Xã hội

Ký ức ‘khoét núi, ngủ hầm’ và niềm tin tất thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của cựu chiến binh 96 tuổi

Thái Hà - Minh Phát 07/05/2025 07:00

Đúng 71 năm kể từ Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Đại tá Nguyễn Hữu Tài vẫn lưu giữ những ký ức sống động về 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”. Từ những gian khổ kéo pháo, trận đánh mở màn Him Lam, đến khoảnh khắc lá cờ chiến thắng tung bay...

cover-web.png

Ngày 7/5/1954, chiến thắng vang dội của quân và dân Việt Nam tại Điện Biên Phủ đã làm nên một cột mốc lịch sử "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", đập tan "tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ" – nơi được mệnh danh là “pháo đài bất khả xâm phạm”, biểu tượng tự hào của quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương.

71 năm đã trôi qua, nhưng dấu ấn về một thời oanh liệt vẫn vẹn nguyên trong ký ức của những người lính từng trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ. Với họ, “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non” luôn là khúc khải hoàn bất diệt, khắc sâu vào tâm khảm.

Trong những ngày tháng 5 lịch sử của dân tộc, chúng tôi có cơ hội gặp gỡ Đại tá Nguyễn Hữu Tài – cựu chiến binh từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông sinh năm 1929 tại Hải Phòng, nguyên là Phó Cục trưởng Cục Quân huấn thuộc Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tá Tài giữ vai trò Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 209 Sông Lô - một trong hai đơn vị mạnh của Sư đoàn 312, có nhiệm vụ phối hợp tiêu diệt hoàn toàn cụm cứ điểm Him Lam, mở đầu thắng lợi cho chiến dịch.

img-1-web.png

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống, Đại tá sớm được tiếp cận với lý tưởng Cách mạng ngay từ thuở thiếu thời. Hoàn cảnh gia đình đã góp phần hình thành ở ông tinh thần yêu nước sâu sắc và ý chí chiến đấu kiên cường. Khi mới 16 tuổi, ông tích cực tham gia vào các hoạt động cách mạng. Trải qua nhiều năm chiến đấu tại các chiến khu khác nhau, ông từng bước trưởng thành và tích lũy kinh nghiệm thực tiễn phong phú. Năm 1950, Đại tá Tài chuyển về công tác tại Sư đoàn 312 và gắn bó với đơn vị này cho đến ngày Chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi hoàn toàn.

Năm nay, khi đã 96 năm tuổi đời, 80 năm tuổi Đảng, Đại tá Nguyễn Hữu Tài tóc đã bạc trắng, tai cũng đã lãng phần nào nhưng trí tuệ vẫn còn đầy mẫn tiệp, mắt tinh, chân tay nhanh nhẹn, giọng nói hào sảng. Phong thái của ông còn đầy vẻ hiên ngang, khí phách của người lính Điện Biên thuở ấy.

tit-1-mobi.png

Thưa Đại tá Nguyễn Hữu Tài, ông còn nhớ về cảm xúc những ngày đầu tham gia chiến dịch không? Tại thời điểm đó, Trung đoàn của Đại tá nhận nhiệm vụ gì?

Chiến dịch Điện Biên Phủ là một thử thách lớn. Trước khi chiến đấu, chúng tôi nhận nhiệm vụ mở đường từ Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ để kéo pháo. Con đường nhỏ hẹp, gập ghềnh, có những đoạn dốc nghiêng 60 độ, khiến việc kéo những khẩu pháo nặng hơn 2 tấn trở thành cuộc chiến gian khổ.

Ngày 17/2/1954, chúng tôi nhận nhiệm vụ kéo pháo vào trận địa. Với chiến lược ban đầu là “đánh nhanh, thắng nhanh", đơn vị chúng tôi nhận nhiệm vụ kéo pháo vào và chuẩn bị xung phong ở mặt hướng Tây của Điện Biên Phủ. Có thể nói, công cuộc kéo pháo vào trận địa là một cuộc chiến đấu cực kỳ khó khăn, gian khổ.

Sau 10 ngày vất vả, chúng tôi kéo được pháo vào vị trí nhưng bất ngờ nhận lệnh kéo pháo ra để thay đổi chiến thuật. Việc kéo pháo ra còn khó khăn hơn gấp trăm lần, khi lá ngụy trang khô héo, lộ dấu vết, khiến địch phát hiện và ném bom, bắn pháo. Dù tư tưởng anh em có lúc dao động, chúng tôi đã động viên nhau bằng quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh và tin tưởng vào sự chỉ huy của cấp trên.

img-2-web.png

Khó khăn lớn nhất đối với Đại tá khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ là gì? Ông cùng các đồng đội của mình đã vượt qua khó khăn đó bằng cách nào?

