Doanh nghiệp

Mỹ áp thuế 25% với thép và nhôm, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn cơ hội xuất khẩu nhưng biên lợi nhuận sẽ giảm

Long Vũ 11/02/2025 16:25

Sản phẩm thép của Việt Nam vẫn có cơ hội tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ do năng lực sản xuất thép và nhôm của các nhà máy tại Mỹ chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu nội địa.

Ngày 10/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ. Mức thuế sẽ có hiệu lực từ ngày 4/3/2025, không áp dụng ngoại lệ cho bất kỳ quốc gia nào.

“Chúng ta sẽ áp thuế nhập khẩu 25%, không có ngoại lệ, với toàn bộ nhôm và thép. Việc này sẽ thúc đẩy nhiều doanh nghiệp chuyển sang hoạt động tại Mỹ”, ông Trump khẳng định trong buổi ký sắc lệnh tại Phòng Bầu dục.

Trước đó, ông đã công bố ý định này vào ngày 9/2/2025, nhằm bảo vệ ngành công nghiệp nội địa trước sự cạnh tranh từ thép và nhôm nhập khẩu.

Doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn cơ hội

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ (thuộc Bộ Công Thương) cho rằng, trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thép và sản phẩm thép của Việt Nam sang Mỹ đạt khoảng 983 triệu USD, tăng gần 159% so với năm 2023. Xuất khẩu nhôm cũng đạt 479 triệu USD, tăng 9,5%.

Mỹ áp thuế 25% với thép và nhôm, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn cơ hội xuất khẩu nhưng biên lợi nhuận sẽ giảm
Việt Nam xuất khẩu thép sang Mỹ đạt 983 triệu USD

Hiện tại, thép và nhôm của Việt Nam đang chịu mức thuế lần lượt là 25% và 10% theo Mục 232, chính sách được Mỹ áp dụng từ năm 2018 đối với hầu hết các quốc gia. Việc bổ sung thêm thuế 25% đối với nhôm và thép nhập khẩu sẽ tiếp tục gây khó khăn cho các nước xuất khẩu vào Mỹ.

Ông Đỗ Ngọc Hưng nhận định, mặc dù thuế suất cao có thể gây bất lợi, sản phẩm thép của Việt Nam vẫn có cơ hội tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ. Lý do là năng lực sản xuất thép và nhôm của các nhà máy tại Mỹ chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu nội địa. Tuy vậy, biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ bị thu hẹp.

Bên cạnh đó, khó khăn trong xuất khẩu vào Mỹ cũng có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều nước xuất khẩu sẽ chuyển hướng thị trường, trong đó có Việt Nam, dẫn đến sự cạnh tranh gia tăng. Các doanh nghiệp thép quay lại thị trường nội địa sẽ khiến các nước tăng cường bảo hộ thương mại, ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu của Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt Nam nên làm gì tiếp theo?

Trước tình hình đó, Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ khuyến cáo các doanh nghiệp cần đánh giá chặt chẽ tình hình và điều chỉnh chiến lược kinh doanh cho phù hợp, tiếp tục tận dụng các thị trường đã ký kết FTA với Việt Nam để giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Đồng thời, tuân thủ quy định về nguồn gốc xuất xứ do Mỹ đang đẩy mạnh các biện pháp phòng vệ thương mại. Hiện đã có 34 vụ kiện phòng vệ thương mại liên quan đến thép và 2 vụ điều tra đối với nhôm.

Doanh nghiệp cũng cần hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ Thương mại) và các cơ quan đại diện ngoại giao để theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời phản ứng trước các chính sách thương mại mới của Mỹ.

>>Việt Nam xuất khẩu thép sang Mỹ đạt 1,2 tỷ USD, đối diện thách thức lớn khi ông Trump áp thuế 25%

Việt Nam xuất khẩu thép sang Mỹ đạt 1,2 tỷ USD, đối diện thách thức lớn khi ông Trump áp thuế 25%

Thủ tướng đề nghị Hòa Phát (HPG) đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất thép ray cho đường sắt cao tốc Bắc – Nam 67 tỷ USD

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/my-ap-thue-25-voi-thep-va-nhom-doanh-nghiep-viet-nam-van-con-co-hoi-xuat-khau-nhung-bien-loi-nhuan-se-giam-275796.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Mỹ áp thuế 25% với thép và nhôm, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn cơ hội xuất khẩu nhưng biên lợi nhuận sẽ giảm
    POWERED BY ONECMS & INTECH