Cựu Giám đốc chiến lược người Việt của Samsung tài trợ 5 triệu đô cho đại học FUV Cường Đỗ: Cho đi như một chất gây nghiện, càng cho càng hạnh phúc nhiều hơn
Từ cậu bé Việt di cư với 2 bàn tay trắng, ông Cường Đỗ đã trở thành triệu phú USD.
Ông Cường Đỗ từng là Giám đốc Chiến lược Toàn cầu của Tập đoàn Samsung, chịu trách nhiệm hoạch định chiến lược phát triển của tập đoàn. Trước khi gia nhập Samsung, ông từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc chiến lược cho Merck, Tyco Electronics và Lenovo. Trước đó, ông từng có 17 năm là cộng sự cấp cao tại Tập đoàn McKinsey & Company, và là người trực tiếp hướng dẫn bà Sheryl Sandberg (cựu giám đốc điều hành của Facebook) trong những ngày đầu bà làm việc ở đây.
Là người đặc biệt quan tâm đến giáo dục, ông đã đóng góp phần lớn tài sản của mình cho các tổ chức giáo dục và là thành viên HĐQT của nhiều tổ chức như Celebrate the Children, Caring for Cambodia, Quỹ Khoa học trẻ Quốc gia Hoa Kỳ... Năm 2022, cùng với 7 doanh nhân người Việt, ông đã tài trợ 5 triệu USD cho FUV – khoản tài trợ tư nhân lớn nhất mà một trường đại học Việt Nam nhận được từ trước tới nay.
Giờ thì ông đã trở thành một trong những người Mỹ gốc Việt thành đạt nhất trên đất Mỹ, một người mà có thể sẵn sàng cho đi 5 triệu USD để tài trợ cho một trường đại học, chưa kể những khoản đóng góp đều đặn khác suốt cuộc đời mình. Nhưng tôi được nghe kể rằng, những ngày đầu tiên của ông khi sang Mỹ định cư không hề dễ dàng. Điều gì đã thay đổi số phận ông từ cậu bé nghèo năm đó trở thành ông bây giờ?
Cường Đỗ: Gia đình tôi đến Mỹ năm 1975, khi tôi mới chín tuổi. Đó là những năm tháng mà mọi thành viên trong gia đình tôi đều phải vật lộn để sống sót ở vùng đất mới. Toàn bộ tài sản của gia đình 9 thành viên của chúng tôi khi ấy là 100 USD và hai bộ quần áo. Cả gia đình tôi (gồm ba mẹ, 4 anh em tôi và 3 người chú), chen chúc trong một căn hộ một phòng ngủ đi thuê ở Oklahoma, chỉ bởi vì đó là tất cả những gì chúng tôi có thể chi trả.
Lúc mới sang Mỹ, tôi không biết dù chỉ một từ tiếng Anh. Tôi vào học ở một trường công lập, nơi tôi là người Việt Nam duy nhất và hoàn toàn không hiểu bạn bè, thầy cô nói gì. Nhưng tôi đã nỗ lực hết mức có thể, để được nghiên cứu y khoa ở một phòng nghiên cứu năm 14 tuổi, sau đó lấy hai bằng Đại học chuyên ngành Hóa – Sinh và Kinh tế, rồi học MBA trong vòng tổng cộng 5 năm tại Dartmouth.
Từ năm 9 tuổi đặt chân sang Mỹ, tôi đã luôn nỗ lực để sinh tồn. Nhưng mọi nỗ lực sinh tồn của tôi năm đó có thể sẽ là vô nghĩa, hoặc mang lại kết quả khác rất nhiều so với ngày hôm nay, nếu như tôi không nhận được những khoản trợ cấp để trang trải học phí cho những năm đại học của mình từ Đại học Dartmouth. Đó mới chính là chiếc chìa khóa trao cho tôi cơ hội thay đổi số phận mình.