Chiến dịch Điện Biên Phủ là một thử thách khắc nghiệt với quân và dân ta. Trước hết, đây là lần đầu tiên chúng ta tham gia một trận đánh kéo dài liên tục trong 56 ngày đêm, từ khi mở màn ngày 13/3/1954 đến khi kết thúc vào ngày 7/5/1954.

Thực tế, cả thời gian chuẩn bị và chiến đấu kéo dài tới hơn 100 ngày trước đó, với hàng trăm cây số hào và công sự được đào hoàn toàn bằng sức người, chỉ với cuốc và xẻng. Có những chiếc xẻng mòn đến mức chỉ còn 2/3 lưỡi. Chúng tôi không chỉ xây dựng trận địa cho mình mà còn tạo hệ thống hào bao vây quân địch.

Đặc biệt là sự tấn công liên tục từ không quân và pháo binh địch. Máy bay địch thường xuyên ném bom vào bất cứ nơi nào có khói hay dấu hiệu hoạt động. Vì vậy, quân ta tuyệt đối không để lộ vị trí trong suốt quá trình chuẩn bị.

Một thách thức khác là vấn đề ăn uống. Để tránh bị phát hiện, chúng tôi phải nấu cơm từ đêm hoặc trước khi trời sáng nên hầu hết các bữa ăn đều là cơm nguội. May mắn là sau này, đồng chí Đinh Văn Mẫu đã cải thiện bằng cách sử dụng bếp Hoàng Cầm, loại bếp không khói đặc trưng nấu cơm nóng, đun nước nóng rồi dùng ống tre và túi vải chuyển đến từng chiến hào, từng trận địa. Nhờ sự tận tâm ấy, anh em chiến sĩ được thưởng thức những bữa cơm nóng, ly nước nóng giữa chiến trường khắc nghiệt, mang lại sự động viên lớn lao.

Còn nhớ khoảng thời gian gần một tháng đóng quân tại đồi D1, tôi từng trực tiếp mang cơm và nước đến trận địa chỉ huy ở đó. Cảm giác được uống một ngụm nước nóng, ăn một bữa cơm nóng sau bao ngày chỉ có cơm nguội thật sự quý giá.

quote-1-web.png

Nếu có thể kể về một nỗi sợ lớn nhất của Đại tá trong suốt quá trình tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ thì nỗi sợ ấy là gì?

Còn nhớ, một lần quân ta bắt được một tù binh, là sĩ quan của Pháp, khi biết quân đội ta định đánh Him Lam, tù binh này nói: “Ấy ấy, các ngài đừng đánh Him Lam, quân đội của họ mạnh lắm, không thắng được đâu”.

Thế nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói một câu mà tôi luôn ghi nhớ: “Trong từ điển quân sự Việt Nam, không có từ sợ”. Chúng tôi không sợ pháo địch, không sợ mưa bom bão đạn, không sợ đói khổ. Chính tinh thần ấy đã giúp bộ đội vượt qua những giới hạn của con người, vươn lên chiến đấu với ý chí sắt đá. Kẻ địch, dù sở hữu máy bay, đại bác, xe tăng vượt trội, không thể có được sức mạnh tinh thần ấy.

Kẻ địch cũng không bao giờ ngờ rằng, quân ta lại có một tinh thần kiên định vượt qua những yếu mềm tầm thường của con người, để quyết tâm đứng lên chống lại kẻ địch. Đó chính là kết quả của công tác chính trị, tư tưởng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và là một thành công lớn, giúp bộ đội vượt qua gian khó, chiến đấu bền bỉ và giành chiến thắng vang dội.

quote-2-web.png
tit-2-mobi.png

Trong 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt" của Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tá nhớ trận đánh nào nhất?

Trận đánh Him Lam là một kỷ niệm đặc biệt với tôi trong suốt quá trình tham gia chiến đấu tại Điện Biên Phủ. Sau nhiều ngày đào hầm, chuẩn bị trận địa, chúng tôi phải liên tục chiến đấu để giữ vững vị trí xuất phát do địch dồn dập cho xe tăng, cho pháo bắn vào trận địa do quân ta chuẩn bị.

