Giới doanh nhân Việt Nam không chỉ ghi nhận những nhà lãnh đạo là nam giới mà còn hiện hữu nhiều “nữ tướng” quyền lực trong doanh nghiệp. Trong ngành ngân hàng, các sếp nữ cũng nắm nhiều vai trò then chốt, thổi làn gió mới vào các nhà băng, không còn là “phái yếu” mà là những thuyền trưởng mạnh mẽ lèo lái những con thuyền vượt qua khó khăn để đạt kết quả tốt nhất.
Mới đây, tại Eximbank, bà Đỗ Hà Phương đã được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch HĐQT, thêm tên mình vào danh sách những sếp nữ quyền lực của ngành ngân hàng. Việc này ngày càng cho thấy vai trò quan trọng và chủ chốt của những “bóng hồng” tại vị trí cấp cao của các nhà băng.
Năm 2020, sau khi được phê chuẩn bổ nhiệm, bà Nguyễn Thị Hồng trở thành nữ Thống đốc đầu tiên trong lịch sử Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thay ông Lê Minh Hưng đã được điều động giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
Tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng từng có nhiều năm gắn bó với ngành ngân hàng. Từ năm 1991-1993, bà Nguyễn Thị Hồng là Chuyên viên Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Từ tháng 11/1993 - tháng 4/1995, bà là Chuyên viên Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Từ tháng 4/1995 đến tháng 4/2008, bà là Phó Trưởng phòng, Trưởng phòng Vụ Chính sách tiền tệ. Từ tháng 4/2008 đến tháng 7/2011, bà Nguyễn Thị Hồng là Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ.
Từ tháng 8/2011 - tháng 1/2012 bà là Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ. Từ tháng 1/2012 - tháng 8/2014 bà là Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ.
Từ tháng 8/2014 đến tháng 8/2020, bà là Uỷ viên Ban Cán sự Đảng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Từ tháng 8/2020 - tháng 11/2020, bà là Uỷ viên Ban Cán sự Đảng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bí thư Đảng uỷ Cơ quan Ngân hàng Trung ương.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh ngày 7/6/1970 tại Hà Nội, là một nữ doanh nhân, tỷ phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị của VietJet Air, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank).
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh ra trong một gia đình gốc Hà Nội. Năm 17 tuổi, bà du học tại Liên Xô chuyên ngành Tài chính với thành tích học tập xuất sắc. Ngay từ khi còn là sinh viên năm 2, bà đã kinh doanh các mặt hàng điện tử, nông sản từ châu Á sang Đông Âu và kiếm được 1 triệu USD đầu tiên khi chỉ mới 21 tuổi.
Đến khi trở về nước, bà Thảo cùng góp vốn thành lập nên Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB). Đến năm 2007, SOVICO Holdings của bà Thảo cùng HDBank, tập đoàn T&C thành lập nên Vietjet Air. Năm 2011, bà Nguyễn Thị Phương Thảo chính thức trở thành Giám đốc điều hành của Vietjet Air.
Với HDBank, động lực mạnh mẽ để bà tham gia vào ngành ngân hàng là một lượng lớn khách hàng vốn là người dân nông thôn chưa được tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng văn minh, tiện lợi. Ngân hàng HDBank cùng công ty tài chính tiêu dùng đã mang đồng vốn tới cho hàng triệu khách hàng chưa từng được vay tiền trước đó.
Ngày 9/3/2017, tạp chí Forbes công bố danh sách các nữ tỷ phú USD trên thế giới năm 2017, ghi nhận bà Phương Thảo là nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, với khối tài sản ước tính khoảng 1,7 tỷ USD. Bà cũng là một trong 15 nữ tỷ phú tự thân mới trong danh sách của Forbes năm 2017. Theo tạp chí Forbes, tính đến đầu năm 2023, tổng tài sản của bà Thảo là 2,3 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ 1284 trong danh sách tỷ phú thế giới.
Về kết quả kinh doanh, tính đến hết quý 1/2023, lợi nhuận trước thuế của HDBank đạt 2.743 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ và thực hiện 21% kế hoạch cổ đông giao. Tổng thu nhập hoạt động ba tháng đầu năm của ngân hàng đạt hơn 5.600 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tại thời điểm 31/3/2023, tổng tài sản của HDBank đạt hơn 458.800 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Nợ xấu hợp nhất của ngân hàng tăng từ mức 1,67% đầu năm lên 1,85%. Tính riêng ngân hàng HDBank, tỷ lệ nợ xấu là 1,1%. Hệ số an toàn vốn CAR (Basel II) nằm trong TOP dẫn đầu với mức 12,5% nhờ tăng trưởng đồng thời cả về thu nhập lãi, thu dịch vụ và kiểm soát hiệu quả chi phí.
Một sếp nữ quyền lực mới của ngành ngân hàng là bà Đỗ Hà Phương, Chủ tịch HĐQT Eximbank. Bà Phương mới được bổ nhiệm vào vị trí “ghế nóng” nhà băng này kể từ ngày 28/6/2023, thay cho bà Lương Thị Cẩm Tú.