Ba mẹ tôi - giống như nhiều người nhập cư – đều làm những công việc với đồng lương ít ỏi. Ba tôi làm công nhân lắp ráp trong một nhà máy ô tô, một công việc rất khắt khe và hao tổn sức khỏe khiến ông thường xuyên đau ốm, còn mẹ tôi làm nhân viên văn phòng. Họ làm đủ cách chỉ để kiếm đủ tiền nuôi gia đình, với mong muốn lớn nhất là đảm bảo rằng con cái của mình được học đại học, nhưng giấc mơ đó vẫn nằm ngoài tầm tay với của họ...
Năm ấy, nếu không được nhận rất nhiều học bổng cùng những khoản trợ cấp và cho vay quý giá từ đại học Darmouth, thì con đường duy nhất dành cho một cậu bé nghèo nhập cư như tôi là tối nghiệp trung học rồi kiếm một công việc lao động chân tay. Nhưng nhờ những khoản học bổng, trợ cấp và cho vay, tôi đã có cơ hội để mơ một giấc mơ lớn hơn nhiều, giúp tôi đi những bước đi đầu tiên trên hành trình mà sau đó tôi tiếp tục tự mình xây dựng.
Tôi học hai bằng đại học cùng lúc và lấy bằng MBA tại Darthmouth trong vòng 5 năm.
Vào ngày tôi rời đại học và kiếm được công việc đầu tiên tại Tập đoàn McKinsey & Company, tôi đã kiếm được mức lương gấp đôi tổng thu nhập của ba mẹ mình, thực hiện được giấc mơ đầu tiên và cũng là lớn nhất của tôi khi ấy: để ba mẹ tôi được nghỉ hưu sau nhiều năm vất vả.
Mức thu nhập của tôi ở Mckinsey & Company giúp tôi có điều kiện vay những khoản vay lớn. Tôi dùng những khoản vay này để hỗ trợ các em tôi học Đại học. Vì vậy chỉ sau một thế hệ, ba mẹ tôi – những người không có bằng đại học và chỉ có chưa đầy 100 USD khi đến Mỹ, đã có những đứa con được học hành đầy đủ. Tôi hạnh phúc và tự hào khi nói rằng, giờ đây tôi là người “tụt hậu” nhất trong 4 anh em khi chỉ có bằng MBA, trong khi các em tôi đều đã là Tiến sĩ. Nên sự giúp đỡ tôi nhận được năm đó không chỉ thay đổi số phận của riêng tôi mà còn cả gia đình tôi nữa. Nếu năm đó tôi không được trao cơ hội, thì sẽ rất khó để tôi có thể làm được những điều ấy cho gia đình mình, chứ đừng nói đến việc xây dựng sự nghiệp của chính tôi sau này.
Và đó có phải là lý do mà bao năm qua ông kiên trì với việc quyên góp những khoản tiền lớn cho giáo dục, trong đó có khoản tài trợ 5 triệu USD mà ông dành cho FUV thời gian qua?
Cường Đỗ: Mỗi khi nhìn lại hành trình của gia đình mình, tôi đều nghĩ về sự kỳ diệu mà giáo dục có thể tạo ra. Thông qua giáo dục và các đóng góp cho giáo dục, bạn có thể thay đổi một con người, và từ đó thay đổi một quốc gia. Ban đầu, sự giúp đỡ của bạn có thể khiến ai đó trở thành một người toàn diện hơn. Rồi sau đó, những người được giúp đỡ ấy sẽ khám phá ra những chân trời mới, những cơ hội mới cho chính cuộc đời họ. Nếu bạn làm điều đó đủ lâu, với đủ người, sự khác biệt sẽ xuất hiện. Đó là cách mà mỗi chúng ta có thể làm để góp phần giúp các quốc gia phát triển. Và tất cả những điều lớn lao đó sẽ bắt đầu chỉ với một việc nhỏ bé: Bạn giúp một ai đó làm được nhiều hơn những gì họ có thể làm nếu không có sự giúp đỡ.
