Ông Trầm bê, vị doanh nhân từng "dính" đến rất nhiều sự kiện rúng động ngành ngân hàng, vừa ra tù sau 7 năm thi hành án.
Đặc biệt, Công ty Sơn Sơn được biết đến là doanh nghiệp chuyên về chiếu xạ, diệt khuẩn các mặt hàng nông sản phục vụ xuất khẩu, chiếm lĩnh toàn bộ thị trường chiếu xạ thanh long tại Việt Nam lúc đó. Đến nay, ngành chiếu xạ tại Việt Nam vẫn đang là ngành nghề “hot”. Bệnh viện dân lập Triều An là nơi ông Trầm Bề nhiều năm giữ cương vị Chủ tịch HĐQT, đến nay Bệnh viện này vẫn là một trong những bệnh viện có tiếng tại sài Gòn.
Xây dựng Bình Chánh (BCCI – mã chứng khoán BCI) công ty mà ông Trầm Bê có tên trong danh sách Hội đồng quản trị, được cổ phần hóa từ Công ty Đầu tư xây dựng Bình Chánh, thành lập tháng 10/1999 với vốn điều lệ ban đầu 18 tỷ đồng. Xây dựng Bình Chánh BCCI là một trong những doanh nghiệp sớm đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán từ năm 2009. Năm 2018 cổ phiếu BCI đã hủy niêm yết để thực hiện sáp nhập công ty. Trong thời gian hoạt động, Xây dựng Bình Chánh đã để lại nhiều dấu ấn trong lĩnh vực xây dựng thời đó.
Tuy làm lãnh đạo tại nhiều doanh nghiệp, nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau, và những doanh nghiệp đó đều tạo dấu ấn trên thị trường, nhưng ông Trầm Bê là một đại gia kín tiếng, thông tin về ông không nhiều trước khi vụ thâu tóm “rúng động” giới ngân hàng diễn ra.
Ông Trầm Bê bắt đầu tham gia vào lĩnh vực ngân hàng và trở Thành viên Hội đồng Quản trị của Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) từ năm 2004. Trong giai đoạn này, ngành ngân hàng Việt Nam đã có những bước tăng trưởng vượt bậc và Ngân hàng Phương Nam cũng nhanh chóng gia tăng lợi nhuận. Năm 2009 lãi lớn nhất 419 tỷ đồng, các năm 2008 và 2010 đều lãi trên 200 tỷ đồng. Giai đoạn năm 2007 cũng là lúc Công ty Vàng bạc đá quý Phương Nam, nơi ông Trầm Bê tham gia Hội đồng quản trị, được thành lập.
Tuy vậy ngay sau đó, vấn đề xuất hiện khi cổ đông, nhà đầu tư nhận thấy tỷ lệ nợ trên tổng tài sản đang gia tăng nhanh chóng. Năm 2010 tổng tài sản Ngân hàng Phương Nam đạt trên 60.200 tỷ đồng nhưng tổng nợ phải trả cũng vượt 56.600 tỷ đồng. Năm 2012 tổng nợ phải trả đã vượt 70.900 tỷ đồng trong khi tổng tài sản đạt gần 75.300 tỷ đồng. Tổng dư nợ hơn 43.600 tỷ đồng.
Năm 2012, ông Trầm Bê rời khỏi ngân hàng Phương Nam, bầu bổ sung con trai cả ông Trầm Bê - ông Trầm Trọng Ngân – vào Hội đồng quản trị, giữ chức vụ Phó chủ tịch HĐQT.
Trước thềm Đại hội cổ đông thường niên năm 2012 nhóm cổ đông lớn Eximbank còn gửi yêu cầu bầu lại toàn bộ HĐQT và Ban Kiểm Soát. Kết quả của kỳ Đại hội cổ đông thường niên năm đó đúng là đã thông qua việc từ nhiệm của 5 thành viên HĐQT đương nhiệm và bầu bổ sung thành viên HĐQT, nâng tổng thành viên HĐQT lên 10 trong đó có 1 thành viên HĐQT độc lập. Ở lần bầu cử này, một nhân sự đáng chú ý: ông Trầm Bê. Ông Trầm Bê gia nhập Sacombank ở vị trí Pho Chủ tịch HĐQT thường trực.
Chưa hết, con trai út của ông Trầm Bê – ông Trầm Khải Hòa – cũng được bầu làm Thành viên HĐQT của Sacombank từ tháng 5/2012. Ông Trầm Khải Hòa sinh năm 1988, thời điểm nhậm chức tại Sacombank ông Hòa 24 tuổi.
Vụ thâu tóm lịch sử này đã ghi dấu ấn trong ngành ngân hàng, được nhắc lại mãi như là một cuộc thâu tóm nhanh gọn, lớn nhất trong ngành và được nhắc lại như một điển hình của việc thâu tóm trong ngành ngân hàng.
