Doanh nghiệp

Giám đốc Kinh doanh thép Shengli Việt Nam: Triển vọng ngành thép 2025 rất sáng nhưng không dành cho tất cả, biến số mang tên Trump

Huy Hoàng 20/02/2025 08:15

Ngành thép Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới, các doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ để ‘vượt sóng, vươn lên’.

cover-pc(1).png

Giai đoạn 2022-2023, ngành thép Việt Nam đã chứng kiến sự lao dốc mạnh do phải đối mặt với loạt thách thức như giá nguyên liệu đầu vào tăng cao và nhu cầu sụt giảm. Bất động sản đóng băng, nền kinh tế đang từng bước phục hồi sau đại dịch. Sang năm 2024, kết quả kinh doanh ngành thép dần cho thấy những tín hiệu phục hồi, động lực đến từ sự cải thiện nhu cầu trong nước đến bức tranh lạc quan hơn của ngành thép thế giới.

Trong bối cảnh các dự án hạ tầng, đầu tư công được thúc đẩy, thị trường bất động sản ấm dần lên, loạt dự án hạ tầng giao thông sắp được triển khai trên cả nước, ngành thép Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để bứt phá.

Sự gia tăng nhu cầu thép xây dựng, thép công nghiệp và nguyên liệu sản xuất đang tạo ra điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong ngành.

Top 5 doanh nghiệp phân phối thép xây dựng lớn nhất Việt Nam gồm có Hoà Phát (HPG), Formosa Hà Tĩnh, VAS, Tisco (TIS) và Shengli Việt Nam. Trong số đó, Hòa Phát đang chiếm ưu thế, nhưng những nhóm phía sau cũng đã có những pha bứt phá ngoạn mục. Loạt cái tên mới như VAS, Shengli, Vina Kyoei, Tung Ho đang âm thầm đánh chiếm thêm thị phần.

Bên cạnh những dự báo tích cực từ các chuyên gia, chúng tôi đã có buổi trao đổi với ông Trịnh Tiến Anh, Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Thép đặc biệt Shengli Việt Nam, một người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành thép, để có những góc nhìn rõ hơn về triển vọng ngành thép trong năm 2025.

asset-2(1).png
title-1.png

Ngành thép Việt Nam đang đứng trước cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào sự phục hồi của nền kinh tế, đầu tư công mở rộng và nhu cầu xây dựng gia tăng. Số liệu thống kê nhiều năm đều cho thấy một con số thú vị: Tốc độ tăng trưởng của ngành thường gấp 1,2-1,5 lần so với GDP. Như vậy, nếu như năm 2025, GDP được các chuyên gia dự báo đạt 8%, thì tốc độ tăng trưởng ngành thép sẽ đạt 10-12%, đặc biệt khi các dự án hạ tầng trọng điểm như cao tốc Bắc-Nam, sân bay quốc tế và cảng biển lớn bước vào giai đoạn cao điểm, thì dự báo này hoàn toàn khả thi.

Cùng với đó, xuất khẩu thép cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, phản ánh sức cạnh tranh ngày càng mạnh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Thưa ông, năm 2024 thị trường thép đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, ông có dự báo gì về triển vọng ngành trong năm 2025? Điều gì khiến ông lạc quan nhất?

Hiện tại, nhiều tổ chức đều đánh giá tích cực về triển vọng ngành thép trong năm nay và những năm tới, đặc biệt là năm 2025. Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Chính phủ xác định mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức từ một đến hai con số.

Tổng công suất sản xuất của ngành thép Việt Nam năm 2023 là 27,764 triệu tấn trong đó thép xây dựng chiếm 12 triệu tấn, HRC 6 triệu tấn; thép cán nguội 4 triệu tấn; tôn mạ 4,5 triệu tấn và ống thép 2,5 triệu tấn thì đến năm 2025 tổng công suất dự kiến là hơn 30 triệu tấn do Hòa Phát đưa vào vận hành giai đoạn 2 nhà máy ở KCN Dung Quất và VAS tăng thêm công suất 1,5 triệu tấn/ năm.

Nếu GDP tăng trưởng 8%, thì ngành thép ít nhất phải tăng từ 1,2-1,5 lần con số đó, tức khoảng 10-12%. Thực tế trong nhiều năm qua cũng đã chứng minh xu hướng này.

Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư công với các dự án hạ tầng trọng điểm như sân bay, đường cao tốc. Năm 2025 sẽ là năm cao điểm với loạt dự án hạ tầng quy mô lớn như cao tốc Bắc - Nam, các tuyến cao tốc Đông - Tây, và các dự án cảng biển lớn như Cần Giờ (TP. HCM) và Nam Đồ Sơn (Hải Phòng). Hạ tầng kết nối vùng như tuyến đường Hải Phòng - Nam Định, các tuyến cao tốc khu vực Tây Bắc, Vành đai 4 và mới nhất là tuyến đường sắt Lào Cai - Hải Phòng, hay siêu dự án 67 tỷ USD đường sắt cao tốc. Đây sẽ là những động lực quan trọng thúc đẩy nhu cầu thép.

Các dự án FDI thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng tăng đột biến, nhất là các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản. Đặc biệt là làn sóng dịch chuyển của các doanh nghiệp FDI tại các nước bị Mỹ đánh thuế cao, sang Việt Nam.

Đồng thời, thị trường bất động sản cũng đang từng bước được tháo gỡ nhờ các nghị định mới, là tín hiệu vui cho ngành thép.

Ngoài ra, nền kinh tế đang hồi phục, người dân có điều kiện xây dựng nhà cửa nhiều hơn. Sản lượng thép đã tăng mạnh ngay từ đầu năm, trong khi xuất khẩu thép cũng ghi nhận mức tăng từ 15-20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chẳng hạn, chỉ trong 3 ngày đầu năm mới, Hòa Phát đã bán tới 48.000 tấn, một con số kỷ lục. Các doanh nghiệp khác như Tisco cũng bán 17.000-18.000 tấn, Thép Úc khoảng 8.000-9.000 tấn và các nhà máy khác cũng vậy…

Một con số để các bạn dễ hình dung: Với một công trình, thép chiếm khoảng 35% giá trị. Do vậy, các dự án được khởi động, ngành thép sẽ khởi sắc.

asset-8.png

Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về tình hình xuất khẩu thép của Việt Nam?

Trước tiên, tôi nói về thị trường thép tại Trung Quốc, một trong những thị trường xuất khẩu thép lớn nhất thế giới. Tại Trung Quốc, thị trường bất động sản rơi đang vào tình trạng tê liệt, nhiều tập đoàn bất động sản, xây dựng đứng trước nguy cơ phá sản. Điều này sẽ dẫn tới nhu cầu giảm. Dù Trung Quốc vài năm qua đã cắt giảm sản lượng, nhưng nguồn cung vẫn lớn.

Tỷ lệ các "thành phố ma" và chung cư bỏ trống gia tăng đáng kể, đặt ra thách thức trong việc kiểm soát nguy cơ sụp đổ của thị trường. Bất động sản chiếm khoảng 30-35% tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, vì vậy khi bất động sản đóng băng, quốc gia này chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với nhiều nước khác.

Trong thời gian qua, chính phủ Trung Quốc liên tục bơm tiền vào nền kinh tế, với tổng số lên đến khoảng 2.000 tỷ USD nhằm bình ổn thị trường và tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng. Tuy nhiên, mục tiêu sâu xa của chính sách này là cung cấp dòng tiền để các doanh nghiệp tái cơ cấu và đảo nợ.

Hiện tại, Trung Quốc vẫn duy trì mức xuất khẩu hơn 100 triệu tấn thép ra toàn cầu.

Trong năm 2023 tổng lượng thép xuất khẩu của Việt Nam là hơn 10 triệu tấn, nhưng đến 2024 đã tăng lên hơn 11 triệu tấn. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là khu vực ASEAN chiếm 35,76%; Ấn Độ 20,06%; EU: 14,91%; Hoa Kỳ: 9,27% và Đài Loan: 5,23%. Hiện tại, ở Việt Nam, sản lượng xuất khẩu về thép xây dựng là không quá lớn, chủ yếu nằm ở thép đặc biệt cho việc chế tạo. Tổng sản lượng xuất khẩu tất cả các loại thép, gồm cả HRC, xây dựng, tôn mạ… chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm sản xuất thép trong nước.

Vậy chính sách áp thuế của ông Trump, hay các biện pháp chống bán phá giá ảnh hưởng như thế nào đến ngành thép Việt Nam, thưa ông?

Trước hết, về hiện trạng thép tại Việt Nam, tôi đưa ra một số thông tin để có thể dễ hiểu hơn: Cuối năm 2024, thép Trung Quốc từng ồ ạt vào Việt Nam, nhưng phần lớn là thép đặc biệt như thép không gỉ, thép chế tạo chứ không phải thép xây dựng. Thép xây dựng của Việt Nam vẫn chiếm ưu thế. Về mảng nhập khẩu, Việt Nam chủ yếu tập trung vào một số sản phẩm như thép cuộn rút dây, đinh hoặc thép có pha nguyên tố bo, cr.