Trước giờ xung phong, toàn đơn vị tập hợp nghe đọc thư của Bác Hồ, trong đó Người nhấn mạnh: “Các chú sắp ra trận, nhiệm vụ của các chú lần này cực kỳ khó khăn, gian khổ nhưng chúng ta nhất định phải chiến đấu. Bác chờ các chú báo cáo thắng lợi để Bác khen thưởng những đơn vị và những cá nhân lập thành tích xuất sắc". Tiếp đó là lệch của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi lời động viên, kêu gọi quyết chiến, quyết thắng.

Ngoài ra, đội văn công xung kích của Sư đoàn và Tổng cục Chính trị đã đến tận chiến hào, kéo violin, đánh đàn guitar biểu diễn bài hát như “Chiến sĩ Việt Nam” giữa tiếng pháo vang rền. Tiếng hát ấy đã khích lệ tinh thần, tạo nên khí thế chưa từng có, anh em vừa hát, vừa xông ra mặt trận. Đó là lần duy nhất trong đời tôi chứng kiến đội văn công biểu diễn ngay trước giờ xung phong, một khoảnh khắc không thể nào quên trong cuộc đời chiến đấu.

quote-3-web.png

Trận Him Lam là trận đánh mở màn trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở đường cho một trận đại thắng lịch sử. Khoảnh khắc nhận tin “cánh cửa thép” Him Lam bị xé toang, cảm xúc của Đại tá và đồng đội như thế nào?

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị của tôi là Trung đoàn 209 Sông Lô, thuộc Sư đoàn 312, đảm nhận vai trò phối hợp với Trung đoàn 141, một trong những đơn vị chủ công. Hai Trung đoàn này được giao nhiệm vụ tấn công vào cụm cứ điểm Him Lam.

Lúc bấy giờ, Him Lam là cụm cứ điểm mạnh do Tiểu đoàn 3 thuộc Bán Lữ đoàn Lê dương 1311 (3/13 DBLE) phòng giữ; gồm 3 cứ điểm vững chắc: Cứ điểm 1 (102) ở phía Tây (có Sở chỉ huy Tiểu đoàn 3), Cứ điểm 2 (101A) ở phía Đông Bắc và Cứ điểm 3 (101B) ở phía Nam. Cũng bởi vậy mà đây được đánh giá là một trong những trận đánh mở màn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của chiến dịch, diễn ra vào ngày 13/3/1954.

Trước giờ xung phong, không khí trong đơn vị vô cùng sôi nổi. Chiến sĩ Trần Can, một tiểu đội trưởng của Trung đoàn 209, được giao nhiệm vụ mang lá cờ chiến thắng do Bác Hồ trao tặng. Anh cuốn lá cờ, kẹp chặt vào khẩu súng tiểu liên và dẫn đầu đội hình xung phong. Tôi vẫn nhớ hình ảnh Trần Can đi qua trước mặt chúng tôi, ánh mắt tràn đầy quyết tâm. Anh từng chia sẻ trong những trận đánh trước đó rằng mình hy vọng sẽ là người cắm lá cờ chiến thắng đầu tiên.

quote-4-web.png

Sau hơn một giờ chiến đấu ác liệt, đơn vị chúng tôi đã hoàn toàn tiêu diệt đại đội thứ ba của Tiểu đoàn 13 thuộc Bán Lữ đoàn Lê dương số 13. Khi đồng chí Trần Can cắm lá cờ chiến thắng lên đỉnh cứ điểm Him Lam vào khoảng 21h ngày 13/3/1954, cả đơn vị vỡ òa trong niềm vui và tự hào. Toàn thể cán bộ, chiến sĩ ôm nhau, reo hò, sung sướng trước chiến công vang dội. Đó là lần đầu tiên quân ta đánh thắng một cứ điểm trong một tập đoàn cứ điểm kiên cố của địch.

Chiến thắng tại Him Lam là minh chứng cho sự đúng đắn trong quyết tâm và sự thay đổi chiến thuật của Bộ Chỉ huy chiến dịch, dưới sự lãnh đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trận đánh không chỉ mở đầu thắng lợi cho Chiến dịch Điện Biên Phủ mà còn khơi dậy niềm tin mãnh liệt trong toàn quân rằng chúng ta có thể tiêu diệt từng cứ điểm của địch, dù kiên cố đến đâu. Với cá nhân tôi và đồng đội, việc chứng kiến lá cờ chiến thắng của Bác Hồ trao tặng tung bay trên cứ điểm Him Lam là niềm vinh dự lớn lao, một kỷ niệm không thể nào quên trong suốt hành trình chiến đấu.