Gia nhập Sacombank từ năm 2012 nhưng thực tế “bộ sậu” dưới thời ông Trầm Bê không tạo được nhiều đột biến tại ngân hàng này nếu lấy theo tiêu chí lợi nhuận. Những năm cuối khi ông Đặng Văn Thành còn điều hành, từ 2009 đến 2011 Sacombank vẫn đã có 2 năm đạt mức lợi nhuận trên 1.900 tỷ đồng sau thuế, trong đó năm 2011 đạt xấp xỉ 2.000 tỷ đồng. Năm 2012, sau loạt biến động, thay máu nhân sự, lợi nhuận sau thuế của Sacombank giảm một nửa, về mức 1.000 tỷ đồng.
Các năm 2013, 2014 lợi nhuận của Sacombank đã tăng trở lại, lên trên 2.200 tỷ đồng. Tuy vậy con số cũng nói lên rằng Sacombank không có sự tăng trưởng, lợi nhuận đi ngang mấy năm, trong khi các ngân hàng cùng ngành đã đạt được sự tăng trưởng mạnh. Thậm chí năm 2016, 2017 lợi nhuận sụt giảm mạnh khiến các nhà đầu tư, các cổ đông không khỏi đặt ra nhiều nghi vấn.
Câu chuyện nổi lên cũng từ sau khi ông Trầm Bê gia nhập không lâu, Đại hội cổ đông năm 2014 đã đưa việc sáp nhập Ngân Hàng Phương Nam (Southern Bank) vào Sacombank lên bàn nghị sự. Trùng hợp cùng thời điểm này tại Ngân hàng Phương Nam cũng đang bất ổn khi cổ đông lên tiếng chất vấn việc ngân hàng kinh doanh giảm sút, lợi nhuận còn hơn chục tỷ, cổ đông nghi ngờ về việc ngân hàng để nợ xấu tăng cao. Vấn đề sáp nhập vào Sacombank cũng được đề xuất.
Đề án sáp nhập ghi nhận tình trạng tài chính của Ngân hàng Phương Nam trước sáp nhập, trong đó cho biết đến 31/12/2014 tổng tài sản đạt hơn 82.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay gần 43.100 tỷ đồng. Các chỉ tiêu an toàn tài chính thể hiện tỷ lệ dư nợ cho vay/tổng tài sản là 52,6% và tỷ lệ cho vay/nguồn vốn huy động là 56,2%; tỷ lệ nợ xấ/tổng dư nợ 5,92%; tỷ lệ nợ quá hạn/tổng dư nợ đến 7,8%. Còn tại Sacombank, tổng tài sản trên 189.800 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay hơn 128.000 tỷ đồng.
Tỷ lệ hoán đổi lúc đó:
(1) 01 cổ phần Southern Bank được đổi thành 0,75 cổ phần của Sacombank sau sáp nhập.
(2) 01 cổ phần Sacombank được nhận thêm 0,3875 cổ phần của Sacombank sau sáp nhập, gồm cổ phần nhận thêm từ tỷ lệ chuyển đổi, từ cổ tức, cổ phiếu thưởng và thặng dư vốn cổ phần. Sacomnbank sau sáp nhập có vốn điều lệ hơn 18.852 tỷ đồng.
Tháng 10/2015 Ngân hàng Phương Nam chính thức “biến mất” sáp nhập vào Sacombank. Trong đề án sáp nhập, các khó khăn được đưa ra trong đó nhấn mạnh khó khăn từ việc xử lý vấn đề tài chính phát sinh từ Southern Bank, cũng khẳng định vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến ngân hàng sáp nhập là Sacombank, ảnh hưởng đến lợi nhuận trong ngắn hạn...
Vụ sáp nhập giữa Sacombank và Southernbank thời điểm đó cũng là vụ sáp nhập tiêu biểu của ngành ngân hàng Việt Nam.
Trên thực tế, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2015, 2016, đã đưa vấn đề sáp nhập Southernbank ra tranh luận gay gắt, quy trách nhiệm làm cho Sacombank “đi xuống” cho ông Trầm Bê và vụ sáp nhập.
Sau sáp nhập, tổng tài sản Sacombank tăng lên trên 292.000 tỷ đồng nhưng nợ phải trả cũng tăng nhanh chóng lên gần 270.000 tỷ đồng. Đặc biệt Sacombank giữ nguyên đà tăng nợ phải trả, lên đến trên 345.200 tỷ đồng vào năm 2017 - chỉ 3 năm sau vụ sáp nhập rúng động thị trường ngân hàng.
Năm 2017 vụ án liên quan đến vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam VNCB) được đưa ra xét xử, ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang của Sacombank bị bắt tạm giam, khởi tố với hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”.
Năm 2017 Ngân hàng Nhà nước cũng công bố chấm dứt vai trò điều hành, quản trị của ông Trầm Bê tại Sacombank. Trước đó ông Trầm Bê và con trai đã có đơn xin rời vị trí lãnh đạo tại Sacombank.
Sau xét xử đại án liên quan Phạm Công Danh và Ngân hàng xây dựng, ông Trầm Bê còn bị đưa ra xét xử liên quan vụ án “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Phương Nam.