Hiện nay, các biện pháp bảo hộ tập trung vào thép chế tạo và thép cán nóng. Trong bối cảnh giá phôi trong nước đang thấp, nhiều doanh nghiệp Việt Nam thậm chí còn có cơ hội xuất khẩu phôi thép.

Còn đối với lệnh áp thuế của ông Trump ngay khi nhậm chức, theo tôi, không ảnh hưởng nhiều đến thị trường thép xây dựng. Mới đây, Mỹ đã công bố áp thuế 25% với toàn bộ thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ. Từ năm 2018, ở nhiệm kỳ trước của ông Trump, thép và nhôm Việt Nam đã chịu mức thuế lần lượt là 25% và 10%. Một trong những lý do chính nhất mà tôi phân tích ở trên, là vì sản lượng xuất khẩu thép xây dựng của Việt Nam vào Mỹ không cao.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, có ảnh hưởng. Khi Trung Quốc không thể xuất khẩu vào Mỹ, sẽ tìm cách đẩy nguồn hàng sang các nước lân cận, bao gồm cả Việt Nam. Điều này có 2 tác động: Một là, Việt Nam không ít thì nhiều, cũng sẽ phải ‘đón’ một lượng hàng từ Trung Quốc. Hai là, Việt Nam cũng sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc khi xuất khẩu vào các thị trường khác trong khu vực khi Trung Quốc đẩy hàng ra.

Cơ hội luôn đi cùng thách thức, các doanh nghiệp đủ mạnh sẽ tìm được cơ hội phát triển tốt trong bối cảnh này.

Ông có dự báo gì về ngành thép trong ngắn hạn và dài hạn?

Về dự báo ngành thép trong ngắn hạn và dài hạn, tôi cho rằng, trong ngắn hạn, triển vọng ngành thép khá khả quan nhờ sự phục hồi kinh tế và nhu cầu xây dựng tăng cao. Tôi dự báo, trong năm 2025, ngành thép sẽ khởi sắc, có thể nói là rất tốt.

Trong dài hạn, tình hình còn phụ thuộc vào biến động của thị trường quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là những thị trường có mức độ cạnh tranh cao và giá cả biến động mạnh, do đó, cần theo dõi sát diễn biến để có chiến lược phù hợp.

Ông có dự báo gì về kết quả kinh doanh các doanh nghiệp thép năm 2025? Các doanh nghiệp cần làm gì trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt?

Nhấn mạnh lần nữa, nếu tỷ lệ tăng GDP được đặt ra ở mức 8%, thì tăng trưởng thép sẽ gấp khoảng 1,5 lần. Hiện tại, hầu như tất cả các nhà máy tại Việt Nam đều đang dự báo tăng 10-15% sản lượng so với năm ngoái, điều này đồng nghĩa doanh thu sẽ tăng trưởng tương ứng. Tuy nhiên, bức tranh màu hồng không dành cho tất cả các doanh nghiệp.

Với thực trạng hiện nay, một số nhà máy có thể sẽ gặp khó do không đảm bảo được nguyên liệu đầu vào từ thượng nguồn. Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp có lợi thế chủ động về nguyên liệu, như Hòa Phát, VAS, Shengli, Tisco. Các đơn vị này sẽ dễ dàng duy trì ưu thế và cạnh tranh mạnh mẽ trong thời gian tới.

Chẳng hạn Hòa Phát, hiện sở hữu các mỏ quặng lớn tại Việt Nam (Hà Giang, Lào Cai), đồng thời có khu liên hợp thép Dung Quất quy mô lớn, tự sản xuất thép từ quặng sắt qua công nghệ lò cao. Shengli Việt Nam cũng tương tự, là nhà máy tự chủ động được nguồn nguyên liệu từ phế. Đây cũng là một lợi thế khác của Shengli khi thời hạn phải đáp ứng tiêu chí Xanh đang đến gần.

Về nguyên vật liệu đầu vào, theo tôi, sẽ không có biến động mạnh trong ngắn hạn, chủ yếu đi lên đi xuống trong biên độ nhỏ. Hiện nay, nguồn nguyên liệu chính cho ngành thép chủ yếu đến từ Nhật Bản, chiếm tới 40% tổng nguồn nguyên liệu toàn cầu. Xếp sau là thị trường phế liệu Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, châu Âu,... Nguồn phế liệu lớn nhất, ổn định nhất là từ sản xuất ô tô, tàu biển, hoặc chiến tranh,...