Chiến công này đã tiếp thêm khí thế để chúng tôi tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ sau đó, góp phần vào thắng lợi lịch sử của Chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954.

tit-3-mobi.png

Thưa Đại tá Nguyễn Hữu Tài, ông có thể chi tiết về trận đánh ngày 7/5/1954 được không?

Theo lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đúng 14h ngày 7/5, tất cả pháo chiến dịch yểm trợ cho Trung đoàn chúng tôi để tiêu diệt cứ điểm 507.

Lúc đó, anh em trong đơn vị đều quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Đồng chí Tạ Quốc Luật khi đó đang là Đại đội trưởng Đại đội 360 thể hiện quyết tâm: “Lần này mà không tiêu diệt được địch thì chúng tôi không dám về báo cáo Trung đoàn”.

Đúng 14h ngày hôm ấy, chúng tôi được phóng chi viện, lần lượt phá bỏ từng lớp bảo vệ tại thành trì của địch, anh em xung phong thuận lợi. Chúng tôi đã tiêu diệt thành công 507, phát triển sang 508, 509 và các cứ điểm cạnh.

15h ngày 7/5, lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Không chờ trời tối, các đơn vị quyết tâm xung phong vào sở chỉ huy địch”. Thừa thắng xông lên, anh em vượt qua cầu Mường Thanh và tiến vào sở chỉ huy địch, bắt sống tướng De Castries, lập nên chiến công bất diệt ở Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đối với tôi, đó vừa là niềm vui sướng và hân hạnh của đời mình khi được tham gia một trận chiến thành công như thế.

img-3-mobi.png

Khi biết tin tướng De Castries bị bắt sống và Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, cảm xúc của ông như thế nào?

Khi Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật báo cáo đã bắt sống tướng De Castries và giải về sở chỉ huy Trung đoàn, chúng tôi ôm nhau reo hò. Tiếng reo vang từ sở chỉ huy lan ra trận địa, chiến hào, hòa trong niềm vui chiến thắng. Lúc đó, anh em chỉ nghĩ từ nay không phải ngủ hầm, được ăn cơm nóng – những điều giản dị nhưng đầy ý nghĩa sau bao gian khổ.

quote-5-web.png

Theo ông, sức mạnh to lớn nào đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu?

Nhiều nhà lịch sử, nhà quân sự đều có một câu hỏi: Điều gì đã làm nên sức mạnh to lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam trong Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đó là một câu hỏi có ý nghĩa lịch sử rất lớn.

Đầu tiên là sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ quyết tâm tiêu diệt quân địch - đó là một ý chí, quyết tâm rất lớn.

Thứ hai, Bác Hồ dặn Đại tướng có chắc thắng thì mới đánh, không chắc thắng thì không đánh. Câu nói đó làm Đại tướng suy nghĩ suốt một đêm và quyết tâm chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc”. Đó là sự thay đổi lịch sử, góp phần làm nên tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên thế giới.

Thứ ba, nhờ quyết tâm của Trung ương Đảng và Bác Hồ với mục tiêu: “Tất cả cho tiền tuyến”. Hàng vạn dân công và thanh niên xung phong (TNXP) đã được huy động trên một tuyến đường rất dài (500km), từ hậu phương ra tiền tuyến để tiếp tế.

Theo tính toán, để đủ 16.000 tấn gạo phục vụ bộ đội trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngành hậu cần phải huy động 384.000 tấn, vì cứ 1kg gạo đến đích thì mất 24kg ăn dọc đường… Nói vậy để thấy rằng quyết tâm rất cao của Đảng và Nhà nước, huy động lực lượng vô cùng lớn từ hậu phương ra tiền tuyến.

Bên cạnh đó, quyết tâm thể hiện ở từng chiến sĩ, cán bộ: Lần này nhất định phải tiêu diệt quân thù. Cho nên khó khăn, gian khổ, hy sinh thế nào cũng không chùn bước. Cơ quan lãnh đạo làm cho quyết tâm chuyển biến đến từng chiến sĩ một, từng chiến sĩ đều có quyết tâm ấy.

tit-4-mobi.png

Chứng kiến đất nước ngày một to đẹp, phát triển hơn, cảm xúc của Đại tá như thế nào?

quote-6-web.png

Lời khẳng định của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng “đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” khiến tôi vô cùng trân trọng. Từ một xuất phát điểm thấp, khi nền kinh tế bị tàn phá bởi chiến tranh, chịu cấm vận và những khó khăn từ thời bao cấp, đất nước đã vượt qua muôn vàn thử thách để vươn lên mạnh mẽ.