Vì thế, từ nhiều năm nay, tôi luôn dành từ 20 – 50% số tiền mình kiếm được để tài trợ cho các tổ chức giáo dục với nhiều hình thức khác nhau. Tôi hình dung rằng tôi đang giúp một ai đó, có thể giống tôi năm ấy, giúp họ dễ dàng theo đuổi điều gì đó vượt xa những gì họ có thể làm được nếu như họ chỉ đơn độc một mình.
Tôi cũng gặp được những người có chung khát vọng với mình. Chúng tôi có thể hỗ trợ hàng nghìn sinh viên mỗi năm, tạo cho họ cơ hội để thay đổi cuộc đời của họ. Rồi những sinh viên ấy lại dùng sức ảnh hưởng của mình, để giúp hàng trăm nghìn sinh viên khác kiến tạo nên những giấc mơ khác. Sự ảnh hưởng đó sẽ tiếp nối trong nhiều thập kỷ, tạo ra một sự thay đổi mạnh mẽ cho cộng đồng và cho đất nước. Đó là điều tôi mong chờ, là động lực cho những việc tôi làm.
Xuất thân trong một gia đình không có nổi 100 USD khi đến nước Mỹ, rồi bây giờ trở thành người có thể cho đi hàng triệu USD mỗi năm, ông có nghĩ mình đã là một người giàu có?
Cường Đỗ: Tôi là một người làm việc chăm chỉ suốt cuộc đời mình. Tôi từng làm cộng sự cấp cao của McKinsey, Giám đốc Chiến lược của Lenovo, Samsung...đồng thời sáng lập một số công ty về dược phẩm và công nghệ sinh học. Tôi tích lũy tài sản của mình từ đó. Nhưng tôi không bao giờ dám nhận mình là một người giàu có. Khi tôi tài trợ 5 triệu USD cho FUV, từng có người hỏi tôi, tôi giàu cỡ nào để có thể sẵn sàng cho đi một khoản tiền như thế? Tôi có thể nói với bạn rằng, tôi không giàu so với định nghĩa về người giàu mà thế giới đang có. 5 triệu USD vẫn là một khoản tiền lớn đối với tôi và gia đình tôi. Nhưng chỉ cần việc cho đi đó là xứng đáng, tôi sẽ không đắn đo nhiều.
Ông còn nhớ khoản tiền đầu tiên mà ông dành ra để đóng góp cho xã hội?
Cường Đỗ: Sau khi tốt nghiệp Đại học, tôi được nhận vào làm tại McKinsey & Company. Dù khi đó thu nhập của tôi rất tốt, nhưng tôi có một khoản nợ rất lớn – khoản nợ học phí mà tôi đã vay và phải trả nợ suốt mấy năm trời sau đó. Ngoài ra, tôi phải lo cho ba mẹ và hỗ trợ học phí cho các em. Nhưng đó chính là lúc tôi đã lần đầu tiên cho đi 100 USD, gửi về cho trường đại học mà tôi đã từng theo học. Tôi chỉ nghĩ đơn giản như này: ừ thì tôi vẫn đang có gánh nặng nuôi ba mẹ và các em; ừ thì tôi vẫn còn một khoản nợ lớn phải trả, nhưng 100 USD là số tiền mà tôi có thể cho đi vào thời điểm ấy mà hoàn toàn không ảnh hưởng đến các kế hoạch lớn của tôi. Thế là tôi làm thôi.
Con gái tôi bây giờ cũng vậy. Cô bé đang học đại học và kiếm thêm thu nhập nhờ công việc bán thời gian, nhưng vẫn dành một khoản tiền nho nhỏ mà mình tiết kiệm được để dành tặng cho ngôi trường cấp 3 từng học, hay dành tặng cho bệnh viện và một số hoạt động giúp đỡ trẻ em.
Vào năm 23 tuổi, tôi có thể đóng góp cho xã hội 100 USD. Đến hiện giờ, mỗi năm, tôi cùng gia đình dành 20 – 50% số tiền kiếm được cho việc đó. Nói tóm lại, tôi không bận tâm việc mình có thể đóng góp nhiều hay ít, mà tôi bận tâm đến việc liệu tôi có duy trì việc làm đó suốt cuộc đời mình được hay không? Và tôi phát hiện ra là dần dần việc đó – giống như một chất gây nghiện, trở thành thói quen không thể bỏ của tôi, giúp tôi càng cho đi lại càng cảm thấy hạnh phúc nhiều hơn.