Bà Đỗ Hà Phương sinh năm 1984, đã có hơn 15 năm công tác trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng. Bà tốt nghiệp Cử nhân Kế toán - Trường Đại học George Mason - Hoa Kỳ, Thạc sỹ Tài chính quốc tế - Trường Đại học Westminster - Anh Quốc.
Giai đoạn từ tháng 5/2007 – tháng 11/2011, bà Phương lần lượt đảm nhiệm các vị trí tư vấn thuế, kiểm toán và tư vấn tài chính cao cấp tại Ernst&Young. Sau đó, bà làm cố vấn tài chính cho văn phòng đại diện Coffey International Development tại Hà Nội. Đến tháng 12/2012, bà Phương được bổ nhiệm làm Giám đốc cấu trúc tài chính, cơ cấu nợ và nhận diện rủi ro tín dụng của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) và giữ chức vụ này tới tháng 12/2017.
Rời VIB, bà Phương chuyển sang làm cố vấn tài chính cho Công ty TNHH Tài chính Lotus. Tới tháng 5/2018, bà đồng sáng lập Công ty TNHH VNInvest Partners và kiêm nhiệm chức giám đốc điều hành tại doanh nghiệp này.
Bà Đỗ Hà Phương đắc cử vào HĐQT Eximbank vào trung tuần tháng 2 năm ngoái, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 (AGM 2021) lần thứ 2 – đại hội, qua đó, đã giải quyết "nút thắt" nhân sự nơi thượng tầng Eximbank với việc bầu ra 7 thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ mới.
Kết thúc quý 1/2023, Eximbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 870,7 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ, thực hiện 17% kế hoạch năm. Tổng tài sản đạt hơn 183.800 tỷ đồng, giảm 0,6% so với đầu năm. Trong đó cho vay khách hàng giảm 0,3%, xuống còn 130.074 tỷ đồng. Huy động vốn khách hàng tăng nhẹ 0,1%.
Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng gần 30% so với đầu năm, ở mức 3.047 tỷ đồng, Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,8% lên 2,3%.
Lọt Top 50 người phụ nữ quyền lực nhất Châu Á năm 2019 theo bình chọn của Forbes, Madame Nga là một trong những nữ doanh nhân có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Nga sinh năm 1955 tại Hà Nội, tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Ngoài ra bà đã từng học nhiều lớp kinh tế ở Pháp, Đức, Nhật Bản, Úc, đồng thời là người Việt Nam đầu tiên được mời học ở George Town (Mỹ) do quỹ tài trợ của bà Hillary Clinton, phu nhân cựu tổng thống Bill Clinton, dành riêng cho các nhà lãnh đạo tập đoàn kinh tế
Khởi nghiệp từ những năm 1993, sau gần 30 năm, BRG Group của Madame Nga đã trở thành một trong những tập đoàn tư nhân hàng đầu.
Trong lĩnh vực ngân hàng, Madame Nga đầu tư rất sớm khi trở thành cổ đông Techcombank từ năm 2000, và rồi đảm trách vai trò Phó Chủ tịch, Chủ tịch HĐQT cho tới năm 2006. Sau khi thoái vốn khỏi Techcombank, bà đầu tư và trở thành Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank).
Hết quý 1/2023, lợi nhuận trước thuế ba tháng đầu năm đạt 1.070 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 19% kế hoạch năm.
Tính đến cuối quý 1/2023, tổng tài sản của ngân hàng đạt gần 245.170 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm, trong đó tiền gửi tại các TCTD khác tăng 19%. Cho vay khách hàng tăng 3,5%, đạt hơn 159.200 tỷ đồng. Huy động từ khách hàng tăng gần 2%, đạt gần 117.700 tỷ đồng.
Nợ xấu tăng 3,5% so với đầu năm, lên hơn 2.500 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 44%. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,6%.
Năm 2022, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm được tái bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Hiện tại, bà đang là Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc của Sacombank.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm sinh năm 1973, có trình độ Thạc sĩ quản trị kinh doanh. Bà Diễm bắt đầu công tác tại Sacombank từ năm 2002, từng đảm nhiệm các công việc thuộc mảng kế toán, tín dụng, dịch vụ khách hàng, khách hàng doanh nghiệp, kiểm tra kiểm soát nội bộ, xử lí nợ và đã có 11 năm ở vai trò quản lý, điều hành.
Bà Diễm làm Tổng giám đốc Sacombank từ năm 2017 khi ngân hàng bắt đầu bước vào quá trình tái cơ cấu sau sáp nhập và đối mặt với nhiều khó khăn liên quan đến nhân sự, hiệu quả hoạt động và nợ xấu.
Trong 5 năm thực hiện tái cơ cấu, Sacombank đã thu hồi, xử lý 71.992 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó 58.306 tỷ là các khoản thuộc Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, đạt 67,9% kế hoạch tổng thể đến năm 2025.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết trong quý 1/2023, ngân hàng đạt lợi nhuận hợp nhất 2.383 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ và đạt 25% kế hoạch năm. Tăng trưởng tín dụng đến quý 1 đạt trên 2%.
Về chất lượng tài sản, đến cuối quý 1, số dư nợ nhóm 2 là 4.226 tỷ đồng, giảm 1.225 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Nợ nhóm 2 là cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh cho nên trong năm 2022 và đầu năm 2023 các doanh nghiệp này gặp khó khăn.