Việt Nam hôm nay đã có những sự đổi mới tư duy, đặc biệt trong việc khuyến khích kinh tế tư nhân và phát triển kinh tế thị trường; đường lối ngoại giao linh hoạt đã giúp đất nước xây dựng uy tín quốc tế, giữ vững hòa bình và trở thành bạn bè của tất cả các quốc gia. Điều này không chỉ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mà còn khiến tôi tự hào khi thấy vị thế của đất nước ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế.

Việc khuyến khích sáng tạo và đổi mới đã khơi dậy tiềm năng to lớn, đúng như lời Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói về “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Đặc biệt, việc tinh gọn bộ máy từ ba cấp xuống hai cấp và giảm số lượng tỉnh là một bước đột phá khiến tôi vô cùng ấn tượng. Tôi từng trăn trở về bộ máy hành chính cồng kềnh, nhưng nay Nhà nước đã mạnh dạn phá bỏ sức ì, tạo khí thế mới. Việc tái cơ cấu này không chỉ tiết kiệm hàng trăm nghìn tỷ đồng từ đất đai, trụ sở mà còn mở ra tiềm lực lớn để đầu tư phát triển.

Với tôi, đây là một cuộc cách mạng hành chính đầy ý nghĩa, mang lại sức bật mới cho đất nước. Nhìn đất nước ngày càng to đẹp, đàng hoàng, tôi tin tưởng rằng với sự đồng lòng và quyết tâm, Việt Nam sẽ tiếp tục vươn xa, khẳng định vị thế của một dân tộc không ngừng tiến lên.

img-4-web.png

Là người từng sống trong thời kỳ gian khổ của đất nước, cũng là người trực tiếp chứng kiến những cuộc chiến ác liệt nhất, ông có lời nhắn nhủ gì tới thế hệ trẻ hôm nay?

Tôi có một bài học khắc cốt ghi tâm từ những năm tháng kháng chiến, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đó là: “Quyết tâm chiến đấu, vượt qua mọi tư tưởng tiêu cực, không ngại hy sinh, không sợ gian khổ”.

Bài học này đã theo tôi suốt cuộc đời, từ những ngày kháng chiến chống Pháp, qua Chiến dịch Điện Biên Phủ, đến các chiến dịch chống Mỹ ở miền Nam. Dù đối mặt với bất kỳ khó khăn nào, tôi luôn nhắc mình không được phép lùi bước.

Bài học ấy thậm chí có thể được áp dụng cho cả thế hệ trẻ hôm nay, trước bất kể khó khăn, gian khổ, thách thức ra sao, chỉ cần ta đủ kiên định, duy trì ý chí quyết tâm thì nhất định sẽ thắng lợi.

quote-7-web.png

Nhìn đất nước hôm nay, tôi thấy các bạn đang được trao những điều kiện lý tưởng để phát huy trí tuệ, tinh thần và nghị lực. Con đường phía trước rộng mở hơn bao giờ hết. Ngày trước, tôi không dám mơ đến việc bước chân vào giảng đường đại học, nhưng giờ đây, hầu hết con cháu tôi đều tốt nghiệp đại học, đạt được những thành tựu mà thế hệ chúng tôi từng nghĩ là không thể.

Việt Nam đang sống trong hòa bình, không đối mặt với kẻ thù trực tiếp, đồng thời duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các cường quốc. Những rào cản lớn đã được dỡ bỏ, mở ra một con đường thênh thang để đất nước tiến lên. Thế hệ trẻ hôm nay, với tri thức vững vàng, cơ hội rộng mở và môi trường thuận lợi, chính là niềm hy vọng lớn nhất của dân tộc.

Xin cảm ơn Đại tá Nguyễn Hữu Tài về những chia sẻ vừa rồi!

>> Đại đội trưởng quê Thái Bình bắt sống tướng De Castries, được phong Anh hùng LLVT nhân dân, khen thưởng 16 lần vì thành tích xuất sắc

Theo Thị trường Tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/ky-uc-khoet-nui-ngu-ham-va-niem-tin-tat-thang-trong-chien-dich-dien-bien-phu-cua-cuu-chien-binh-96-tuoi-141774.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Ký ức ‘khoét núi, ngủ hầm’ và niềm tin tất thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của cựu chiến binh 96 tuổi
    POWERED BY ONECMS & INTECH