Đã bao giờ ông ngồi tính xem ông đã cho đi tất cả bao nhiêu tiền trong đời mình?
Cường Đỗ: Tại sao tôi phải làm thế? Có thể có những người dùng tiền làm thước đo cho những đóng góp của họ cho xã hội. Nhưng đó không phải điều tôi lựa chọn. Thước đo mà tôi dùng là tự hỏi xem, liệu tôi đã có thể ảnh hưởng đến bao nhiêu cuộc đời, giúp bao nhiêu người trở thành phiên bản tốt nhất của chính họ?
Tôi thích nhìn khoản đóng góp của mình như một khoản “đầu tư”. Chúng tôi đầu tư vào những tổ chức giáo dục, vào con người và hy vọng cùng với sự phát triển của mình, tổ chức đó sẽ góp phần quan trọng trong việc tạo ra thế hệ lãnh đạo của các quốc gia trong giai đoạn tới. Với tôi, đó chính là “lợi nhuận”.
Từ chối trở thành một “ông bố Châu Á điển hình” vì không cho phép con mình trở nên hư hỏng, nhưng khi hào phóng trao tặng đến 50% số tiền kiếm được mỗi năm cho những khoản tài trợ giáo dục, lẽ nào ông không lo lắng về gia đình mình, về tương lai của ông sau khi nghỉ hưu hay về khoản tích lũy mà ông phải dành cho con cái? Hay là ông quá giàu để cần phải đắn đo những chuyện đó?
Cường Đỗ: Ngày hôm nay, khi tôi ngồi đây nói chuyện với bạn, cũng là lúc mà cổ phiếu của các công ty công nghệ sinh học mà tôi đang sở hữu đã mất đi 80% giá trị thị trường trong hơn 1 năm qua, trên đà suy giảm chung của nhóm cổ phiếu này trên thị trường. Mà phần lớn tài sản tôi tích lũy được là ở đó. Vì vậy, những gì tôi dự định tiết kiệm cho cuộc đời hưu trí của mình đang thấp hơn rất nhiều so với tính toán của tôi.
Tôi có lo lắng không? Nếu nói là không thì rất không thật thà rồi. Nhưng việc đó không làm tôi thay đổi nguyên tắc của mình, vì tôi vẫn tin những khó khăn đó là ngắn hạn, còn những điều tôi theo đuổi là dài hạn.
Những gì tôi nói với bạn hôm nay có thể là một khái niệm rất xa lạ đối với nhiều gia đình châu Á. Nhiều người, trong đó có cha mẹ tôi, từng không hiểu tại sao tôi lại cho đi những gì mà tôi phải làm việc chăm chỉ mới có được. Bởi vì họ mang trong đầu tư duy Á Đông truyền thống về việc tích lũy của cải rồi sau đó truyền lại cho các thế hệ sau. Nhưng theo góc nhìn của tôi, đó là một con đường có thể dẫn đến việc hủy hoại cuộc đời con cái mình. Tôi đã chứng kiến nhiều người, vì nhận được những tài sản thừa kế lớn từ cha mẹ, nên không chịu làm gì suốt đời họ. Tôi không mong con mình là một trong số đó. Các con tôi có thể được hưởng một số lợi ích từ sự lao động chăm chỉ suốt đời tôi, nhưng sẽ không được phép vì thế mà trở nên hư hỏng. Tôi để lại số tiền đủ cho con mình để con không chật vật khi vào đời, nhưng sẽ không để sự giàu có của mình cản trở việc các con tôi phải bước tự đi và làm nên điều gì đó trong cuộc đời của chính mình.
Lựa chọn này của ông có được sự ủng hộ của vợ mình?