Năm 2025, Trung Quốc sẽ giảm khoảng 10% sản lượng, tương ứng 100 triệu tấn, đây là cú hích lớn để các doanh nghiệp Việt Nam vươn lên trong bối cảnh thép châu Âu khủng hoảng, khi Ukraine là nước sản xuất thép rất lớn đang gặp xung đột, Nga bị cấm vận…

Đánh giá chung, tôi cho rằng năm nay sẽ rất tốt cho thép, với các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản, dự báo tăng trưởng GDP ổn định, đầu tư công đẩy mạnh. Bên cạnh đó, việc dịch chuyển FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng là một động lực lớn cho ngành thép…

Đầu năm 2025, thị trường thép sẽ đi ngang, đà tăng trưởng dự báo rơi vào cuối năm từ quý III quý IV, đây là thời điểm xây dựng được đẩy mạnh, tuy nhiên, tôi cho rằng ngành thép sẽ khó có sóng lớn trong năm 2025.

“Tăng trưởng thép sẽ gấp 1,5 lần tăng trưởng GDP, đây là điều bất di bất dịch, đã được kiểm chứng”.

title-2.png

Bên cạnh những mặt tích cực, ông có thể chia sẻ về những khó khăn ngành thép phải đối diện trong năm 2025?

Như đã chia sẻ ở phần đầu, năm 2025, thị trường Việt Nam sẽ chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ công suất tại hàng loạt các nhà máy. Sản lượng tăng, dẫn đến cạnh tranh tăng cả về chất lượng, giá, khiến thị trường khốc liệt hơn. Các nhà máy thép quy mô nhỏ có thể sẽ biến mất trên thị trường, điều này đã được thể hiện phần nào trong các năm qua, khi nhiều doanh nghiệp thép báo lỗ hàng trăm tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tâm lý chung, hệ thống đại lý phân phối thép trong năm 2025 nhiều khả năng sẽ không đưa ra các quyết định tích trữ hàng lớn mà vẫn mang tính thận trọng cao. Nguyên nhân chính là do thị trường khó đoán định, đặc biệt trước các chính sách của ông Trump trong nhiệm kỳ mới, điều này có thể tác động rất lớn tới doanh nghiệp trong nước.

Một khó khăn khác, là huy động vốn. Lợi thế về vốn trên thực tế chỉ thuộc về các ông lớn, tận dụng được dòng vốn giá rẻ, vốn ưu đãi từ thị trường quốc tế. Thực trạng hiện nay, các doanh nghiệp thép rất khó huy động vốn từ ngân hàng là do tỷ suất sinh lợi trên vốn của ngành thép không cao.

Một khó khăn khác, là việc yêu cầu về net zero. Tăng trưởng xanh đang là xu hướng của toàn cầu và là con đường phát triển tất yếu cho Việt Nam. Tại Hội nghị của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam đã đưa ra cam kết rất mạnh mẽ, phấn đấu đạt Net Zero vào năm 2050.

Do đó các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt áp lực tăng chi phí để chuyển đổi xanh, kiểm soát khí thải. Quá trình này sẽ cần phải xem xét nhiều yếu tố, phụ thuộc tiềm lực, quy mô từng doanh nghiệp.

Tuy vậy, ẩn số khó đoán nhất là về chính sách của ông Trump trong nhiệm kỳ mới. Vừa qua, Mỹ đã chính thức công bố áp thuế 25% với toàn bộ nhôm, thép nhập khẩu vào nước này. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam mà còn gia tăng cạnh tranh trên toàn cầu. Điển hình như Trung Quốc, khi khó xuất khẩu sang Mỹ sẽ đẩy sang các nước khác, đặc biệt là châu Á, khiến các doanh nghiệp Việt rất khó xuất khẩu, đồng thời đẩy lượng hàng về lại trong nước, từ đó gây sức ép lên thị trường.

Ngoài ra, một số vấn đề khác như tỷ giá, chi phí logistics, chi phí điện đều tăng mạnh trong thời gian qua sẽ khiến tăng giá thành thép.

Xin chân thành cảm ơn ông!

asset-7.png
Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/giam-doc-kinh-doanh-thep-shengli-nganh-thep-2025-trien-vong-rat-sang-nhung-khong-danh-cho-tat-ca-bien-so-mang-ten-trump-277465.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Giám đốc Kinh doanh thép Shengli Việt Nam: Triển vọng ngành thép 2025 rất sáng nhưng không dành cho tất cả, biến số mang tên Trump
    POWERED BY ONECMS & INTECH