Ở vụ án này, cáo trạng ghi rõ, Dương Thanh Cường (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH SXKD và Thương mại Thanh Phát) biết rõ khu đất 10,5ha thuộc 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nằm trong khu quy hoạh thuộc BQL khu Nam Thành phố Hồ Chí Minh không được đầu tư dự án, và GCN QSDĐ không thể sang tên cho Công ty Thanh Phát, nhưng vẫn mang đến Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh 6 để thế chấp vay 171 tỷ đồng. Sau đó bị cáo lại “mượn” lại 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên, lấy danh nghĩa công ty khác (công ty Bình Phát) để lập hồ sơ vay vốn, thế chấp để vay tiền tại Southernbank.
Ông Trầm Bê cùng các đồng phạm là cán bộ Ngân hàng Phương Nam lúc đó bị cáo buộc nhiều lần vi phạm quy định về điều kiện vay vốn, thẩm định tài sản, dẫn tới việc Dương Thanh Cường có cơ hội chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại cho Southernbank hơn 505 tỷ đồng.
Dính đại án, ông Trầm bê vào tù 7 năm, hai người con trai rời chức vụ tại ngân hàng. Còn con gái Trầm Thuyết Kiều vẫn “vững chân” tại Bệnh viện Triều An ở vị trí Thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc. Cá nhân bà Trần Thuyết Kiều cũng sở hữu 21,42% vốn điều lệ của Bệnh viện Triều An.
Ngoài bà Trầm Thuyết Kiều, nhiều người có tên trong danh sách cổ đông của bệnh viện Triều An đều có mối liên quan.
Ví dụ, ông Trần Ngọc Henry từng được xem là cánh tay đắc lực của ông Trầm Bê, đang là Chủ tịch HĐQT của bệnh viện, kế nhiệm vị trí của ông Trầm Bê. Bà Viên Tú Anh là chị vợ ông Trầm Bê. Cái tên Dương Thị Đẹt không được nhắc tới như người thân, nhưng cũng đã nhiều lần nhắc tới như là “nhóm Trầm Bê” ở nhiều phương diện.
Ở bệnh viện Triều An, còn một người họ Trầm kín tiếng là ông Trầm Sê, thành viên Ban kiểm soát. Ông Trầm Sê được biết đến là một trong 3 anh em nhà họ Trầm, cùng với Trầm Bê và 1 người anh em khác không thường xuyên xuất hiện ở vị trí lãnh đạo các doanh nghiệp.
Bệnh viện Triều An thành lập năm 1999, hiện tại bệnh viện có vốn điều lệ 490 tỷ đồng – là một trong những bệnh viện đa khoa lớn tại sài Gòn. Tình hình kinh doanh của bệnh viện Triều An khá ổn định khi doanh thu đạt quanh mức 400-600 tỷ đồng trong 6,7 năm trở lại đây ngoại trừ năm 2021 ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh. Năm 2021 doanh thu đạt 382 tỷ đồng và ghi lỗ gần 27 tỷ đồng. Còn các năm khác từ 2017 đến nay đều lãi hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
CTCP Chế biến thủy hải sản Sơn Sơn từng do ông Trầm Bê làm Chủ tịch HĐQT trong nhiều năm từ khi thành lập. Sơn Sơn được thành lập từ tháng 4/2001, hoạt động chính trong lĩnh vực chiếc xạ, diệt khuẩn các mặt hàng nông sản phục vụ xuất khẩu.
Trong nhiều năm liền Sơn Sơn đóng vai trò là doanh nghiệp độc quyền trong chiếu xạ thanh long xuất khẩu, vào cả những thị trường khó tính như Hoa Kỳ nhờ việc ký kết hợp đồng Co-operator với APHIS thuộc Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ.
Tuy vậy, năm 2021 thế độc quyền chiếu xạ trái cây đi Mỹ của Sơn Sơn bị phá khi Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát được Mỹ cho phép gia nhập chương trình chiếu xạ trái cây xuất khẩu vào quốc gia này. Chiếu xạ Toàn Phát được chính thức ký kết hợp đồng với APHIS từ cuối năm 2021 và bắt đầu khởi động lô hàng xuất khẩu đầu tiên cùng năm.
Việc Toàn Phát ký hợp đồng với APHIS cũng chính thức xóa thế độc quyền của Sơn Sơn trong việc chiếu xạ trái xây đi thị trường Mỹ.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt đủ điều kiện chiếu xạ, nhưng trước khi thế độc quyền được phá vỡ, tất cả các “mối” chiếu xạ đều phải đi qua Sơn Sơn, nhờ Sơn Sơn đại diện cho phía cung ứng Việt Nam chịu trách nhiệm, cam kết tài chính với phía Mỹ. Toàn Phát chia sẻ, cũng đã từng nhiều lần gửi công văn qua Sơn Sơn để tham gia chương trình nhưng không được đồng ý.
Kết quả của sự việc, Toàn Phát đã đi được đến bước ký hợp đồng trực tiếp với APHIS - mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành chiếu xạ hoa quả tại Việt Nam, xóa bỏ thế độc quyền.