Cường Đỗ: Vợ chồng tôi có nhiều điểm chung: cả hai đều có xuất thân khiêm tốn, nhưng đã làm việc rất chăm chỉ để tạo dựng sự nghiệp của mình và cùng có chung mục tiêu rất giống nhau trong cuộc sống cũng như cách giáo dục con cái.
Tôi hay nói với bạn bè nửa đùa nửa thật, rằng tôi đã kết hôn với một vị thánh. Vợ tôi là một Giáo sư Luật và là đối tác cấp cao của một công ty Luật. Cô ấy có thể thành đạt và có chỗ đứng không kém gì tôi trong xã hội. Nhưng khi con trai tôi được chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ, cô ấy đã lựa chọn từ bỏ tất cả để hi sinh vì gia đình. Chúng tôi thống nhất trong moi việc, bao gồm cả cách nuôi dạy con cái lẫn việc dùng từ 20- 50% số tiền kiếm được mỗi năm để ủng hộ cho giáo dục. Ở Đông Nam Á, chúng tôi đã ủng hộ nhiều năm trời cho Caring for Cambodia – nơi đang tài trợ 21 trường học với 7000 học sinh ở Cambodia. FUV là tổ chức giáo dục tiếp theo mà chúng tôi cam kết quyên tặng.
“Tôi là kiểu người không thích được sống thoải mái và chỉ thích phá bỏ các giới hạn”
Ủng hộ rất nhiều cho giáo dục suốt mấy chục năm qua, nhưng khoản tài trợ 5 triệu USD cho FUV vẫn là khoản tài trợ lớn nhất ông từng cho đi cho một tổ chức giáo dục. Ông chọn FUV, vì ông là “sản phẩm” của mô hình giáo dục khai phóng (liberal Arts) và muốn ủng hộ mô hình này, hay vì lý do gì khác?
Cường Đỗ: Điều mà tôi rất hào hứng về FUV và quyết định “đầu tư” vào đây là vì đây là trường đại học khai phóng đầu tiên ở Việt Nam. Mà tôi vừa là “sản phẩm” của giáo dục khai phóng, cũng là người tha thiết mong mô hình giáo dục này có thể phát triển ở Việt Nam.
Darthmouth, ngôi trường tôi từng học, là một trường Đại học khai phóng. Ở đó, tôi không chỉ học một chuyên ngành cụ thể, mà còn học được cách tư duy.
Tôi có bằng chuyên ngành hóa - sinh và kinh tế, chuyên ngành phụ là âm nhạc và bằng kinh doanh. Tôi làm giám đốc tư vấn chiến lược cho các tập đoàn, nhưng cũng vẫn có thể cùng lúc là một doanh nhân đầu tư vào lĩnh vực sinh học, dược phẩm. Ngoài ra, bạn cũng có thể nhìn thấy tôi trong vai trò là thành viên HĐQT của nhiều tổ chức nghệ thuật, ví dụ như Papermill Playhouse ở New Jersey, nơi đào tạo ra nhiều nghệ sĩ đạt giải Oscar hoặc tỏa sáng trên sân khấu Broadway. Tôi liệt kê ra những gì tôi đang làm không phải với mục đích khoe khoang, mà chỉ để nói rằng, giáo dục khai phóng đã giúp tôi không giới hạn mình chỉ ở một lĩnh vực cụ thể nào đó.
Có nhiều người Việt hay nói với tôi về những giới hạn mà họ gặp phải trong môi trường toàn cầu. Nhưng tôi không tin vào các giới hạn cho người Việt. Họ chưa dám bước ra khỏi các giới hạn, vì không có những nơi dạy họ cách thức để bước qua giới hạn đó.
