăng cường minh bạch thông tin, đẩy mạnh phát triển sản phẩm đầu tư xanh, sạch theo tiêu chuẩn ESG đang trở nên cấp thiết.
Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính cần được cải cách mạnh mẽ hơn để nhà đầu tư nước ngoài có thể mở tài khoản, tiếp cận thị trường dễ dàng hơn. Ông Hải ghi nhận sự hỗ trợ tích cực từ Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua, và kỳ vọng nếu Thông tư 07 được sửa đổi, môi trường đầu tư cho khối ngoại sẽ càng thuận lợi.
Rào cản room ngoại – Bài toán sống còn cho nâng hạng MSCI. Một trong những điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là room sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
“Hiện có hơn 400 doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu nước ngoài bằng 0. Khi thị trường được nâng hạng mà không có room thì khối ngoại biết đầu tư vào đâu?” – ông Hải đặt vấn đề.
Theo ông, có hai rào cản chính: Thứ nhất, quy định giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong nhiều ngành nghề không thực sự cần thiết. Điều này gây cản trở không chỉ cho đầu tư gián tiếp mà cả đầu tư trực tiếp. Thứ hai, doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh quá rộng, quá nhiều, nhưng không triển khai thực tế. Điều này vô tình khiến tỷ lệ sở hữu nước ngoài bị siết, đánh mất cơ hội huy động vốn giá rẻ từ quốc tế.
“Chúng tôi rất mong các doanh nghiệp chủ động rà soát lại danh mục ngành nghề đăng ký. Nếu thực sự cần vốn, thì cũng cần mở cửa từ phía mình trước”, ông Hải khuyến nghị.
Theo ông Hải, mục tiêu cao nhất vẫn là phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam theo hướng minh bạch, công bằng, hiện đại, đóng vai trò là kênh dẫn vốn trung – dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế.
“Chúng ta đã đến rất gần cột mốc nâng hạng, nhưng nếu không tiếp tục hoàn thiện, rất dễ bị rơi khỏi bảng xếp hạng. Vì vậy, việc giữ hạng và hướng đến MSCI là một hành trình cải cách không ngừng nghỉ”, ông Bùi Hoàng Hải nhấn mạnh.
Chủ tịch UBCKNN: Nhà đầu tư nước ngoài là 'người bỏ phiếu' cho nâng hạng thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán 6 tháng đầu năm ổn định, minh bạch, đón gần 1 triệu tài khoản mới