Tôi nghĩ hệ thống giáo dục và tư duy của nhiều phụ huynh Việt Nam xưa nay có những quy tắc khô cứng và an toàn. Bố mẹ tôi cũng vậy! Lúc tôi vào đại học, họ chỉ muốn tôi trở thành bác sĩ hoặc luật sư, vì họ nghĩ đó là những công việc an toàn nhất, đem lại những khoản thu nhập cao nhất trong xã hội. Việc đưa ra những lựa chọn an toàn sẽ dẫn đến hệ quả là vị trí của người Việt hiện nay trên bản đồ toàn cầu. Nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi, khi lặp đi lặp lại chính mình, thì làm cách nào chúng ta tạo ra được những điều khác biệt? Tôi hy vọng, mô hình giáo dục khai phóng như FUV sẽ giúp sinh viên Việt Nam có được cơ hội để được học và tư duy một cách khác biệt, rồi dần dần xóa đi những giới hạn chúng ta đặt ra cho chính mình.
Khi tìm hiểu về ông, tôi để ý tới một chi tiết: lúc đang là cộng sự cao cấp của McKinsey & Company với mức lương vài triệu đô la mỗi năm, ông đột nhiên quyết định rời đi. Vậy đó có phải là cách mà ông thể hiện sự “không thích ràng buộc trong các giới hạn” của chính ông?
Cường Đỗ: Chính là thế! Sự nghiệp của tôi cũng như các lựa chọn của tôi hoàn toàn chịu ảnh hưởng bởi nền giáo dục mà tôi được thụ hưởng. Đó là điều tôi không bao giờ chối cãi.
Tôi nghĩ mình là kiểu người không ưa thích sự thoải mái và an nhàn. Vì tôi tin rằng khi bạn cảm thấy thoải mái, điều đó có nghĩa là bạn đang ở sườn bên kia của con dốc và không còn thể hiện được phẩm chất tốt nhất của mình nữa.
Nếu đang đi trong một khu rừng và gặp hai con đường theo hai hướng khác nhau, phần lớn mọi người sẽ chọn con đường lớn, quang đãng, sáng sủa mà đi. Nhưng tôi thì thích chọn con đường ít người qua lại, vì khao khát tạo ra điều khác biệt, làm những việc mà người khác không làm. Ngoài việc làm giám đốc chiến lược cho các tập đoàn, tôi cũng đầu tư và sáng lập ra một số công ty công nghệ sinh học. Chúng tôi có lợi nhuận tốt từ việc nghiên cứu và sản xuất thuốc. Có những công ty sau khi được gây dựng thành công đã được tôi bán đi. Có công ty tôi giữ lại để tiếp tục phát triển. Tôi dùng một phần lợi nhuận mình kiếm được ở các công ty này để nghiên cứu một căn bệnh mà thế giới chỉ có 400 người mắc phải mỗi năm. Phần lớn các công ty dược sẽ không đầu tư nghiên cứu căn bệnh này, nhưng chúng tôi làm, để tạo ra cơ hội sống cho 400 người đó. Con đường đó khó đi, nhưng tôi vẫn làm và đã làm được. Tôi chính là kiểu người không thích được sống thoải mái như thế đó!
Tôi biết rất rõ những điều tôi không thích, vì tin rằng việc xác định mình không muốn làm gì quan trọng hơn cả việc hiểu được xem mình muốn làm gì.
Ví dụ như tôi không thích đứng ở vai trò điều hành doanh nghiệp. Đó là lý do nhiều năm qua, tôi nhận lời làm giám đốc chiến lược cho các tập đoàn như Lenovo, Samsung, chứ không chọn những tập đoàn mời tôi làm giám đốc điều hành. Tôi thích mình ở vai trò là người đứng sau hậu trường và vạch ra chiến lược hơn là làm CEO. Khi tôi rời McKinsey & Company là thời điểm tôi đã 40 tuổi và gắn bó với nơi đó 17 năm. Phải mất rất nhiều năm tôi mới đạt được vị trí đó. Nhưng tôi hiểu rằng tôi sẽ không hạnh phúc khi phải điều hành một văn phòng nào đó của McKinsey, làm đi làm lại những việc tiểu tiết và nhàm chán. Vì thế, dù không có gì phàn nàn với thu nhập cũng như địa vị xã hội mà McKinsey & Company mang lại cho tôi, tôi vẫn lựa chọn rời đi.
Giai đoạn làm Giám đốc Tập đoàn chiến lược Toàn cầu của Samsung với tôi là một giai đoạn vui vẻ và nhiều cảm hứng. Samsung đã không thực hiện một vụ thâu tóm nào trong hơn 20 năm qua cho đến khi tôi thúc đẩy thương vụ thâu tóm lớn nhất mà tập đoàn từng thực hiện khi mua lại Harman Kardon – đó là vụ thâu tóm giúp Samsung trở thành một công ty lớn hơn nhiều trong lĩnh vực sản xuất linh kiện ô tô vì khoảng 50% ô tô trên thế giới sử dụng sản phẩm do Harman Kardon sản xuất. Bằng cách đó, Samsung đã bước chân vào thị trường này khi không ai từng nghĩ chúng tôi có thể.
Cũng trong giai đoạn này, Samsung tham gia và lĩnh vực công nghệ sinh học, sản xuất dược phẩm và chất bán dẫn. Đây đã và sẽ vẫn là những lĩnh vực mũi nhọn mà Samsung đầu tư trong những năm tới, với cam kết đầu tư lên tới 360 tỷ USD trong 5 năm. Và tôi tự hào vì mình đã để lại những dấu ấn cá nhân trong những quyết định mang tính chiến lược này. Cũng tự hào vì mỗi dấu ấn đó là mỗi lần tôi không ngừng nghỉ trên con đường “tự làm khó” chính mình.
Có những người Việt rời đất nước ra đi sau ngày 30/4/1975 gặp phải rất nhiều khó khăn với cuộc sống mới, nên đến bây giờ vẫn chưa thực sự buông bỏ được những khác biệt trong quá khứ. Ba mẹ ông có ủng hộ việc ông cho đi một phần lớn trong số tài sản của mình để đóng góp cho cố hương?
Cường Đỗ: Ba mẹ tôi là những người thực tế. Khi còn ở Sài Gòn, ba tôi làm thông dịch viên, nên thường làm việc với Chính phủ Hoa Kỳ, USAID..vv..vv..Vì vậy, chúng tôi là một trong những người may mắn được ngồi trên một trong những chiếc máy bay cuối cùng rời Tân Sơn Nhất vào tháng 4 năm 1975. Chúng tôi được báo trước hai tiếng để đến phi trường. Lúc ra đi, chúng tôi để lại mọi thứ, điều quan trọng nhất là đến sân bay và lên máy bay... Và trong những thứ chúng tôi để lại có cả quá khứ và những biến cố lịch sử. Cả gia đình tôi chỉ nhìn về phía trước mà thôi.
Trước khi sang Mỹ, ba tôi làm việc cho một công ty xây dựng tại Sài Gòn. Công ty đó xây cầu, xây bệnh viện, xây đường. Lần đầu tiên gia đình tôi về Việt Nam là những năm 1998 – 1999, khi Việt Nam đã mở cửa. Chúng tôi đi thăm quan khắp Nam bộ. Và tôi chỉ thấy niềm tự hào tột độ trên khuôn mặt của ba mỗi khi ông đi qua đâu đó rồi chỉ trỏ "Ba đã xây dựng bệnh viện đó" hoặc chép miệng: "Cái cầu này là công ty ba làm. Không thể tin rằng nó vẫn đang được sử dụng". Không có sự ghét bỏ nào tôi có thể nhìn thấy từ ánh mắt ba.
Hiện giờ tôi mang quốc tịch Mỹ, và không thể nói tiếng Việt. Khả năng nói tiếng Việt của tôi mãi mãi chỉ như một đứa trẻ 9 tuổi. Tôi hiểu ba mẹ mình khi họ nói tiếng Việt, nhưng tôi sẽ trả lời họ bằng tiếng Anh. Nhưng dù là vậy, tôi vẫn chảy trong người dòng máu người Việt, muốn đóng góp để xây dựng đất nước này. Đó cũng là một trong những lý do tôi đã dành khoản tài trợ lớn nhất đời mình cho một trường đại học Việt Nam.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Nguyệt Minh Thiên Lý